Chúa nhật, 22/09/2024

Không Chịu Sống Đời Nhỏ Nhoi

Cập nhật lúc 16:07 16/04/2020

Bức tranh muôn màu của cuộc sống được vẽ nên bởi những gam màu khác nhau, nói lên sự vô cùng phong phú và phức tạp của cuộc sống, ở đó mỗi người đều đã xác lập cho bản thân những lí tưởng và mục đích sống khác nhau. Có những người chỉ muốn “hưởng thụ tối đa”, song cũng có những người lại sẵn sàng hi sinh bản thân để “cống hiến hết mình” cho cuộc đời.
Thế giới siêu hiện đại của nền công nghệ 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và những ứng dụng của nó trên mọi lĩnh vực, tương quan giữa người với người như gần nhau hơn. Chỉ cần sở hữu bất kỳ một thiết bị điện tử thông minh nào đó cùng với một cái “quẹt quẹt, bôi bôi” thì “Ta có thể đến ngay được với Mình” một cách “nhanh như chớp”, và ai ai cũng có thể “thả thính” rồi “thả tim” của mình cho bất cứ ai dù chẳng quen, chẳng biết. Song, dường như “Mình”“Ta” chỉ gần nhau trong màn “ảnh ảo” để rồi “Ta” với “Mình” cũng “ảo ảnh” với nhau trong tình liên đới. Quả thế, dễ là ta nói yêu nhưng lại chẳng có hành động; dễ là ta nói hy sinh nhưng lại sợ mất mát; dễ là ta nói muốn cho đi nhưng lại luôn tìm cách thu vén; dễ là ta nói dấn thân nhưng lại ích kỷ ngồi yên một vị trí... Thật thế, ngày nay, sống yêu thương, hy sinh và phục vụ dường như đã trở nên lý tưởng xa vời, như một nốt nhạc lạc điệu trong bản hợp xướng hỗn độn, xô bồ của một xã hội đang tháo thứ nhiều quy tắc đạo đức xã hội. Tình yêu thương đích thực, sự hy sinh, sự phục vụ vô vị lợi được sánh ví như một món “đồ cổ” hiếm hoi, khó thấy hay như một “mặt hàng cao cấp” hết sức xa xỉ ngay trong mái ấm gia đình và đặc biệt là trong cộng đồng xã hội. Sống dửng dưng, vô tình, ích kỷ “mạnh ai nấy lo” lại là lý tưởng sống được người nhiều người ưa chuộng và chọn lựa. Ai ai cũng chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và dần quên đi những lý tưởng cao đẹp của việc "cho đi" hay của lối sống cống hiến.
Những ngày này, khi cả thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19, màu tang tóc bao trùm khắp nơi, nhân loại cảm nhận mình đang đi đến cuộc hẹn của mình với vận tốc kinh hoàng. Giữa lúc tối tăm và cam go, dường như ai ai cũng “được phép minh nhiên sống ích kỷ” để lo cho sự an toàn của bản thân mình, thì chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh trái ngược, hình ảnh những con người “không chịu sống đời nhỏ nhoi”. Đó chính là hình ảnh những người quên mình để sống cho người khác. Quả vậy, chúng ta phải cúi đầu khâm phục trước sự hy sinh của những “người hùng áo trắng”, đó chính là đội ngũ y, bác sĩ dấn thân trên tuyến đầu chữa trị cho các bệnh nhân. Hơn ai hết, họ biết rõ những rủi ro mà mình phải đối mặt, đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao và kết quả là rất nhiều người trong số họ đã tử vong. Bên cạnh đó là hình ảnh những linh mục, những tu sĩ dấn thân trong việc phục vụ bệnh nhân như linh mục Fabio Stevenazzi 48 tuổi người Ý đã mang đến một chút hơi ấm trong “đêm trường Covid-19” khi cha quyết định tạm “cởi áo” giáo sĩ, để khoác trở lại chiếc blouse trắng (vì trước khi vào tu viện cha là một bác sĩ) trong bối cảnh nước Ý đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc gia trước đại dịch Covid-19. Ngoài ra cũng còn biết bao con người đã và đang âm thầm cống hiến hết