"Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp" (Mt 17,4)" Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa bước vào mùa Thánh hiến. Từ 04.06 đến 13.06 chị em Học viện sẽ bước vào tuần Linh thao năm 2020 chuẩn bị cho việc tuyên lại Lời khấn. Từ 02.08 đến 11.08 các em Tập sinh cũng sẽ bước vào tuần Linh thao chuẩn bị cho bước tiến mới trong đời thánh hiến qua việc cam kết sống ba lời khuyên Tin mừng. Từ 05.10 đến 14.10 chị em Tiền vĩnh thệ sẽ trải qua một tuần Linh thao mang tính phân định để bày tỏ một quyết định dứt khoát thuộc trọn về Chúa. Hôm nay, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, từ một nơi xa, tôi muốn gởi đến chị em một vài tâm tình chia sẻ như một sự hiệp thông với chị em trong mùa hồng ân thánh hiến giữa mùa đại dịch Covid-19.
Trong những lần đi công tác tại Myanmar, tôi có dịp đến thăm một cộng đoàn 8 Nữ tu thuộc Dòng Sisters of Reparation có trụ sở chính ở Milano, Italy đang hiện diện và phục vụ ở một vùng núi thuộc địa bàn tỉnh Myitkyina. Đây là vùng giáp ranh giới giữa Myanmar với Ấn Độ và Trung Quốc. Tại đây, các Nữ tu sống một nếp sống quá nghèo giũa những người dân rất nghèo. Họ không có điện, không có nước sạch, không có internet, đôi chỗ không có cả đường đi, nhà cửa bằng tre nứa tạm bợ… Trong cộng đoàn Nữ tu này có 2 chị đi học 5 năm tại Roma, 3 chị đi học 4 năm tại Philippines. Công việc của các Nữ tu ở đây là chăm sóc khoảng 150 trẻ em mồ côi, khuyết tật và cộng tác với các cha, các giáo xứ lân cận trong cộng việc mục vụ. Thoáng nhìn vào bữa ăn rất đơn giản, đạm bạc, thoáng nhìn vào nơi chốn sinh hoạt, làm việc rất đơn sơ của các Nữ tu, tôi cảm nhận được dấu ấn của một nếp sống nghèo theo tinh thần Tin mừng, như một chứng tá sống động trên hành trình bước theo Đức Kitô.
Điều đọng lại trong tôi đó là hình ảnh đơn sơ, hồn nhiên của các em bé mồ côi, khuyết tật; hình ảnh đầy thanh thoát của các Nữ tu vui tươi với cuộc sống nghèo, thiếu thốn, vất vả đòi hỏi nhiều hy sinh và miệt mài dấn thân cho sứ vụ vì Nước Trời. Hình ảnh của các em mồ côi, khuyết tật và cuộc sống đời thường với sứ vụ phục vụ của các Nữ tu ở Myitkyina cứ làm tôi suy nghĩ mãi và hình thành trong tâm trí tôi nhiều dấu chấm hỏi.
- Tại sao các em bé lại phải mang trong người những khiếm khuyết về thể lý, chịu thiệt thòi, chịu mất mát, chịu thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, của gia đình như thế ?
- Tại sao các Nữ tu còn rất trẻ, nhiều tài năng lại chấp nhận gắn bó đời mình với Linh đạo và Đặc sủng của Dòng, để dấn thân phục vụ những người đau khổ một cách vô vị lợi như thế?
- Tại sao các Nữ tu lại có thể trụ lại lâu dài, nơi vùng sâu vùng xa, với công việc chăm sóc các cháu mồ côi, khuyết tật đầy vất vả, hy sinh và lập đi lập lại công việc phục vụ ngày này sang ngày khác một cách nhàm chán như thế ?
