Có lẽ đã từ rất lâu hai từ “đói và khát” đã dần trở nên xa lạ với con người trong xã hội hôm nay, đặc biệt là với người trẻ. Vì sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với các thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại đã đưa nền kinh tế của nước ta và các nước trên thế giới phát triển vượt bậc. Con người tự hào về những thành tựu mà họ đã đạt được và tìm thỏa mãn với chính mình, tự hào rằng mình có thể làm được tất cả mọi sự, mong muốn đưa đất nước mình trở thành những cường quốc lớn mạnh trên thế giới. Còn người dân thì không chỉ dừng lại ở nhu cầu “cơm no áo ấm” nhưng là “cơm ngon áo đẹp”. Nhưng thật bất ngờ, ngay lúc này đây cả thế giới đang phải đối diện với một cơn “Đói và Khát” đến cực độ cho dù họ đang sống trong một thế giới văn minh và hiện đại.
Sự đói khát của trận đại dịch Covid-19 này không chỉ là sự đói khát về cơm ăn áo mặc nhưng còn là sự đói khát của tình thương giữa người với người, của sự quan tâm, chia sẻ và nâng đỡ. Hàng ngày, khi theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta không khỏi bàng hoàng trước những con số được thống kê người nhiễm Covid-19, nó tăng lên từng ngày từng giờ đến chóng mặt, nó làm cho nhà nhà lo sợ, người người bất an trước con virut Corona bé nhỏ. Ngay tại những nước thuộc khu vực Châu Âu, hay các nước phát triển nhất trên toàn thế giới với nền công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật hiện đại nhất, cũng đều đang cảm thấy bất lực trước cơn đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ. Tại các thành phố lớn, các trung tâm mua sắm nhộn nhịp giờ trở nên vắng lặng đến ghê sợ, không một bóng người qua lại. Một bầu không khí u ám tang tóc bao trùm trên khắp thế giới. Ai ai cũng lo sợ cái chết sẽ đến với bản thân, gia đình và những người thân yêu của mình. Nhiều nước trên thế giới không chỉ đối diện với dịch bệnh, nhưng còn phải đối diện với nguy cơ về cái đói và cái nghèo đang diễn ra theo sau đại dịch bởi sự ngưng trệ về kinh tế, những chi phí cho dịch bệnh ngày càng tăng… Nhìn vào thực tế, có lẽ không ít người đang vô cùng hoang mang lo sợ, họ không thể và không dám chấp nhận sự thật này.
Cái đói và cái nghèo tại các nước khu vực Châu Phi và nguy cơ dịch bệnh gia tăng kéo dài làm cho cuộc sống của người dân ngày càng lâm vào bế tắc. Ngay lúc này, thế giới đang rất cần những tấm lòng quảng đại, sẵn sàng mở rộng đôi tay, mở rộng tấm lòng và con tim để chia sẻ, nâng đỡ, cảm thông với anh chị em đồng loại, sự chia sẻ về vật chất và tinh thần.
Bên cạnh cái đói và khát thể lý trong cơn đại dịch này, thì cũng còn biết bao nhiêu người đang cảm thấy cái đói cái khát từ sâu thẳm tâm hồn mà họ chưa diễn tả được và đang khao khát kiếm tìm. Đó chính là sự đói khát của quan tâm, chia sẻ. Lúc này đây, họ cũng nhận ra rằng cần lắm một điểm tựa để cảm thấy sự nâng đỡ, sự bình an trong cơn hoang mang, sợ hãi. Có thể gọi sự đói và khát này với một cái tên là sự đói khát tâm linh. Sự đói và khát này không chỉ dừng lại nơi những người công giáo nhưng là sự đói khát từ trong sâu thẳm cõi lòng mỗi người.
Lúc này đây, nhân loại nhận ra rằng: cho dù khoa học kỹ thật có phát triển mạnh đến đâu, thì thực tế là cả thế giới vẫn đang bất lực trước một con virut siêu nhỏ bé. Hơn lúc nào hết, họ cũng nhận ra rằng lúc này dù có nhiều tiền đến đâu thì họ cũng chẳng thể bảo đảm sự sống cho mình và cho những người thân yêu của mình.
Tiền bạc lúc này không phải là mục đích chính yếu của cuộc sống con người, bởi lẽ có nhiều nơi trên thế giới tuy có tiền nhưng con người không thể mua được lương thực và thực phẩm để phục vụ cho cuộc sống. Có nhiều tiền nhưng con người cũng không thể cứu nổi mạng sống của mình, và trong hoàn cảnh như vậy con người mới nhận ra rằng chỉ có một điều có thể tồn tại với họ đó là tình tương thân thương ái và sự quan tâm chia sẻ mà mỗi người dành cho nhau. Họ thấy mình đang đói khát và thiếu vắng tình thương của mọi người, và chính bản thân họ cũng phải dành cho người khác sự quan tâm và chia sẻ, ngay cả những người đang ở cùng với họ. Lúc này đây, khi không còn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của máy móc, hay sự náo nhiệt của công việc thì họ mới nhận ra là họ cần có thời gian để dành cho những người thân yêu của mình. Cha mẹ dành tình thương sự quan tâm chia sẻ với con cái, vợ chồng dành thời gian để lắng nghe, thông cảm và hiểu nhau hơn! Và mọi người đều hiểu ra một chân lý là họ không thể sống một mình bởi vì
“không ai là một hòn đảo”. Lúc này đây, con người chợt hiểu là họ đang có một cơn khát mãnh liệt, một cảm giác khao khát hạnh phúc, niềm vui và bình an sau những bộn bề và lo toan của cuộc sống. Con người lúc này tìm về nguồn cội của mình, nơi mình đã được dựng nên, sinh ra và lớn lên. Về nơi đó, họ được gặp lại chính mình và tìm được sự an ủi, nâng đỡ vì Chúa đã nói:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28), và trong cơn đói khát đó con người lại gặp được nơi Chúa Giêsu nguồn lương thực và Nước uống trường sinh.
“Tôi là Bánh Trường Sinh, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51) và “
ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14).
Như một người đang trong cơn tuyệt vọng vì đói khát và mệt mỏi, họ đi tìm và đã gặp được Chúa Giêsu. Nhờ Ngài, họ đã được no thỏa, được hạnh phúc và bình an. Họ đã cảm nhận được bàn tay yêu thương, chăm sóc của Chúa, bàn tay ấy đang nâng đỡ và bồng ẵm họ như người mẹ hiền an ủi con thơ, bàn tay đó đã chạm vào tận sâu thẳm tâm hồn họ, đi cùng với họ trong cuộc sống. Nhờ đó, họ không còn thấy mình bị cô đơn, hoang mang và sợ hãi nữa. Từ đó, họ cũng sẵn sàng mở rộng trái tim với mọi người trong sự quan tâm và tình liên đới với tha nhân, vì biết rằng tất cả nhân loại đều là anh em với nhau.
Lạy Chúa Giêsu! Xin Chúa hãy đến và chạm vào tâm hồn chúng con, để chúng con được biến đổi và được thuộc về Chúa, vì chúng con xác tín rằng chỉ nơi Chúa chúng con mới thật sự được no thỏa, được bình an và hạnh phúc tròn đầy. Xin cho chúng con dám buông bỏ tất và vét rỗng chính mình để được lấp đầy tâm hồn bằng tình yêu thương xót của Chúa! Amen.