Thứ hai, 25/11/2024

Nỗi Bất An Vô Hình Và Những Cuộc Tự Sát Thương Tâm Của Người Trẻ

Cập nhật lúc 08:03 10/09/2020


Theo thống kê gần đây của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), trung bình mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự sát trên toàn cầu. Nghĩa là cứ sau mỗi 40 giây là lại có một người tự sát. Đáng tiếc thay, đa số họ là những người còn rất trẻ, dao động trong khoảng từ 15 – 29 tuổi[1].
Đây là một con số cực kỳ báo động. Đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về biểu hiện và nguyên nhân của vấn đề này. Chẳng hạn, những người muốn tự sát thường có biểu hiện như: xa lánh xã hội; đắm chìm trong các chất kích thích; hay nói những lời tiêu cực, bi quan về cuộc sống hoặc tự gây thương tích cho bản thân…vv. Sau đó các chuyên gia cũng đã đưa ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi tự sát của một người như: do một thất bại nặng nề, buồn chuyện tình cảm, gia đình, trường học, cơ quan… hoặc các nguyên nhân đặc thù hơn như: loạn thần kinh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…vv.
Thế nhưng, đó dường như chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vẫn còn đó những cái chết bất ngờ của biết bao người trẻ: không dấu hiệu báo trước, không ai hiểu tại sao! Họ vẫn làm việc, thậm chí vẫn thành công, vẫn vui cười, vẫn làm tròn các bổn phận của mình trong cuộc sống và dường như không có bất kỳ một biểu hiện lạ nào. Và rồi, khi cơ sự xảy ra, thông tin về cái chết của họ như một tiếng sét chói tai gây choáng voáng cho những người thân cận. Khi ấy, người ta chỉ còn biết gọi đó là một cuộc tự sát không tên, không nguyên do và bất khả lường đoán.
Đi sâu hơn nữa vào vấn đề, tất nhiên có thể có những nguyên nhân như các nhà chuyên môn đã nhận định – những nguyên nhân ngoại tại, thế nhưng trong những trường hợp kể trên, một cách nào đó ta có thể phát hiện ra “một thủ phạm dấu mặt khác” của những vụ án thương tâm ấy, thủ phạm mang tên nỗi bất an vô hình – nguyên nhân nội tại. Đó là một thứ cảm nhận rất khó gọi tên; một trạng thái như thể bạn đang sống trong giấc mơ vậy. Đôi khi, bạn nghe như có tiếng nói không phải ở bên tai, nhưng là ở nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn: “Hãy nhảy lầu đi”, nếu bạn đang ở trên một tòa nhà cao tầng; hay “lao mình vào chiếc xe tải kia đi”, nếu bạn đang đi trên đường; “hãy gieo mình xuống sông đi”, nếu bạn đang đứng trên cầu; “hãy cầm dao và tự đâm mình đi”, nếu bạn đang gọt trái cây…vv. Những lúc ấy, nếu ý thức của bạn không đủ mạnh, thì nguy cơ bạn rơi vào bẫy tự sát cách vô thức là rất cao.
Như thế, hiểm họa cứ rình rập ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Nhưng vấn đề nan giải ở chỗ, dường như bạn không thể ý thức mà chỉ có thể cảm nhận về chúng. Bạn cảm giác về một cái gì đó như là sự bất lực của bản thân một cách mơ hồ. Sau đó, nếu tình trạng mơ màng ấy trở nên nghiêm trọng hơn, thì theo lẽ thường, phương thế để bạn thoát khỏi giấc mơ là gây ra một cảm giác đau đớn nơi cơ thể, để làm cho mình được tỉnh dậy; và tất nhiên cách thức đau đớn nhất đó chính là tự sát. Nghĩa là với bạn, cái chết là cách duy nhất và tốt nhất để giúp bạn thoát khỏi nỗi bất an vô hình mà bạn đang phải trải qua.
Vậy nỗi bất an vô hình ấy thực sự là gì? Có thể với tâm lý học chiều sâu, nhà phân tâm học người Áo – Sigmund Freud đã gọi đó là cảm thức mặc cảm tội lỗi do sự trừng phạt của cái siêu tôi – những quy tắc, luật lệ của gia đình, xã hội được nội tâm hóa – khi bạn vi phạm các điều cấm đoán trong đó. Phải thừa nhận rằng, bạn là người có một lương tâm cực kỳ nhạy bén. Bạn cảm thấy áy náy sâu sắc chỉ vì một lỗi lầm nhỏ nhặt hoặc u uất vì một nỗi oan ức không thể giãi bày. Mặc cảm tội lỗi khiến bạn mong muốn được trừng phạt hoặc tự làm cho bản thân trở nên khổ sở với những việc lao nhọc quá sức hoặc tự mình gây ra những nỗi đau thể lý khác. Thậm chí cảm thức tội lỗi còn khiến bạn không cho phép mình được vui vẻ, thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nhưng Thiên Chúa đâu có muốn bạn tự hạ thấp và hành hạ bản thân mình như thế, Ngài chỉ muốn bạn khiêm nhường và nhìn nhận sự thật về bản thân mình mà thôi. Để rồi bạn cũng biết tha thứ cho người và cho mình như chính Ngài đã tha thứ cho bạn, và mong bạn sống xứng đáng với sự tha thứ đó.