- Tại sao các Nữ tu lại chấp nhận đặt trên đôi vai mảnh mai bé nhỏ của mình cả hai trách nhiệm nặng nề: vừa phải chu toàn những đòi hỏi gắt gao của nếp sống đời thánh hiến với đời sống thiêng liêng, với việc đào tạo, với việc tuân giữ nghiêm túc ba lời khấn, với việc xây dựng đời sống cộng đoàn và việc thi hành sứ vụ phục vụ của Hội Dòng; vừa phải tận tâm, kiên nhẫn dạy dỗ bao bọc các cháu bé bằng tâm tình đầy cương nghị của một người cha, và tận tình chăm sóc, nâng niu các cháu bé bằng tấm lòng yêu thương và trái tim của một người Mẹ ?
- Tại sao các Nữ tu lại tự nguyện chọn lựa một nếp sống với những đòi hỏi gắt gao của tinh thần Tin mừng; với những ràng buộc khắt khe trong kỷ luật của đời tu ?
- Đâu là động lực, đâu là ý chí, đâu là tự do, đâu là nghị lực, đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc cho các Nữ tu trong môi trường lặng thầm và tất bật bận rộn suốt ngày này ?
Trong những dịp dạy học, giúp tĩnh tâm, thường huấn cho chị em Dòng Mến Thánh Gía Hưng Hóa tôi cũng có nhiều suy nghĩ và nhiều dấu chấm hỏi như thế. Hầu hết chị em còn rất trẻ, rất hồn nhiên, tươi vui, trong sáng và thanh xuân đang miệt mài học tập, tu luyện, gắn bó đời mình với Linh đạo và Đặc sủng của Dòng Mến Thánh Gía Hưng Hóa, để bày tỏ một quyết tâm đầy can đảm trên hành trình bước theo Đức Kitô ( Sequela Christi), tuy nhiên:
- Tôi cũng thoáng cảm nhận được trên vài ánh mắt của chị em có điều gì đó chưa thật vui, nhưng tôi tin là chị em đang hạnh phúc với sự lựa chọn ơn gọi của đời mình.
- Tôi cũng thoáng nhận ra vài nụ cười chưa thật tươi tròn của chị em, nhưng tôi tin là lòng dạ và trái tim của chị em đang rất nồng ấm, tươi vui trên hành trình đời dâng hiến.
- Tôi cũng thoáng nhận ra đôi chút mệt mỏi, căng thẳng của vài chị em khi phải căng mình ra để cố gắng hoàn thành trọn gói mọi trách nhiệm tu tập của mình, mọi công việc của cộng đoàn, nhưng tôi tin là chị em đã và đang có những bước đi đầy nỗ lực, nhiều cố gắng, nhiều hy sinh để mang vác thập giá đời mình bước theo Đức Kitô.
- Tôi cũng hiểu: thật ra chị em cũng có một chút ưu tư, băn khoăn khi phải đối diện với những thực trạng mù mờ, mạo hiểm, bề bộn, ngổn ngang nhiều thách đố trên hành trình đời tu của mình, nhưng tôi tin là từ sâu thẳm của trái tim, chị em đã luôn nuôi dưỡng một niềm hy vọng, một niềm vui đầy xác tín như Thánh Phaolô: Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, dù gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác. (x. Rm 8,35-39)
Hôm nay, trong bối cảnh của khu cách ly tập trung tại một doanh trại bộ đội ở Chu Lai, Quang Nam, với thời tiết nóng đầy khắc nghiệt của một vùng nông thôn nghèo khó của Miền Trung, tôi ngồi miên man suy nghĩ về câu chuyện của các Nữ tu Myanmar đang phục vụ ở vùng sâu vùng xa; suy nghĩ về hành trình ơn gọi của chị em Dòng Mến Thánh Gía Hưng Hóa với lời mời gọi ra đi truyền giáo trên cánh đồng mênh mông của một giáo phận có địa bàn rộng lớn nhất Việt Nam; suy nghĩ về rất nhiều những niềm vui, nỗi buồn của những người sống đời thánh hiến mà tôi đã có dip gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi và cũng suy nghĩ về thật nhiều về chính hành trình ơn gọi của tôi và tôi đã tìm được câu trả lời từ trình thuật của Thánh Matthêu trong biến cố biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor, khi Thánh Phêrô thốt lên. "Lạy Chúa,chúng con ở đây thật là tốt đẹp" (Mt 17,4)
- Niềm vui Tin mừng
Vào lúc Chúa biến hình, thánh Phê-rô đã nhân danh các tông đồ khác mà thốt lên: "Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp" (Mt 17,4). Việc cảm nghiệm vinh quang của Đức Kitô dù đã khiến tâm trí và trái tim ông bị hoàn toàn thu hút nhưng đã không cô lập ông ; trái lại còn liên kết ông với "chúng con", nghĩa là với các môn đệ kia. Chiều kích của tiếng "chúng con" dẫn đưa chúng ta suy nghĩ về vị trí của đời thánh hiến trong mầu nhiệm Hội Thánh. (x.VC 29)
Dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, chúng ta nhận thấy rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một điều thuộc về đời sống và sự thánh hiến của Hội Thánh. Điều đó có nghĩa là đời thánh hiến đã hiện hữu từ buổi sơ khai, sẽ không bao giờ được thiếu vắng trong Hội Thánh, bởi vì nó là một yếu tố cấu tạo và đặc trưng, diễn tả chính bản tính của Hội Thánh.
