Vào những thập niên 90 bộ phim Tây Du Ký đã làm tôi nuôi một mơ ước, mơ một ngày nào đó được ăn một quả đào tiên to, chín hồng và căng mọng giống anh Tôn Ngộ Không trong vườn Thượng Uyển. Nhìn anh ngoạm một miếng thật to, rồi lại ném quả đào đi, làm cho đám trẻ trâu chúng tôi ngồi ngoài màn hình đang trong cơn đói tiếc đứt ruột… Rồi lớn lên, tôi cùng nhóm trẻ trâu cũng thực hiện được ước mơ của mình, ăn một mình một quả đào to. Lúc đó, tôi muốn nói với anh Tôn: “Anh Tôn ơi! ngày đó anh ăn đào Chậm Lại một chút, hẳn anh sẽ cảm nhận vị ngon vị ngọt và như thế anh sẽ không phí hoài mà ném bỏ đi”.
Những câu chuyện của đám trẻ trâu thời 0.0 đã từng để lại cho mỗi người chúng ta – những người đã kinh qua cái tuổi hồn nhiên vô lo, vô nghĩ với những trang ký ức thật đẹp. Và hôm nay, là thời buổi công nghệ kỹ thuật số 4.0, chúng ta không thể phủ nhận, cuộc sống công nghệ kỹ thuật số đã xâm lấn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Mỗi ngày cuộc sống khởi động và kết thúc như một quy trình khép kín với chữ
“Ngay và Luôn”. Cái gì và ở đâu cũng nhanh như chớp, không chỉ là một người nào đó, ở một nơi nào đó phải nhanh nhạy nhưng là tất cả mọi người và mọi nơi mọi lúc đều phải nhanh. Sau tiếng chuông báo thức là một ngày Sống Vội đang chờ đón …Dậy!.. lao đi!.. và lao đi…! Sự nghiệt ngã và dễ bị loại trừ đã khiến mỗi người mang theo những áp lực và sự sợ hãi bước vào ngày sống. Ai đó đã cất lên lời thơ:
“Cuộc đời thật lắm éo le.
Nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều”
Bởi đó, không nhanh, không vội, ta sẽ giống như một chú rùa ì ạch, mãi mãi hát bài ca “tôi mơ thấy em ở một nơi xa lắm…”.
Thật vậy, không ai phủ nhận được giá trị ngàn vàng của những bài học thành công nhờ chớp thời cơ trong cuộc sống. Thực tế đã chứng minh, đôi khi thành công hay thất bại không hệ tại ở việc ta đã chuẩn bị nhiều hay ít nhưng lại hệ tại ở việc hành động nhanh hay chậm. Cụ thể, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, một trong những yếu tố chính để khống chế sự lây lan của dịch bệnh là chiến lược “khung giờ vàng”, phải hỏa tốc “ngay và luôn”, chậm trễ là “vỡ trận”. Trong nghệ thuật kinh doanh cũng thế, một trong những cách thu hút khách hàng và nâng cao doanh số bán hàng là những lời quảng cáo đầy sức thu hút“nhanh chân lên số lượng có hạn” … Và ngay cả trong lĩnh vực tình yêu, cũng “xui” chúng ta phải vội, phải gấp:
“ Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
…
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
(Giục Giã - Xuân Diệu)
Thế rồi, con người ngày nay cũng ưa Sống Vội hơn là Sống Chậm Lại, đại bộ phận thích “ăn sổi ở thì” hơn là cái gì vĩnh cửu. Dễ là chúng ta cũng đang ở trong số đó. Vội đến, vội đi, vội ăn, vội nói, vội làm, vội tìm kiếm, vội hưởng thụ… Vội đến mức vô tâm với người khác và với chính mình, ta chẳng kịp hiểu ai, chẳng ai kịp hiểu ta và ta cũng chẳng hiểu nổi chính mình. Kết quả nhận lại là những khoảng trống trong tâm hồn, như một kẻ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai, sống quen không ai cần ai, cứ vui cho trọn hôm nay…”. Bởi đó, thật dễ hiểu tại sao nhiều người, ngay cả những minh tinh màn bạc tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho nỗi cô đơn, trống rỗng trong tâm hồn mình.
