Mười năm trước khi qua đời, cha Henri Nouwen đã chịu một cơn trầm cảm gần như đánh gục ngài. Trong thời gian trị liệu, ngài đã viết một quyển sách rất hùng hồn, Tiếng nói bên trong của tình yêu (The Inner Voice of Love), trong đó, ngài khiêm nhượng và thẳng thắn chia sẻ những đấu tranh và nỗ lực của mình để vượt qua căn bệnh trầm cảm. Nhiều lúc, ngài cảm thấy không chịu nổi những nỗi đau và ám ảnh của mình đến mức gần như bị nhận chìm, bị sụp đổ, và những lúc như thế, ngài chỉ biết khóc. Dù cho cuối cùng ngài đã tìm lại được sức mạnh nội tâm và sức bật kiên cường, sẵn sàng trở lại cuộc sống với sinh lực được tân tạo. Khi nói về những gì ngài đã học được trong sự sụp đổ nội tâm và sự phục hồi của mình, ngài đã viết rằng, đến tận cùng, tâm hồn chúng ta mạnh hơn những vết thương của chúng ta.
Đấy là một lời khẳng định từ một chân lý phải gian khổ mới ngộ ra, nhưng liệu nó có luôn đúng? Tâm hồn chúng ta luôn mạnh hơn những vết thương của chúng ta sao? Chúng ta luôn có những nguồn lực trong mình để thắng vượt những thương tích của mình sao?
Có lúc đúng như thế, như trong trường hợp của cha Nouwen, nhưng có lúc lại không, như chúng ta đã chứng kiến nơi cuộc sống tan vỡ của biết bao nhiêu người. Có lúc dường như thương tích mạnh hơn tâm hồn. Tôi có một ví dụ thấm thía của trường hợp này: Trong bài hát Tôi mơ có một giấc mơ (I Dreamed a Dream) của vở nhạc kịch lừng danh Những người khốn khổ, có một dòng đầy đau buồn, bi thương, ám ảnh. Câu chuyện trong vở Những người khốn khổ được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của văn hào Pháp Victor Hugo, kể một loạt câu chuyện về cách sự nghèo khổ và áp bức có thể làm tan nát cõi lòng, suy sụp sức sống và hủy hoại cuộc đời của người nghèo đến như thế nào. Fantine, một nhân vật trong truyện, một người mẹ đơn thân, bị phụ tình và quả tim tan nát. Cô cũng phải vật lộn để nuôi đứa con gái, vật lộn với công việc và điều kiện làm việc đã dần dần hủy hoại sức khỏe cô, vật lộn với sự quấy rối tình dục từ ông chủ vốn tích tụ dần và dẫn đến chuyện cô bị đuổi việc một cách bất công. Có lúc, mọi chuyện quá sức chịu đựng, cô đã sụp đổ, và trong lúc hấp hối, cô đã hát một bài từ biệt với những lời nói lên rằng tâm hồn chúng ta không phải lúc nào cũng mạnh hơn những thương tích, đôi khi có những cơn bão không thể chống nổi. Đôi khi tâm hồn không thể chống nổi cơn bão và sụp đổ trước sức nặng của những thương tích.
Ai nói đúng, cha Nouwen hay Fantine? Tôi cho là cả hai đều đúng, dựa trên hoàn cảnh, sức khỏe nội tâm và nguồn lực cảm xúc của mỗi người. Như câu ngạn ngữ: Cái gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh hơn!
Đúng là thế, với điều kiện nó không giết ta. Đáng buồn thay, có những lúc nó lại giết ta thật. Tôi cho rằng tất cả những ai đang đọc bài này đều đã từng mắt thấy tai nghe một người chúng ta quen biết hay yêu thương đã bị sụp đổ và chết, hoặc tự sát hoặc sụp đổ theo kiểu khác, do cuộc sống tan nát, con tim tan nát, tâm thần tan nát, do một thương tích mạnh hơn tâm hồn của họ.
Do đó, khi nhìn vào hai khẳng định đối lập nhau này, chúng ta cần thêm một sự thật nữa có thể thêm một sự thật có thể bao hàm cả hai. Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.
Có lúc, khi đấu tranh, chúng ta có thể tìm được sức mạnh nội tại chôn sâu dưới những thương tích của mình, và nó cho chúng ta có thể vươn lên, vượt qua những thương tích, trở lại với sự lành mạnh, sức mạnh và tinh thần hăng hái nhiệt tình. Tuy nhiên, có lúc những vết thương của chúng ta làm tê liệt tâm hồn và chúng ta không thể nào đến được với sức mạnh ẩn sâu trong lòng mình. Trong đời này, sự tan nát đó có thể bị cảm nhận như là sự sụp đổ tối hậu, một nỗi đau buồn không thể chữa lành, một tuyệt vọng, một cuộc đời vứt đi. Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào hoàn cảnh cay đắng và sự mỏng manh tinh thần ập đến cùng lúc, khi nào tâm hồn chúng ta không còn mạnh hơn những thương tích, chúng ta đều có thể nương ẩn nơi một chân lý sâu sắc ơn, một sự an ủi thâm sâu hơn, cụ thể là sức mạnh nơi trái tim Thiên Chúa. Ơn Chúa, sự tha thứ, và tình yêu thì mạnh hơn những thương tích, sụp đổ, thất bại và cái dường như là tuyệt vọng của chúng ta.
Điều khiến đức tin kitô khác với các tôn giáo khác (cũng như khác với các phúc âm thịnh vượng) chính là kitô giáo là một tôn giáo của ơn sủng chứ không phải của nỗ lực tự thân (dù cho nó cũng có tầm quan trọng). Là người tín hữu kitô, chúng ta không cần phải tự cứu rỗi mình, không cần phải tự lực cứu vớt cuộc sống mình. Thật sự là không một ai cần làm thế. Như thánh Phaolô đã nói rõ trong thư gửi tín hữu Rôma, không một ai trong chúng ta tự cứu vớt cuộc sống mình bằng chính sức mình. Điều này cũng đúng khi muốn thắng vượt những thương tích của mình. Tất cả chúng ta đều có những lúc yếu đuối và sụp đổ. Tuy nhiên, chính lúc này đây, chính khi cơn bão đè bẹp chúng ta, khi chúng ta tìm sức mạnh để đương cự cơn bão nhưng rồi chỉ để thấy rằng cơn bão mạnh hơn chúng ta, chính lúc như thế, chúng ta cần tìm tìm sâu hơn nữa và sẽ thấy được rằng trái tim của Thiên Chúa mạnh hơn những vỡ nát của chúng ta.