Covid-19 đang làm cho cả thế giới hoảng sợ lo âu. Thiệt hại không thể kể hết, số người chết tăng lên từng giờ, bao nhiêu người khác đang quằn quại trong các bệnh viện và khu vực cách ly; học sinh nghỉ học, công nhân ngồi chờ, du lịch đóng cửa... cuộc sống ảm đạm hơn cả chiến tranh. Đau thương trùm lên đau thương. Nhưng kìa, ở một góc nhỏ, bên dưới những chòm tóc hoa râm, bên trong những đôi mắt ngời sâu, và trong những tâm hồn biết lắng đọng, đại dịch bỗng trở thành cơ may để có thể nhìn lại, nhìn rõ, nhìn sâu và nhìn xa hơn về cuộc đời, về sự sống, về tình người, tình trời... Trước đại dịch khủng khiếp, tất cả mọi phương tiện truyền thông đều vào cuộc với hy vọng chung tay đẩy lui dịch bệnh. Chả cần đi đâu xa mà ai nấy đều có thể nhận được những thông tin đa dạng, những cái nhìn đa chiều về cuộc sống thời đại dịch. Nhìn các bác sĩ và nhân viên y tế căng sức làm việc để cứu sống những bệnh nhân, các đoàn từ thiện phân phát miễn phí khẩu trang, thuốc men, thực phẩm... cho các vùng dịch mà thấy ấm lòng. Tình người thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Yêu thương phủ lấp đau thương. Mải nhìn những bộ áo trắng tinh đang cứu người, tôi lại giật mình nhớ về những kỷ niệm đau xót, những hành động khủng khiếp và dã man. Tôi không muốn nghĩ tới nó, thực sự không muốn nghĩ tới, muốn xóa nó khỏi bộ nhớ, nhưng có lẽ nó đã in quá sâu khiến tôi không thể nào quên được. Hôm đó, cũng những dáng áo trắng kia, tay cầm dao kéo mà cắt tay, cắt chân những đứa trẻ vô tội đang còn nằm trong bụng mẹ. Chao ôi, thật là khủng khiếp! Có nơi nào bình yên cho bằng trong bụng mẹ? Có người nào trong trắng vô tội như các thai nhi? Có ai yêu thương con cái bằng cha mẹ? Vậy mà chúng đã không được bảo vệ. Chúng đã bị tấn công một cách dã man, bị phân thây và lôi ra khỏi môi trường sống, rồi còn bị ném vào thùng rác..!! Nhưng đó đâu phải lỗi của bác sĩ để tôi cứ nhìn dáng áo trắng mà băn khoăn. Đúng thế, các thai nhi vô tội không chỉ phải chịu sự tấn công của các bàn tay đang cứu sống con người hôm nay, nhưng sự dã man và khủng khiếp hơn là chúng bị tấn công vì sự đồng thuận của chính những người làm cha làm mẹ, của xã hội và cuối cùng mới đến các bác sĩ. Cứu sống và hủy diệt! Sao tôi không thoát ra khỏi cái suy nghĩ luẩn quẩn này được nhỉ? Cũng tại tôi vẫn được nghe, được nhìn, được đọc nhưng thông tin về đại dịch, người chết vẫn cứ tăng lên, đại dịch vẫn cứ tràn lan. Hóa ra con người chúng ta không tự sinh ra mình, giờ đây lại cũng không tự cứu sống được mình. Như thế thì con người đâu có quyền để hủy diệt sự sống của mình và của người khác. Chúng ta chỉ có bổn phận chăm sóc sự sống được ban tặng cách nhưng không cho chúng ta mà thôi. Những hành vi lạm quyền trên sự sống của con người dưới mọi hình thức mà chúng ta đã từng làm, thì chúng ta cần phải quỳ gối xuống mà ăn năn sám hối, cùng nài xin Đấng duy nhất có quyền trên sự sống tha thứ cho chúng ta. Lại nghĩ về những thông tin thời đại dịch, ngoài những nghĩa cử đầy bác ái yêu thương, làm cho những người vốn chán nản và thất vọng về cuộc sống thôi chán nản, vì cuộc sống vẫn còn nhiều yêu thương, vẫn tươi đẹp và rất đáng sống, thì trên các trang mạng xã hội cũng không thiếu những thông tin đầy tiêu cực: nhà buôn tranh thủ tăng giá các mặt hàng; dân chúng “dẫm” lên nhau để dành mua khẩu trang, thực phẩm; tệ hơn nữa là người ta còn chế ra những bài ca để tấn công loại trừ nhau. Đau lòng thật. Đau khổ vì dịch bệnh chưa đủ hay sao mà còn xé nát tâm hồn nhau bằng những lời ca đầy tàn nhẫn. Tôi nghĩ nạn nhân không cảm thấy đau khổ vì dịch bệnh cho bằng thấy khổ tâm vì những dã tâm, những lời độc địa của con người. Tuy thế, không phải những thông tin tiêu cực là vô ích, nó thật hữu ích cho những ai thường than Trời trách phận mỗi khi gặp đau khổ. Nhờ những thông tin tiêu cực mà chúng ta biết được rằng những đau khổ thâm sâu nhất, lớn lao nhất trong kiếp người lại thường đến từ chính con người. Thấy tình người thật dễ dàng đổi trắng thay đen để biết rằng: chúng ta đều là con người như nhau, nên khi là nạn nhân ta hãy rộng lòng tha thứ để chính mình được thanh thản, đồng thời phải năng lắng lòng mà nhận ra những khi ta là phạm nhân đang gây đau khổ cho người khác để cố gắng hoán cải và sửa sai. Mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời đều có những bài học rất riêng cho từng người. Giữa cái rảnh rỗi bất đắc dĩ thời đại dịch này, chắc hẳn ai nấy đều đang lặng lẽ ngắm nhìn cuộc sống để nhận ra những bài học cho chính mình. Cuộc sống vẫn đang diễn ra, và vẫn còn biết bao nhiêu bài học, hãy cùng nhau lắng đọng tâm hồn, hãy quỳ gối xuống trước Thần linh thì chúng ta sẽ nhận ra trong đau khổ vẫn có những cơ may cho tâm hồn, cơ may cho những suy nghĩ đã từng sai lầm, cho ý thức về cuộc sống trong tương lai. Cơ may thời đại dịch.