Các Thánh Là Mẫu Gương Của Sự Thánh Thiện Cho Đời Sống Thánh Hiến
Giáo Hội đặc biệt dành ngày 01 - 11 hằng năm để mừng đại lễ kính các Thánh Nam Nữ. Vậy các ngài là ai? Đây cũng là câu hỏi mà thánh Gioan Tông Đồ đặt ra cho “vị trưởng lão”, khi trong một thị kiến, ngài được đưa lên trên các tầng trời. Tác giả đã thuật lại trong sách Khải Huyền rằng: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,9-10). Như thế, các Thánh là những con người như chúng ta, nhưng đã kết thúc cuộc đời trần thế và nay đã được về Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa, bởi vì các ngài “
đã trải qua cơn thử thách lớn lao, họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (X. Kh 7,13-14). Vì thế, giờ đây các ngài đang được chiêm ngưỡng nhan Thiên Chúa. Đời sống của các ngài trở thành gương mẫu cho các Kitô hữu nói chung và cho người sống đời thánh hiến nói riêng về hai điểm này:
1. Đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời mình: Thật thế, các ngài đã đặt Chúa làm trên hết, đặt Chúa làm chủ cuộc đời, làm trung tâm, là cùng đích cho cuộc đời mình. Đã thuộc trọn về Chúa, gắn bó cuộc đời mình với Chúa, đã phụng sự Chúa, đã đi con đường mà Đức Giêsu đã đi. Các Ngài đã sống các mối phúc mà Đức Giêsu đã dạy. Các Ngài đã tận hiến mình cho Thiên Chúa, đã hy sinh cuộc đời để phục vụ Chúa và Giáo hội của Ngài. Đã biến cuộc đời mình trở thành một hy lễ để dâng lên Thiên Chúa. Các ngài đã không ngừng để trở nên thánh mỗi ngày như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã biến những công việc, hy sinh nhỏ bé thành giá trị lớn lao bằng tình yêu. Hay thánh Maria Goretti đã cố gắng để bảo vệ sự trinh tiết của mình để hiến cho Chúa. Hay thánh Maximilian Kolbe đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì tha nhân. Hay như thánh PhaoLô từ một người bắt đạo nhưng rồi đã trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại, đã say mê thập giá Đức Kitô đến nỗi ngài nói: “ Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Hay các thánh tử đạo đã chấp nhận hy sinh mạng sống, đổ máu vì danh Đức Kitô… và rất nhiều gương của các Thánh khác nữa. Các Ngài đã trở nên những con người vĩ đại vì các Ngài đã dám chấp nhận từ bỏ mình để thuộc trọn về Chúa, đã sống một cuộc đời thánh thiện. Các ngài đã trở nên những gương mẫu cho chúng ta và cách riêng cho những người sống đời thánh hiến, bởi vì các ngài đã chọn phần tốt nhất là chọn chính Thiên Chúa và đã đặt Chúa làm chủ cuộc đời mình. Giữa một xã hội đề cao cái tôi, quyền lực, địa vị, tiền bạc, hưởng thụ, giàu sang, danh vọng… thì những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi từ bỏ để bước theo Đức Kitô, hiến thân trọn vẹn cho Ngài và đi trên con đường mà Ngài đã đi, đó là con đường thập giá, hy sinh, từ bỏ, nghèo khó… Cần phải để Chúa làm trung tâm, làm chủ và là cùng đích cho cuộc đời mình.
Là người thánh hiến ta hãy noi gương các Thánh, không để điều gì khác chi phối và hấp dẫn ngoài Đức Kitô. Không tìm kiếm gì khác ngoài Đức Kitô và không gì khiến tâm hồn và con tim lay động ngoài tình yêu Đức Kitô.
2. Biết chọn lựa những giá trị vĩnh cửu: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người luôn bị ảnh hưởng bởi những chọn lựa các giá trị thế tục, chọn lựa những giá trị chóng qua, rẻ tiền, tạm thời và không cố định. Chọn lựa những giá trị theo số đông, theo cộng đồng mạng hoặc theo xu hướng của lối sống, văn hoá của thời đại hôm nay. Là người thánh hiến ta cũng bị ảnh hưởng và tác động bởi những giá trị thế tục mà con người thời đại đang bày ra trước mặt, chẳng hạn như: sắc đẹp, sự giàu sang, giá trị của những món đồ trang sức, hay giá trị của một con người khi khoác lên mình những bộ trang phục sang chảnh, đeo những cái túi hay đôi giày hàng hiệu… tạo nên nét kiêu sa, quý phái, là niềm mơ ước của bao người…giá trị của những món ăn, món đồ….
