ảnh: Internet
Một ngày đầu tháng tám, trong cái tiết trời khá dễ chịu của những ngày đầu mùa mưa, những cơn mưa rào như vô tình đổ xuống thành phố vốn được coi là ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’ của đất nước xinh đẹp mang hình chữ S. Càng vào giữa mùa mưa, những cơn mưa lại càng nhiều và bất chợt, hạt mưa càng to và nặng hơn như đang cùng sẻ chia nỗi đau của nhân loại, khi cả nhân loại đang phải oằn mình chống lại cơn đại dịch khủng khiếp.
Nằm trong một con hẻm nhỏ của thành phố Sài Gòn phồn thịnh ấy là Nhà Nguyện Camêlô - Trụ sở Giáo Phận Hưng Hóa, nơi có Cộng đoàn Camelo - một cộng đoàn của Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa với 24 chị em đang hiện diện. Thêm vào đó còn có hai cộng đoàn của hai dòng nam gốc từ Hải ngoại (dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ và dòng Tông Đồ Cầu Nguyện cho ơn gọi) đang tạm trú tại đây (trụ sở Giáo phận Hưng Hóa) để đi học. Tất cả đều đang cùng chung chia số phận với bao trăn trở, lo lắng với Thành Phố đang bị con virus hoành hành đến tang thương.
Tôi chợt nhớ tới câu nói của đại văn hào Nguyễn Du “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Chắc hẳn, đứng trước bóng đêm dày đặc đang bảo phủ khắp Năm Châu Lục, lòng người không thể không chùng xuống trước cơn đại dịch kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của biết bao con người trên hành tinh này. Thế mới thấy, sự sống vốn là một quà tặng vô giá mà Thượng Đế đã trao ban cho con người, nên con người càng nâng niu và trân quý sự sống vốn không phải tự mình làm nên để sinh tồn và phát triển bao nhiêu, thì khi đứng trước một con virus nhỏ bé, ta lại thấy sự mong manh của kiếp người bấy nhiêu.
Trong ký ức của lòng mình, đối với tôi, Sài Thành là nơi tấp nập những người dân nhập cư, những du khách từ mọi miền đất nước, là điểm quy tụ của nhiều nền văn hoá. Cứ đến đây ta không chỉ thấy những nụ cười hạnh phúc, nhưng còn thấy nhiều mảnh đời đau khổ, vất vả để mưu sinh. Không chỉ thấy một bầu không khí nhộn nhịp nhưng còn thấy một bầu không khí không kém phần linh thiêng toả ra từ trái tim của những người dân Sài Thành đó là Vương Cung Thánh Đường Đức Bà. Vậy mà giờ đây, Sài Thành trở nên vắng lặng, thưa thớt. Chiều buồn bao phủ nơi đây với những cơn mưa ảm đạm. Trời tối đen như chính thảm cảnh mà thế giới, đặc biệt là thành phố Sài Gòn đang phải đối diện lúc này.
Cùng chung chia số phận ấy, cộng đoàn Camêlô vốn là một nơi “
rất đặc biệt” mà ai đã từng một lần đến đây cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một nhà mà có tới ba Dòng tu. Điều này sẽ càng đặc biệt hơn, kỳ diệu hơn khi ta nhận ra đó là kế hoạch của Thiên Chúa, để trong những ngày sống chung với con virus này, ta mới nhận ra tình người thật trân quý biết bao.
Camelo vốn là một nơi đầy ắp tiếng cười, bởi nơi đây quy tụ đa số là những nữ tu trẻ luôn tràn đầy sức sống không chỉ với tinh thần học tập cao, nhưng còn với một tình yêu phi thường dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh.
Trải qua những ngày tháng cả thành phố thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội do tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng, “con người cứ thi nhau mà chết’’. Chắc chắn, là những phận người nhỏ bé, mỗi người trong đại gia đình Camêlo cũng không tránh khỏi những hoang mang sợ hãi khi phải đối diện với sự chết. Đặc biệt kể từ khi nàng Corona chính thức ghé thăm, sự vô hình đến ghê sợ của nó đã làm xáo trộn tất cả, mọi sinh hoạt trong cộng đoàn đều phải thay đổi để tránh sự lây lan nhanh chóng của loại Virus chết người này. Nếu trước đây, mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu thăm hỏi nhau, thì nay ai ở nhà nấy, không ai nói với ai một lời, có chăng chỉ là những cái gật đầu vội vã rồi bước đi trong thinh lặng.