Như Thánh Phêrô chúng ta cũng ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói lọi đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Kitô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu chói ngời, ngay trong chính đời sống thánh hiến đầy thách đố của chúng ta.
Tiếng nói từ trên cao: “Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”(Mt 17,5) lại khích lệ thêm lời gọi mà chính Đức Giê-su, khi khởi đầu cuộc đời công khai, đã ngỏ với các môn đệ, mời họ hãy theo Người, hãy từ bỏ cuộc sống bình thường, và hãy vào sống trong tình nghĩa thiết với Người. Chính do ơn đặc biệt là được sống trong tình thân thiết với Chúa mà phát xuất trong đời sống thánh hiến, khả năng và đòi hỏi hiến mình trọn vẹn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Các lời khuyên Phúc Âm còn là cái gì vượt xa hẳn sự từ bỏ ; chúng mang ý nghĩa như là đón tiếp mầu nhiệm Đức Ki-tô một cách đặc biệt, được sống giữa lòng Hội Thánh.
Chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta và ngang qua những đòi hỏi của ơn gọi, với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói : “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp ”(Mt 17, 4)
- Niềm vui biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô
Tôi có những trải nghiệm khá thú vị trong mùa đại dịch Covid-19, khi phải sống trong vùng bùng phát dịch tại Italy, ở Myanmar và tại khu cách ly ở Việt Nam.
Hôm nay, tự nhiên nhớ lại những suy nghĩ đầy sợ hãi của thời điểm hơn 2 tháng trước đây. Tôi ở một mình nơi xứ lạ quê người như thế này, lỡ nhiễm Corona Virus thì làm thế nào? Chết thật ! nghe Ông cha Bề trên Tỉnh Dòng Myanmar nói: lãnh vực y tế ở đây còn lạc hậu, đơn sơ lắm, lại càng lo hơn, càng sợ hơn.
Ở chung với ông già làm vườn thuộc bộ tộc thiểu số người Kayin, Myanmar, khác biệt ngôn ngữ, khác biệt phong tục tập quán, suốt cả ngày chả nói chuyện với nhau câu nào, mình cũng cố vận dụng các kỹ năng giao tiếp bằng tay, bằng cử chỉ điệu bộ, bằng cả kỹ thuật 4.0 dịch trên máy điện thoại, nhưng cũng chả cải thiện được bao nhiêu. Hằng ngày dâng Lễ có ông già tham dự. Chủ tế xướng bằng một ngôn ngữ khác, ông già đáp lại bằng tiếng Burmese, có lúc lời xướng lời đáp cũng chẳng khớp nhau, đôi khi cả hai cùng phụt cười.
