Thứ năm, 19/09/2024

Đường Thập Giá –  Con Đường Tình Yêu

Cập nhật lúc 21:47 12/09/2021

                                           

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II đã khẳng định trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến rằng: “Thánh Giá là sự sung mãn tình yêu tuôn trào trên thế giới”. Quả vậy, suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, con người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa cao sâu của mầu nhiệm thập giá. Bởi lẽ quan niệm về một Thiên Chúa như là những thần minh oai hùng và đáng khiếp sợ vẫn còn ăn sâu trong tâm trí của con người, khiến con người khó có thể xóa được những quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa. Vì thế, con người vẫn chưa hiểu được cách thế mà Thiên Chúa yêu thương cũng như cách thế biểu lộ tình yêu của Ngài qua những đau khổ. Đó sẽ mãi là một mầu nhiệm của tình yêu thập giá trải qua các thời đại. Thật vậy, tình yêu cao quí nào cũng đòi có sự hy sinh và rướm máu. Chính giá máu đó là biểu tượng của một tình yêu trung thành và chân thật. Vì thế, Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên thập giá. Đồng thời, Ngài cũng muốn con người dùng chính con đường đó để đáp lại tình yêu của Ngài cũng như để biểu lộ tình yêu của con người cho nhau. Vì chỉ trong đau khổ, con người mới có thể hiểu được thế nào là một tình yêu chân thực và cao cả. Cũng chỉ trong đau khổ con người mới nhận ra được đâu là thân phận thực sự giới hạn của con người và thấy mình cần đến tình yêu Thiên Chúa.
Quả thực, trong cuộc sống hàng ngày, khi nói đến hai từ Thập giá con người thường né tránh và ngại ngần. Bởi họ cho rằng Thánh giá chỉ là đau khổ, chết chóc, là hình phạt… Nhưng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16): Vì yêu thương con người, muốn cứu độ con người và cho con người được sống mãi trong tình yêu của Ba Ngôi nên Chúa Cha đã sai Con Một duy nhất của mình đến trần gian để sống cùng, sống với và sống cho con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một...” (Ga 3,16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, và đỉnh cao của tình yêu đó là cái chết trên Thánh Giá. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao trọn vẹn: Thiên Chúa không phải chỉ trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu. Ðiều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha chính là Ðức Giêsu Kitô, người Con Một của Ngài. Khi trao Ðức Giêsu Kitô cho chúng ta, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận Con Một của Ngài phải chết treo trên thập giá để cho chúng ta được sống. Như vậy, tình yêu chân thực là sự cho đi đến tận cùng, không hề biết giữ lại cho mình, là chia sẻ, là quên mình và mong muốn người mình yêu được hạnh phúc: “…để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Và cái chết trên Thập Giá là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.  Bởi “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1,24-25). Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ, là con đường mà tình yêu Thiên Chúa đi đến với nhân loại. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã minh chứng rằng: Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Cái chết ấy còn chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho ta là thứ tình ở dạng thức cao nhất, tròn đầy nhất: Yêu đến tận cùng, yêu đến hy sinh mạng sống. Yêu chấp nhận hiến tế. Yêu chấp nhận hy sinh chỉ vì ích lợi của kẻ khác. Thánh Giá đã không hề vắng bóng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, ngay từ biến cố truyền tin đến cái chết trên Thập giá. Đó cũng chính là con đường tình yêu mà Thiên Chúa đến với nhân loại. Ngay cả sau khi đã Phục sinh, những thương tích khổ nạn, dấu vết đớn đau của Thánh Giá vẫn không bị xóa nhòa, hay nói cách khác: “Chúa Giêsu đã tự nguyện nhận khổ vì yêu”. Tình yêu đó băng qua lịch sử, xuyên qua thời gian, và nó còn tiếp tục trải dài và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.
Không phải chỉ trong đời sống đức tin mới có thập giá, nhưng ngay trong những sinh hoạt thường ngày của cuộc sống, đau khổ và khó khăn vẫn luôn có đó và mang lại những giá trị cho con người. Hơn nữa, đau khổ và khó khăn chính là quy luật tự nhiên và bình thường của cuộc sống. Đó có thể là nỗi đau của người phụ nữ khi mang thai và sinh con, hay nỗi vất vả của những sĩ tử miệt mài với đèn sách để chuẩn bị cho kì thi… đó là nhưng đau khổ mà con người ta phải hy sinh và chiến đấu, nhưng họ lại mong muốn được đón nhận những đau khổ đó, bởi vì phía sau những đau khổ đó là niềm vui và hạnh phúc. Như vậy có thể thấy, không có một niềm vui hay thành công nào trong cuộc đời của con người không phải trả giá bằng những hy sinh, chiến đấu, đau khổ, đôi khi họ còn phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.
