Thứ bảy, 21/09/2024

Tản Mạn Vùng Truyền Giáo

Cập nhật lúc 21:27 04/06/2021

 
Tôi bất ngờ trở thành người con của vùng truyền giáo Sapa cách đây hơn một năm. "Đến với cái vùng đất này vào cái thời đại này thì chỉ như một đứa trẻ sinh sau đẻ muộn!". Các Linh mục, tu sĩ đã từng kinh nghiệm thâm niên ở đây vẫn thường nói đùa với chúng tôi như vậy, những "thế hệ không biết mùi đau khổ". Đúng như thế, Sapa giờ đây đã trở thành một thị xã sầm uất, các con đường xuyên bản làng hầu hết đã được bê tông hóa. Chứ đâu như cái ngày nó mới được biết đến như một bãi cát hoang sơ, núi non cheo leo hiểm trở, mây khói âm u ngày đêm phủ lên núi rừng lạnh lẽo…
Điều đầu tiên tôi được lãnh nhận ở nơi đây là một lịch sử truyền giáo đầy ắp những niềm vui mộc mạc, chân chất, nhưng cũng thấm đầy những gian nan, kinh hoàng và không thiếu vẻ thiêng liêng huyền bí. Từ những câu chuyện rợn người năm 1948 về cha xứ Thịnh, nghe đâu cha mới ngoài bốn mươi tuổi, còn rất trẻ. Thế mà đang lúc cha cầu nguyện trong nhà thờ thì bị người ta chặt mất đầu, lúc giáo dân đến thì cái đầu của cha ở đâu không ai biết, mãi mấy ngày sau mấy con chó phát hiện nhờ mùi hôi thối mới cắp đầu cha về cho giáo dân đem chôn. Tôi nghe truyền miệng về những chi tiết ấy, chứ sử sách thì tôi chỉ mới đọc thấy vỏn vẹn dòng chữ: “Năm 1948, cha Idiart Alhor Jean (Cha Thịnh) là linh mục chánh xứ cuối cùng thuộc M.E.P. đã bị sát hại. Những năm sau đó dân chúng phải đi sơ tán vì chiến tranh, nên giáo xứ hầu như không còn sinh hoạt gì; nhà thờ, nhà xứ bỏ không…” (Trích Lược sử Giáo xứ Sapa); đến những câu chuyện thường tình như trong thánh lễ thì từ cha chủ tế đến mọi giáo dân lớn bé, ai ai cũng phải mang ủng cao đến gối, đất đỏ vẫn bám từng cục như nắm tay, nhầy nhụa, lem luốc. Ấy vậy mà Thánh lễ vẫn diễn ra đầy trang nghiêm sốt sắng. Mỗi khi nghe biết có cha và các dì đến thì giáo dân trong các bản làng vượt qua mấy ngọn núi, mấy con suối, đi bộ hơn chục cây số để ra đón mà chẳng bao giờ quên mang cho cha và các dì mỗi người một cây gậy. Gậy dùng để chống, gậy dùng để kéo và gậy còn dùng để cạy đất mỗi khi chiếc ủng quá nặng như muốn rời khỏi chân. Có ủng có gậy nhưng thỉnh thoảng cả đoàn lại ồ lên khi thì cười, lúc thì hốt hoảng thất thanh vì những cú trượt ngã hết sức tự nhiên, điêu luyện như xiếc, mà cũng vô cùng nguy hiểm tưởng như bỏ mạng nơi những vực sâu thăm thẳm, đèo cao hun hút. Thế mà thấy vui, ngã xong đứng dậy, đau lắm mà vẫn nhe răng cười.
Những câu chuyện ấy cứ nhẹ nhàng đi sâu vào hồn tôi, xanh tươi như mùa xuân, vấn vương mà cũng thân thương như thể vừa xa xôi nhưng cũng thật gần. Tôi bước đi trên con phố du lịch, người người qua lại tấp nập, nhưng có vẻ như đất trời nơi đây chẳng muốn quan tâm điều đó. Thiên nhiên như không chịu buông bỏ cái thiêng liêng vốn có của một thời xa xưa. Áng mây làm thành những tấm màn ngăn cách, nhất định không cho tháp chuông nhà thờ được phép hòa với dòng đời ồn ào tục hóa, nên ngày ngày chứng kiến bao lớp người qua lại mà bóng tháp vẫn trầm ngâm trong dáng vẻ uy nghi linh thiêng của mình. Chưa lấy làm đủ, mây còn ôm lấy từng vị khách như muốn giữ riêng cho mình, để rủ rỉ lôi kéo khách lạ; để giục giã hối thúc những con cái trong nhà phải tìm về với nguồn cội thiêng liêng. Cái không gian đặc quánh làm tôi không biết mình đã rời khỏi khu phố thị từ lúc nào. Tiếng gió rít qua nóc nhà thờ Hầu Thào nằm chênh vênh trên đỉnh núi; tiếng những giọt sương nặng vuột khỏi cành lá rơi lộp bộp thưa thớt trên mái nhà thờ Lao Chải nằm im lìm dưới thung lũng sâu lại càng làm cho không gian thêm lặng.