Tình hình này nếu có sự cố gì cũng chả biết làm sao? Ở đây rất vắng vẻ đến lạ lùng, chả hiểu thủ đô kiểu gì! Ít dân cư , ít xe cộ, thỉnh thoảng mới thấy một vài bóng người, đường bê tông rộng đẹp, nhưng chỉ có bò, dê buổi sáng đi ăn, buổi chiều đi về thênh thang trên con đường vắng. Hằng ngày, nỗi lo lắng sợ hãi cứ lớn dần lên khi đọc tin tức thấy con số người nhiễm và chết vì Covid-19 càng ngày càng nhiều, càng ngày càng tăng. Thời gian bị kẹt không có chuyến bay để về Nước cứ dài ra theo nhịp độ phong tỏa, giãn cách của chính phủ Myanmar, khiến có nhiều suy nghĩ vu vơ, lung tung, sợ hãi hơn.
Để tự trấn an mình nơi xứ lạ, tôi cũng tậu một bộ cánh theo đúng truyền thống của Myanmar với váy Longyi và áo Eingyi để mặc cho giống người giống cảnh, nhưng vì không quen, nên khi mặc lại căng thẳng và lo hơn, vì cứ thở mạnh thì longyi lại có nguy cơ rơi tự do. Thật là đến khổ!
Trong suốt ba tháng vừa qua, khi phải đối diện với những nghịch cảnh, đối diện với những điều trái ý trong cuộc sống; khi phải lặng thầm, một mình ở những nơi chốn cách ly xã hội, tôi đã cảm nhận được chính Chúa luôn hiện diện và đồng hành với tôi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống đời thường và giúp tôi dễ hòa nhập hơn, dễ chấp nhận hơn với những hoàn cảnh khó khăn, thử thách; đồng thời giúp tôi có niềm vui và can đảm vượt qua những thách đố.
Chia sẻ với chị em một chút những trải nghiệm riêng tư của tôi trong mùa đại dịch, để cùng với chị em, chúng ta cùng khám phá ra trong cuộc đời thánh hiến của mình đâu là niềm vui? Đâu là động lực? Đâu là những dấu chỉ thời đại đang thúc đẩy mời gọi chúng ta lắng nghe, và đọc được tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của con người thời đại? Đâu là con đường chúng ta phải đi? Đâu là con người sâu xa đích thực mà chúng ta phải trở thành?
Đây là những câu hỏi luôn chất vấn chúng ta – cho chị em và cho cả tôi nữa – là những người đang sống đời sống thánh hiến. Nếu chúng ta không hướng đến sự hoán cải, không khuôn đúc đời mình bằng những chuẩn mực của Tin mừng, không để đời mình được hướng dẫn bởi lối lý luận của các Mối phúc, không thay hình đổi dạng theo Đức Kitô thì rất khó để có được những câu trả lời đúng cho những dấu chấm hỏi trong đời thánh hiến của chính mình.
- Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Ki-tô với cả con tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình" (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, (x. Rm 8,29 )
- Trở nên đồng hình đồng dạng cũng có nghĩa là:
- Khi ôm ấp sự trinh khiết, chúng ta nhận tình yêu khiết trinh của Đức Ki-tô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30; 14,11)
- Khi bắt chước sự nghèo khó của Người, chúng ta tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10)
- Khi gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, chúng ta tuyên xưng Người là Đấng được yêu thương và Đấng yêu thương vô biên, là Đấng chỉ vui thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự.
- Việc nhận ra khuôn mặt biến hình của Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày, nơi chị em trong cộng đoàn, nơi những người nghèo, người đau khổ mà chúng ta được sai đến để phục vụ, sẽ giúp chị em từng bước nhận ra dung mạo Đấng chị em đang bước theo.
- Những vui buồn xung đột, căng thẳng, thăng trầm trong đời thánh hiến được hiểu như những chặng đường thập giá chị em sẽ phải trải qua, chị em sẽ có những trải nghiệm về sự đau khổ, về sự thua thiệt, về sự hy sinh dài lâu, về những khoảng lặng, về những góc tối chật hẹp trong đời tu và đôi lúc chị em sẽ có cả những trải nghiệm đau đớn về sự vô vị, tẻ nhạt, mất phương hướng, đánh mất mình, va vấp quỵ ngã và cô đơn trong chính nơi chốn mình đang hiện diện cùng với chị em khác trong cộng đoàn.