mình và đã chết mà chưa được vinh danh; hay câu chuyện từ chối dùng máy thở để nhường cơ hội sống cho bệnh nhân trẻ tuổi của Linh mục Giuseppe Berardelli (72 tuổi) người Ý và của cụ bà Suzanne Hoylaerts (90 tuổi) người Bỉ đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt… Tất cả họ là những bông hoa đẹp, họ đã chọn cách sống đẹp và cách chết cũng thật đẹp. Họ chính là những chứng từ sống động cho lời thầm thì của Đức Kitô: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Bạn và tôi, chúng ta đã nghe đâu đó câu hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không…” (Để Gió Cuốn Đi), hay nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong ca khúc: Một Đời Người Một Rừng Cây cũng từng gửi cho chúng ta một dòng tin nhắn: “Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi” và ông cũng hỏi mỗi người: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Quả vậy, những người hùng áo trắng trên tuyến đầu chống dịch bệnh; những người âm thầm dấn thân và hy sinh cho các bệnh nhân mà có thể họ không được vinh danh trên các mặt báo; hay vị linh mục và bà cụ nhường máy thở kia…Tất cả những người này họ đã sống chân lý yêu thương của cuộc đời và đã sống đức ái Kitô giáo cách hoàn hảo và thật sự họ đã “không chịu sống đời nhỏ nhoi”. Vì thế, cả thế giới chúng ta mãi mãi nợ họ một lời “cảm ơn”.
 Vấn đề còn lại là chúng ta. Soi mình vào gương sống của các vị đó, chúng ta thấy có gì đó xấu hổ, vì hình như bấy lâu nay chúng ta vẫn thích là đồ đệ của trường phái “hưởng thụ tối đa” chứ không phải là “cống hiến hết mình”, chúng ta vẫn chịu “sống đời nhỏ nhoi”. Dẫu biết rằng, chẳng có gì là xấu hổ, chẳng có gì là sai lầm khi với bản năng sinh tồn, chúng ta cố gắng tạo lập và chọn cho mình một cuộc sống an nhàn, an toàn và tránh sự hiểm nguy, vất vả. Tuy nhiên, là những người kitô hữu đích thực, mỗi chúng ta cần chân nhận và cần ý thức sống theo cái nhìn mà lăng kính Kitô giáo đã chỉ ra: “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5) và “cuộc đời chỉ hạnh phúc những khi nào yêu mến, trong tim người tìm đến với nhau hy sinh cho nhau” (Tình Yêu Thập Giá - Lm. Nguyễn Sang). Quả thật, thế giới đang cần chúng ta thắp sáng lên những ngọn lửa yêu thương và hi vọng ngang qua lời cầu nguyện, ngang qua những hy sinh âm thầm nhỏ bé trong bổn phận, trong trách nhiệm của mỗi người. Bởi đó, cùng góp một bàn tay để kiến tạo và dựng xây một thế giới đầy yêu thương là một sứ điệp gửi trao đến tất cả mọi người.
 R. Tagore đã cảm nghiệm: “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là hoan lạc. Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám phá thấy phục vụ chính là hoan lạc”. Thật thế, mỗi người chúng ta cũng cần một chỗ để phục vụ, để trao ban, quan trọng không phải chỗ cao hay thấp, trên hay dưới, lớn hay nhỏ, sang hay hèn, nhưng là một chỗ thật gần với Chúa và với tha nhân. Hãy tập sống âm thầm, hy sinh, quên mình, nhận lấy thân phận bé nhỏ, “coi người khác trọng hơn mình” để hi vọng ở trang cuối cuộc đời, chúng ta có thể viết lên một lời kết như bà cụ 90 tuổi Suzanne Hoylaerts - người nhường máy thở đã nói trước khi ra đi: “Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp”.
Maylangthang ​
Thông tin khác:
Cây Đèn Chầu (19/03/2020)
Hoa Mười Giờ (09/03/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log