Nếu trước đây mọi người có thể chào nhau bằng những nụ cười rạng rỡ, thân ái, thì nay bị che lại bởi chiếc khẩu trang như người bạn không thể thiếu với mỗi người khi bước ra khỏi phòng của mình. Bầu khí vui tươi ngày nào giờ đây nhường chỗ cho sự im ắng đến lạ thường, có lẽ một điều đặc biệt chưa từng xảy ra với cộng đoàn Camêlô đó là, các giờ kinh chung và mọi hoạt động chung phải tạm dừng lại, mỗi người sẽ tự lo liệu đời sống thiêng liêng của mình với Chúa.Thật xót xa khi ngôi nhà nguyện nhỏ bé vốn là nơi để cả đại gia đình Camêlo cùng nhau thể hiện niềm tin và tình yêu của mình vào Thiên Chúa bằng những lời ca tiếng hát nay lại nhường chỗ cho sự tĩnh mịch hoàn toàn. Lúc này, chỉ còn lại một không gian vắng ngắt, lặng lẽ nhưng cảm giác thật bình yên. Ngọn đèn chầu nhỏ bé vẫn ngày ngày ở lại bên Chúa Giêsu Thánh Thể, như muốn nhắc nhở từng người nhớ lại lời khích lệ của Thầy Chí Thánh mà xua tan nỗi sợ hãi, lo lắng: “
Đừng sợ, có Ta ở với con” (Is 43,5).
Có lẽ chính trong hoàn cảnh đặc biệt này mà mỗi người ý thức trở về cõi riêng tư thân tình với Chúa, đi vào sa mạc phụ trội, tắm mình trong bầu khí thinh lặng tuyệt đối để nhìn lại hành trình cuộc đời, nhìn lại tất cả những biến cố đã và đang xảy ra trên đường đời, trên hết là nhìn sâu vào lòng mình để trả lời cho câu hỏi: Chúa muốn con làm gì lúc này? Bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm, không kể ban trưa hay ban tối, tiếng còi của xe cứu thương chuyên chở những bệnh nhân đang bị con virus đó hành hạ, tiếng còi của sự chia ly tang tóc vẫn không ngừng vang lên. Tiếng còi như những tiếng chuông làm thức tỉnh những người đang ngủ mê trong tội lỗi, hay những tiếng van nài ai oán, tựa những tiếng kêu la thảm thiết của những người đang thoi thóp trong xe để giành giật lấy chút hơi thở cuối cùng. Chính tiếng còi của xe cấp cứu còn là một lời cảnh tình cho tất cả mọi người như lời tiên báo của tiên tri Isaia
“Con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12). Cuộc đời như cánh bèo trôi, rồi ai cũng sẽ phải một lần nằm xuống, nhưng lúc đó mình sẽ như thế nào, có sẵn sàng hay không? Nếu ngày mai Chúa gọi tôi một cách bất ngờ như biết bao nhiêu người đã ra đi trong cơn đại dịch này, tôi sẽ trả lẽ như thế nào về thời gian tôi được Chúa cho sống trên đời? Có rất nhiều những câu hỏi mà chỉ trong sự thinh lặng tuyệt đối, ta mới có thể nghe được câu trả lời từ Thiên Chúa.
Camêlô những ngày dài sống chung với Corona virus đã thực sự đi vào trong sự lặng lẽ với Chúa, một sự tĩnh lặng không chỉ bên ngoài, nhưng là đi vào chiều sâu nội tâm của chính mình. Tĩnh lặng để ở lại bên Chúa, để nghe được tiếng Chúa nói, và trên hết cần tạo cho mình một sự tĩnh lặng cần thiết để nhận ra dấu chỉ thời đại mà Chúa đang muốn gửi tới từng người trong thế giới hôm nay. Một thế giới đang chìm ngập trong tội lỗi, một nhân loại đang cố tình loại Chúa ra khỏi cuộc sống của mình để con người có thể bá chủ cả địa cầu này. Là những người tu sĩ, chúng tôi càng phải nhạy bén hơn để nhận ra đâu là điều Chúa đang cần nơi mỗi người chúng tôi.
