Thứ ba, 04/02/2025

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Linh  (Mt 2, 1-12)

Cập nhật lúc 08:07 03/01/2025
 
 
ÁNH SAO GIÊSU
 
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ tìm một lối đi cho riêng mình, một kim chỉ nam để tiến đến điểm hẹn mà người đó muốn đến. Hình ảnh ba nhà đạo sĩ trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay cũng vậy, họ nhận ra ánh sáng của ngôi sao lạ, họ sẵn sàng cất bước lên đường dù có những khó khăn, có những trắc trở, có những đe doạ nguy hiểm đến tính mạng…để tìm gặp được vị Vua dân Do Thái mới sinh mà tôn thờ Người. Ánh sao đó vẫn tiếp tục sáng lên để hướng dẫn từng mỗi người đang từng bước lữ hành trên trần thế, đặc biệt là nơi mỗi người kitô hữu chúng ta. Ánh sao đó chính là ánh sáng của vị cứu tinh nhân loại, ánh sao của Hài Nhi Giêsu đang mời gọi mỗi người hãy can đảm cất bước lên để cho ánh sao Giêsu hướng dẫn họ, để từng mỗi người cũng có trách nhiệm dẫn những người chưa nhận biết Chúa đến với Ngài.
Nguyên thuỷ nhà hiền triết là tên gọi của những tư tế Ba Tư, ở đây là từ chung cho các nhà chiêm tinh “từ phương Đông”. Họ đã thấy ngôi sao khi nó “mọc lên” và kết luận rằng một vị vua của dân Do Thái mới hạ sinh. Sự mong chờ của các nhà chiêm tinh từ các nhà chiêm tinh còn ám chỉ đến lời sấm của Balaam (Ds 22-24). Nhà tiên tri dân ngoại đến từ Euphrate (Ds 22,5) phải chúc lành cho Israel thay vì nguyền rủa nó và nói: “Một vì sao sẽ đến từ nhà Giacóp và vương trượng sẽ trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). “Sấm ngôn ngôi sao” được giải thích trong Do Thái giáo quy về Đấng Thiên Sai. Quả vậy, ở đây lời tiên tri sinh động trở thành ngôi sao thực đang mọc lên từ các tầng trời và viễn ảnh trở thành thực tại, vốn được giải thích trong ánh sáng của nó. Các nhà đạo sĩ đã ngước nhìn lên bầu trời, thăm dò lâu cuốn sách Trời để tìm ra các vấn nạn cho mình, họ đã trông thấy ngôi sao lạ và họ cất bước theo ánh sao đang dẫn đường cho họ. Kinh nghiệm này của các đạo sĩ thúc đẩy chúng ta đừng bao giờ suồng sã, cũng đừng sống vật vờ, nhưng là tìm kiếm sự vật, đam mê dò xét mầu nhiệm cao cả của cuộc sống. Để gặp gỡ Chúa, chúng ta cần phải biết ngước nhìn lên trời, không kép kín trong chính mình nhưng mở ra cho Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta ngạc nhiên, Đấng mở ra mọi vấn nạn. Chính ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà đạo sĩ đến với Hài Nhi Giêsu. Còn ngôi sao hay vì sao hôm nay là gì? Đó chính là Tin Mừng – ánh sáng này sẽ dẫn chúng ta tới Chúa Kitô, nhưng ánh sáng của Chúa không chiếu toả trên những người muốn tỏ ánh sáng của riêng họ như vua Hêrôđê.
