Nói đến văn hóa là nói đến những phong tục tập quán của các quốc gia trên thế giới ở từng giai đoạn và từng thời kỳ phát triển. Mỗi giai đoạn lại có một nét đẹp về văn hóa cũng như về con người khác nhau, với nhiều khái niệm khác nhau và cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng: sẽ có những nét văn hóa đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhưng cũng sẽ có những nét văn hóa dần trở nên lỗi thời cần được cải thiện hoặc không còn phù hợp. Trong thời đại chúng ta đang sống - thời đại công nghệ số hiện nay, nhất là qua các phương tiện truyền thông, có lẽ mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến lối sống của con người thời đại. Đặc biệt, nó cũng tạo nên một nét đặc trưng rất riêng của thời hiện đại và rất khác với truyền thống, mà ở đây người viết tạm gọi là: “
Văn hóa cúi thời công nghệ”.
Qua dòng thời gian, sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem đến cho xã hội loài người những thay đổi vượt bậc, đặc biệt, trong thời đại được gọi là “
Thế giới phẳng”. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của khoa học công nghệ trên đời sống của con người. Chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay một cú click chuột người dùng có thể khám phá thế giới với một khối lượng thông tin khổng lồ được cập nhật liên tục có nhiều tiện ích về kiến thức, giáo dục, văn hóa, xã hội, tôn giáo và giải trí… Có thể nói công nghệ số đóng góp một vai trò rất lớn đối với sự phát triển của đời sống con người trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo. Nhờ có sự phát triển của công nghệ mà con người ngày càng tiến bộ, trình độ văn hóa được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận mặt trái của nó khi chúng ta quá lệ thuộc hoặc quá lạm dụng các phương tiện công nghệ trong các lĩnh vực đời sống. Thật vậy, trước đây khi nền khoa học công nghệ chưa phát triển thì con người truyền thông với nhau cách trực tiếp và thực tế bằng những cuộc gặp gỡ thân tình với những cái nhìn trìu mến, những nụ hôn nồng thắm, những cái bắt tay thân thiện, những câu chào hỏi gần gũi. Ngày nay, mọi tương quan dường như đã được thay thế bằng những chiếc điện thoại thông minh, Iphone, Ipad, Smartphone, Laptop… chúng như là những người bạn không thể thiếu đối với người thời nay. Người ta có thể nói những câu chuyện dài hàng vài giờ đồng hồ qua điện thoại, qua màn hình máy tính; nhưng họ lại không thể nói một lời với người bên cạnh mình. Khi chia sẻ về những thách đố của công nghệ với các mối tương quan, có người đã phải thú nhận rằng:
“Suy xét lại bản thân tôi thấy mình dường như quên lãng phút giây trò chuyện cùng bố mẹ, quên đi lời cười đùa cùng bạn bè. Tôi chỉ biết nhìn vào màn hình và chúi đầu vào những trò chơi điện tử phức tạp mà quay lưng lại với ấm áp thường ngày…”. Quả không sai, những hình ảnh quá quen thuộc mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đó là: “
cúi- lướt điện thoại” ở mọi lứa tuổi, mọi nơi và mọi lúc; trên giường ngủ cũng “
cúi-lướt”, đi bộ trên đường cũng “
cúi-lướt”, ngồi chờ xe cũng “
cúi-lướt”, khi dùng bữa vẫn là “
cúi-lướt”. Thậm trí ngay cả khi gia đình vợ chồng, con cái xum vầy bên nhau cũng mỗi người một chiếc điện thoại không ai nói chuyện với ai.
Thực trạng này không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội, mà nó còn ảnh hưởng đến một phần không nhỏ trong giới tu sĩ hiện nay. Đặc biệt là các tu sĩ trẻ khi họ cũng cần sử dụng công nghệ, và các phương tiện truyền thông trong việc học tập, giảng dạy, quản trị và điều hành, tổ chức các hoạt động bác ái xã hội… vì nhờ sự phát triển của công nghệ với các loại hình truyền thông mới mà sứ điệp tôn giáo có thể đi đến
tận cùng trái đất và
mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của nó có thể làm cho người tu sĩ cũng dễ rơi vào vòng xoáy hưởng thụ. Người tu sĩ mải mê với phương tiện vật chất mà không còn thiết tha với việc cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Người xung quanh họ trở thành kẻ vô danh dù sống trong cùng một cộng đoàn, làm chung một công việc. Thế giới giờ đây được thu nhỏ thành một màn hình máy tính, một màn hình điện thoại thông minh. Cũng vì thế mà nhiều người tu sĩ dễ rơi vào tình trạng bọc lại nội tâm mình trong một cõi riêng, với những dự án riêng bất khả xâm phạm với thái độ bỏ mặc người khác. Và như thế, dần dần đẩy người tu sĩ ngã vào cái gọi là
“văn hóa cúi”. Như vậy, một lần nữa phải khẳng định rằng: công nghệ số không ngừng phát triển sẽ đưa con người đến một tầm cao mới và mỗi ngày một vươn xa hơn trên đài tri thức, và công nghệ cũng có thể giúp con người
“biến những điều không thể thành có thể”, nhưng nó cũng không tránh khỏi những tai hại, những bất cập khi chúng ta sử dụng nó sai mục đích. Bởi thế, cũng có ý kiến cho rằng
“Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”, một số khác đã phải thừa nhận: “
công nghệ là điều tuyệt vời nhất cũng là điều đáng sợ nhất”, vì nó có thể biến chúng ta thành những con người vô tâm, vô cảm.
Bạn thân mến! Tôi và bạn, chúng ta đang sống với công nghệ và cùng đi lên với công nghệ. Thật cần thiết để chúng ta nhìn lại cách chúng ta sử dụng chúng trong cuộc sống và những mối tương quan của mình. Chúng ta là những con người được Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên, chúng ta có trái tim để biết yêu thương, có đôi mắt để biết nhìn về phía trước và nhìn về người khác, có đôi tai để lắng nghe và có đôi tay để biết giúp đỡ. Chúng ta là những con người được Đấng Tạo Hóa ban cho trí thông minh để sáng tạo ra công nghệ nhằm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống và thăng tiến đời sống chúng ta. Vậy chúng ta phải là những ông chủ, bà chủ của công nghệ chứ đừng để mình lệ thuộc vào nó đến mức không còn biết đến những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Tôi và bạn, chúng ta hãy tiếp tục sáng tạo, tiếp tục phát triển khả năng của mình để xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn trong tư thế
“đứng thẳng và biết nhìn lên”. Chỉ có như thế, sự phát triển của công nghệ mới là sợi dây nối kết con người lại với nhau trong tình thân và tình yêu. Đồng thời, đưa con người tìm đến với Đấng Tạo Hóa chính là Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự thiện hảo.