VÂNG, TÔI ĐÂY LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA
“Chúa yêu thương con. Đó là món quà quý giá nhất, một lời hứa mang lại hạnh phúc của Chúa cho con. Tất cả khởi đi từ đây.” (ĐGH Phanxixo). Tình yêu và hạnh phúc là điều con người vẫn luôn tìm kiếm khát khao. Người ta không thể sống mà không cần tình yêu thương. Và niềm hạnh phúc ấy chỉ thực sự tròn đầy và viên mãn nơi Thiên Chúa, Người là Cha chúng ta và là nguồn mạch tình yêu vô tận. Đức Maria đã cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu ấy, Mẹ đã đặt trọn vẹn niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa, chọn lựa của Mẹ là thi hành kế hoạch Thiên Chúa đã định sẵn cho Mẹ mà không lo lắng hay sợ hãi. Mẹ có gặp phải những khó khăn không? Chắc chắn là có. Nhưng Mẹ vẫn không ngừng hy vọng và vững tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho Mẹ.
Biến cố truyền tin nhắc cho mỗi người Kitô hữu nhớ lại tiếng thưa “xin vâng” cách mầu nhiệm của Mẹ Maria. Thánh sử Luca thuật lại: Nơi làng quê nghèo ở Nadaret, sứ thần Thiên Chúa đến tìm gặp một trinh nữ tên là Maria, người đã thành hôn với Giuse. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã thay đổi cả cuộc đời của Mẹ. Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn ngàn phụ nữ. Mẹ được sứ thần chào với danh hiệu “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Lời chào như một lời khẳng định chắc chắn về ân sủng Thiên Chúa sẽ đổ tràn trên Mẹ và kế hoạch yêu thương Người sẽ thực hiện. “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1,31-33).
Thái độ của Mẹ là điều đáng chú ý, Mẹ bối rối trước lời chào của sứ thần, nhưng Mẹ không nghi ngờ. Mẹ tìm cách để hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ đặt câu hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Thật khó hiểu về điều sứ thần đã nói khi đặt trong hoàn cảnh của Mẹ - một người đã thành hôn, Mẹ được xem như đã là người vợ, dù chưa về nhà chồng và sự hòa hợp vợ chồng chưa bắt đầu. Nhưng lời sứ thần xác nhận: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế mà không theo lẽ thông thường, Mẹ làm Mẹ do quyền năng của Thiên Chúa vì không có điều gì mà Thiên Chúa không thể làm được. Mẹ có thật sự hiểu hết những điều sứ thần vừa nói với Mẹ không? Điều đó thật không dễ dàng. Nhưng Mẹ đã dừng lại, Mẹ suy niệm điều đó trong lòng và sự chọn lựa của Mẹ là tiếng thưa “vâng” thật đơn sơ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).
Mẹ được mời gọi để làm Mẹ Thiên Chúa, nơi cung lòng Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Lời đáp trả của Mẹ thật đơn sơ, dứt khoát nhưng thật sự là một thách đố lớn lao. Thưa “vâng” là Mẹ chấp nhận đặt mình vào trong kế hoạch của Thiên Chúa mà Mẹ cũng không rõ ràng về kế hoạch đó. Mẹ sẽ phải đối mặt với đầy những khó khăn và có thể đó còn là cái chết nhục nhã theo phong tục của người Do Thái. Nếu Giuse không chấp nhận đứa bé thì sao? Nếu Mẹ bị ném đá thì sao? Ai có thể nói cho người ta hiểu về điều Thiên Chúa làm với Mẹ? Ai có thể tin những điều Mẹ nói? Mẹ không biết. Mẹ chỉ tin rằng đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ nguyện làm nữ tỳ của Người, để Chúa thực hiện kế hoạch của Người theo cách Người muốn. Thánh Luca kết thúc trình thuật bằng lời từ biệt của sứ thần: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi”. Cuộc gặp gỡ với sứ giả của Thiên Chúa kết thúc. Mẹ Maria ở lại một mình với trách nhiệm và trong thực tế là hoàn toàn vượt quá khả năng của Mẹ. Không còn một Thiên Thần nào ở cạnh Mẹ, Mẹ phải đối mặt với tất cả từ Belem đến đêm tối của thập giá bằng niềm tin và sự tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa.
Bernard thành Clairvaux, trong một bài giảng mùa Vọng đã diễn tả tiếng thưa của Mẹ như sau: Sau thất bại của tổ tiên loài người vì tội không vâng phục, thế giới chìm vào trong u tối, một đêm tối không có lối thoát. Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người vẫn không ngừng yêu thương và muốn đến với con người. Người tìm một lối đi mới để vào trần gian. Người đến gõ cửa Đức Maria. Người cần một tiếng thưa “vâng” để bước tiếp. Khi tạo dựng con người và ban cho con người tự do, Thiên Chúa một cách nào đó như bị lệ thuộc vào con người. Người cần sự đồng ý của con người. Như thế, Bernard thấy trời đất như nín thở ngay sau khi Thiên Chúa ngỏ lời với Mẹ. Mẹ có thưa tiếng “xin vâng” không? Sự căng thẳng chờ đợi bởi một giây phút quyết định cho tất cả. Và rồi Mẹ thưa “vâng”, đây là giây phút của sự vâng phục tự do khiêm tốn đồng thời cũng quảng đại để Thiên Chúa thực sự đến với con người, ở với con người và cứu độ con người. Qua tiếng thưa “vâng” đó, ân sủng của Thiên Chúa không chỉ tràn trào trên cuộc đời Mẹ nhưng còn được ban cho tất cả nhân loại đang chìm trong tội lỗi.