Giữa những niềm vui của các nhà đạo sĩ khám phá ra được vị vua mới của Israel thì vua Hêrôđê lại tỏ ra sự bối rối, và những hoang mang của thành Giêrusalem. Khi các nhà chiêm tinh đặt câu hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Câu hỏi này làm cho vua Hêrôđê biết đến việc Đấng Thiên Sai sinh ra. Câu hỏi này gây ra sự kinh hoàng chung cho cả thành Giêrusalem. Hêrôđê hoang mang sợ hãi: đó là sự hoang mang của người ngồi trên quyền lực nhưng không nắm được mọi sự; đó là sự hoang mang được sinh ra bởi sự sợ hãi, run rẩy trước thách đố về thân phận địa vị ở đời này; đó là sự hoang mang sẽ thay đổi tận gốc cuộc đời của ông. Hêrôđê đã sợ hãi và nỗi sợ hãi đó đã dẫn đến việc tìm kiếm an ninh của mình nơi tội ác đó là giết các bé trai dưới hai tuổi.
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Các đạo sĩ không cất bước lên đường vì họ đã thấy một ngôi sao, nhưng họ thấy ngôi sao bởi vì họ cất bước lên đường”. Thật vậy, chỉ biết nơi Chúa Giêsu sinh ra thì chưa đủ, nếu chúng ta không đi tới đó. Các nhà đạo sĩ đã đi đến Bêlem theo ánh sao chỉ lối. Không thể giải thích cách tự nhiên những gì trong đó. Ngôi sao nhiệm lạ biểu thị sự hướng dẫn của Thiên Chúa ban cho những kẻ ra đi để thoả mãn lòng mong chờ của họ và những thời điểm họ vui mừng khôn xiết. Những nhà đạo sĩ đã không tranh luận mà họ đã lên đường. Họ không dừng lại để trông xem nhưng họ tiến vào nhà Chúa Giêsu, họ không đặt mình vào vị trí trung tâm nhưng sấp mình trước Đấng là trung tâm. Họ không bị dính chặt vào chương trình, kế hoạch của họ nhưng sẵn sàng đón lấy chương trình kế hoạch của Chúa. Các nhà đạo sĩ đã bước vào “ngôi nhà”, họ đã thấy Hài Nhi Giêsu cùng với Mẹ Maria trong đó, các ngài đã sấp mình thờ lạy Hài Nhi cùng dâng lên Người những lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Các nhà thông thái không đến với Chúa để nhận lấy nhưng là cho đi. Tin Mừng đã chỉ cho chúng ta thấy một mục danh quyền: vàng là thứ kim loại quý giá nhất, nhắc Người phải được tôn thờ trước nhất và trên nhất; nhũ hương tượng trưng cho mối quan hệ với Chúa đó là thời gian cầu nguyện với Chúa như hương trầm bay trước Chúa; mộc dược tiên báo về ngày mai táng Chúa. Tâm tình thờ lạy chính là mục đích của chuyến đi và lộ trình của các đạo sĩ. Thờ phượng không để mình là trung tâm nhưng Chúa là trung tâm. Đó là trả lại tất cả đúng đắn, là để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong cuộc đời của mỗi người, là đặt mọi kế hoạch của Thiên Chúa vượt trên thời gian và không gian để đón nhận Thánh Kinh và gặp gỡ được Chúa Giêsu. Hơn nữa, hành động thờ lạy làm cho chúng ta trở nên bé nhỏ trước Chúa, là khám phá ra tình người trước tình yêu của Chúa, là tìm thấy Chúa trong sự gần gũi để can đảm và dám bước trên con đường đời sống đức tin của mỗi người. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những người không có khả năng để thờ lạy Chúa. Hêrôđê cũng dùng động từ “thờ lạy” nhưng theo kiểu lừa lọc, ông xin các đạo sĩ khi đã tìm thấy ngôi sao thì báo lại cho ông biết, để ông cũng đến bái lạy Người. Hêrôđê không thể thờ lạy vì ông không thay đổi mình trước mọi sự, ông không thể thờ lạy vì ông muốn người khác thờ lạy mình. Hay các thủ lãnh, kinh sư cũng cho vua biết chính xác nơi Đấng Cứu Thế sinh ra, họ cũng trích dẫn chính xác những lời tiên tri, nhưng họ đã không sẵn sàng lên đường, không thay đổi đường lối của mình. Thật vậy, khi con người không thờ lạy Thiên Chúa thì sẽ quy về chính mình.
