Thứ bảy, 21/09/2024

Thiên Chúa Và Thiên Nhiên

Cập nhật lúc 08:23 06/11/2020

Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.(St 1,9-10)

Thiên nhiên tốt đẹp

Đứng trước cảnh biển khơi núi đồi của vịnh Vĩnh Hy, hay bất kỳ một cảnh biển nào đó tương tự, hẳn chúng ta sẽ cảm nghiệm cụ thể và sống động hơn câu Kinh thánh phía trên, một trong những lời đầu tiên mà Chúa phán với con người.

Từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng thiên nhiên. Và Ngài “thấy thế là tốt đẹp”. Và con người qua mọi thời đại khi đứng trước thiên nhiên cũng đều có cảm nghiệm đó: sự tốt đẹp

Tốt đẹp vì cảnh vật tuy phức tạp nhưng hài hòa. Có nơi bạt ngàn rừng xanh, có nơi núi cao sông dài, có nơi sa mạc mênh mông, có nơi thiên thu băng giá. Mỗi cảnh sắc thiên nhiên là một vẻ đẹp Chúa đã tạo dựng. Mỗi khu vực địa lý là một chức năng môi trường phối hợp và điều hòa lẫn nhau để muôn loài có nơi cư trú.

Tốt đẹp vì thiên nhiên là mái nhà chung của mọi loài trong đó có con người. Thiên nhiên cung cấp nơi ăn, chốn ở, khí thở, nước uống. Thiên nhiên cho mưa xuống, cho nắng lên, cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Thiên nhiên xoay vần và trật tự, xuân hạ thu đông mỗi mùa một vẻ nối tiếp nhau bao thiên niên kỷ.

Tốt đẹp vì thiên nhiên bảo vệ con người, cung cấp chất liệu cho con người phát triển văn minh, khoa học, xây dựng những xã hội, kiến tạo những triều đại. Khoáng sản, nguyên liệu, khí đốt, sông, suối, ao hồ, kênh rạch, núi non muông thú tất cả đều dành cho con người sử dụng. Con người tuy được Chúa cắt đặt làm ‘bá chủ’ thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng là một phần của thiên nhiên.

Chỉ tiếc rằng cả ba sự tốt đẹp ấy đều đang bị con người tàn phá và tàn phá bất chấp. Bất kỳ nơi nào con người cư trú thì thiên nhiên bị tàn phá và vắt cạn sức sống.

Thiên Chúa hiện diện trong thiên nhiên

Với quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, nhân loại đang dần thay thế những công trình thiên nhiên do Chúa tạo dựng bằng những thành phố do con người xây nên. Rừng xanh phải nhường chỗ cho những tòa nhà bê tông cốt thép, những dự án phát triển, sông ngòi phải gánh chịu nước thải từ muôn vạn cầu cống chạy dài trong các khu công nghiệp, muôn thú bị biến thành thức ăn, thú tiêu khiển cho con người, bầu khí trong lành thay bằng khói bụi dày đặc. Rất nhiều những gì tốt đẹp của thiên nhiên đang bị thay thế bởi những thứ do con người sản sinh ra.

Đứng trong một thành phố, nhìn chung quanh ta chỉ thấy những gì do bàn tay con người dựng nên. Điều đó khiến cho dấu vết của Thiên Chúa trong thiên nhiên phai mờ. Và càng ở lâu trong những gì do chúng ta tạo ra thì Thiên Chúa càng trở nên xa cách.

Thiên nhiên chính là nơi ta có thể thấy rõ sự hiện diện của Chúa, thấy bàn tay tạo tác kỳ diệu của Ngài, thấy những gì Ngài đã để lại. Mọi sự đều tốt đẹp cho tới khi con người tàn phá nó. Cũng giống như mọi thứ đều tốt đẹp cho tới khi con người phạm tội.