- Chúa Giê su cũng đã trải qua những thách đố đó trong thân phận con người khi Ngài than thở với các tông đồ: “ Tâm hồn Thầy buồn đến chết được (Mt 26, 38). Nhưng Ngài đã can đảm vượt qua, Ngài đã không làm theo ý muốn của mình, nhưng chi thi hành theo ý Đấng đã sai Ngài: “ Lạy Cha, nếu có thể được xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”(Mt 26, 39). Ðức Giêsu đã thi hành trọn vẹn Thánh ý của Thiên Chúa Cha trong mầu nhiệm lịch sự cứu độ:"Mọi sự đã hoàn tất, rồi Người gục đầu xuống tắt thở" (Ga 19,30).
- Đau khổ là điều có thể xảy ra cách tạm thời, có thể lập đi lập lại trong đời sống chị em, để giúp chị em thanh luyện, giúp chị em hoán cải và được chữa lành. Trở thành môn đệ của Chúa là luôn phải chiến đấu và lên đường chống lại với thế lực sự dữ, với tính lười biếng, ích kỷ, kiêu ngạo và hẹp hòi của mình. Trở thành môn đệ là biết từ bỏ, biết để lại đằng sau những gì vướng víu cản lối, biết điều chỉnh cuộc sống mỗi ngày và hoán cải liên tục để được chữa lành, để được đổi mới.
- Trên hành trình theo Chúa, Thánh Phêrô cũng đã từng ngờ vực: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con được gì?” (Mt 19, 27). Chị em cũng sẽ có lúc mệt mỏi, căng thẳng, mất niềm vui, mất niềm hy vọng như thế. Đâu là điều chị em phải phân định để có niềm vui cho ơn gọi của mình?
- Niềm vui phân định ơn gọi: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp ” (Mt 17,4)
Phân định ơn gọi là một tiến trình cần thiết cho những người sống đời sống thánh hiến, để càng ngày càng xác tín hơn về sự chọn lựa đầy tự do của mình về việc bước theo Đức Kitô – một Đức Kitô đang sống- khi gắn bó đời mình với Linh đạo và Đặc sủng của một Hội Dòng.
- Việc phân định sẽ giúp cho chúng ta có niềm vui và hy vọng để bước theo Đức Kitô một cách sống động, bởi vì: “Đức Kitô đang sống! Chúng ta cần luôn tự nhắc mình điều này, vì chúng ta dễ nhìn Đức Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương tốt ở trong quá khứ xa xăm, như một ký ức, như một ai đó đã cứu mình cách đây hai ngàn năm. Nhưng điều đó xem ra chẳng ích gì cho chúng ta: nó không thay đổi gì nơi ta, nó không giải phóng ta. Đấng đổ đầy trên chúng ta ân sủng của Người, Đấng giải phóng và biến đổi ta, chữa lành và an ủi ta, là Đấng thực sự đang sống. Người là Đức Kitô, đã từ cõi chết sống lại, với đầy sự sống và năng lực siêu nhiên, ở trong ánh sáng vô hạn. Vì thế Thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1Cr 15,17).”( CV 124)
- Việc phân định sẽ giúp cho chúng ta xác tín: Đức Kitô đang sống, nên Người có thể hiện diện trong đời sống chúng ta mọi khoảnh khắc, để ban ánh sáng chan hòa và xua đi mọi buồn phiền và cô đơn. Ngay cả dù mọi người khác bỏ đi, thì Người vẫn ở đó, như người đã hứa: “Thầy ở với anh em, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28,20). Người lấp đầy đời sống chúng ta với sự hiện diện vô hình của Người; chúng ta đi bất cứ đâu, Người cũng chờ đón chúng ta ở đấy. Bởi vì Người không chỉ đã đến trong quá khứ, mà Người vẫn đến với chúng ta hôm nay và mọi ngày, mời gọi chúng ta lên đường đi tới những chân trời mới. (x. CV 125)