Trong thế giới hôm nay đang xảy ra rất nhiều những biến động chiến tranh, thiên tai lũ lụt, động đất, dịch bệnh… khi nhìn về những thảm hoạ này chúng ta là những người có đức tin có tự hỏi vậy Thiên Chúa hiển linh nghĩa là làm sao? Chúng ta đã nghe không ít những lời kêu ca, trách móc của con người về Thiên Chúa, những bộc bạch của con người cho thấy họ quan niệm về một Thiên Chúa quyền năng tại sao lại không cứu giúp con người? Chúa Giêsu đến để bày tỏ một dung mạo về một Thiên Chúa hoàn toàn khác, một vị Thiên Chúa qua hình hài một trẻ thơ mà là một trẻ thơ bị săn đuổi. Và khi Ngài tự bày tỏ mình như vậy là để nói với chúng ta rằng Người là Đấng “Emmanuel”, Ngài là Đấng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Một Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời đặc biệt là những biến cố đau thương, những nỗi niềm tang thương nhất thì Thiên Chúa vẫn ở đó để có thể hiện diện, có thể cảm thông, có thể nâng đỡ chúng ta.
Cả cuộc đời trần thế của Ngài, Ngài vẫn tiếp tục chọn lối sống như thế để khi chúng ta rơi vào nỗi cô đơn khủng khiếp nhất thì Chúa Giêsu vẫn có thể nói với chúng ta rằng khi Ngài bị treo trên thập giá Ngài cũng đã từng bị cô đơn như thế và cả hơn thế nữa. Khi con người phải chịu đau đớn trong thân xác thì Chúa Giêsu vẫn có thể nói với chúng ta rằng, ngày xưa trên thập giá Ngài cũng đã từng bị đau đớn như thế. Vậy khi đứng trước những thảm hoạ, những biến cố đau thương trong cuộc sống thay vì đánh mất niềm tin và niềm hy vọng vào Thiên Chúa thì chúng ta được mời gọi để khám phá lại dung mạo của Thiên Chúa tình yêu mà chúng ta tin và sống trong cuộc đời của mình, dung mạo của một Đấng Emmanuel, của Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ chia sẻ mọi nỗi niềm trong cuộc đời của con người chúng ta. Mặc khải này là niềm an ủi, là hy vọng cho chúng ta khi phải đối diện với những thách đố của cuộc đời.
Hôm nay, Thiên Chúa vẫn muốn trở thành một Emmanuel và làm sao Ngài có thể bày tỏ dung mạo của một Thiên Chúa như thế cho tất cả mọi người chưa nhận biết Ngài? Ngài muốn thực hiện công việc đó qua mỗi người, Ngài muốn mượn đôi chân của tôi để đi thăm viếng những người cần thăm viếng? Ngài muốn mượn cặp mắt của tôi để nhìn những người đau khổ bằng một ánh mắt đầy tình thương xót? Ngài muốn mượn cánh tay tôi để xoa dịu phần nào nỗi đau của những người đang gặp khó khăn. Qua đó, chúng ta sẽ khám phá lại dung mạo của Emmanuel, của một vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta để khi đứng trước những khó khăn thay vì trách móc, thay vì bị chao đảo về đời sống đức tin thì đó lại là niềm hy vọng và cảm nhận tình thương của Thiên Chúa cách sống động và đầy lòng tín thác. Các đạo sĩ sau khi gặp Chúa họ đã đi lối khác, khác với lối đi của Hêrôđê, một lối đi khác thay vì đi lối của trần gian. Họ đã lên đường và trở thành những người lữ khách của Thiên Chúa, chỉ những người dám bỏ sau lưng những thứ trần gian và lên đường mới đi tìm được sự huyền nhiệm của Thiên Chúa. Để tìm được Chúa Giêsu, tôi cũng cần một lộ trình khác đó là con đường tình yêu, khiêm nhường, thập giá, đòi hỏi sự kiên trì.