Các Thánh thì khác, các ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ chọn lựa Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu của đời mình. Các ngài đã sẵn sàng lội ngược dòng đời, đi vào con đường ngược chiều để chọn Đức Kitô, chọn những giá trị Tin mừng là lý tưởng và hạnh phúc duy nhất của đời mình. Các ngài sẵn sàng mất tất cả để được tất cả. Giờ đây, các ngài được tôn vinh và trở thành nguồn cảm hứng cho Giáo hội và tất cả người Kitô hữu, đặc biệt người thánh hiến. Chúng ta cũng hãy rập khuôn đời mình trong Đức Kitô, để bước theo Ngài, chọn lựa Ngài là hạnh phúc duy nhất của đời mình, để sau này ta cũng sẽ trở nên thánh thiện như Cha trên trời là Đấng Thánh và như các Thánh Nam Nữ mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.
Cộng đoàn Hầu Thào
====== o0o ======
CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
(Mt 5,1-12a)
Trong “Kinh Tin Kính”, Công Đồng Nicea đã tuyên tín rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Quả thế, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, trong đó có thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới hữu hình chính là toàn thể vũ trụ đang chuyển động mà con người chúng ta là một trong những thành phần hiện diện trong đó. Còn thế giới vô hình là nơi mà các Thiên Thần và các Thánh đang được diễm phúc chiêm ngưỡng thiên nhan Thiên Chúa. Vậy các Thánh là những ai? Làm thế nào mà họ lại được hưởng hạnh phúc tuyệt vời như vậy? Chắc chắn sẽ có nhiều người thắc mắc mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Sách Khải Huyền đã chỉ cho chúng ta biết một chút về thế giới này, họ là những người đã được đóng ấn trên trán (x. Kh7,3-4), “một đoàn người thật đông không thể nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh7,9). Tuy nhiên, để biết rõ được tiêu chuẩn của các Thánh như thế nào thì chính Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết qua “Tám mối phúc” hay còn gọi là “Hiến Chương Nước Trời”. Như vậy, các thánh là những người đã bước đi trên con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ và các ngài đã thành công.
- Đường tâm hồn nghèo khó
Với thánh sử Luca, những người có phúc là những người sống sự nghèo khó từ bên ngoài, sống sự nghèo khó thực sự về vật chất, tiện nghi, của cải. Nhưng với thánh Matthêu, sự nghèo khó không chỉ ở bề ngoài nhưng phải được bắt nguồn từ sự sâu xa bên trong, một “tinh thần nghèo khó” (Mt5,3). Ở đây, Matthêu đã chú trọng đến tình trạng tâm hồn hơn là giai cấp nghèo khổ trong xã hội. Những người có tinh thần nghèo khó có thể là những người có tinh thần siêu thoát với của cải vật chất giống như Dakêu, nhưng cũng là người biết khước từ chính mình để cậy dựa vào Thiên Chúa giống như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Phanxicô Assidi. Người có tinh thần nghèo khó là những người khiêm tốn, tự hạ, không kiêu căng tự mãn, luôn nhẫn nhục, biết đón nhận và phó thác. Đặc biệt, họ đã sống chính cái nghèo bản thể của mình chỉ là một thụ tạo trong tay Đấng Tạo Hóa, là nắm đất sét trong tay người thợ gốm; bởi thế, bản chất thật của con người không là gì cả nếu Thiên Chúa không ban cho sự sống, sức khỏe, tài năng… tất cả đều là của Thiên Chúa. Con người chỉ là người quản gia quản lí tất cả những tài sản đó mà thôi.
Các thánh là những người đã sống tinh thần nghèo khó cách triệt để, không tham lam vô độ, không thu tích cho bản thân, không tính toán thiệt hơn hay lo lắng quá nhiều cho những vấn đề vật chất ở đời này. Cuộc sống của họ là tìm kiếm Chúa, gia nghiệp của họ chính là Thiên Chúa. Bởi thế, họ là những người mang quốc tịch “Nước Trời”, được Thiên Chúa đón nhận làm công dân của Ngài và luôn sống trong hạnh phúc viên mãn.
