Sau khi kết thúc ngày Chầu Thánh Thể 24 giờ trong tuần cửu nhật Lâm Bích để
“nhờ lời chuyển cầu của Đức Cha Lambert, xin Chúa thương cho cơn đại dịch mau chấm dứt, xin Chúa nâng đỡ ủi an những anh chị em đang bị nhiễm bệnh và những người thân được vững lòng tin tưởng, cậy trông vào lòng Chúa xót thương”, tôi rời nhà nguyện và hòa mình cùng với tiếng kêu của các loại côn trùng dệt thành một giai điệu du dương. Bầu trời đêm nay thật đẹp, ánh trăng sáng lung linh, huyền ảo làm cho tôi nhớ lại những kỉ niệm của tuổi thơ. Bầu khí tĩnh lặng của buổi tối nơi tu viện làm tâm hồn tôi lắng dịu và bình an. Bất chợt tiếng loa truyền thanh vang lên khiến tôi quay trở về với hiện tại, một thực tại đau xót và phũ phàng, bởi cả thế giới và đặc biệt người dân Việt Nam đang cùng nhau trải qua những ngày kinh hoàng vì đại dịch. Con số người nhiễm mới mỗi ngày một tăng lên, số người tử vong vì dịch bệnh cũng vì thế mà tăng lên mỗi ngày. Tôi vừa cùng với các chị em trong cộng đoàn Nhà mẹ dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt. Cuộc sống bình an nơi tu viện lúc này lại càng làm cho tôi thấy thương cảm và xót xa cho bao nhiêu cảnh đời ngoài kia đang gồng mình chống chọi với cơn đại dịch. Điều này đã giúp tôi cảm nghiệm thấy tình thương bao la của Chúa dành cho tôi. Tuy nhiên, màn đêm tĩnh mịch ấy cũng làm dấy lên trong trái tim nhỏ bé của tôi một nỗi đau đớn xót xa cùng chung với nỗi đau của cả nhân loại trước đại dịch Corona. Trong giây phút đó tôi đã thốt lên với Chúa:
Lạy Chúa! tại sao Chúa im lặng? Trong suốt các giờ cầu nguyện, tôi cứ miên man trong dòng suy nghĩ: Đại dịch Covid-19 chẳng phải do Thiên Chúa hay thiên nhiên tạo ra nhưng do sự độc ác của con người. Như thế, đại dịch là hậu quả của những con người, những cường quốc muốn làm chủ vận mệnh, tương lai, cuộc sống của xã hội và thế giới. Tuy nhiên, trong cầu nguyện và với lăng kính của con mắt đức tin tôi tin rằng Thiên Chúa không im lặng nhưng luôn ở bên cạnh và đồng hành với nhân loại. Vì Ngài có thể vẽ đường thẳng trên những đường cong. Vì thế, Ngài sẽ biến đường cong là sự độc ác của nhân loại thành đường thẳng là niềm vui ơn cứu độ cho những ai tin tưởng vào Ngài. Cảm nghiệm này làm xua tan trong tôi cái ý nghĩ tại sao Chúa cứ im lặng, trái lại, thúc giục tôi đi vào cõi thâm sâu của lòng mình để nhận ra đâu là điều Chúa muốn thức tỉnh nơi tôi qua biến cố đau thương này.
Thiên Chúa tạo dựng nên con người, Ngài ban cho con người sự tự do và trí thông minh, có khả năng sáng tạo, để điểm tô thêm vẻ đẹp cho thế giới và phục vụ lợi ích của con người. Tuy nhiên, sự thông minh ấy nếu không phát xuất từ tình yêu và được thực hiện bởi tình yêu thì sẽ mang đến sự hủy diệt. Thực tế đã cho thấy rằng: Con người đã sử dụng tự do và những điều kiện Thiên Chúa ban tặng để phá hủy thế giới vũ trụ mà chính Người đã tạo dựng.
