Cuộc sống luôn là một chọn lựa. Có người chọn đời sống hôn nhân, người khác chọn độc thân giữa đời, có người chọn đời sống thánh hiến. Còn tôi chọn một con đường mang tên Giêsu.
Sống đời dâng hiến phải chăng là
“lội ngược dòng” là đi vào
“con đường hẹp”, con đường mà chẳng mấy ai đi. Nhưng dù sống trong ơn gọi nào thì chúng ta cũng đều được mời gọi sống triển nở, làm vinh danh Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình. Là nữ tu, tôi khoác lên mình bộ tu phục khác hẳn với người đời, không phải lập dị nhưng là dấu hiệu của một ơn gọi đặc biệt. Ơn gọi này làm cho tôi được thông dự vào Linh đạo và Đặc sủng của Dòng. Mang bản chất tông đồ thừa sai để sống và loan báo phúc âm cho các dân tộc, đồng thời họa lại chân dung người tông đồ theo đúng ơn gọi và chân tính như Đức cha Lambert đã quan niệm: “
Người tông đồ phải là cánh tay hữu hình và là trung gian của Chúa Kitô” để thoa dịu nỗi đau của tha nhân, trao ban tình yêu thương và phúc lành của Thiên Chúa”. Để tiếp nối sứ mạng Cứu Thế của Chúa Kitô, tôi cũng luôn khao khát được
“ra đi” thi hành sứ mạng, sống Linh đạo và Đặc sủng của Dòng trong tình yêu mến.
Bước đi trên con đường đầy hiểm trở, vắt ngang giữa núi đồi bạt ngàn núi đá, những mỏm đá nhấp nhô giống như những ngọn Kim Tự Tháp, bên dưới là vực thẳm, những con suối róc rách chảy nối tiếp nhau. Tôi đến đây vào thời tiết giao thoa giữa Đông-Xuân, những rừng hoa Đào, Mơ, Mận… đang thi nhau khoe sắc như báo hiệu mùa Xuân đang đến. Những dãy núi trùng trùng, điệp điệp được lấp phủ bởi những làn mây trắng xóa mờ mờ, ảo ảo.
Bên kia, ngôi nhà nguyện nhỏ làm bằng gỗ, mái ngói Fibro xi măng nằm ngay giữa ngọn đồi của dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía trước là cánh đồng lúa ruộng bậc thang, lác đác vài ngôi nhà mái lá len lỏi ở giữa. Con người sống ở đây là những người H’mông, họ sống đơn sơ, chân thành, bình dị, mộc mạc, và luôn hòa mình vào thiên nhiên. Cuộc sống mưu sinh của họ là trên những mỏm đồi, vách đá, giữa cánh đồng, khó khăn, vất vả cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Dù cuộc sống thiếu thốn nhưng họ vẫn hồn nhiên vui tươi,
“vô lo, vô nghĩ”. Điều này có lẽ cũng thật đúng với Tin Mừng:
“ngày mai cứ để ngày mai lo”. Những ngày đầu tiên của tôi khởi đi từ việc học tiếng H’mông, tập ăn, tập thích nghi với cuộc sống và con người nơi đây. Dần dần tôi cũng bập bẹ được vài tiếng H’mông quen thuộc, ăn được những món ăn của họ. Nếu muốn mua thứ gì cũng phải đi bộ mất cả một ngày đường, phương tiện đi lại không có gì khác ngoài chính đôi chân của mình. Cho dù khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên một niềm vui vì
SỨ VỤ. Khi đã bắt đầu hòa nhịp với cuộc sống tôi bắt đầu dạy chữ, dạy giáo lý cho lũ trẻ, quy tụ họ tập trung nơi nhà nguyện cùng nhau đọc kinh, chia sẻ Lời Chúa vào các buổi tối. Cũng từ đó, đức tin của họ dần được lớn lên, vì trước tôi cũng đã có các linh mục, nữ tu đến phục vụ nơi đây.
Vào mùa Đông, thời tiết lạnh căm căm, có những năm họ phải đón nhận những
“cơn mưa tuyết” lạnh cắt da cắt thịt, thêm vào đó là những thiệt hại về người cũng như tài sản. Mùa hè không khí trong lành, mát mẻ thoang thoảng mùi hương thơm ngát của lúa xen lẫn mùi thơm dịu dàng của những bông hoa rừng. Nhưng vào buổi chiều xế bóng, trời lại đổ những cơn mưa rào, kéo dài cả gần tuần lễ, tôi lại thổn thức, lo âu nghĩ về ngày mai. Những ngôi nhà làm bằng gỗ, mái lá tranh nay không còn nữa, mà chỉ còn những đống gỗ vụn, đổ nát. Cuộc sống của họ là như vậy đó, bấp bênh nhưng họ vẫn vui vẻ đón nhận số phận.