“Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi, giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người, giữa những đẹp tươi hay ê chề thất bại, con xin dành một cõi rất riêng tư, cho Giêsu Đấng là nơi náu nương”…. Đang miên man trong dòng suy nghĩ đó và thả hồn theo lời bài hát “Một Cõi Riêng Tư” của nhạc sĩ linh mục Thái Nguyên, bất chợt tôi dừng lại và suy nghĩ về ơn gọi của mình và lời đáp trả trước Thiên Chúa Toàn Năng. Tôi đã chọn và đang bước đi trong Linh Đạo Mến Thánh Giá. Linh Đạo đó giúp tôi vừa sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện và vừa gặp Chúa trong từng biến cố của cuộc sống hàng ngày. Đang suy nghĩ và nhìn lại đời sống của mình, tôi đã gặp được đoạn lời Chúa Lc 10,38-42, đoạn Tin mừng đã giải đáp cho tôi những băn khoăn trong hành trình đi tìm Chúa theo ơn gọi Mến Thánh Giá.
Bài Tin Mừng có thể cho thấy ưu điểm của Matta là tinh thần phục vụ trong sự năng động. Cô biểu lộ tình yêu và sự quý mến của mình đối với Chúa Giêsu bằng việc phục vụ, quan tâm đến nhu cầu của người khác. Đó quả là một đức tính tốt, nhưng điều chưa hay nơi Matta là khi cô thấy em mình là Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu, lắng nghe Chúa chia sẻ, tâm sự với Chúa có vẻ như rất thanh thản và nhàn nhã, trong khi để mình phải tất bật làm việc thì cô lại buồn phiền và có phần ghen tị. Cô không thể giữ trong lòng được nên đã bộc lộ ra và thái độ như có vẻ trách móc Chúa Giêsu:
“Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Có vẻ như cô cảm thấy mình không được ai chú ý tới, nhất là không ai nhìn thấy sự khó nhọc và vất vả của mình. Vậy nên cô thấy buồn bực trong lòng?
Còn Maria, cô đã biểu lộ tình yêu và lòng quý mến của mình với Chúa Giêsu bằng thái độ chăm chú lắng nghe và ghi nhận, học hỏi tất cả những chia sẻ của Thầy Giêsu. Điều này sẽ đem lại cho cô nhiều ích lợi, nhất là trong đời sống tâm linh của cô. Nhưng cô cũng có thiếu sót là muốn dành độc quyền nói chuyện với Chúa Giêsu mà không màng chi tới sự vất vả, khó nhọc của chị mình, để cùng chia sẻ với chị. Nếu như Maria tinh tế hơn một chút nữa, là thi thoảng chạy qua chạy lại để phụ giúp với Matta lo việc chuẩn bị để đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ, rồi cả hai chị em cùng nhau tiếp chuyện Thầy Giêsu, thì có lẽ cuộc sống sẽ vui vẻ và hạnh phúc biết bao. Trong đời sống cộng đoàn cũng vậy, nếu mỗi nguời biết quan tâm đến nhau hơn một chút, biết chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, những bận tâm, lo lắng của người khác thì cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều. Và mỗi người sẽ thực sự thấy cộng đoàn, Hội dòng là gia đình thực sự của mình. Sự yêu thương đó có thể được thực hiện qua sự quan tâm của mỗi người đối với nhau. Nếu cuộc sống chung mà mỗi người chỉ lo cho bản thân mình, chỉ quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của mình thì đời sống cộng đoàn sẽ trở nên nặng nề và mệt mỏi biết bao.
Cách trả lời của Chúa Giêsu:
“Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Câu trả lời của Chúa khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng Chúa đã coi việc ngồi lắng nghe Chúa là quan trọng và đẹp lòng Chúa hơn là chuyện chăm lo bữa ăn cho Ngài. Từ đó, họ cho rằng việc cầu nguyện thì đáng quý và làm hài lòng Chúa hơn việc hoạt động. Nhưng trong thực tế thì không hoàn toàn là như vậy: Nếu cả Matta và Maria đều lo ngồi nghe lời Chúa mà chẳng có ai lo lắng chuẩn bị bữa ăn cho Ngài và các môn đệ thì việc đón tiếp Chúa đã được trọn vẹn chưa?