- Việc phân định sẽ giúp chúng ta luôn cảm nhận: Đức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Người đã bước đi ở Galilê. Người bước đi xuyên qua các hành trình của chúng ta, trò chuyện với chúng ta và Người lặng lẽ dừng lại, nhìn vào mắt chúng ta. Tiếng gọi của Người đầy hấp lực thu hút chúng ta. Chúng ta cần tìm kiếm sự an tĩnh nội tâm để cảm nhận ánh nhìn của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. (x. CV 227)
- Việc phân định sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu rạng rỡ, tràn ngập ánh sáng tràn ngập niềm vui, tràn ngập niềm hy vọng và dẫn chúng ta đến một xác tín sâu thẳm: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp.”(Mt 17.4)
Giữa những hoàn cảnh mưa nắng của đời thánh hiến, giữa những thách đố ngả nghiêng đầy sóng gió của môi trường sứ vụ, lời thốt lên của Thánh Phêrô trên núi Tabor năm xưa, cũng chính là một tâm tư đầy niềm vui và hy vọng cho chính chúng ta – những người đang sống đời thánh hiến – trong thời đại hôm nay, và chỉ khi nào chúng ta vui mừng thưa lên: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt đẹp.”(Mt 17.4), chúng ta mới thật sự có được câu trả lời thỏa đáng cho những dấu chấm hỏi đầy gai góc của đời sống thánh hiến.
Chị em thân mến,
Năm nay, trong hoàn cảnh dịch bệnh còn đang diễn tiến phức tạp, khó lường, dịp Lễ Khấn của chị em có thể phải diễn ra trong âm thầm, nội bộ. Điều này có thể Hội Dòng không muốn, không vui, cách riêng chị em, gia đình và bạn bè thân hữu của chị em chắc chắn cũng không vui. Lễ khấn năm nay có thể sẽ không có những khung cảnh hoành tráng, những hình thức ồn ào xôn xao như những năm trước. Tất cả sẽ chìm vào trong một bầu khí lặng thầm nhưng thật sâu lắng; đơn sơ nhưng vẫn đong đầy những cảm xúc linh thánh; đơn giản nhưng vẫn nồng ấm tình chị em.
Chúa đang muốn nói gì với chị em trong dịp này ? Thật ra, Lời Chúa luôn vang lên trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chị em sẽ có trải nghiệm đặc biệt về việc gặp gỡ Chúa trong bối cảnh lặng thầm của mùa đại dịch. Chị em sẽ tiếp nhận Lời Chúa một cách thanh thản, tĩnh lặng trong sự đảo lộn của cuộc sống và một một chút bất an của tâm hồn. Những câu chuyện được kể lại trong Kinh thánh về việc gặp Chúa giữa đêm tối, trong sa mạc hoang vu, trên núi cao quạnh hiu và giữa những sóng gió của cuộc sống đời thường sẽ giúp chị em có thêm kinh nghiệm sâu sắc trên hành trình tìm kiếm và gặp Chúa cho đời mình. Đời tu là một hành trình tâm linh. Môi trường tĩnh mịch vắng vẻ, cuộc sống lặng thầm khiêm cung của đời tu chính là nơi chốn để Lời Chúa vang lên.
Việc gặp gỡ Chúa trong âm thầm và tĩnh lặng là một món quà giao ước đặc biệt, mang đậm dấu ấn hy sinh của một đời thánh hiến mà chị em sẽ dâng lên Thiên Chúa trong những ngày sắp tới. Chị em hãy xác tín vào Lời của chính Chúa Giêsu, Đấng mà chị em đang bước theo : “Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.” (x.Ga 16, 20-22). Đây chính là sự khích lệ đầy yêu thương của Chúa Giê su dành riêng cho chị em trong mùa hồng ân thánh hiến năm nay. Nguyện xin Thần khí của Chúa ban cho chị em ơn bình an và niềm vui. Cầu chúc chị em có được “ mùa Hiện xuống mới” cho đời thánh hiến của chính mình.
Chu Lai, 31-05-2020
Viết cho mùa thánh hiến Dòng MTG Hưng Hóa
Giuse Phan Trọng Quang,MF