Thứ hai, 25/11/2024

Sao Thiên Chúa Lại Có Thể Chết Được?

Cập nhật lúc 09:32 08/06/2020
Có lẽ chúng ta không mong muốn nghe điều này, nhưng Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta cách thức để tìm thấy sự sống qua đau khổ và cái chết.


“Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” – Lc 23, 46.

“Liệu Thiên Chúa có thể chết được không?”

Tôi từng hỏi một người bạn thần học gia của mình, nhờ anh ta giải thích cho tôi tại sao có chuyện Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa của vũ trụ này, lại có thể chết đi mà vẫn giữ cho thế giới này tồn tại và vận động. Bạn tôi trả lời rằng, điều đó có thể xảy ra vì Chúa Giê-su, một Con Người thần thánh, là Thiên Chúa thật và là người thật. Con Thiên Chúa chết cái chết của con người trần mắt thịt, nhưng Thiên Tính của Người thì không chết.

Tất nhiên điều đó là đúng, và tôi cảm thấy thỏa mãn, hài lòng với câu trả lời đó một thời gian. Nhưng hình ảnh một Thiên Chúa làm người chết trên thập giá, với vô vàn ý nghĩa và mầu nhiệm, vẫn tiếp tục đánh động tôi.

Bạn đã bao giờ suy niệm về những giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá?

Rất thường xuyên, chúng ta coi những điều mầu nhiệm trong Đức Tin của chúng ta là hiển nhiên, nhưng nhiều lúc chúng ta sẽ thu được nhiều ơn ích khi nhìn lại đức tin của mình với một đôi mắt trong trẻo và một tinh thần mới mẻ, bỏ đi những lối mòn, giả thuyết, cả sự đơn giản hóa quá mức

Chỉ đơn giản suy ngẫm về những giây phút cuối đời của Chúa Giê-su có thể đưa chúng ta vào một đêm tối của nghịch lý và kỳ quan, sau cùng đưa chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa của Sự sống chết trên Thập Giá để đem tới cho chúng ta sự sống. Sự sống đã xuống trần gian và đối mặt với cái chết vì tình yêu dành cho chúng ta. Một bài Thánh ca tiếng Latin từ thế kỷ thứ 6, “Vexilla Regis” (Ngọn cờ của Đức Vua) đã tóm lại nghịch lý này trong những câu:

“Mầu nhiệm Thập giá chiếu toả;
Đó là mầu nhiệm của Sự Sống kinh qua cõi chết,
Đúng thế, sự sống đã nẩy mầm ngay bên cạnh nỗi chết.”


Mầu nhiệm này hồ như vượt xa khả năng thấu hiểu của con người, nhưng hình ảnh “cái chết mang đến sự sống” đã được Chúa Giê-su thực hiện và khả thi hóa. Và hình ảnh cứu chuộc đó lặp lại trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy phương cách để tìm đươc sự sống, qua đau khổ và cái chết. Đó không phải là câu trả lời mà chúng ta muốn nghe, nhưng khi chúng ta tiến bước trong con đường tâm linh của mình, chúng ta nhận ra mình tìm thấy sự sống chính ngay khi từ bỏ và cho đi những gì chúng ta muốn giữ chặt, nghĩ rằng mình cần chúng hơn tất cả mọi thứ. Đôi lúc, điều đó xảy ra trong nghịch cảnh, ngược lại ý chí và mong muốn của chúng ta. Đôi lúc, nó xảy ra trong bất hạnh tột cùng, những giây phút mà chúng ta biết, Chúa không bao giờ sắp đặt nhưng Người lại để nó xảy ra vì những lý do chúng ta không thể hiểu nổi.

Cuối cùng, mất đi tất cả, chúng ta giống như Chúa Giê-su, trần trụi trên thập giá. Nhưng chính trong sự nghèo khó và vô vọng, chúng ta, một cách nghịch lý, lại tìm thấy niềm vui và an bình. Trong đau khổ, đôi lúc là đau khổ tột cùng, chúng ta bất ngờ tìm thấy những dấu hiệu của sự sống viên mãn.

Qua con đường Thập giá trong đời mình, chúng ta tìm thấy ân huệ Phục sinh.

Lý tưởng này có vẻ quá xa vời đối với hầu hết chúng ta, những người bám víu vào những thứ nhỏ nhoi như thể cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào đó – chương trình TV ưa thích, hình ảnh của chúng ta trên mạng xã hội, tài năng, sức khỏe, v.v… – chúng ta nghĩ chúng ta cần những thứ ấy để được hạnh phúc. Cuộc đời chúng ta tràn ngập những đam mê nhỏ nhoi, cả tốt lẫn xấu, đến mức dường như chúng đẩy Chúa ra mà chiếm lấy vị trí trung tâm.

Nhưng đôi lúc, thường là trong nỗi đau khổ hay bi ai lớn lao, chúng ta buộc không thể để đời mình trôi qua như thế nữa. Và qua phương thức không mong muốn của sự đau khổ, nếu chúng ta mở lòng mình ra, chúng ta nhận được những ân sủng lớn lao để đặt Chúa lại vào vị trí đầu tiên trong đời mình. Đôi lúc chúng ta muốn đánh đổi sự khôn ngoan này để tìm lại những gì, những người đã bị tước khỏi đời mình. Nhưng đôi lúc, điều đó là khổng thể, và chúng ta cảm tạ Chúa vì ánh sáng mà Người đã thắp lên trong đêm tối đời ta.

Gần đây, một nữ tu dòng Nữ tử thánh Phao-lô qua đời ở Ấn Độ. Trước khi mất, chị nói với các chị em mình: “Tôi hạnh phúc. Tôi chẳng còn gì cả, vì tôi đã trao tất cả cho Chúa. Tôi đã sẵn sàng ra đi”. Đó là nghịch lý của sự sống tâm linh mà chúng ta cũng được mời gọi.

Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng được mời gọi để gạt bỏ, hay ít nhất là để cho người khác gạt bỏ khỏi chúng ta, tất cả những gì chúng ta yêu thích trong đời, thậm chí cả những người mà chúng ta yêu thương nhất, biết rằng chúng ta rồi sẽ gặp lại họ. Chúng ta làm thế để trong những giây phút cuối đời, chúng ta có thể thốt lên với niềm vui lớn lao, “Cha ơi, con đã cho Cha tất cả của con, cả tốt lẫn xấu, thậm chí cả những người mà con yêu thương nhất. Bây giờ, con sẽ trao cho Cha thứ cuối cùng của con, là sự sống của con. Con phó linh hồn trong tay Cha.”

 
Nt. Theresa Aletheia Noble
Chuyển dịch: Tuấn Anh (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org
Nguồn: Đa Minh Việt Nam
Thông tin khác:
Phút Ban Đầu (25/05/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log