Khi chiêm ngắm tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người noi theo tấm gương của Mẹ, luôn sẵn sàng đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa bằng tiếng thưa vâng. Người Kitô hữu sống lời Chúa trong xã hội hôm nay luôn phải đối mặt với đầy những thách đố. Đôi khi, người tín hữu phải chấp nhận những thiệt thòi mất mát vì sống giá trị của Tin Mừng. Nhưng chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”(Mt 5,10). Mặt khác, trong Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải của Công đồng Vaticano II, Giáo Hội cũng nhấn mạnh: “Đối với Thiên Chúa, Đấng mặc khải, con người phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin”. Đó là lời đáp trả đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa là Cha. Đồng thời tiếng thưa vâng ấy cũng là điều cần thiết để người Kitô hữu được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Bởi lẽ “để sinh ra con thì Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con thì Chúa cần đến con” (thánh Augustino).
Lạy Mẹ Maria, qua tiếng xin vâng của Mẹ, Con Thiên Chúa đã đến và ở với chúng con. Xin Mẹ đồng hành và nâng đỡ chúng con trong mọi nơi mọi lúc, để chúng con biết noi gương khiêm nhường của Mẹ, can đảm thưa tiếng xin vâng với Chúa, trở thành khí cụ của lòng thương xót Chúa trên trần gian này. Amen.
Việt Trinh - Lớp Thần Học K6
==========================
MẸ MARIA XIN VÂNG
Mừng kỷ niệm biến cố sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Giáo hội mừng kính biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, đánh dấu thời khắc Thiên Chúa thực hiện lời hứa đối với dân Do Thái. Trong Bài đọc I, chúng ta đọc lại lời ngôn sứ Isaia tuyên báo cùng vua Akhát về một dấu lạ mà vua không dám xin, “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (7,10-14; 8,10). Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài hứa. Thánh sử Luca, trong chương 1,26-38, kể lại cho chúng ta chi tiết cuộc đối thoại giữa sứ thần Gabriel và Đức Trinh Nữ Maria thành Nazareth, thuộc miền Galilê, đất Israel. Đức Maria đã được chọn để cưu mang Ngôi Lời nhập thể và Mẹ đã xin vâng để Thiên Chúa “thực hiện cho Mẹ như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời đáp ca trong Thánh vịnh 39 cũng như Bài đọc II trong thư Do Thái (Hr 10,4-10) lặp lại và khẳng định việc Ngôi Lời đến để thực thi ý Thiên Chúa, như tất cả những gì được chép trong Sách Thánh. Như vậy, giao ước giữa Thiên Chúa và Dân tuyển chọn đã được thực hiện, Thiên Chúa đến ở cùng với con người và con người đón nhận Thiên Chúa.
Trong Năm Thánh 2025 với chủ đề Những người hành hương hy vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chúng ta hãy sống niềm “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Chúng ta có một điểm tựa chắc chắn nơi Thiên Chúa, Đấng chân thật, trung tín, toàn năng và yêu thương. Ngài đã tuyển chọn một dân Do Thái làm dân riêng, thánh hiến và dưỡng dục Dân, đồng hành với lịch sử vừa trung tín vừa bất trung của Dân, và đưa Dân tới cùng đích tối hậu phát triển và phồn vinh. Giáo hội mà Chúa Giêsu đã quy tụ và thiết lập là hình ảnh và cụ thể hóa của Dân Thánh mới, vừa mang đầy yếu đuối và thương tích, vừa hoàn mỹ và vững mạnh.
Chúng ta bước đi trên đường đời phải đối diện ít nhiều gian truân và thách đố, tuy nhiên, là những người hành hương hy vọng, chúng ta đi đến một cùng đích cụ thể, một nơi thánh, có thể là một điểm hành hương hay nhà thờ được chỉ định, với một ý hướng cụ thể là để tỏ tấm lòng thành kính, tạ ơn, sám hối, tỏ dấu hoán cải hướng tâm hồn và con người về Thiên Chúa, Đấng là nguồn của sự chân thật, đầy lòng nhân hậu và thương xót. Cất bước hành hương, chúng ta dần bỏ lại sau lưng những vướng bận và dính bén kéo chúng ta xa mục tiêu mà tiến tới để tìm ý nghĩa cốt lõi của đời mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Trong sắc chỉ Spes Non Confundit, Đức Thánh Cha Phanxicô phác họa cho chúng ta thấy “Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống.”[1]
Mừng lễ Truyền Tin trong Mùa Chay thánh năm nay, chúng ta thêm vững niềm tin cậy vào Thiên Chúa của Đức Giêsu, Đấng đầy lòng tín trung yêu thương, đã thực hiện lời hứa cứu độ[2] ngang qua Mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta noi gương Đức Giêsu, Ngôi Lời, đến để thi hành ý muốn cứu độ của Chúa Cha; đồng thời, cậy nhờ Mẹ Maria, Mẹ của lẽ cậy trông,[3] trợ giúp để chúng ta có thể dấn thân cộng tác vào những điều tốt đẹp Thiên Chúa muốn hiện thực hóa trong cuộc đời mỗi người và trong Giáo hội.
[1] Sắc chỉ Spes Non Confundit, số 24. [2] “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). [3] Litanies de Lorette: trois nouvelles invocations à la Vierge Marie, ZENIT – Français, https://fr.zenit.org/2020/06/20/litanies-de-lorette-trois-nouvelles-invocations-a-la-vierge-marie/ Cộng đoàn Mến Thánh Giá Camelo