Mỗi người trong chúng ta, khi đến với cuộc sống trần gian, ai ai cũng mang trong mình một trái tim. Trái tim có từ lúc ta mới thụ thai trong lòng mẹ, và đó cũng chính là lúc khởi nguồn của một sự sống mới. Trái tim còn đập đồng nghĩa với sự sống đang còn tiếp tục; trái tim ngừng đập nói lên sự ra đi vĩnh viễn, hay một sự kết thúc hành trình của một đời người. Nói cách khác trái tim nói lên sự sống của một đời người.
Khi nói đến trái tim, là nói đến tình yêu, và chẳng biết tự khi nào trái tim trở thành biểu tượng của tình yêu. Vì thế mà người trẻ ngày nay thường sử dụng cụm từ “thả tim” để nói lên sự ủng hộ hay hưởng ứng cho một ai đó. Trái tim là nơi phát xuất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn khác nhau, những rung động, xót xa, những cảm thông: cùng đau với những phận người, nhất là những người sống bên lề xã hội.
Và hôm nay, nhiều trái tim rung lên với hai chữ Sài Gòn.
Sài Gòn, cái tên nghe sao thân thương và gắn bó. Có nhiều bài hát nói về Sài Gòn: “Sài Gòn đông người”, “Sài Gòn đẹp lắm”, “Sài gòn hay lắm hai tiếng cảm ơn xin lỗi”… Nơi mảnh đất ấy đã đón chào bao người đến, nhưng cũng tiễn đưa bao người đi. Cái tên thân thương ấy hôm nay được nhắc đến nhiều hơn, khi mà đã gần ba tháng trôi qua, cơn đại dịch Côvid bùng phát trở lại và diễn ra trên diện rộng, nơi một thành phố lớn vốn nổi tiếng là sầm uất, ồn ào với tiếng xe, người nói... nay đã quen dần với sự tĩnh lặng mà có lẽ trong dòng lịch sử chưa bao giờ có. Mọi hoạt động trở nên khép kín, thậm chí là phải dừng lại để cùng chung tay chống lại cơn đại dịch. Có thể nói, mọi người, không chỉ là những người đang sống nơi thành phố này, nhưng là tất cả những người mang dòng máu của người con Việt đều đang cảm thấy đau xót trước tình hình diễn ra nơi thành phố này. Hụt hẫng có, hoang mang lo sợ không ít, nhưng tất cả đều tin rằng một ngày tươi sáng sẽ trở lại, và điều quan trọng hơn mỗi người chúng ta đang nhận thấy trong hoàn cảnh đặc biệt này, trên quê hương Việt Nam, và nhất là nơi mảnh đất Sài Thành này vẫn còn có những trái tim đang khát khao được yêu thương và được trao thương yêu.
Nơi đây, có trái tim của vị Cha chung của Tổng Giáo Phận vẫn luôn băn khoăn, lo lắng cho đoàn chiên mình. Vị Cha chung ấy vẫn âm thầm cầu nguyện và gởi đến cộng đoàn dân Chúa những lời nhắn nhủ đầy yêu thương qua các bài giảng hay huấn từ sau các Thánh lễ online. Nơi đây, có những trái tim của những mục tử nhân lành, không thể ngồi yên nơi Giáo xứ, nhưng đã xuống đường mang trên mình bộ đồ bảo hộ để đến với anh chị em và ban phép lành cho từng gia đình. Phải chăng chính sự quan tâm và huấn giáo ấy, cùng những nghĩa cử ấy, đã phần nào củng cố đức tin và thêm sức mạnh cho anh chị em cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này.
Nơi đây, cũng có những trái tim của các anh chị em tu sĩ trong và ngoài Công giáo đã tình nguyện bỏ lại bộ đồ tu phục của mình để mặc lấy những bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng đến với các bệnh nhân, dẫu biết rằng hiểm nguy phía trước là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến những trái tim của những y bác sĩ, bỏ lại sau lưng gia đình, cùng những ước vọng để ngày đêm chăm sóc những anh chị em đang bị nhiễm căn bệnh toàn cầu này.