Những ngày sa mạc linh thao ‘đặc biệt’ cuối tháng 7 của cộng đoàn được kết thúc với Thánh lễ Khấn dòng của 20 khấn sinh tuyên khấn tạm lại. Có lẽ, chính trong những khoảng lặng sâu lắng riêng tư đó, các chị đã nghe được những ngỏ lời, những thôi thúc yêu thương của Chúa. Thật tuyệt vời, thật cao quý nhưng cũng thật gian nan!
Đáp lại những ngỏ lời của Chúa, 6 chị em trong cộng đoàn chúng tôi đã chính thức lên đường ít ngày sau đó. Chúa đã ban cho các chị lòng nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân để lên đường. Các chị can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đến với vùng ngoại biên, dấn thân vào những bệnh viện dã chiến, sẵn sàng đứng ở tuyến đầu để cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế chung tay đẩy lùi cơn đại dịch kinh hoàng này.
Nhìn thấy sự hăng hái lên đường của các chị, không ngại khó, không ngại khổ, hay có khi còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình để đến với những mảnh đời đau khổ đang thực sự cần đến bàn tay chăm sóc của các chị, tôi chợt nhớ lời Thánh Phaolô
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi’’(2Cr 5,14). Phải, chính tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô đã thôi thúc các chị lên đường với một tinh thần quả cảm, can trường, quên mình để phục vụ theo gương của Thầy Chí Thánh:
“Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mc 10,45). Hành trang các chị mang theo là lòng tín thác tuyệt đối vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, sự bảo trợ của Mẹ Maria và tin tưởng vào lời cầu nguyện của các chị em trong Cộng đoàn cũng như Hội dòng. Các chị lên đường với một tâm hồn bình an, hân hoan, khi được dấn thân vào sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá.
Chiều nay, đang khi thả mình vào không gian lặng lẽ tĩnh mịch bên nhà nguyện Camêlô thân thương, bất chợt tiếng vang inh ỏi của xe cứu thương làm tôi choàng tỉnh, chợt thấy khóe mắt cay cay, trái tim như se thắt lại trước tình cảnh quá đỗi bi thương của những số phận nghiệt ngã, của một thành phố đang rơi vào những ngày gần như hoảng loạn về tinh thần. Người ta thi nhau trở về quê hương để tránh dịch, lòng tôi chợt thấy xao xuyến khi nghĩ về quê hương yêu dấu của tôi. Chiều nay, bầu trời bỗng cao và xanh hơn, xa xa phía cuối chân trời bắt đầu có những vệt nắng vàng đang le lói như xua đi những vầng mây u ám để nhường chỗ cho những ngày nắng vàng tươi đẹp.
Đôi dòng suy tư về cộng đoàn Camêlô trong những ngày dài sống chung với dịch bệnh, giúp bản thân tôi ý thức hơn về những giá trị thiêng liêng, thôi thúc tôi hành động cho những giá trị cao vời hơn và đặt tôi đi vào những suy tư về ý nghĩa của cuộc đời, để giúp tôi biết sống chậm lại trong mối tương quan liên vị với tha nhân và với Chúa. Thế đó, thời Covid mời gọi từng thành viên của đại gia đình Camêlô “
xuất phát lại” từ con số không của phận người, để Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới nơi chính cuộc đời mỗi người chúng tôi.
Nguyện xin Chúa nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria núi Camêlô là quan thầy của đại gia đình Camêlô, luôn gìn giữ và ban bình an cho chúng con, cũng như cho cả nhân loại này sớm thoát khỏi cơn cuồng phong dịch bệnh để mọi người được trở lại cuộc sống bình thường.