Tôi bỗng cảm thấy có phần ghen tị với những vị truyền giáo thế hệ trước. Sở dĩ các ngài vẫn cười được sau những lần té ngã cũng có thể vì phải lội bộ cả hơn chục cây số, trèo đèo lội suối, mồ hôi ướt áo thì làm sao mà biết đến cái lạnh cho dù thời tiết xuống 0oC. Còn chúng tôi thời nay, sướng thật, nhưng chạy honda thì...  tôi nhớ lại những lúc ấy hai bàn tay dù được bọc mấy lớp len mà nó vẫn nhức nhối như bị đập dập mà đem ướp muối. Tôi cũng hãnh diện lắm, vì luôn tự an ủi mình là sẽ không khóc. Tôi vẫn tiếp tục chạy và miên man nghĩ về giáo điểm mà tôi đang đi tới, lòng rộn ràng niềm vui và hy vọng. Đôi môi tưởng như mất cảm giác vì lạnh, bỗng nhiên lại cảm thấy âm ấm và bật cười một mình. Tôi không khóc mà nước mắt chảy từ khi nào không hay, chính nó làm làn môi tôi thêm ấm áp. Một niềm vui ngọt ngào và tôi cũng cười thật tươi. Đến nơi rồi....  lúc về thì sao? Trời đêm, mưa mù, tôi chẳng thể nhìn xa hơn được hai mét dù chiếc đèn rọi với dáng vẻ đầy kiêu hãnh được lắp thêm ở đầu xe. Cứ đi rồi sẽ về đến nhà… đi riết rồi cũng thấy quen, quen cung đường và quen cái liều vì có người bảo: “Ở cái vùng này mà không liều thì lái xe làm sao được!” Giờ tôi mới thấy câu nói ấy cũng đúng lắm.
Những nhà truyền giáo lớp trước đã phải băng qua những ngọn núi cao hiểm trở, lội qua những khe suối, những lũng sâu; phải đối mặt với thú dữ, rắn rết, côn trùng độc; và cả sự bách hại; phải đối diện với đói khát, rét mướt, nhà ở nhà nguyện tất cả chỉ bằng những miếng ván ghép vào nhau, miệng há hốc đến con chó còn chui lọt thì ngăn sao được gió… Còn chúng tôi thời nay, nhờ có sự phát triển của ngành du lịch nên không phải đi bộ nhiều, đường xá thì nhẵn nhụi. Ấy thế mà tôi vẫn không ngừng lo lắng mỗi khi nhấc xe lên đường. Cái lạnh của sự thờ ơ với niềm tin, thờ ơ với tôn giáo mới làm tôi thực sự cảm thấy se thắt tâm hồn. Những con chiên nhỏ chưa kịp “mở mắt” trong đức tin đã phải đối diện với bao thử thách. Kinh tế, truyền thông, dịch vụ… làm xói mòn tình huynh đệ, xé rách tình gia đình, phủ mờ niềm tin, lãng quên nhà Chúa... Đối tượng mục vụ chính yếu của chúng tôi là những anh chị em đồng bào Hmoog, trước đây vốn là chủ nhân của những dãy núi bạt ngàn, giờ thì một số ít trở thành người làm thuê trong những khách sạn, nhà hàng, còn phần đa thì bị dồn vào “hẻm núi” bởi đất bán hết, tiền cũng hết, mà học hành thì lại không hết! Rồi họ sẽ ra sao? Tôi chưa dám tưởng tượng...
Kể ra cũng thấy tội nghiệp cho sứ mạng truyền giáo! Vì sẽ chẳng bao giờ có chữ hoàn thành, nhưng cũng vì thế mà Truyền giáo lại trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những trái tim muốn “liều” bước... Nguyện xin Chúa luôn đồng hành cùng với những bước chân truyền giáo của những linh mục, tu sĩ đang ngày ngày dấn thân thực thi sứ mạng của Giáo Hội, và đang hăng say thực hành lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô “ Hãy đến với vùng ngoại biên”.
 
Nữ tu M.Đ.H (Sông Đà)
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log