Điều đặc biệt hơn hết, hàng triệu trái tim khắp mọi miền đất nước, từ hải ngoại cho đến các tỉnh thành, từ miền xuôi cho đến các vùng cao nguyên, đang hướng về mảnh đất Sài Gòn thân yêu. Những chuyến xe tiếp tế không chỉ là những nhu yếu phẩm nhưng còn chất chứa hàng triệu trái tim, những trái tim của sự liên đới trên cùng một quê hương, một dân tộc, những trái tim hiệp thông trong cùng một Giáo hội.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ người Sài Gòn lại thương nhau đến thế, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội như những ngày này. Người ta thương nhau trong khả năng của mình với tất cả những gì mình có, như bà góa đã dâng vào đền thờ tất cả những gì mình có với cả tấm lòng yêu mến. Những hộp cơm yêu thương, những cọng rau xanh được gởi đến những khu cách ly, những gia đình hay những người vô gia cư đang sống lay lất bên vệ đường, những mảnh đời không có đến một mái nhà, không biết quê hương mình ở đâu, chỉ biết rằng: nơi mảnh đất này họ có thể sống dù cuộc sống ấy không được như bao người đang sống trong thành phố này. Phải chăng những hành động, những nghĩa cử yêu thương mà con người dành cho nhau ấy, phát xuất từ những trái tim đang đồng cảm và rung động trước những hoàn cảnh do cơn đại dịch đem lại?
Trong một chương trình với chủ đề “Ước mơ nào cho tương lai Việt Nam”, đã có một thí sinh đặt vấn đề: “Con người là sự khám phá cuối cùng mà con người muốn tìm kiếm. Hiện nay con người đã tạo ra được bộ não nhân tạo, trí tuệ nhân tạo, cơ thể nhân tạo, duy chỉ một thứ mà con Rôbốt khác với con người đó là trái tim, vậy trong thế giới 5.0, liệu con người có tạo ra được trái tim chăng?”. Câu nói ấy đã để lại cho chúng ta điều cần phải suy ngẫm khi thế giới bước vào cuộc sống ngày càng hiện đại và văn minh. Tuy nhiên, thiết nghĩ, chính cơn đại dịch này đã và đang trả lời cho câu hỏi đó. Trong cơn đại dịch, chúng ta nhận thấy đời người thật mong manh, dễ bị tổn thương. Con người đang có thể tạo ra được nhiều thứ nhưng chưa thể tạo ra cho mình sự sống và con tim của chính mình. Bởi trái tim là sự ban tặng của Thiên Chúa, Ngài ban cho mỗi người trái tim bằng thịt, và lưu thông bằng dòng máu yêu thương. Nơi trái tim ấy chất chứa một tình yêu thiêng liêng, một thứ cảm xúc khó tìm thấy nơi các thụ tạo hay của cải, vật chất khác.
Đại dịch có thể đóng băng mọi sinh hoạt của con người, thế nhưng nó không thể nào đóng cửa lòng hay làm cho trái tim ngừng những nhịp đập của tình thương, của sự liên đới, của tình hiệp nhất trong gia đình nhân loại. Thiết nghĩ, sẽ chẳng có loại vaccine nào có thể loại trừ được loại virus này ngoài loại vaccine của tình yêu phát xuất từ trái tim mỗi người chúng ta. Sẽ chẳng có bộ đồ bảo hộ nào chất lượng và an toàn cho bằng bộ đồ bảo hộ với sự quan phòng của Thiên Chúa. Ước mong sự tin tưởng và phó thác nơi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa sẽ làm cho trái tim của mỗi người chúng ta liên kết trong yêu thương, cùng nhau vực dậy thành phố thân yêu này sau cơn đại dịch, cùng nhau đón chào một tương lai ngời sáng trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.