Lạy Chúa, xin dạy con tìm kiếm Chúa và tỏ mình ra khi con tìm kiếm Ngài. Bởi vì con không thể tìm kiếm Chúa nếu Ngài không dạy con, cũng như con không tìm thấy Chúa nếu như Ngài không tỏ mình ra. Xin cho con khao khát tìm kiếm Ngài và cho con thấy Chúa khi gặp Ngài” (Thánh Anxenmo). Ngôi Lời vẫn tiếp tục nhập thể mỗi ngày, chúng ta hãy đón nhận, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để cho Hài Nhi sinh ra, lớn lên trong cuộc đời và trong mỗi người. Ánh sao Giêsu vẫn tiếp tục sáng lên và hướng dẫn những ai muốn tìm gặp Người.
 
Học Viện K6
                  
 

HÀNH TRÌNH TÌM VUA


Đời người là những chuyến đi: đi tìm hạnh phúc, đi tìm địa vị, đi tìm tiền tài, danh vọng, tình yêu....Nhưng dù có đạt được những mục tiêu ấy thì trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn cảm thấy trống rỗng, điều họ cần tìm là sự thỏa lấp khoảng không ấy. Con người chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc và bình an đích thực. Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa cũng cho chúng ta thấy một hành trình đi tìm: không phải tìm kiếm của cải vật chất nhưng là của cải tinh thần, không phải tìm kiếm một con người bình thường nhưng là Vua hòa bình, là Đấng cứu độ thế nhân.
Hành trình tìm Vua của các nhà chiêm tinh khởi đi từ một vì sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Vì sao là biểu tượng của sự may mắn, của hy vọng. Chắc hẳn vì sao lạ mà các nhà chiêm tinh nhìn thấy phải có gì đó độc đáo, sáng hơn các ngôi sao khác nên các ông mới nhận ra. Giữa một bầu trời đầy muôn ngàn tinh tú, các ông đã nhận ra một “vì sao lạ” là dấu của một con người mới sinh, làm thay đổi vận mệnh thế giới, dấu của một vị vua thuộc hoàng tộc Đavid. Các ông đã mau mắn lên đường đi tìmVua mới sinh để bái lạy. Hành trình ấy không phải dễ dàng nhưng đầy khó khăn gian khổ và là một hành trình dài.
Để bắt đầu hành trình, các ông đã phải bỏ lại tất cả những gì là quen thuộc, là gần gũi thân thương để đi đến một vùng đất xa xôi. Các ông đã bỏ lại những gì là an toàn, là an nhàn để bước vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy trắc trở đang chờ đợi phía trước. Và nhất là điểm đến của cuộc mạo hiểm ấy không rõ ràng, không cụ thể. Nhưng các ông vẫn bước đi theo ánh sáng của vì sao lạ với một niềm tin vững mạnh. Hành trình của các nhà chiêm tinh giúp chúng ta liên tưởng tới hành trình đi theo tiếng gọi của Chúa dành cho Ápraham. Dù đang sống trong an nhàn nhưng ông đã đi theo tiếng Chúa mời gọi “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”(St 12,1). Hành trình đi  của Ápraham cũng gặp đầy dẫy khó khăn thử thách, là một hành trình đi trong vô định. Nhưng trong hành trình ấy, Ápraham được soi đường nhờ “ngọn đèn đức tin”:ông tin vào Thiên Chúa, tin Chúa sẽ thực hiện lời đã hứa với mình (St 12,2-3).