Tôi cũng đã và đang sống vội! Cho đến hôm nay, đọc trang nhật ký nhiều cảm xúc của bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm ở bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô trong những ngày cùng đồng đội cách ly y tế để phòng chống dịch bệnh Covid-19 được đăng tải trên trang mạng, đã để lại trong tôi những dòng suy nghĩ. Một trong những suy nghĩ đó là cần phải Sống Chậm Lại. Anh viết:
“…. Ai đó hỏi tôi, cách ly có gì vui không? Cách ly không sướng, không vui lắm đâu, muốn vui phải cố, nhưng có thời gian cho nhiều điều. Có thời gian để suy ngẫm hay nói cách khác là "sống chậm". Bạn sẽ thấy sự cởi mở, chân tình, chia sẻ hơn giữa mọi người trong tập thể. Bạn sẽ thấy được sự quan tâm của người khác dành cho mình mà bình thường bạn tưởng như không có. Tinh thần đồng đội, sự tương thân, tương ái sẽ được lên một tầm cao mới. Một trải nghiệm trong đời chẳng thể nào quên.
…Khi bạn ở một nơi mà tiền không để làm gì, bạn sẽ có được suy nghĩ tích cực hơn nhiều về cuộc sống, một cuộc sống mà cái đích không chỉ đơn thuần là vật chất.
Những ngày cách ly vẫn còn...”
Đọc kỹ hơn một lần nữa câu nói của anh bác sĩ: “Khi bạn ở một nơi mà tiền không để làm gì, bạn sẽ có được suy nghĩ tích cực hơn nhiều về cuộc sống, một cuộc sống mà cái đích không chỉ đơn thuần là vật chất”… có vẻ hơi “chát chúa” nhưng thật sự khiến mỗi người chúng ta phải suy nghĩ. Bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày nay, tôi đã sống thế nào giữa những xô bồ, vội vã, náo nhiệt, tranh giành, hơn thua… của cuộc sống. Nếu tôi kịp dừng chân để sống chậm lại thì trong quá khứ tôi sẽ ít lần đi nói lời hối tiếc vì những gì đã qua không trở lại; nếu tôi kịp dừng chân để suy nghĩ về những con người, những sự việc mà tôi đã và đang sống cùng và sống với, hay suy nghĩ về những gì mà tôi đang tìm kiếm hẳn tôi sẽ sống một cách có ý nghĩa hơn.
Quả thế, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nhận, mỗi ngày sống, mở mắt ra là ta chỉ nhìn thấy những công việc cần giải quyết, những địa điểm cần đến và những mục tiêu cần đạt được. Sau đó, ta vội vàng chạy đi tìm kiếm, vội vàng đi giải quyết nên làm ta chẳng kịp dừng lại một khoảnh khắc, chẳng kịp chậm lại một bước chân để cảm nhận: sự kỳ diệu của Tạo Hóa vào mỗi buổi sớm mai khi tia nắng đầu tiên ló rạng; sự tinh tế khi cánh hoa đầu tiên bật nở dưới giọt sương mai; sự tinh khiết của tiếng chim trong veo khi đón chào ngày mới... Chúng ta chẳng cảm nhận được bước đi ngày một chậm hơn của mẹ già; không thấy được sự đau đớn của người cha; không thấy được sự đáng yêu nơi người vợ, sự vất vả người chồng; không biết được tâm tư của con thơ gửi đi trong ánh mắt; không thấy được sự bất hạnh của em bé bán vé số bên lề đường; không thấy được sự dễ thương nơi người anh chị em thân cận; không thấy được sự mất mát cần giúp đỡ nơi những người hàng xóm, nơi các bệnh nhân, nơi người tù tội …và quan trọng nhất là ta không thấy được chính “Ta” trong chính “Mình”.
Vẫn biết rằng, cuộc sống vẫn luôn luôn biến động và tấp nập đòi ta phải hòa nhập để sống. Kinh nghiệm về sự mất mát trong cuộc đời dạy ta phải trân quý từng khoảnh khắc trong cuộc sống và khoảng thời gian ngắn ngủi mình sống ở đời. Chúng ta không thể ngồi im một chỗ hoặc quay lưng, vẫy tay nói lời chào tạm biệt cuộc sống để lánh vào một ốc đảo rồi ngồi đó với những dòng suy tư thật hay để viết vào trang nhật ký. Song, bao lâu còn hơi thở là chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục đối mặt, tiếp tục đụng và chạm vào cuộc sống, sẽ luôn còn đó những thao thức, những ước mong tìm kiếm, nhưng chúng ta cần Sống Chậm Lại để lắng nghe, để ngắm nhìn, để thấy yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống này hơn… Và quan trọng là Sống …Chậm… Lại…! để có được “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.