Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ số với 4.0 hay 5.0 thì đây là một cơ hội cho xã hội và con người được nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nhưng đây lại là một thách đố được đặt ra cho người tu sĩ đang sống trong thế giới này. Đặc biệt hơn là với các tu sĩ trẻ khi phải đối diện với xu hướng hội nhập, hưởng thụ, tự do khoái lạc và tục hóa. Đây chính là yếu tố làm ảnh hưởng đến lối sống của người môn đệ Chúa. Người tu sĩ là người đã tự nguyện chọn cho mình một con đường chẳng mấy ai đi, một con đường có vẻ như đi ngược lại với các giá trị của xã hội hiện đại. Vì đã chọn lối đi ngược dòng nên họ phải sống làm sao để như lời thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê đã khuyên nhủ tín hữu của mình: “Giữa một thế hệ gian tà, sa đọa, giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Và trong ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng nói: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu tục ngữ trên thật đúng và ý nghĩa để người tu sĩ suy gẫm và thực hành trong đời sống của mình. Sống trong một thế giới phát triển chóng mặt như hiện nay, các phương tiện tối tân của thời công nghệ số, với những giá trị đạo đức luân lý suy đồi, việc bắt kịp với lối sống và thích nghi với môi trường của xã hội là một thách đố lớn đối với người môn đệ Chúa Kitô. Thích nghi ở đây không phải để hòa tan mình trong đó, nhưng thích nghi để trở nên một chứng tá cho con người thời đại về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay. Quả thật, con người thời nay và nhất là nơi các bạn trẻ đang chạy theo những trào lưu mới, đi ngược lại với tinh thần Phúc Âm, lối sống hưởng thụ, ích kỷ, ham khoái lạc đã làm mờ đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc: công, dung, ngôn, hạnh, thảo hiếu, lễ nghĩa dường như là những khái niệm xa lạ và không thực tế với thế hệ trẻ hôm nay. Ngay cả lối sống truyền thống đạo đức còn trở nên xạ lạ thì lối sống theo các giá trị Tin Mừng càng trở nên khó khăn đối với con người ngày nay. Trong bối cảnh của xã hội đó, tôi cũng tự đặt ra cho mình một vài câu hỏi: Người tu sĩ, môn đệ của Chúa Kitô, họ có cần và sở hữu những thứ đó không? Và sử dụng như thế nào? Câu trả lời là có. Tuy nhiên nó không hướng tới những giá trị vật chất chóng qua ở đời này nhưng là phương tiện để giúp chúng ta quy hướng về Chúa Kitô – Đấng mà người tu sĩ đã chọn là đích đến của hành trình đời sống mình. Nếu như trong thời đại 4.0 này con người đã tiến lên đỉnh cao của khoa học và công nghệ, thì trong đời sống thiêng liêng để hội nhập với nền văn hóa phát triển người tu sĩ cũng cần tập và trau dồi cho mình để có được 4G trong đời sống thiêng liêng là: GIÀU, GIỎI, GIAI NHÂN VÀ GIÊSU KITÔ. Có lẽ khi đọc đến đây, sẽ có nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc rằng như vậy phải chăng người tu sĩ cũng đang chạy theo xu hướng của xã hội bên ngoài? Nhưng câu trả lời là không: Nếu như bên ngoài xã hội người ta tìm kiếm và dùng mọi phương cách để đạt được sự giàu có về của cải vật chất, phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống, thì với người tu sĩ họ cũng thao thức và khao khát lo sao cho mình có được sự giàu có về tình yêu thương, sự sẻ chia, lắng nghe, tinh tế, nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Đồng thời, người tu sĩ cũng cần sống tình liên đới để có thể đi vào cuộc sống cho, sống với và sống vì mọi người. Người tu sĩ có thể có tất cả nhưng cũng sẵn sàng cho đi tất cả, họ chẳng giữ lại gì cho riêng mình, đặc biệt với lời khấn khó nghèo họ từ khước những phương thế để thu tích của cải vật chất, họ để mọi sự mình có làm của chung, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với mọi người, đặc biệt là những người đang cần đến sự chia sẻ và giúp đỡ của họ. - G thứ hai làGIỎI: Giỏi ở đây không chỉ giỏi về học thức, bằng cấp nhưng là một sự hiểu biết