Cũng vậy, trong hành trình tìm vua dân Do thái, các nhà chiêm tinh được ngôi sao lạ dẫn đường chỉ lối đến tận nơi Hài Nhi ở. Nhờ đức tin, lòng can đảm vượt qua những chặng đường tăm tối mà các ông đã đến đích điểm: tại Belem, một vùng đất không có tiếng tăm, hoang sơ và nghèo nàn. Đích điểm ấy dường như nằm ngoài suy nghĩ và trí tưởng tượng của các ông: một vị vua mới sinh đáng lý phải ở trong cung điện lộng lẫy; nhưng không, Vua dân Do thái mới sinh là một Hài Nhi bé bỏng, nằm trong máng cỏ của súc vật, xung quanh là những con người nghèo hèn như những mục đồng chăn chiên. Một ấu vương lại sinh ra trong cảnh nghèo khó, lạnh giá và đơn hèn. Nhưng không vì vậy mà các ông bỏ đi, thánh sử Máttheu diễn tả “trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,10-11). Hành động “sấp mình thờ lạy” chứng tỏ các nhà chiêm tinh nhìn nhận Hài Nhi Giêsu là Vua dân Do thái, là Đấng Cứu Tinh của nhân loại, là Đấng giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Cuộc gặp gỡ với Hài Nhi đã kết thúc hành trình tìm vua của các nhà chiêm tinh, nhưng lại mở ra cho các ông một hành trình mới -hành trình trở nên “ngôi sao dẫn đường” cho người khác tìm đến với Chúa. Từ đây các ông sống một cuộc sống mới, đi vào một con đường mới -con đường khác với con đường các ông đã đi. Con đường này, hành trình này có ánh sáng của Chúa làm niềm vui, làm động lực và là mục tiêu sống của các ông.
Hành trình tìm vua của các nhà chiêm tinh là bài học, là mẫu gương cho tôi nhìn lại bản thân. Tôi may mắn vì được biết và đón nhận đức tin ngay từ khi còn bé, được lớn lên và nuôi dưỡng trong một giáo họ có truyền thống đạo lâu đời; được cha mẹ, ông bà dạy dỗ, hướng dẫn đọc kinh, cầu nguyện rất đơn sơ nhưng giúp cho ngọn đèn đức tin của tôi thêm sáng hơn. Rồi khi lớn lên, tôi được học giáo lý đầy đủ để thêm hiểu biết về Chúa hơn, sống đức tin rõ ràng hơn. Khởi đầu hành trình tìm Chúa của tôi có phần thuận lợi hơn biết bao người khác. Nhưng trong thinh lặng và cầu nguyện, tôi nhận thấy mình còn thua xa các nhà chiêm tinh xưa. Sự hiểu biết đã thúc đẩy các ông lên đường tìm Chúa, còn tôi thì nhiều khi mới chỉ dừng lại ở cái hiểu mà chưa có hành động cụ thể, chưa đi ra cuộc sống hằng ngày. Dù trong hành trình ấy, có những lúc ngôi sao ẩn khuất nhưng các nhà đạo sĩ không nản lòng, không bỏ cuộc trở về nhưng kiên trì đi tiếp, can đảm đối diện với tăm tối ấy để đi đến cùng đích. Bản thân tôi trong hành trình đức tin, những lúc cuộc sống êm đềm ngọt ngào tưởng chừng tôi vững tin vào Chúa, xác quyết vào Chúa quan phòng. Nhưng khi đường đời gieo sóng gió, bên trời gặp cơn mưa giông tố, tôi lo âu sợ hãi, tưởng chừng bàn tay Chúa không còn che chở tôi, tôi mới biết niềm tin tôi bấp bênh, đức tin của tôi chưa vững vàng. Hay những công việc tôi làm tưởng chừng để làm sáng danh Chúa nhưng ẩn khuất là sự tìm vinh quang cho bản thân. Các nhà chiêm tinh đã được Chúa đụng chạm đến và được biến đổi. Còn tôi, tôi đã thực sự sẵn sàng mở lòng ra để Chúa đụng chạm đến và để cho tình yêu của Ngài biến đổi tôi?