Hãy nhìn bức ảnh chụp vịnh Vĩnh Hy phía trên. Bầu trời xanh bao la thăm thẳm, điểm xuyến những áng mây trắng trôi lơ đãng về cuối chân trời. Ở đó bầu trời và mặt biển gặp nhau, hòa vào nhau trong sắc màu xanh ngắt. Thật khó phân biệt màu biển nhuộm xanh màu trời, hay màu trời phản chiếu trong màu biển. Trên phông nền mây nước xanh trong, bao la bát ngát ấy là những dải núi trườn mình ra mặt nước, nối tiếp, đan xen, là những cồn đá nhấp nhô đón sóng, là bãi cát dài trắng muốt vắt qua những chân núi, là những hàng cây nhìn về phía chân trời, là từng đàn chim tung bay đầy tự do, và chắc chắn là ngoài khơi kia từng đàn cá đua nhau bơi lội nữa dù đứng trên bãi biển không nhìn thấy được.

Có ai ném bừa những hộp mực ra giấy liền tạo thành một bức tranh hay không. Chắc chắn là không. Mỗi tác phẩm hội họa đều là sản phẩm từ bàn tay tài hoa và khối óc suy tư của họa sĩ. Họ dồn nén tình cảm vào đó, họ kể những câu chuyện trong đó, và họ đặt suy tư của mình vào trong tác phẩm. Xem tranh ta sẽ thấy sự hiện diện của người vẽ.

Vậy thì một bức tranh mây núi biển khơi chim trời cá biển tuyệt diệu như vịnh Vĩnh Hy, và bao nhiêu bức tranh thiên nhiên tươi đẹp khác, lại có thể tự nhiên mà có được ư. Chắc chắn phải do bàn tay Thiên Chúa tạo tác. Ngài đã dồn nước về một nơi để lộ ra chỗ cạn, Ngài đã tạo ra những vầng sáng trên bầu trời, Ngài đã cho sinh vật sinh sôi nảy nở dưới biển, chim tung cánh bay trên bầu trờicây mọc lên từ mặt đất, Ngài đã đặt tình yêu của Ngài trong vạn vật. Và Ngài hiện diện trong những gì Ngài tạo ra.

Thiên nhiên không chỉ đẹp bên ngoài, mà còn trật tự đến kỳ lạ ở bên trong. Có lẽ điều này không cần phải nói kỹ vì chỉ cần những tìm tòi căn bản các bạn sẽ thấy người ta nói nhiều thế nào về sự phối hợp chặt chẽ của mọi thành phần trong tự nhiên: các hệ sinh thái, cảnh quan môi trường, chuỗi thức ăn, mối quan hệ cộng sinh v.v chẳng có cái gì tồn tại mà lại không có mục đích, ý nghĩa và vai trò của nó.

Lại một lần nữa ta phải đặt câu hỏi: có thể nào những trật tự lạ lùng ấy, cả vũ trụ rộng lớn vận hành như một cơ thể thống nhất ấy, lại có thể ngẫu nhiên mà thành? Và ta sẽ thấy rõ hơn nữa sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên. Chúa tạo dựng vạn vật bằng chính Ngài, như Ngài phán: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”.

Càng gần gũi thiên nhiên, càng chịu khó hòa mình vào nó, càng cố gắng quan sát nó, bạn sẽ thấy mình ở gần Chúa hơn.

Nhưng anh cứ hỏi súc vật, chúng sẽ chỉ giáo cho anh,

cứ hỏi chim trời, chúng sẽ cho anh biết.

Thú rừng sẽ chỉ giáo cho anh hay,

cá biển sẽ giải thích cho anh rõ.

Vì trong giống vật, có con nào lại không biết

rằng tay ĐỨC CHÚA đã làm nên những điều đó!

Chính Người nắm trong tay hồn của mọi sinh vật

(G 12,7-12)

Thiên chúa nói với chúng ta qua thiên nhiên

Đoàn chúng tôi cắm trại qua đêm trên bờ biển. Sau một ngày dài tản bộ xuyên qua những khu rừng, ai nấy đều mệt nhoài. Nhưng năng lượng thì chưa cạn. Vẫn chơi tiếp, vẫn làm tiếp, vẫn cười vẫn nói.

Hoàng hôn buông xuống, cảnh vật tối dần, cuối cùng là màn đêm bao phủ. Không còi xe, không đèn hoa, không tiếng ồn ào. Chỉ có sao trời, chỉ có núi đá, bãi cát, có biển, và chúng tôi.

