Là người con đất Việt, ngay từ khi còn nhỏ chúng ta được giáo dục để sống tinh thần đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” với ông bà tổ tiên, với những người có công với đất nước. Đó là nét đẹp trong tryền thống của dân tộc. Là người con của Giáo Hội, chúng ta cũng không quên những chứng nhân Tin Mừng đã sống trong lòng Giáo Hội và đã chết để bảo vệ chân lý đức tin. Mỗi dịp mừng lễ kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam, Giáo Hội cho chúng ta nhìn ngắm lại bức chân dung của các ngài được tô vẽ bằng dòng máu đỏ tươi. Họ đã hiên ngang trong cuộc bách hại nghiệt ngã như dấu chứng cho đức tin mãnh liệt, cho tinh thần sống triệt để giáo huấn của Chúa: “ Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Lc 9,24).
Xét theo lẽ tự nhiên, con người ai cũng yêu quí bản thân và luôn muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Người ta có vất vả làm lụng đi nữa cũng là mong muốn có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Người ta yêu quí bản thân và tìm mọi phương thế để hưởng thụ cuộc sống. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu con người biết chân quí mạng sống và vun đắp sự sống Chúa ban tặng. Nhưng có vẻ như nghịch lý khi bài Tin Mừng hôm nay như một lời cảnh tỉnh và mời gọi suy gẫm mỗi người về việc chọn lựa bảo vệ mạng sống mình hay liều mất mạng vì Chúa và Tin Mừng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Lc 9,24).
Chiêm ngắm các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy rõ họ là những con người rất bình dị trong cuộc sống đời thường, họ đã sống một cuộc đời thật đẹp trong việc chu toàn bổn phận trong bậc sống của mình. Con số 118 vị tử đạo đã làm nên trang sử hào hùng cho Giáo Hội, máu của các ngài đổ xuống quê hương đất nước làm cho nảy nở hoa trái, nhờ đó mà Giáo Hội Việt Nam được lớn lên và phát triển như ngày hôm nay. Các vị ấy là những linh mục, thầy giảng, giáo dân,… dù sống hoàn cảnh khác nhau, bậc sống khác nhau nhưng tất cả đều sẵn sàng từ bỏ mọi sự để bảo vệ chân lý đức tin, sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu với Đức Kitô. Trong số ấy phải kể đến những con người như Hồ Đình Hy, Phạm Trọng Khảm thà mất chức quyền trong triều đình, thà mất danh vọng chứ không chối bỏ đức tin hay ở một tầng lớp khác như Anre Trần Văn Trông -một con người lao động chân chất, hiền lành, đạo đức, lại có vị thánh như Anne Lê Thị Thành - một người phụ nữ dành cả một đời nuôi dạy con cái trong đức tin...Không thể kể hết những chứng nhân đức tin đã “liều mất mạng sống mình” vì Chúa Kitô, tất cả các vị ấy thà chết chứ không giẫm đạp lên thập giá, không chối bỏ đạo để được sống. Trước mắt người đời nhất là những người không có niềm tin thì chỉ thấy các vị là những người coi thường mạng sống vì một lý tưởng xa vời, thật là không đáng nhưng với các ngài cái chết vì đức tin lại đưa các ngài vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính trong lúc gian nan nhất, bị bắt bớ tù đày, bị tra tấn dã man, các ngài tỏa ra nét đẹp của sự yêu thương tha thứ, lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể giết chết thân xác các ngài còn đức tin thì không ai giết được, bởi vậy cái chết vì đức tin dù có đau đớn thì vẫn là niềm vinh dự lớn lao với các ngài.
Mừng kính trọng thế các thánh tử đạo Việt Nam hôm nay là dịp cho mỗi người chúng ta nhìn lại lối sống của mình trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa như hiện nay. Chúng ta đứng trước cơn thách đố của cuộc bách hại mới dưới sự biến đổi thiên hình vạn trạng. Ngày nay, chúng ta không còn thấy những cuộc đổ máu vì đức tin nữa nhưng chúng ta lại đang đối diện với những thực tại trần thế, với khuynh hướng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Thật nguy hiểm biết bao trước nền giáo dục vô thần, cố gắng phủ nhận Thiên Chúa. Việc cấm cản, bắt bớ tín hữu, đóng của nhà thờ không nguy hiểm cho bằng tự các tín hữu không còn tha thiết với đời sống đức tin, việc đi lễ đi nhà thờ chẳng đem lại lợi ích gì cho họ. Cánh cửa tâm hồn người tín hữu đóng lại để mở ra cho những trào lưu thế tục như: xem phim, giải trí, mua sắm, cờ bạc... cùng biết bao thú tiêu khiển hấp dẫn. Vì tiền bạc, danh vọng, người ta sẵn sàng chà đạp nhân phẩm của người khác và thậm chí đánh mất chính mình. Một thực trạng đau lòng xảy ra ngay cả đối với người Công Giáo đó là sự đổ vỡ hôn nhân khi người ta chỉ biết mình, thiếu sự quan tâm, tha thứ cho nhau. Con cái không được giáo dục đúng cách, cha mẹ không quan tâm việc học giáo lý của con, thay vào đó cho chúng thoải mái sử dụng điện thoại, internet...Một đời sống vô luân dần được nhen nhóm trong chúng và đời sống đức tin chỉ là thứ hão huyền. Con người của thời đại hôm nay đang là mục tiêu của cuộc một cuộc bách hại mới và rất có thể chúng ta bước qua thập giá mà không hay biết. Lời Chúa hôm nay tha thiết mời gọi mỗi người noi gương các thánh nhân xưa dám tử đạo để bảo vệ chân lý đức tin. Cuộc tử đạo hôm nay không còn là đổ máu nhưng là vượt lên những khuynh hướng nuông chiều thân xác, là chết đi cho con người ích kỉ, chết đi cho đam mê mù quáng để sống cho Tin Mừng dù phải chịu thua thiệt và luôn thực hành luật yêu thương giữa lòng thế giới.
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Lc 9,24) như lời mời gọi mỗi người thức tỉnh trước tình trạng một đức tin đang bị sói mòn đồng thời mời gọi chúng ta trở nên chứng nhân “tử đạo” giữa đời. Là con cháu của các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tự hào về các ngài và nỗ lực theo gót các ngài bảo vệ đức tin trong cơn thách đố của thời đại. Xin Chúa và các thánh tử đạo Việt Nam luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin này. Amen.
Học Viện K6