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng! Ngài đã đến trần gian này để đổi mới và để kiện toàn lề luật hầu đưa con người vào một lối sống mới. Xin cho chúng con trong hành trình theo Chúa được can đảm, được kiên trì trong những khó khăn thử thách, trong việc rèn luyện bản thân để trở nên một người như Chúa muốn. Xin Chúa củng cố thêm lòng tin của chúng con để trước những sóng gió cuộc đời hay những tăm tối trong đời sống đức tin, chúng con vẫn vững vàng bước đi trong tin yêu và phó thác vào Chúa quan phòng. Amen.

 
Tập Viện
  


ĐÃ THẤY VÌ SAO CỦA NGƯỜI


Đọc lại lịch sử Kinh Thánh, ngay từ thuở đầu khi thế giới còn chìm ngập bóng tối và ở trong tình trạng hỗn mang, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự. Đặc biệt, trong ngày thứ tư của công trình sáng tạo, “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm” và “Người cũng làm ra các ngôi sao” (St 1,16). Như vậy, ngôi sao cũng mang những ý nghĩa riêng của chúng: không chỉ đơn thuần là Thiên Chúa dùng cho việc trang trí vũ trụ thêm lộng lẫy xinh đẹp hơn, nhưng chúng còn có ít nhất một ý nghĩa khác. Theo quan niệm của người phương Đông mỗi người là một ngôi sao, vì sao của ai sáng báo hiệu một tương lai sáng chói như hừng đông toả rạng, ngôi sao của ai ít sáng hơn thì hứa hẹn một cuộc đời nhuốm màu tím đen của buổi hoàng hôn chiều muộn.
Qua đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, chỉ mình thánh sử Mátthêu kể lại cho chúng ta câu chuyện: Ba nhà chiêm tinh được một ngôi sao kì lạ dẫn đường, và họ đã đến được nơi hang đá Bêlem giữa cánh đồng lạnh vắng để thờ lạy Hài Nhi mới sinh. Kinh Thánh không nói rõ cho chúng ta biết ba nhà chiêm tinh đã mất bao nhiêu thời gian để quan sát các tinh tú trên trời cao, nhưng vào thời đã được ấn định, họ đã nhận thấy một vì sao rực sáng hơn và khác thường hơn, mới xuất hiện. Và chúng ta cũng không rõ họ đã mất bao lâu để nghiên cứu và đọc hiểu Kinh Thánh, nhưng họ đã xác tín rằng: ngôi sao mới xuất hiện đó báo hiệu “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Do vậy, ba nhà chiêm tinh mau mắn lên đường đi tìm cho kì được Con Người mang ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa. Họ can đảm để lại tất cả những gì họ đã có và đang sở hữu để băng qua sự khô cằn của sa mạc, họ tìm đến “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” trường tồn vĩnh cửu (Ga 14,6). Nhưng hành trình đó không hề dễ dàng!
