Thứ hai, 25/11/2024

Dì Mê H’mông Mất Rồi

Cập nhật lúc 20:25 19/04/2021


Những đoạn đường xa xôi nguy hiểm từ bản ra không làm tôi cảm thấy mệt mỏi, ngược lại tôi cảm thấy rất vui trong chuyến mục vụ này. Bước xuống xe, cô chạy đến hỏi tôi.
- Dì đi vào bản về cảm thấy thế nào?
- Ở trong đó vui lắm cô ạ! Tôi trả lời, rồi kể cho cô nghe về những câu chuyện nơi bản làng ấy.
- Dì mê H’mông mất rồi! cô vừa nói vừa vỗ nhẹ vào vai tôi.
“Dì mê H’mông mất rồi!”, câu nói của của cô làm tôi thấy vui vui, nhưng tôi cũng không khỏi suy nghĩ về cái gọi là đam mê, bởi không biết tự bao giờ hình ảnh những người anh chị em dân tộc H’mông đã in đậm trong tôi, để rồi tôi luôn được thúc đẩy muốn đến và sống với họ. Vâng, có lẽ điều cô ấy nói là sự thật, bởi nghĩ lại tôi cảm thấy yêu mến những người mang sắc tộc sống tại vùng ngoại biên này, đặc biệt là những người dân H’mông. Đáp lại câu nói đó của cô, tôi vui vẻ trả lời: “Vâng con đã mê người H’mông mất rồi”.
Tôi thật hạnh phúc, khi mỗi chuyến đi mục vụ lâu ngày của tôi cho đến hiện giờ tôi đều được đến gần, hoặc ở trong chính bản làng nơi những anh em người H’mông sinh sống để mục vụ. Tôi rất vui không phải chỉ là được biết thêm một điều mới, hay một sự tò mò để biết họ sinh sống như thế nào. Nhưng ở đây, tôi vui với cả tâm hồn vì được đến để hiểu hơn, được yêu nhiều hơn và muốn ở lại. Quả thế, đến với người dân tộc H’mông để cảm nhận cái nghèo, cái khổ thực sự, thiếu thốn mọi sự của những con người ở nơi đây. Đa số những bản làng của người dân tộc H’mông ở rất xa trong một vùng núi, nơi đường xá đi lại khó khăn, muốn mua một cái gì đó dù rất nhỏ bé và thông dụng như đồ ăn, cái xô, cái chậu… cũng đều rất khó. Nếu nhà nào có xe máy thì đi mất cả ngày hay thậm chí vài ngày mới có được một món đồ, còn những người phụ nữ đi bộ thì có thể mất cả tuần hay nhẹ nhàng hơn là mất 1-2 ngày. Vì thế, những người phụ nữ sống trong những bản làng xa xôi này rất ít đi ra khỏi làng.
Con đường đi kiếm “cái chữ” của các em thì ôi thật vất vả. Trẻ em nơi đây không có được những phương tiện thuận lợi như các trẻ em ở thành phố hay ở những vùng xuôi. Phương tiện chính của các em là đôi chân, những đôi chân miệt mài đi bộ đến hàng chục cây số để có thể đến được trường học. Mới nghe nói thôi tôi đã cảm thấy rất nản. Đấy là chưa kể đến những ngày mưa, hay khi những ngày tháng mùa đông lạnh buốt của vùng cao, có em còn chẳng có lấy một đôi dép tử tế để đi. Vì thế, các em rất dễ bỏ học, từ đó dẫn đến vấn đề nghèo nàn về tri thức, và từ việc nghèo về tri thức, thiếu sự hiểu biết nên dẫn đến nhiều cái nghèo khác. Nhìn thấy thế lòng tôi khao khát và ước mong có những điểm trường gần hơn với các bản làng để các em có thể đi học đầy đủ hơn, đỡ vất vả hơn và không phải bỏ học mà đi lên nương lên rẫy khi tuổi thơ còn dài.


Mỗi khi thấy những đứa trẻ lem nhem với trang phục là một chiếc quần hay một chiếc áo, thậm trí với một bộ “Quần Áo Da” đầu tóc bù xù, chân trần chạy chơi quanh bản làng, trên những cánh đồng. Đặc biệ,t vào những ngày mùa đông các em còn phải chịu cái lạnh buốt đến thấu xương của vùng cao gấp mấy lần vùng dưới, vậy mà các em cũng chỉ với một manh áo mỏng manh thường ngày để chơi và đến trường, Nếu gặp ngày nào rét đến đóng băng thì hầu hết những người dân nơi vùng sơn cước chỉ biết ngồi co ro bên đống lửa để sưởi cho đỡ rét. Những hình ảnh ấy làm tôi cảm thấy xót xa bởi sự thiếu thốn, thiệt thòi các em phải hứng chịu.