Và tất cả trở nên tĩnh lặng trong khoảng thời gian cầu nguyện. Khi tất cả tạm dừng mọi thứ để dành cho Chúa ít phút cầu nguyện.

Khi đó ta nghe được gì?

Chỉ có tiếng sóng biển ì ầm tràn vào bãi cát, va vào vách đá, xô đuổi nhau kéo ra khơi xa, chỉ có tiếng gió vi vu mạnh nhẹ từng lúc, thổi qua những khe núi vọng lại tiếng u u.

Đó là âm thanh ngàn đời của thiên nhiên, từ ngày được tạo dựng. Đó là tiếng thì thầm của tạo hóa, là tiếng nói của Chúa mà Ngài gửi vào thiên nhiên. Để làm gì vậy?

Khi mệt mỏi, nằm nghe tiếng sóng biển vỗ, ta có thấy thoải mái nhẹ lòng, ta có thấy dường như biển đang thì thầm cùng ta.

Âm thanh của thiên nhiên, tiếng nói của tạo hóa, lời thì thầm của Chúa, luôn an ủi con người. Luôn giúp lòng người thoải mái, bình tâm. Chỉ cần ta biết lắng nghe. Chỉ cần ta tìm được chỗ để lắng nghe.

Trên nền những âm thanh ấy vang lên khúc thánh ca, hòa trong tiếng đàn du dương. Chúng tôi cầu nguyện trong thinh lặng, dâng Chúa những suy tư trăn trở.

Đó thật sự là một trải nghiệm sống động về Chúa. Khi bạn cầu nguyện trước thiên nhiên, bạn sẽ nghe được Chúa đáp lại, rõ ràng và cụ thể. Ngài tâm sự cùng bạn, qua tiếng sóng, qua tiếng gió, là những thứ bạn sẽ không bao giờ có được nếu chỉ giam mình trong thành phố.

Vậy nếu các bạn có kế hoạch dã ngoại, hãy thử một lần, im lặng lắng nghe âm thanh của tạo hóa, và trò chuyện cùng Chúa. Đôi bên tâm sự với nhau. Chẳng cần phải ở biển, ở bất kỳ đâu mà bạn còn có thể nghe được âm thanh của tự nhiên, tiếng chim ca, tiếng thác đổ, tiếng suối róc rách chảy, tiếng xào xạc của những hàng cây, thì đó chính là lời thì thầm của Chúa, an ủi bạn khi âu lo, động viên bạn khi mệt mỏi, tạo cảm hứng cho bạn khi chán chường, nâng đỡ bạn khi thất bại, chúc mừng bạn khi thành công v.v. Chúa có khi nào mà không nói cùng bạn!

Có lẽ tiên tri Isaiah trong Cựu ước cũng đã có trải nghiệm lắng nghe được tiếng Chúa trong âm thanh của thiên nhiên: “Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” (1 V 19,12)

Tặng vật thiên nhiên

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

Thiên Chúa ban thiên nhiên cho con người, để chúng ta làm chủ và chăm sóc thiên nhiên. Vì đó là tặng phẩm của Chúa, đồng thời cũng là mái nhà Chúa dựng cho con người. Có ai lại đi phá nhà mình bao giờ? Nhưng con người lại đang làm như vậy.

Ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, môi trường biển, môi trường không khí, nóng lên toàn cầu, băng tan, cháy rừng, lũ lụt v.v đều là những vấn đề nghiêm trọng mà chủ yếu do con người gây ra cho thiên nhiên.

Đức Thánh cha Phanxicô gần đây ban thành Thông điệp rất nổi tiếng Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung) để thức tỉnh ý thức của nhân loại về sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi nhà chung này. Cứ phá nhà hoài thì sớm muộn cùng phải đường ở. Nhưng nếu tàn phá trái đất thì chúng ta không còn chỗ nào để đi nữa.

Kim Lưu, Hình ảnh: Trương Minh Thông
Nguồn: gioitreconggiaovietnam.com
Thông tin khác:
Đêm! (22/10/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log