Suy tư về cơn đại dịch và cuộc sống của con người ngày hôm nay, cũng làm cho tôi liên tưởng đến hình ảnh con thuyền của các môn đệ xưa. Họ cùng xuống thuyền với Chúa nhưng họ lại hoang mang lo sợ khi phải đối diện với sóng gió, bão tố của biển khơi. Hình ảnh đó đã làm tôi suy nghĩ đến hình ảnh những con người đang sống trong thời đại dịch này. Họ đang sống trong nỗi lo sợ, giống như các môn đệ trong con thuyền vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ. Việc Ngài
‘vắng mặt’ rõ ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống và đối diện, tạo cho họ thêm sự e dè sợ sệt.
Vậy Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập? Tôi thắc mắc tại sao sóng gió như vậy mà Chúa không hay biết, ngược lại Ngài lại vẫn ngủ được? Có phải Người vô tâm khi thấy các môn đệ đang vất vả chèo chống trước sóng gió? Nhưng với đức tin và trong cầu nguyện, tôi thấy sự im lặng của Chúa nhằm giúp chúng ta tin tưởng rằng: Trong mọi nơi mọi lúc
“Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị sóng gió dập dồn” (theo Tertullianô), nhưng không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó, Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ. Đồng thời sự im lặng của Chúa cũng cho tôi nhận ra một điều rằng: Dù có Đức Giêsu ở trong thuyền với các môn đệ, thì cũng không vì thế mà bão tố sẽ không xảy đến, qua đó giúp tôi thêm xác tín: dù bão tố có chụp xuống chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.
Đứng trước cơn đại dịch, con người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chông chênh giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm? Chỉ còn có Thiên Chúa. Ngài như người Cha chèo lái con tàu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của Người Cha trên trời. Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Lúc đó, những cô đơn như bị xoá nhoà, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được sức mạnh. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc sóng gió, vì
“sống là động nhưng lòng luôn bất động” Khi gặp sóng to gió dữ trên biển hồ, các môn đệ đã cầu cứu Chúa Giêsu và đã được Ngài nhận lời, truyền cho sóng yên biển lặng. Tuy nhiên, có một điều không thế thiếu để giúp nhân loại vượt qua thời điểm khó khăn và đẩy lui dịch bệnh là: Chúng ta cũng cần cộng tác với nhau, cùng chia sẻ để đưa nhân loại vượt qua khó khăn, đây có lẽ cũng chính là điều mà Chúa mong đợi nơi chúng ta. Đừng thất vọng và buông xuôi, nhưng hãy cùng nhau cầu xin và tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều không thể với con người thành có thể với Ngài, Ngài sẽ biến điều dữ thành điều lành.
“Đức Giêsu là con đường: Hãy để Người lên ‘thuyền’ của chúng ta và cùng ra khơi với Người! Người là Chúa! Người thay đổi cái nhìn cuộc sống của chúng ta. Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn đến một niềm hy vọng vượt xa hơn, một bảo đảm chắc chắn không chỉ dựa trên các phẩm chất và tài năng của chúng ta, mà dựa trên Lời Chúa, trên lời Người mời gọi. Đừng quá tính toán theo kiểu phàm nhân và đừng lo lắng xem xét thực tế quanh các con có an toàn hay không. Hãy ra khơi, hãy ra khỏi chính mình”. (Chúa Kitô đang sống. S.141). Chúa vẫn có đó, Ngài vẫn luôn đi bên tôi, đi bên bạn, Người không hề chết như Nietzsche đã nói, nhưng Ngài vẫn có đó và không bỏ ta một mình. Điều quan trọng là tôi, bạn, chúng ta hãy để cho Chúa cùng đồng hành với chúng ta trong hành trình cuộc sống và hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài qua các biến cố trong cuộc sống hàng ngày. Là một tu sĩ, tôi được mời gọi cùng trăn trở với thế giới khi mọi khía cạnh của đời sống bị đảo lộn. Và hãy để cho những đau thương này luôn vang vọng trong kinh nguyện và trong những hy sinh hằng ngày của tôi. Để qua đó nài xin ơn Chúa xuống trên bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội.
Lạy Chúa! Nhờ lời chuyển cầu của Đức cha Lambert - Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, xin Chúa cho cơn đại dịch mau chấm dứt, ban ơn trợ lực cho những người ở tuyến đầu chống dịch, nâng đỡ ủi an những ai đang bị nhiễm bệnh, gìn giữ bình an cho mỗi người chúng con cũng như toàn thế giới. Amen.