Ngược về lịch sử một chút, thế kỷ thứ 5 – 4 TCN, các triết gia Hy Lạp như Plato, Aristotle đã cho rằng bạn sẽ bất hạnh nếu bạn không hiện thực hóa được chức năng đặc trưng của con người xét như là những con người. Đó là chức năng của lý trí hành động theo các đức hạnh. Nghĩa là bạn sẽ đạt được hạnh phúc khi bạn luôn làm theo những gì mà lý trí xét thấy là phải làm, và ngược lại, bạn sẽ cảm thấy bất an nếu bạn không làm theo lương tri của lẽ phải. Chẳng hạn, khi bạn xét thấy uống rượu bia nhiều là không tốt, nhưng trong một cuộc gặp gỡ, vì quá vui nên bạn đã uống nhiều hơn lượng mà bạn đã ấn định cho mình. Hôm sau, bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và dường như không thể làm việc được. Ấy là chưa kể bạn có thể đã có những hành vi mất kiểm soát trong tình trạng say xỉn đó. Hoặc bạn đã quyết định tối hôm nay phải ôn lại toàn bộ kiến thức trước khi bước vào kỳ thi ngày mai, nhưng khi bạn bè đến rủ bạn chơi game hoặc đi dạo phố, thế là bạn bỏ lại tất cả sách vở trên bàn và đi với bạn bè. Kết quả là bạn bị trượt môn hoặc chỉ đạt được kết quả thấp hơn những gì bạn mong đợi…vv.
Tất cả những chuyện tương tự như thế cứ ngày ngày xảy ra; bạn cứ chạy theo những việc thích làm thay vì những việc phải làm. Chính những thất bại liên tiếp ngay trong chính “kinh thành nội tâm” đã tạo ra một thứ xung lực chết chóc, chúng dồn nén lại, âm ỉ trong xương cốt và để lại trong lòng bạn một nỗi bất an vô hình. Trong đó, bạn phải chịu đựng sự buồn phiền, xao xuyến, bức bối và cảm giác như có cái gì đó không được thoả mãn trong lòng; một cảm giác thất bại và oán hận bản thân sâu sắc, mơ hồ nhưng mãnh liệt; không ào ạt nhưng cứ cuồn cuộn trong tâm hồn như sóng ngầm của đại dương vậy. Đến một lúc nào đó, chiếc bình chứa nỗi giằng xé trong tâm hồn bạn không thể chịu thêm bất kỳ một sự dồn nén nào nữa; và rồi, “tự sát” như là cái kết vô hậu của thảm kịch cuộc đời.
Thế nhưng, đó không phải là lộ trình tất yếu của cuộc sống. Lộ trình đời người là tiến về Hạnh Phúc Chân Thực chứ không phải là cái chết lãng xẹt. Cái khó của tấn bi kịch nhân sinh nằm ở chỗ, không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra và gọi tên những nỗi bất an vô hình trong lòng mình. Trớ trêu thay, càng không biết nó là cái gì thì nó lại càng trở nên nguy hiểm và hung dữ. Nhưng một khi đã nhận ra và gọi tên được những điều khuất tất ấy, lòng bạn sẽ được nhẹ nhõm và lý trí của bạn mới có thể hướng dẫn hành vi theo sự thiện lành được. Giống như kiểu: trong đêm tối ta sợ hãi khi giẫm phải một con rắn, nhưng khi bật đèn pin lên, ta sẽ thấy bình an khi biết rằng đó chỉ là sợ dây thừng. Tất nhiên, không phải cứ chỉ mặt gọi tên như thế là vấn đề nghiễm nhiên được giải quyết. Nhưng chí ít đó là bước đầu tiên và mang tính then chốt của một tiến trình chữa lành sau đó.
Vậy nên, cần thiết lắm những khoảng lặng nội tâm để bạn có thể nhìn vào sâu thật sâu trong cõi lòng đầy khắc khoải của mình. Giống như khi để cho ly nước lắng lại, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cát bụi, sỏi đá hay ngọc quý bên trong. Một trong những phương thế hữu hiệu để có thể làm được điều ấy, đó chính là phút hồi tâm. Sau mỗi ngày, bạn dành ra chút thời gian lắng đọng, một mình ta với Ta trong nơi cô tịch của thời gian và không gian, rồi tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi hôm nay? Điều gì làm tôi vui mừng và điều gì làm tôi sầu khổ? Ngày mai, tôi phải sửa đổi những gì và phát huy những gì để trở nên hoàn thiện và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Tóm lại, tôi đã nhận ra và thi hành Ý Chúa thế nào trong ngày sống của mình và tôi phải làm gì để làm vinh danh Người hơn! Nhờ đó, những tư tưởng xúi bẩy bạn tự làm hại mình sẽ cong đuôi cao bay xa chạy như tên gián điệp bị vạch trần chân tướng xấu xa của hắn vậy!

Hv. Văn Tài, S.J

[1] Cf. https://www.who.int/mental_health/prevention/suicide/suicideprevent/en/ (truy cập ngày 06/09/2020)

dongten.net
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log