Qua câu trả lời cho Matta, Chúa đã cho thấy đời sống tâm linh quan trọng hơn thể chất rất nhiều. Chúa muốn dạy cho hai chị em Matta và cho mỗi người chúng ta một bài học: Cần phải quan tâm lo lắng và ưu tiên cho đời sống tâm linh hơn đời sống thể chất. Bởi vì: người đời thường có xu hướng chỉ quan tâm lo lắng cho đời sống thể chất mà coi nhẹ đời sống tâm linh. Họ đã dành nhiều thời gian và sức lực để lo lắng cho chuyện cơm ăn áo mặc, cho những tiện nghi vật chất, những giá trị tạm bợ nơi trần gian mà ít người quan tâm và lo lắng cho đời sống thiêng liêng của mình và của gia đình, là những cái đem lại không chỉ hạnh phúc ở đời này mà còn là hạnh phúc trường tồn trên Nước Trời.
Như vậy, cần phải có sự hài hòa và quân bình giữa tâm linh và thể chất, giữa cầu nguyện và hoạt động, năng hành động mà không cầu nguyện thì sẽ dễ đi đến chỗ hành động vì lợi ích riêng của mình, chứ không phải hành động vì Thiên Chúa hay vì tha nhân. Quả thật, hành động nhiều mà không có đời sống cầu nguyện thì sẽ làm cho hành động đó trở nên trống rỗng, mất đi giá trị đích thực. Người hoạt động nhiều mà không cầu nguyện thì giống như một người đi vào một vùng đất lạ, chỉ biết đi tới mà không khi nào dừng lại để nhìn lại hành trình của mình, không biết mình đang ở đâu và mình phải tiếp tục bước đi như thế nào để có thể tới đích. Cũng vậy, nếu như không có cầu nguyện thì chúng ta sẽ không được tiếp sức để tiếp tục trong các hoạt động tiếp theo, không tìm được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn và đời sống của mình. Như vậy, cầu nguyện và hoạt động là hai thái độ không thể thiếu cho đời sống của người kitô hữu, đặc biệt là đối với những người sống đời thánh hiến. Đó phải là một hành trình xuyên suốt mà mỗi người phải thực hiện một cách hài hòa và quân bình trong đời sống.
Việc lắng nghe lời Chúa phải được hướng tới hoạt động và hoạt động cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Đây là hai khía cạnh của mối phúc thật: Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Mối phúc này đã được chính Chúa Giêsu tuyên bố khi Người trả lời với đám đông dân chúng cất tiếng ca ngợi mẹ Maria:
“Phúc cho người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Khi đó Chúa đã trả lời: Nhưng phúc cho những ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ lời ấy, đó mới là mẹ ta và anh em ta.
Câu chuyện về hai chị em Matta và Maria nhắc nhở cho mọi kitô hữu thuộc mọi thời đại về hai thái độ cần có của mình: Không phải chỉ cầu nguyện mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động mà thôi nhưng cần có sự hài hòa giữa cầu nguyện và hoạt động. Cầu nguyện và hoạt động là hai yếu tố không thể tách rời của hành trình theo Chúa. Thật là sai lầm nếu muốn canh tân xã hội mà không cần cầu nguyện, nghĩa là không cần lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Người. Để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh hoa trái thì chúng ta cần phải dành thời gian thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa và ở lại với Người. Trong ý nghĩa này, cầu nguyện là phần tốt hơn mà Maria đã chọn, nhưng cầu nguyện không phải là tách ra khỏi làm việc. Đức tin của chúng ta là đức tin có sức tác động qua việc bác ái. Cầu nguyện không làm cho người môn đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của tha nhân, mà cầu nguyện sẽ tạo ra sức mạnh để hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.
Cách riêng, đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, với Linh đạo vừa chiêm niệm vừa hoạt động, thì điều này cần hơn bao giờ hết. Hôm nay đây, dừng lại để nhìn lại hành trình đời sống của mình, chúng ta đã sống Linh đạo và đặc sủng của mình như thế nào? Chúng ta đã kết hợp hài hòa giữa cầu nguyện và hoạt động như thế nào? Chúng ta đã đem Lời Chúa vào trong cuộc sống hàng ngày chưa?
Câu trả lời là ở chính bản thân mỗi người với Chúa trong từng giây phút cuộc sống của mình. Ước mong mỗi chúng ta luôn sống đúng ơn gọi của mình và trung thành với Linh Đạo và Đặc sủng của Đấng Sáng Lập, nhờ đó mỗi nữ tu đều trở thành những chứng nhân của Chúa giữa một xã hội bộn bề lo toan và náo nhiệt hôm nay!