Chúa nhật, 24/11/2024

Trạm Dừng Tâm Linh

Cập nhật lúc 14:45 06/07/2021
  
                                                    
Cuộc đời là một chuyến đi và trên hành trình của chuyến đi đó luôn cần những trạm dừng để giúp người lữ hành có thể nghỉ ngơi và tiếp sức cho cuộc hành trình tiếp theo qua việc nạp thêm năng lượng, các nhu yếu phẩm cần thiết cho sự sống tự nhiên. Cũng trên những trạm dừng đó, có thể có những cuộc gặp gỡ để tạo lập những mối tương quan, nuôi dưỡng tình thân… Đó là hành trình đời sống tự nhiên hàng ngày của con người. Còn đối với người tu sĩ, đặc biệt trong hành trình đời sống thiêng liêng, đâu là những trạm dừng và qua những trạm dừng đó người tu sĩ cần nạp cho mình những nguồn năng lượng gì? Mục đích của mỗi trạm là gì? Đâu là các mối tương quan mà người tu sĩ cần thiết lập và làm mới lại tại các trạm dừng? Điều đó được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng Thánh Maccô: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Như vậy, có thể thấy mục đích đầu tiên của những trạm dừng trên hành trình thiêng liêng của người tu sĩ là “nghỉ ngơi”, là tách mình khỏi cuộc sống xô bồ tấp nập, bộn bề lo toan trong việc học tập hay trong sứ vụ để nghỉ ngơi bên Chúa.
Nếu như trong đời sống hàng ngày, những trạm dừng giúp con người nghỉ ngơi, bồi dưỡng, tạo lập tương quan, xây dựng tình liên đới và cần thiết để con người có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thì những trạm dừng trong hành trình đời sống thiêng liêng của người tu sĩ còn cần thiết hơn biết nhường nào. Trạm dừng trong đời sống thiêng liêng của người tu sĩ là những khoảng thời gian hồi tâm sau một ngày sống, là ngày tĩnh tâm trong tháng, và đặc biệt hơn nữa là kỳ linh thao sau một năm mải mê với công việc mục vụ, những sứ vụ được Hội dòng trao phó. Mỗi người đều mang trong mình cương vị, sứ mạng và trách nhiệm khác nhau nhưng tất cả đều có chung một đích đến. Vì dù là người có trách nhiệm quản trị hay người thi hành, chúng ta đều cần có “bạn đường” là Chúa Giêsu đồng hành và hướng dẫn. Vậy điều tất yếu là tất cả mọi người đều cần có những trạm dừng trên hành trình thiêng liêng của mình. Trạm dừng đó giúp cho mỗi người tu sĩ được nghỉ ngơi trong Chúa, gặp gỡ Chúa và gặp gỡ chính mình. Đặc biệt, sau một khoảng thời gian dài miệt mài với sứ vụ, nhiều khi người tu sĩ lầm lẫn giữa Chúa và công việc của Chúa, do đó mà đã làm phai nhạt đi mối “tương quan” với Chúa. Vì thế, tĩnh tâm hay linh thao là thời gian để người tu sĩ nhìn lại mình đồng thời làm mới lại tương quan của mình với Chúa và với tha nhân, và cũng là dịp người tu sĩ có hội sống lại tình yêu thuở ban đầu của mình với Chúa Giêsu là Đấng Lang Quân duy nhất của cuộc đời mình.
Con người chúng ta cũng như một cỗ máy, nếu muốn bền và sử dụng được lâu dài thì cần phải tu sửa, bảo dưỡng để máy mọc vận hành được tốt và bền. Ngược lại, nếu không được bảo dưỡng mà nó luôn phải vận hành hết công suất thì cỗ máy sẽ mau chóng trở nên lao lực, già nua và sẽ hết giá trị sử dụng. Đời sống thiêng liêng của người tu sĩ cũng vậy, với thời gian và với sứ vụ, tình yêu của người tu sĩ dần thay đổi sang một dạng thức khác. Nếu như cải thủa ban đầu tha thiết và nồng nàn sốt mến thì dần dần khi phải lãnh những trách nhiệm trong công việc có thể làm cho người tu sĩ bị ảnh hưởng và tình yêu dành cho Chúa không được trọn vẹn. Bởi lẽ, sứ vụ đầu tiên và quan trọng nhất của người tu sĩ nói riêng và của các môn đệ nói chung là “ở lại trong tình yêu của Chúa”. Bởi chưng, nếu “không” hay “chưa” ở lại trong Chúa thì người tu sĩ sẽ khó có thể nói với Chúa và nói về Chúa cho người khác được. Một tu sĩ như vậy thì dù có thi hành sứ mạng cũng sẽ khó đem lại kết quả trọn vẹn. Đời tu là một lời mời gọi bước theo Đức Kitô để trở thành chứng nhân cho tình yêu vô biên mà mình đã lãnh nhận và cam kết trao ban cho tha nhân. Nếu người tu sĩ chưa thật sự cảm nhận được tình yêu với Chúa qua đời sống hàng ngày thì cũng không thể thể trao ban cho người khác vì bản thân mình không có. Do đó, những cuộc tĩnh tâm,\hay linh thao là điều không thể thiếu trong hành trình thiêng liêng của người tu sĩ.
Qua các kì tĩnh tâm và linh thao, người tu sĩ kín múc nơi Chúa nguồn sức mạnh và ân sủng, đặc biệt trong sự tĩnh lặng của bầu khí linh thao, người tu sĩ gặp Chúa và cũng gặp chính mình. Nhờ đó, người tu sĩ được biết mình, nhìn thấy những hạn chế và yếu điểm của mình, những thiếu sót trong bổn phận với cộng đoàn, với chị em và cả những lỗi phạm hay sự thờ ơ, dửng dưng trong tương quan với Chúa. Đồng thời, họ thấy cuộc đời của mình cần đến Chúa và cũng thấy mình cần thay đổi trong tư duy và lối sống để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa - Đấng mà họ luôn tìm kiếm và khao khát được hiệp nhất nên một.
Trước cuộc sống xô bồ hiện nay, người tu sĩ cần thời gian tĩnh tâm để kiểm điểm và thăng tiến hơn trong ơn gọi của mình. Tuy nhiên, nhiều khi trong thực tế của cuộc sống, thường điều gì mà bó buộc thì tự nhiên tâm lý của con người lại cảm thấy nặng nề. Đó là tâm lý tự nhiên: có lẽ ai cũng thích đi chơi và được nghỉ ngơi trong các dịp đặc biệt, nhưng nếu có luật buộc phải đi chơi ở những nơi mà mình không muốn thì sự thích thú có thể giảm đi 50% lòng nhiệt huyết. Cảm giác này trở nên nặng nề khi mình chưa thấy thích! Vì thế, không lạ gì mà nhiều người tuân hành luật lệ cách miễn cưỡng, chiếu lệ. Các cuộc tĩnh tâm thay vì để gặp gỡ Chúa lại trở thành những cuộc gặp gỡ chuyện trò sau một năm xa cách. Thay vì thinh lặng để kiểm điểm, lắng nghe, cầu nguyện là những lần gặp gỡ nói chuyện tầm phào. Để có thể vượt qua được những điều hết sức tự nhiên đó, mỗi tu sĩ cần ý thức về giá trị và tầm quan trọng của các cuộc tĩnh tâm, cần thấy được rằng đây thật sự là một nhu cầu và cơ hội để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, để “làm mới lại tình yêu thủa ban đầu” nồng nàn và mãnh liệt với Đấng mà họ đã chọn làm cùng đích cho cuộc đời.
Lạy Chúa! Trước guồng quay vội vã và những bộn bề lo toan của cuộc sống, xin cho con biết “tìm một điểm dừng”, gác lại mọi thứ để ở lại với Chúa, để được ngồi bên Chúa và lắng nghe lời Chúa như Maria đã chọn phần tốt nhất. Vì chỉ nhờ việc ở lại với Chúa con mới nghe được Chúa dạy dỗ, hướng dẫn và uốn nắn để mỗi ngày con trở nên “khí cụ” trong tay Chúa, “thánh hóa bản thân và mưu ích cho anh chị em đồng loại”. Nhưng để có thể làm được điều đó con cần ơn Chúa biết bao, vì không có Chúa con thấy mình chỉ là yếu đuối, bất xứng, giới hạn cùng với lòng kiêu căng tự mãn. Qua những khoảng lặng bên Chúa, xin Chúa dạy con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để con dám “liều” và buông đời mình trong tay Chúa, để Chúa cắt tỉa, gọt rũa và làm cho sinh hoa trái trong đời sống thiêng liêng và nên một với Ngài trong tình yêu. Amen.
                                                                                                               
  Hạt cát nhỏ
Thông tin khác:
Chọn Lựa (24/06/2021)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log