- Đường hiền lành
Với quan điểm của xã hội ngày nay, ai sống hiền lành quá sẽ bị coi là ngu đần, dại dột, yếu thế. Phải luôn bon chen, cạnh tranh thì mới có cơ hội để tiến thân được. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại cho rằng: “Phúc thay ai hiền lành”. Vậy “hiền lành” ở đây được hiểu như thế nào? Thánh Vịnh 37 đã dạy rằng: “Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xảo trá. Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung, đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi” (Tv 37,1-8). Như thế, người hiền lành là người không nóng nảy, không khắt khe hung bạo nhưng là người đầy lòng bao dung, biết cảm thương và chia sẻ với người khác. Mặt khác, hiền lành còn cho chúng ta thấy rằng chiến thắng cuối cùng không đến từ bạo lực nhưng đến từ sự nhẫn nại, khoan dung.
Các thánh là người đã sống hiền lành theo gương mẫu của Thầy Giêsu Chí Thánh vì Người luôn mời gọi: “Hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt11,29). Chính Chúa Giê su là một gương mẫu tuyệt hảo về đời sống hiền lành. Ngài hiền lành khi bị mắng nhiếc, sỉ vả, đánh đập và bị đóng đinh trên thập giá. Chính trên nơi cao ấy, Ngài đã làm một nghĩa cử rất đẹp là xin tha thứ cho những người đã giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc23,34). Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra những tiêu chuẩn rất kĩ càng trong việc tuyên bố tuyên phong một vị hiển thánh, trong đó hiền lành và khiêm nhường là một trong những điều kiện không thể thiếu. Người hiền lành luôn chỉ biết tha thứ chứ không bao giờ nghĩ đến việc trả thù, hiền tới mức không bao giờ có ý định chống cự người ác, nhưng trái lại “nếu ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5,39-41). Phần thưởng của những người sống hiền lành là sẽ được Thiên Chúa cấp cho một cuốn sổ đỏ mang tên “Đất Hứa” trong Nước của Ngài.
- Đường sầu khổ
Cuộc đời con người là một hành trình. Trên hành trình đó, không phải lúc nào cũng bước đi trên hoa hồng nhưng sẽ có lúc chạm phải gai nhọn, không phải lúc nào cũng tìm thấy niềm vui nhưng có lúc sẽ gặp phải nỗi buồn, không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng có khi sẽ thấy nhiều khó khăn thử thách, không phải lúc nào cũng bình an nhưng có ngày sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Trong những lúc cuộc đời đen tối như vậy thì Chúa Giê su lại cho đó là một mối phúc “Phúc thay ai sầu khổ”. Phải chăng Chúa Giêsu đang đi ngược lại với giá trị ở đời mà nhiều người đang tìm kiếm là niềm vui hay sao? Chắc chắn, khi mới đọc lướt qua Tin Mừng thì nhiều người sẽ bị dội vì lời khẳng định này của Chúa Giêsu, nhưng khi ngẫm lại một cách thật sâu sắc thì chúng ta sẽ nhận ra chân lý thực sự đằng sau hai từ “sầu khổ” mà Ngài muốn nói đến. Sầu khổ ở đây mang một ý nghĩa tích cực, một ý nghĩa mang tính cứu độ. Ngang qua việc ban phúc cho ngững người sầu khổ, Chúa Giêsu đang chất vấn mỗi người chúng ta: Khi cuộc đời lâm vào cảnh đau thương nhất thì bạn tìm nương tựa nơi ai? Vào người đời hay vào Thiên Chúa? Vào những điều tạm bợ giả dối hay vào thánh ý của Người? Phúc thay những người biết tìm an ủi nơi thánh ý của Thiên Chúa, nơi bàn tay xót thương của Người.
Các thánh là những người đã sống sự sầu khổ như vậy đó. Các ngài luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, phó thác đời mình cho Chúa và luôn sống tâm tình tạ ơn trong mọi hoàn cảnh (x.1Tx 5,18). Bởi thế, các ngài đã được Thiên Chúa luôn cận kề, an ủi và nâng đỡ để vượt qua mọi gian lao thử thách ở đời. Legrix là một người tàn tật, bà bị cụt hết tay chân từ khi mới sinh, vậy mà bà đã trở thành một họa sĩ và một nhà văn lừng danh khắp nơi. Tác phẩm đầu tiên của bà là cuốn hồi kí mang tên “Je suis nesee comme ca” (Trời sinh ra tôi như thế đấy). Khi phóng viên của tờ báo Le Pèlerin phỏng vấn: “Bà có khổ không”. Bà cười một cách giòn rã rồi truyên bố: “Tôi không khổ, vì tôi biết là Chúa thương tôi” (Giáo lý dự tòng - Lm. Pio Ngô Phúc Hậu). Như thế, mối phúc cho những ai sống trong sầu khổ không có ý nói đến khía cạnh tiêu cực nhưng là việc sống tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa trong đời sống của mình.
