Thứ ba, 22/10/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Cập nhật lúc 09:34 10/09/2024

 
THẬP GIÁ TÌNH YÊU

“Ôi thật giá nguồn tình yêu vĩnh cửu
    Chúa đã dùng thập giá cứu muôn dân
Bởi nhân loại bao tội lỗi ngập tràn
    Cây thập giá đã cho con nguồn sống”

 
 
Thập giá là biểu tượng của thất bại và sự chết. Nhưng khi được dương cao trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới. Thập giá trở thành vinh quang của Thiên Chúa và nguồn ban ơn cứu độ cho loài người.
Bài học đẹp nhất mà cây thập giá dạy cho chúng ta đó là bài học về lòng yêu thương và vinh quang bất diệt của Thiên Chúa. Những lời nói cuối cùng mà Chúa Giêsu trước lúc tắt hơi trên thập giá không phải là những lời chửi rủa mà là những lời dịu dàng yêu thương: “Lạy cha xin tha cho họ” (Lc 23,34). “Tôi nói thật với anh, ngày hôm nay anh sẽ được lên thiên đàng với tôi” (Lc 23,43). “Thưa bà này là con bà” (Ga 19,26). Tình thương đó Chúa đã dành cho ai? Trước hết là cho kẻ thù, kế đến cho người tội lỗi và thứ ba là cho kẻ thánh thiện.
Khi chịu treo trên cây thập giá Chúa Giêsu đã biến thập giá thành biểu tượng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới có thể lý giải được ý nghĩa của sự hy sinh, một sự hy sinh cho đến cùng dành cho con người. Chúa Giêsu không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người, nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người. Thay vì thập giá là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Chúa Giêsu thập giá đã trở nên biểu tượng của sự sống tự chiến thắng tội lỗi và là niềm vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi.
Lễ suy tôn Thánh Giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hạ, một tình yêu tự nguyện, một tình yêu chia sẻ thân phận con người, đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh. Một tình yêu tự hiến để kết nối Thiên Chúa với nhân loại và kết nối nhân loại với nhau.
Mang thân phận con người, chúng ta không tránh khỏi những cơn cám dỗ thoát khỏi thập giá. Đây là cơn cám dỗ thường xuyên với con người ngày hôm nay, là kiếm tìm một Đức Giêsu không thập giá; là một thứ “Kitô giáo” dễ dãi và hợp thời hơn; là khát khao một thứ Tin Mừng không muốn không nhuốm nước mắt.
Cũng như Phêrô can ngăn Chúa Giêsu về chuyện Ngài tuyên bố về cuộc tử nạn. Chúng ta bị cám dỗ để trốn tránh thập giá, trốn tránh những đau khổ của kiếp người. Nếu chúng ta cố tìm một Chúa Giêsu không thập giá chúng ta sẽ gặp thập giá mà không có Chúa Giêsu. Cuộc tử đạo trong đời sống hằng ngày của chúng ta cần có Chúa để từ đó chúng ta không còn nhìn thập giá như một chướng ngại nhưng là một cơ hội và cách thế thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô, tạo nên sự say mê và niềm tín thác như thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định trong mọi trường hợp, chính trong tâm thái này mà tâm hồn chúng ta vẫn luôn được bình an và thanh thoát cả trong những nỗi ngặt nghèo. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị giằng co và nhức nhối khôn nguôi bởi những nỗi trăn trở từ chính tâm hồn mình giữa cái muốn mà không muốn, giữa cái làm mà không làm, giữa cái cho đi và khước từ, giữa cái dấn thân và đòi hỏi, giữa cái sống và cái chết...Bởi vậy, trong sách “Gương Chúa Giêsu” có viết: “Có rất nhiều kẻ muốn lên Thiên Đàng với Chúa Giêsu nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người”.
Người Kitô hữu bước theo Đức Kitô (Sequela Christi) là biến thập giá hằng ngày thành phương thế và cơ hội cho sự phục sinh, cho tình yêu và công lý. Vì thế, chúng ta được mời gọi loại trừ khỏi lòng mình những khát vọng tư lợi, vị kỷ, cái tôi và nếp sống dễ dãi buông thả của con người tự nhiên. Nhờ sự từ bỏ này mà chúng ta được trở nên trống rỗng trước Thiên Chúa, để xứng đáng đón nhận cuộc sống mới nơi Đức Kitô phục sinh.
Bước theo Đức Kitô trong ơn gọi của phép rửa mỗi người chúng ta cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người. Thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa là chúng ta được thông phần vào cuộc tử nạn và phục sinh của Người.
Thập giá Đức Kitô giúp chúng ta tìm được sức mạnh để bước đi trong cuộc đời đầy gian nan thử thách này như Chúa nói: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”( Ga 16,33)
Với tất cả tâm tình yêu mến Đấng chịu đóng đinh, chúng ta được mời gọi mỗi ngày vươn lên để cuộc đời tỏa lan hương thơm tình yêu thập giá Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cuộc sống mỗi ngày, chúng ta liên kết mọi vui buồn sướng khổ, mọi biến cố nhỏ to trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa
Suy tôn Thánh Giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình mà còn là lời mời gọi mỗi người sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quấn mình trong đau khổ và tội lỗi.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhìn lên thánh giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời. Amen.

 
Anna Nguyễn Thị Tám- Cộng đoàn Sơn Tây
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log