Khi ba nhà chiêm tinh vẫn đang trên đường đến với Hoàng Tử Hòa Bình thì bỗng nhiên, ngôi sao dẫn đường của họ “biến mất” tạm thời. Họ rơi vào cơn hoang mang vô định và nỗi lo lắng kinh hoàng cũng ập đến. Họ không biết phải đi theo phương hướng nào vì “la bàn” chỉ đường không còn phát huy tác dụng, và ẩn chìm trong thinh lặng tăm tối của màn đêm. Hết cách, họ chỉ biết tìm đến vua Hêrôđê là người có thế giá nhất vùng Giêrusalem để hỏi đường đi lối lại. Tuy họ cũng có được câu trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítrael dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,5-6; 2 Sm 5,2), nhưng khi sự thật được vén mở, cả nhà vua và toàn dân trong thành đều xôn xao to nhỏ cùng những bối rối lo sợ. Nhà vua sợ bị cướp mất ngai báu vương triều; các thần dân lại không rõ vị vua đích thực mà họ cần tùng phục và tôn thờ là ai? Nhưng chính Đức Giêsu đã quả quyết: “Nước tôi không thuộc về thế gian này!” (Ga 18,36) như thế, cả triều đình vua và dân chúng đã dư thừa sự lo lắng. Tuy nhiên, các nhà chiêm tinh không mấy quan tâm đến sự xôn xao bàng hoàng xảy đến trong thành. Với chút sự bình tâm tĩnh lặng để lắng nghe và phân định, họ biết rõ hơn về nơi họ cần đến. Họ lễ phép cáo từ nhà vua cùng các bề tôi quan lính, họ quyết định tiếp tục lên đường đến với “vị Cứu Tinh của nhân loại” mà muôn dân đã mỏi mòn trông ngóng từ lâu (Mk 5,1-3). Và niềm vui nở rộ trên từng khuôn mặt các ông, vì: “bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” (Mt 2,9-10). Quả thực, phía cuối con đường eo hẹp tăm tối lại là một bầu trời tỏa đầy nắng ấm, phía sau hành trình sa mạc đầy khó khăn thử thách, ba nhà chiêm tinh đã đến được “vùng đất tràn trề sữa và mật” thu gọn lại trong hình hài “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Thứ quý giá nhất lúc này các ông có không chỉ là vàng, nhũ hương và mộc dược, nhưng còn là tấm lòng chân thành mà họ đang cung kính thờ lạy và chiêm ngắm Chúa Hài Đồng thay cho cả nhân loại đang chìm sâu trong những giấc ngủ êm đềm.
 Đứng trước những thiên tai, dịch bệnh, đói kém mất mùa và nạn kì thị chủng tộc, trước những trận chiến tranh tàn khốc đã cướp đi bao sinh mạng người dân cùng những cuộc chia ly mất mát người thân ở các gia đình, trước những bất công và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn... rất nhiều người đã tự hỏi: Chúa có thật sự tồn tại hay không? Chúa là Thiên Chúa siêu việt vượt trên mọi sự hiểu biết của con người, vậy Người có thấy con cái của Người đang oằn mình nơi thung lũng khổ đau như vậy không?... Nhưng nếu đủ thinh lặng để suy tư và cầu nguyện, và dưới ánh sáng của đức tin,  chúng ta sẽ nhận ra: Từ những ngày đầu tiên, “Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều rất tốt đẹp”, chính Người cũng đã rất hài lòng về những gì Người đã làm ra. (St 1,10b.12b.18b.21b.25b), nhưng tình trạng hạnh phúc sung mãn đó không được kéo dài, vì nguyên tổ đã phạm tội. Ađam và Eva đã bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng và cùng với đó, tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với nhau, với chính mình và với vũ trụ thiên nhiên đều bị đứt gãy. Đau khổ cũng đã len lỏi vào cuộc sống con người ngang qua vết thương hở kiêu ngạo là bất tuân phục Lời Thiên Chúa căn dặn. Cũng từ đây, tự nơi sâu thẳm bên trong, con người luôn khao khát kiếm tìm hạnh phúc nhưng hạnh phúc, bình an và tình yêu vĩnh cửu chỉ có ở nơi Thiên Chúa là nguyên lí và nền tảng của mỗi người chúng ta.
Trên hành trình đi tìm lẽ sống đó, không phải Thiên Chúa không giúp sức và không ban ơn soi sáng cho những ai tìm về nguồn Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối, như Đức Hồng Y Robert Sarah đã nói: “Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta. Con người có thể biết đến những đêm tăm tối nhất, có thể phải chịu những lăng nhục tồi tệ nhất, có thể đương đầu với những hoàn cảnh bi đát nhất, nhưng Thiên Chúa luôn ở với ta. Con người thường quên rằng Thiên Chúa luôn hiện diện. Thiên Chúa không bỏ rơi ta, nhưng Chúa Cha vẫn ở với ta, cho dù có mọi khước từ”( Sức mạnh của thinh lặng, số 285). Thiên Chúa cho phép có lúc biển đời êm ả với những làn gió hiu hiu nhẹ đưa con thuyền cuộc đời chúng ta xuôi chèo mát mái, nhưng sẽ không thiếu những khoảnh khắc biển động, gió thổi mạnh khiến sóng nước ập vào đầy thuyền làm chúng ta thấy chới với chênh vênh giữa dòng đời hiện đại mà vội vã.