- Đường khát khao nên công chính
Đây là một khát khao phù hợp với ý định của Thiên Chúa và con người đã, đang và sẽ dùng mọi nỗ lực để đạt tới cuộc sống đó. Công chính ở đây không chỉ là sự công bằng xã hội, cũng không phải là sự công thẳng của Thiên Chúa nhưng là một cuộc sống đẹp lòng Chúa và tha nhân. Điều này đã được quả quyết trong Thánh vịnh 15:
Lạy Chúa ai được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trong núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan,
không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời.
Lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời.
Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này, không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
Có thể nói rằng tất cả những ai sống và thực hành những điều Thiên Chúa dạy bảo ngang qua những lời của Thánh vịnh này thì đáng được coi là người có phúc. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu chính là mẫu gương tuyệt hảo nhất về đời sống công chính. Ngài được gọi là công chính vì đã sống trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời, cho dù hoàn cảnh đời sống có khó hiểu như khi nghe tin Đức Maria thụ thai không phải con của mình, khi gặp khó khăn như ngày Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giê su ở Bêlem, những ngày vất vả chật vật đưa con đi trốn bên Ai Cập, rồi lại sống khó nghèo tại Nadarét…Chính những điều này càng diễn tả một đời sống công chính thánh thiện của ngài vì trong hoàn cảnh éo le nhát của cuộc đời ngài vẫn luôn cầu nguyện, tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa.
- Đường xót thương
Trong bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Vâng, sống trong đời sống cần có một tấm lòng, một tấm lòng biết rung cảm trước những đau thương khốn khổ của người khác, một tấm lòng biết tìm đến nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời “không lành lặn”. Một tấm lòng biết xót thương thực sự sẽ không chỉ dừng lại nơi những tư tưởng, suy nghĩ nhưng sẽ được thể hiện bằng những hành động cụ thể giống như người Samari nhân hậu trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã kể. Tuy anh ta là một người ngoại, không quen biết với người bị hại, còn bị người Do Thái khinh thường nhưng không vì thế mà anh dửng dưng trước một người bị nạn đang cần đến sự giúp đỡ của anh. Quả vậy, tình thương thì không phân biệt người cần giúp là người tốt hay người xấu, là người giàu hay người nghèo, là người tri thức hay người bình dân nhưng chỉ là những người đang cần đến sự trợ giúp của họ, cần một bàn tay đưa ra để họ nắm lấy mà thôi. Mẹ Têrêsa Caculta, một người đã luôn hết lòng thương yêu người khác, và đây là một câu chuyện điển hình cho rất nhiều câu chuyện khác về Mẹ:
Mẹ Têrêsa đi làm việc trong các xóm nghèo nàn dơ dáy, gọi là xóm ổ chuột, từ năm 1948. Vì thế, Mẹ và các chị em Dòng của Mẹ trở nên quen biết với những khuôn mặt thảm não nhất trên thế giới này. Trong những năm đầu, Mẹ không có xe riêng, Mẹ phải dùng những phương tiện chuyên chở công cộng. Sau này, vì sức khoẻ và tuổi già yếu, Mẹ đã cho phép mình được có xe. Mẹ thường đi bộ đến nơi làm việc trong các xóm ổ chuột nghèo nàn nhất thế giới. Mẹ thường nhủ mình và bảo các chị em dòng: "Mở mắt ra mà nhìn". Câu chuyện sống động này Mẹ thường hay nhắc lại khi có dịp:
Tôi không bao giờ quên, một hôm tôi xuống phố, và chợt thấy vật gì động đậy ở trong rãnh. Tôi gạt bùn đi, và thấy đó là một người. ông ta bị sâu bọ rúc rỉa, và sau khi đem về nhà, chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để lau lọt cho ông. Người sống dơ bẩn trong rãnh này, sau cùng đã nói:
- Tôi đã sống như con vật trên đường phố, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, được yêu mến và được săn sóc. Và ngay khi chúng tôi còn cầu nguyện với ông, cầu nguyện cho ông, ông nhìn vào một Sơ mà nói:
- Sơ ơi, tôi sắp đi về nhà Chúa, rồi ông chết. Trên mặt ông nở nụ cười rạng rỡ. Tôi chưa hề thấy nụ cười nào giống như thế. (Theo Lm. Đoàn Quang, CMC)
Đây chính là một vị thánh trong rất nhiều vị thánh đã sống với tấm lòng biết xót thương người khác. Các ngài đã làm điều này không nhằm mục đích tôn vinh bản thân nhưng vì đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu thương cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho mình, một tình yêu hi sinh đến tận cùng trên Thập Giá. Noi gương Thầy mình, các ngài cũng đã yêu cho đến tận cùng, yêu đến nỗi chấp nhận mọi đau khổ, yêu như Đức Giêsu yêu thương nhân loại trên thập giá, yêu cho đến khi tự hiến trọn thân mình và không từ chối bất cứ một hy sinh nào.
