Bạn thân mến, Tôi không biết phải diễn tả như thế nào để bạn hiểu về nỗi đau mà hiện tại những cây xanh chúng tôi đã và đang gánh chịu, vì có những nỗi đau mà chỉ những ai trong cuộc mới có thể thấu và đồng cảm cho nhau. Cơn đau quằn quại được gây ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phận cây xanh chỉ biết đứng yên chịu trận, vì… phải làm gì đây? Tại cánh rừng mà tôi đang được nuôi dưỡng và phát triển có nhiều loại cây khác nhau. Có những cây cổ thụ lâu đời đã có mặt trước khi tôi được sinh ra không biết bao nhiêu năm nữa. Hàng năm, những cây xanh non lại tiếp tục mọc lên và nối đuôi hàng cổ thụ già cỗi. Như quy luật tự nhiên, đến lúc những cây cổ thụ già nua và chết đi, thì những cây non xanh đã đủ vững chắc để đảm đương vai trò của bậc tiền bối. Mang trên mình nhiều sứ mạng và lấy con người là đối tượng chính để phục vụ, chúng tôi đã và đang cố gắng hết mình thực thi những trọng trách mà bao đời nay dòng dõi cây xanh đã làm. Góp phần điều tiết môi trường là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Mỗi cây xanh trong rừng đều nỗ lực hấp thụ khói bụi và khí thải, để đưa ra nguồn khí trong lành cho ngôi nhà chung luôn trong tình trạng sạch sẽ. Ông mặt trời luôn là vị ân nhân quảng đại, ông đã trực tiếp giúp chúng tôi tăng trưởng nên ông hiểu về chúng tôi nhiều nhất. Bên ngoài lớp vỏ là những chiếc lá xanh mơn mởn cùng với những mầm non sắp nhú lên và vươn cao về phía mặt trời, còn bên trong chúng tôi giải quyết những khói bụi và khí thải. Đó là bổn phận hàng ngày cây xanh phải làm. Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi có cơ hội phục vụ con người hết mình như thế. Ngoài ra, quần thể cây xanh đông đúc luôn được trồng ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” để che chắn và bảo vệ con người trước những tác động của thiên tai và lũ lụt. Qua sự che chắn ấy sẽ góp phần làm giảm đi sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Đồng thời, giữ lại những mảng đất xanh tươi và màu mỡ nhờ vào hoạt động tái tạo mảng xanh tự nhiên. Nhờ những cánh rừng mà nhiều bạn thú rừng có nơi trú ẩn. Chiều chiều những đàn chim lũ lượt bay về đậu trên những ngọn cây, những chú rắn chuyền từ thân cây này sang thân cây khác, thậm chí những chú voi khổng lồ cũng tá túc trong những thảm xanh do quần thể cây xanh chúng tôi tạo nên. Hơn nữa, khi về già chúng tôi cũng phục vụ trực tiếp bằng những cống hiến để trở thành vật dụng, dụng cụ hữu ích trong trong mọi lãnh vực của đời sống con người. Nhưng có một thực tế đáng buồn mà tôi muốn kể cho bạn nghe. Chuyện là hiện tại chỗ tôi tọa lạc trong khu rừng, chỉ còn vài hàng cây trơ trọi đồng trang với tôi. Mấy tháng trước phía chỗ tôi đứng nhìn ra là một cánh rừng dầy rậm và kéo dài hàng nghìn cây số, nhưng những chiếc máy kéo, máy cưa đã vang dậy gần mấy tháng qua, lần lựa từ những cây cổ thụ già đến những cây xanh non đã ra đi vĩnh viễn. Vâng! Bạn bè tôi đã chảy máu và nước mắt rất nhiều. Những giọt máu trắng đục mà tôi nghe những kẻ lạ mặt điều khiển máy cưa khen là “nhựa thơm”, lại là mùi tanh và buồn tủi của chính giống nòi chúng tôi, vì đó là mùi máu của đồng loại trong quần thể rừng xanh. Có