Trong xã hội hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú như che mờ bóng Thánh Giá. Con người lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Con người sống trong xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Bởi từ Thánh Giá Chúa Kitô, tuôn trào tình thương, nguồn sống chan chứa cho con người. Do đó, suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.  Đó cũng là cơ hội giúp ta ý thức tình yêu, sự sống của Chúa Kitô trong cuộc đời ta. Nhờ ý thức như vậy, ta không dám buông mình theo những cám dỗ của thế gian, không dám đánh mất mình cho những “đam mê và hoài vọng” thế tục… để chỉ yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Sự yêu mến và tôn thờ ấy, dẫn ta đến việc tự nguyện đón nhận thánh giá của đời mình, hợp làm một cùng Thánh Giá Chúa, bước sát theo Chúa, sống như Chúa trong suốt hành trình dương thế. Thiên Chúa đã thánh hóa cây thâp tự: từ một phương tiện độc ác tàn nhẫn của con người thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ. Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải thoát con người khỏi phải chết đời đời. Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng vinh quang của Đức Kitô.
Người nữ tu Mến Thánh Giá là người môn đệ chọn theo sát Đức Kitô Chịu Đóng Đinh trên hành trình thập giá, có thể nói đó là chặng đường khó khăn nhất trong cuộc đời của Đức Kitô. Điều đó đòi hỏi mỗi người nữ tu phải trở nên giống Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, đón nhận những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống mỗi ngày với một thái độ tự nguyện và sẵn sàng, để cùng với Đức Kitô đi vào con đường của thập giá. Đó chính là đỉnh cao của tình yêu tự hiến cho nhân loại. Thật vậy, khi chịu đóng đinh trên thánh giá Chúa Giêsu biểu lộ và bày tỏ tình yêu cao nhất đối với Thiên Chúa Cha và đối với nhân loại. Người nữ tu Mến Thánh Giá cùng với Đức Kitô đi vào trong mầu nhiệm thánh giá của đời mình để vâng phục tuyệt đối với thánh ý Cha, sống vì yêu và chết vì yêu. Và chỉ khi cảm nghiệm được tình yêu sâu đậm của Đức Kitô và đáp trả lại với trọn tình yêu và con tim của mình thì đời tu của người nữ tu MTG mới có ý nghĩa. Danh hiệu MTG đi liền với người nữ tu không phải là phù hiệu nhưng là kim chỉ nam cho đời sống và mọi chọn lựa của người nữ tu MTG khi thi hành sứ mạng. Tinh thần dòng MTG mời gọi người tu sĩ đón nhận Thánh giá của bản thân và thánh giá của tha nhân không phải là để đề cao lối sống thụ động trong đau khổ để đè bẹp con người, nhưng là cách thế chúng ta thể hiện tình yêu: Vì yêu Đức Giêsu và yêu thánh giá của Người mà ta sẵn sàng đón nhận thánh giá và đi vào con đường ấy.
Như vậy, trong tình yêu và với tình yêu, mọi đau khổ đều có giá trị, đau khổ trở thành niềm vui, hạnh phúc khi ta kết hợp với đau khổ của Đức Kitô để đạt tới cứu cánh là ơn cứu độ và đem lại hạnh phúc đời đời. Nhân loại hôm nay vẫn đang trải qua những đau khổ lớn lao: Đói nghèo, dịch bệnh….và như vậy cơn hấp hối và sự đau khổ của Chúa Giêsu vẫn chưa chấm dứt. Như Pascal đã nói: “Chúa Kitô vẫn còn hấp hối cho đến tận thế, không thể để Ngài cô đơn được”. Vì ở đâu còn đau khổ, ở đó thập giá của Ngài còn sống động để thực hiện công trình cứu độ, và khi đó Chúa Giêsu vẫn cần đến sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Tôi và bạn, chúng ta cùng nhau tiếp nối để hoàn tất công trình cứu độ của Ngài trong chính từng ngày sống của mình qua việc sẵn sàng đón nhận những đau khổ, bệnh tật giới hạn của kiếp người trong tình yêu liên đới với mọi người và niềm hy vọng. Bởi lẽ, cuối cùng của đau khổ là vinh quang phục sinh, và Thánh giá trong cuộc đời mỗi người cũng chính là con đường để đi đến với Thiên Chúa tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con cảm nghiệm sâu sắc tình yêu của Chúa cho mỗi người chúng con qua con đường Thập giá, và xin cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi và tình yêu của Chúa bằng một tình yêu trọn vẹn qua việc chúng con đón nhận những khó khăn, đau khổ, bệnh tật, hay những hiểu lầm, trái ý trong cuộc sống hàng ngày của mình, nhờ đó chúng con sẽ bước theo Chúa trong ơn gọi MTG và cùng Chúa đi trọn con đường tình yêu, để đến với nhân loại hôm nay. Amen!                                                                                                                

  Hạt cát nhỏ
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log