- Đường tâm hồn trong sạch
Theo nghĩa thông thường, trong sạch là không dơ bẩn. Còn thánh vịnh 24 thì nói rằng những ai muốn được lên núi Chúa, muốn được ở trong đền thánh của Ngài thì phải là những kẻ “tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối”. Như vậy, tâm hồn trong sạch nghĩa là ngay thẳng, không gian dối, là người có lòng đơn thành, không làm tôi hai chủ (x. Mt6, 22-24), không toan tính điều xấu, không cố tình làm hại người khác để vụ lợi cho mình. Trong sạch chính là tình trạng luôn sống trong ân sủng của Thiên Chúa, là một thể trạng đang sống trong thế gian nhưng lòng luôn hướng về trời cao, là sống giữa những cám dỗ nhưng không bị khuất phục bởi những cám dỗ ấy. Khi giải thích điều này theo hướng thần bí được Thánh Grêgôriô, Giám mục thành Nysse đề xướng để nhằm phục vụ cho việc chiêm niệm thì điều cần thiết là phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi liên hệ với thế gian, với điều xấu. Nhờ vậy tâm hồn ta sẽ lại trở thành hình ảnh tinh tuyền của Thiên Chúa, như đã có từ ban đầu. Ta sẽ có thể thấy được Thiên Chúa trong linh hồn mình như trong một tấm gương. Ngài viết: “Nếu như bạn ý thức và chú ý tẩy sạch những gì xấu xa trong tâm hồn, thì vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ chói sáng nơi bạn. Khi nhìn vào mình, bạn sẽ thấy nơi bạn Đấng mà bạn mong ước, và bạn sẽ được hạnh phúc”. Thánh Phaolô cũng nói về Con Thiên Chúa: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16).
- Đường xây dựng hòa bình
Đa số mọi người đều có suy nghĩ rằng: Hòa bình là không có chiến tranh, không có gươm giáo, súng đạn, chém giết giữa các quốc gia và giữa con người với nhau. Điều này không sai, bởi xây dựng hòa bình là đang tiếp nối công trình của Thiên Chúa, người kitô hữu cũng có trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình cho toàn thế giới. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đem đến cho hạn từ “xây dựng hòa bình” một ý nghĩa sâu sắc hơn, người biết xây dựng hòa bình là người đem lại bình an, là người đảm nhận công việc hòa giải để mọi người cùng chung sống hòa thuận với nhau. Để làm được điều này không phải là chuyện dễ dàng nhưng là một công cuộc rất gian khổ, vì bản chất của con người luôn có xu hướng bạo lực, trả thù. Vì vậy, việc đầu tiên trong chiến dịch xây dựng hòa bình là biết kiềm chế những xu hướng bạo lực và thù hận trong chính con người mình; nhờ đó chúng ta sẽ có một con tim rỗng để Thiên Chúa có thể đổ tràn tình yêu thương và sự bình an của Người xuống trên chúng ta. Chỉ khi nào tâm hồn tràn ngập sự bình an của Chúa chúng ta mới đem đến sự bình an cho người khác, là người xây dựng hòa bình đích thực cho con người và thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Giáo hội được mời gọi dấn thân cho các vấn đề liên quan đến hòa bình, hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống và nhân quyền con người và dân sự.” Trong sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 54 được ngài ký vào ngày 8/12/2020, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, có tựa đề: “Nền văn hóa chăm sóc, hành trình đến hòa bình”, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng thực hành và giáo dục sự chăm sóc là con đường để “xóa bỏ văn hóa thờ ơ, vất bỏ và đối đầu, vốn thường phổ biến hiện nay”. Đức Thánh Cha nhận định rằng văn hóa chăm sóc, như một “sự dấn thân chung, liên đới và cần có sự tham gia của mọi người để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá cũng như những điều tốt đẹp của tất cả mọi người”. Hơn nữa, sứ điệp cũng mời gọi mỗi người luôn “sẵn sàng quan tâm, chú ý, từ bi, hòa giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, tạo thành một phương thức đặc biệt để xây dựng hòa bình”. Đây chính là một lối chỉ dẫn tuyệt vời về sứ mạng xây dựng hòa bình cho thế giới ngày hôm nay.