Đến thăm những gia đình trong bản làng thì đập vào mắt tôi là phần đa những ngôi nhà nhỏ, thấp được dựng lên bằng những mảnh gỗ, mảnh tre không khít nhau. Vì thế, vào mùa đông gió lùa vào rất lạnh. Tôi tìm hiểu thì được biết họ làm nhà mái thấp bởi vì họ sống trên vùng cao có gió nhiều và mạnh nên làm nhà thấp để tránh lật mái. Tiếp đến, là những người già ngồi trước cửa nhà, dưới gốc cây thêu thùa một vài mảnh vải để làm trang phục đặc trưng của họ. Nhìn thấy những cảnh này, tôi cũng chỉ biết lặng nhìn với suy nghĩ cái nghèo này sẽ đeo bám họ đến bao giờ khi thời đại văn mình đã đi đến đình cao? Thế nhưng, hơn những nơi tôi đã được đặt chân đến, bởi khi đặt chân đến đây, nơi những bản làng này đã tạo cho tôi một cảm giác bình yên lạ thường. Những con người chẳng cần phải quan tâm lo lắng để ganh đua với cuộc sống, vất vả sớm hôm với bộn bề công việc chỉ để kiếm được đồng tiền mà niềm vui hạnh phúc thì ngày càng vơi dần. Vào trong những căn bếp đen nhẻm bởi mùng hóng thì chẳng có gì ngoài một bếp củi một vài cái bát đĩa úp trong rổ, vài cái chảo đen thui có khi cũng chẳng còn được lành lặn. Bữa ăn thường nhật của gia đình chỉ có vỏn vẹn cơm hấp, một bát rau trồng được hay lấy trên rừng, một bát canh, một bát muối dằm ớt nướng, nhà nào khá hơn thì có được bát nước mắm hoặc may chăng khi đi rừng về thì có thêm một chút đồ ăn mặn là con chuột rừng hay một con vật gì đó. Thế nhưng bữa cơm của họ vẫn tràn đầy tiếng cười và niềm vui bởi có đầy đủ mọi thành viên.


Về vấn đề vệ sinh bảo vệ sức khỏe thì dường như họ không có một kỹ năng nào, bởi chẳng ai hướng dẫn cho họ biết. Tôi thiết nghĩ nếu như có ai đến hướng dẫn cho họ biết những điều phải làm để mọi thứ được gọn gàng hơn, vệ sinh hơn, thì có lẽ cuộc sống của họ cũng văn minh hơn. Tuy nhiên, điều làm tôi thấy rất lạ là họ rất ít ốm, có lẽ đây là tình yêu thương Chúa dành cho họ để họ có thể sinh sống bình an nơi vùng hẻo lánh xa xôi đầy khó khăn thiếu thốn này. Ngẫm suy tôi thấy thật tạ ơn Chúa vì Chúa vẫn luôn yêu thương bảo vệ những người con bé nhỏ này. Tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng tình cảm của họ đối với nhau và với những ai đến đó lại luôn để lại một ấn tượng đặc biệt. Sự đơn sơ, mến khách, sự nồng nhiệt chân thành với nụ cười trìu mến, cái bắt tay, bát nước mời uống. Tấm lòng của họ giống như bà góa nghèo trong Tin Mừng, họ đã cho đi hết những gì họ có là chính tình cảm của họ, bởi thế trước mắt Chúa tôi tin họ luôn luôn đẹp lòng Chúa.

Trong thinh lặng, tôi tâm sự cùng Chúa với một tâm hồn khát khao được đến những nơi ấy phục vụ trong sứ mạng của một người nữ tu Mến Thánh Giá vùng Tây Bắc này. Tôi nguyện xin Chúa cho tôi có thêm lòng nhiệt huyết, yêu mến thật nhiều đối với những anh chị em dân tộc. Để trong cuộc sống hiện tại, tôi cố gắng học hành chăm chỉ, đặc biệt theo gương của Đức Cha Lambert Đấng Sáng lập Dòng để tôi biết lấy đời sống cầu nguyện với Chúa, sống hy sinh làm nguồn sức mạnh cho công cuộc truyền giáo. Cũng thế, tôi không thể cho người khác cái tôi không có hay chỉ những cái bên ngoài, nhưng cái chính phải là sự nhận biết tình yêu của Chúa. Vì để có thể đem Chúa đến được với họ trước tiên chính tôi phải là người có Chúa trong mình. Và tôi ước mong rằng niềm say mê, lòng khao khát của tôi sẽ được Chúa đón nhận.                                                                                     
 Ớt tròn
Lớp Thần học K5 - Học viện MTG Hưng Hóa
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log