Cũng như ba nhà chiêm tinh, sẽ có lúc hành trình tìm kiếm Chúa của chúng ta thật dễ dàng nơi Thánh lễ, các Bí tích, nơi “bức thư tình” của Đức Chúa dành tặng nhân loại là cuốn sách Kinh Thánh, nơi các đấng khôn ngoan trong Hội thánh...nhưng không thiếu những lúc ánh sáng Giêsu tạm ẩn khuất dưới bóng của gian truân thử thách trong cuộc sống. Những lúc đó chúng ta cần nhớ rằng, Người vẫn luôn hiện hữu với đầy tràn vẻ yêu thương trìu mến vì Người là Đấng Tự Hữu (Xh 3,14).
Thiên Chúa vẫn luôn có cách để “hiển linh” cho từng tâm hồn thiếu vắng tình yêu và hơi ấm bình an của Hài Nhi Giêsu, qua rất nhiều luồng sáng khác nhau và rất riêng tư cho từng người ở từng thời điểm trong cuộc đời. Theo gương ba nhà chiêm tinh, chúng ta hãy mau mắn xin ơn Chúa Thánh Thần, năng chạy đến với Mẹ Maria cùng thánh cả Giuse ban ơn nâng đỡ giúp chúng ta có được sự can đảm và kiên trì tìm kiếm Chúa, chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta ở mãi trong cơn tăm tối của cuộc đời. Chắc chắn Người sẽ ra tay kịp thời để cứu thoát những linh hồn con chiên bé nhỏ của Người về bến bờ hạnh phúc đích thực.
  Khi vì sao Giêsu vừa xuất hiện, muôn vàn thiên binh hoan hỉ hợp cùng với sứ thần cất tiếng ngợi khen: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14). Như vậy, con người là thụ tạo mà Thiên Chúa đã “đoái thương nhìn tới” cách đặc biệt hơn cả, và ba nhà chiêm tinh là những người diễm phúc được yết kiến Hài Nhi Vua Trời đầu tiên. Chỉ vì yêu thế gian quá đỗi, nên Ngôi Lời đã vâng lời Chúa Cha sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và Tự Hạ qua tiếng thưa Fiat của Mẹ Maria. Chính Con Một Thiên Chúa đã tự nguyện đi vào lịch sử của nhân loại không chỉ là hơn hai ngàn năm về trước, nhưng Người vẫn song hành và đi cùng nhân loại từng ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Ước mong sao Hoàng Tử Hòa Bình với trái tim đầy lòng thương xót và nhẫn nại sẽ ghé thăm từng người chúng ta mỗi ngày, và ban tặng cho chúng ta niềm vui bền vững cùng sự bình an đích thực. Ước mong sao Ngôi Lời sẽ luôn cư ngụ mãi trong từng Đền thờ tâm hồn người kitô hữu, để Người trợ sức cho những ai đang mỏi mệt lo toan vì gánh nặng cuộc sống mưu sinh nơi gia đình; cho những ai đang đau bệnh về thể xác cũng như tinh thần được ơn nâng đỡ ủi an; cho những ai đã tin nhận vào Chúa luôn can đảm sống trong sự thật- công bình- bác ái- yêu thương và ngày càng say mê suy gẫm Lời Chúa như Mẹ Maria khi xưa. Amen.

 
_Marie Phanxico Xavier!_
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log