- Đường tử đạo
Như đã nói ở trên, tất cả những ai có lòng khao khát sống công chính thì đã được Thiên Chúa chúc phúc và cho được thỏa chí toại lòng. Và ở đây, Chúa Giêsu lại tiến thêm một bước xa hơn trong đời sống công chính đó là chịu đựng sự bách hại của người khác. Có lẽ, càng ngày Chúa Giêsu càng muốn mỗi người phải bước xa hơn lý tưởng trong đầu để đi vào thực tế hơn, sống kiên vững hơn trên đường đời nhiều cam go và thử thách. Cho dù có bị bách hại đủ điều nhưng không vì thế mà sống dối trá, điêu ngoa hay theo thói đời ngày nay. Hơn nữa, khi nhắc đến mối phúc này Chúa Giêsu trực tiếp tiên báo về cuộc đời của các môn đệ đang bước theo Ngài và Ngài dành riêng mối phúc này như một sự khích lệ “sớm” để sau này các ông vững vàng hơn trước những bách hại xảy ra cho Thầy của mình và cho chính bản thân mình. Bởi thế mà cụm từ “phúc thay ai” ở trên được thay thế bởi cụm từ “phúc thay anh em”. Quả thật, mối phúc này đã ứng nghiệm nơi các tông đồ thời Giáo Hội sơ khai tại Palestin, một Giáo Hội bị bách hại, cấm cách vì lí tưởng Kitô giáo. Chính các tông đồ là những người đầy lòng nhiệt huyết đã bước theo sát dấu chân của Thầy mình trên đường thương khó, mỗi người đều hi sinh bản thân mình theo mỗi cách khác nhau theo sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho các Ngài. Theo dấu đó, đã có hàng lớp lớp các vị thánh quyết hi sinh thân mình để sống theo lý tưởng của đời mình là được biết Đức Kitô và chiếm được Ngài là mối lợi duy nhất, là gia nghiệp đời đời.
Quả thật, trong một xã hội tân tiến như ngày nay có thể nhiều người cho rằng những mối phúc trên không còn phù hợp nữa. Nhưng không, tất cả các mối phúc đó vẫn còn phù hợp nếu ta biết “Tân Phúc Âm hóa” trong đời sống hằng ngày. Con đường nên thánh của mỗi người vẫn là những con đường đó nếu họ biết “ứng dụng” Tin Mừng trong chính bối cảnh và môi trường sống hiện tại của mình. Đức Giáo Hoàng Phaxicô đã khẳng định trong Tông huấn Gaudete Et Exsultate rằng: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.” Ngài còn mời gọi từng thành phần tùy theo bậc sống của mình để sống một cuộc sống thánh thiện. Những người sống đời thánh hiến thì hãy sống thánh bằng quyết tâm và niềm vui. Những người đã kết hôn thì sống thánh bằng các yêu thương và chăm sóc cho người bạn đời của mình giống như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Những người đang vất vả làm việc từng ngày để kiếm miếng cơm mang áo thì sống thánh bằng sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ. Các ông bà, cha mẹ trong gia đình thì sống thánh bằng cách giáo dục trẻ nhỏ theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Còn những ai đang giữ những chức quyền trong Giáo Hội và Xã hội thì nên thánh bằng việc vì lợi ích chung mà bỏ lợi ích riêng (x. Gaudete Et Exsultate, 14). Như thế, những con đường nên thánh luôn mở ra cho những ai có lòng thiện chí, quyết tâm và kiên trì theo đuổi trong từng ngày sống của mình.
Lạy Chúa, giữa cuộc đời muôn vạn nẻo đường, xin dẫn chúng con vào con đường Phúc Âm như chính Chúa đã dạy. Chỉ khi nào bước vào link “Bát phúc” mà Chúa đã chỉ con mới tìm được hạnh phúc đích thực. Mừng lễ Các Thánh hôm nay, xin cho chúng con luôn noi gương của các ngài để yêu mến và bước đi trên con đường thánh thiện mỗi ngày. Amen.
Cộng đoàn MTG Vĩnh Lộc