về chính mình, về anh chị em, những người sống cùng họ. Giàu về môi trường văn hóa, xã hội, các kiến thức về khoa học, xã hội học, đặc biệt họ có sự hiểu biết sâu sắc về Thiên Chúa, về tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại để họ luôn biết nói với Chúa và nói về Chúa cho mọi người… Vì vậy, người tu sĩ có thể nói nghề của họ không phải chỉ là cầu nguyện hay xuất thế, tách mình ra khỏi thế gian nhưng là nhập thế, đi vào trong thế gian, sống cùng, sống với và sống cho anh chị em mình. Biết được những khó khăn và nhu cầu của người khác để làm trung gian chuyển cầu lên tới Chúa và sẵn sàng trao ban. Do đó, họ phải trang bị cho mình tất cả những hành trang cần thiết cho hành trình nhập thế. Để có thể làm được như vậy, đòi hỏi người tu sĩ phải không ngừng học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi lĩnh vực. Như vậy trên thực tế, các tu sĩ là người phải học tập và hiểu biết rất nhiều. Không phải chỉ là sự hiểu biết đơn thuần về kiến thức, lý trí nhưng còn là sự hiểu biết của con tim để chia sẻ và giúp đỡ hết mọi người. - G thứ ba là GIAI NHÂN. Giai nhân ở đây không hiểu theo kiểu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành như con người ở bên ngoài xã hội, với quần áo lượt là, hàng hiệu, với son phấn đậm đà và những trang sức sặc sỡ. Với người tu sĩ, giai nhân là duyên dáng, đoan trang, đức hạnh, là Tứ đức trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam: Công – dung – ngôn – hạnh. Quả thật, các tu sĩ không phải là những người không coi trọng vẻ đẹp bên ngoài, nhưng điều mà họ tìm kiếm là vẻ đẹp trong tâm hồn vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Với sự đơn sơ, chân thành, mộc mạc nhưng lại đem đến cho những người mà họ gặp gỡ cảm nhận được niềm vui và sự bình an của chính Chúa Kitô. G Cuối cùng của người tu sĩ hôm nay là CHÚA GIÊSU KITÔ: Trung tâm điểm của đời sống và cùng đích cuộc đời của người tu sĩ. Trong xã hội hôm nay, một xã hội tôn thờ thân xác và chủ nghĩa hưởng thụ, khoái lạc thì việc sống lời khấn khiết tịnh để thuộc trọn về Chúa với một con tim không san sẻ của người tu sĩ. Với cách sống của người tu sĩ như vậy nên cái nhìn của những người bên ngoài dường như là một điều gì đó không tưởng, khó chấp nhận. Họ không thể tin rằng có biết bao nam nữ tu sĩ ngày đêm sống trong các tu viện và tự nguyện sống độc thân và Khiết tịnh vì một mục đích duy nhất là tận hiến cho Chúa. Người tu sĩ khi đã chọn Chúa Giêsu là cùng đích của đời mình thì luôn quy chiếu hoàn toàn cuộc sống của mình về một mục tiêu duy nhất là được yêu Chúa và thuộc về một mình Ngài, cho dù họ còn đầy giới hạn và bất xứng, nhưng với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được. Họ tin rằng Chúa sẽ làm cho họ trở nên những khí cụ để gieo rắc bình an, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Từ tình yêu nơi Đức Giêsu các tu sĩ sẽ đem tình yêu đó trao ban bằng việc phục vụ anh chị em đồng loại với một mong muốn duy nhất là để Chúa được lớn lên, nhân loại nhận biết Chúa qua môi trường và cuộc sống của xã hội hôm nay. Lạy Chúa! Mỗi chúng con được Chúa gieo vào trong xã hội hôm nay, một xã hội với bao cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách đố cho đời sống và chọn lựa của chúng con. Nhưng làm sao chúng con có thể trở thành những chứng nhân cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay, làm sao để chúng con sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian là điều mà chúng con luôn khắc khoải mỗi ngày. Như những nắm men bé nhỏ được vùi vào trong thúng bột rộng lớn là xã hội hôm nay, xin Chúa luôn đồng hành, gìn giữ chúng con và làm cho mỗi tu sĩ chúng con luôn biết làm cho thúng bột được dậy men nhờ những chứng tá trong đời sống hàng ngày, để qua đó nhân loại có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và cùng nhau xây dựng Nước Trời ngay trên trần gian này! Amen.