bao giờ lại có chuyện nhìn những người thân cận của mình ra đi mà lòng khấp khởi cho kì được bạn nhỉ! Tôi đã đợi từ sáng sớm đến giờ này quá trưa, nhưng chưa thấy đoàn người hôm trước kéo đến. Theo dự đoán thì chỉ nay hoặc mai tôi sẽ được đoàn tụ với quần thể thân yêu của mình trong bàn tay Đấng tác thành, Đấng đã cho chúng tôi được hiện diện ở cõi đời này vậy. Tôi nhớ những lời răn dạy của bác cổ thụ ở đầu rừng. Tiếng của bác vang văng vẳng khắp khu rừng. Bác luôn nhắc những thế hệ trẻ chúng tôi nhớ về trách nhiệm của mình. Đồng thời, bác còn hướng dẫn chúng tôi phải luôn sống lòng biết ơn, vị tha, yêu mến con người và trái đất này. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bác, kèm theo những giọt nước mắt rưng rưng, khi kể lại truyền thống tốt đẹp của rừng xanh từ bao đời khiến tôi không thể nào quên được. Hôm người ta cưa bác ra làm nhiều mảnh, tôi chỉ thấy bác quay lại mỉm cười mãn nguyện với chúng tôi, nụ cười lẫn trong nước mắt ràng rụa vì đau đớn, không một tiếng than vãn, bởi nhiều lần bác đã nói: “Bác đã già, đã tới lúc phục vụ theo một cách khác”. Tiếng thét của những bác cổ thụ, những cô chú và anh chị đứng phía trước tôi càng lúc vang lên càng to, họ chỉ kịp la toáng lên trong phút chốc rồi tắt lịm, nhường cho tiếng máy cưa, máy xẻ và tiếng cười thỏa chí của ai kia. Tôi không tiếc nuối chuyện cây non xanh hay cây cổ thụ, nhưng tiếc vì chưa kịp phục vụ hết mình đã vội chấm dứt cách vội vã. Từng cây xanh trong rừng sẵn sàng phục vụ hết sức, nhưng xin hãy để chúng tôi sống trọn vẹn kiếp cây xanh của mình, để sự phục vụ ấy không choáng tắt cách nhanh chóng và vô nghĩa như thế. Bác cổ thụ không tiếc đời mình vì bác đã có cơ hội cống hiến rất nhiều, còn chúng tôi chỉ mới hưởng thụ mà chưa cống hiến đã vội kết thúc. Cái chết trong ích kỷ ắt hẳn không là điều tốt lành. Mấy ngày nay tôi đã khóc rất nhiều. Những chú chim không bay về đậu trên cành cây vì chúng đã mất nhà. Chú voi con ngơ ngác theo chân voi mẹ sang cánh rừng khác vì cánh rừng này đã mất chỗ ở và thức ăn. Dòng suối thét lên vì ánh nắng chói chang khiến lòng suối cạn dần. Những chú cá nhìn chúng tôi rồi lật bụng thoi thóp chờ chết. Theo kinh nghiệm của bác cổ thụ truyền lại, ngọn gió bất thường đang cuộn phía ngọn đồi phía trước dự báo những cơn thiên tai kinh hoàng sắp tới và chúng tôi không thể rào chắn được nữa. Tôi muốn khóc khi nhớ đến những khuôn mặt, dáng đứng thân quen của đồng loại. Mùi máu trắng đục cứ ngây ngấy trong mũi và in vào tâm thức tôi, khiến giấc mộng hàng đêm của tôi là những cơn ác mộng ghê rợn. Rồi tôi cũng tin nay hoặc mai sẽ tới lượt mình… Tôi gửi đến bạn đôi dòng tâm sự trong tâm thế là cây xanh sắp chết trong nay mai. Anh chị em chúng tôi sẽ chẳng còn gặp nhau trong một quần thể xanh bao la rộng lớn nơi thế giới này nữa. Hợp tan là kết quả tất yếu của vạn vật, nhưng ra đi trong khi tâm thức còn quá nhiều ấm ức là điều chưa trọn vẹn đúng không bạn? Xin hãy chịu khó nghe những tâm sự cuối cùng của tôi, để giọt máu trắng đục của tôi còn để lại chút ý nghĩa cho cuộc đời này. Hẹn gặp các bác cổ thụ và anh chị em thân yêu nơi Đấng tác thành. Tôi nhớ mọi người nhiều lắm!