Thứ năm, 19/09/2024

Nghèo Ơi

Cập nhật lúc 16:28 15/09/2021


Khoảng 12 giờ trưa, chị em chúng tôi ghé thăm một gia đình có ba mẹ con sinh sống trong mái nhà lá cọ. Căn nhà xiêu vẹo nằm chênh vênh trên một ngọn đồi. Phía dưới căn nhà là con suối đang chảy xiết làm trơ trọi những tảng đá to bị rêu phong bao phủ đang róc rách chảy như bản nhạc buồn hàng ngày được tấu nên giữa núi đồi.
Hai đứa trẻ sinh đôi khoảng 4 tuổi đang ngồi ăn chung một bát cơm trắng chan với nước đã được nấu sôi. Chúng hồn nhiên đút cho nhau ăn, thỉnh thoảng lại chọc ghẹo nhau. Khi chúng tôi đến, mẹ các cháu vội vàng thu dọn quần áo vứt ngổn ngang khắp nhà. Chị lau vội mấy chiếc ghế cũ ọp ẹp nhuốm màu đỏ của đất.
Qua tâm sự, chị khóc trong nước mắt khi kể về người ông nội của các cháu, thời chiến tranh ông đã đi bộ đội. Sau khi hòa bình lập lại, ông về quê hương với tuổi đã xế chiều với một chân gửi lại chiến trường và mang trong mình chất độc màu da cam. Ông gặp bà và lấy bà làm vợ trong sự mai mối. Bà là người chăm chỉ, thật thà, chân chất nhưng hơi kém sắc nên bà vẫn đơn chiếc ở độ tuổi U40. Ngày đầu gặp ông, bà đã thấy chút thương hại xen lẫn niềm vui. Qua vài lần tiếp xúc với ông, bà cảm nhận ông là một con người vui vẻ, lạc quan và chất phác. Khi nhìn thấy ông đi lại khó khăn vì còn một chân, vốn thương người, bà đã mong muốn làm đôi chân để đỡ nâng ông nốt quãng đời còn lại.
Thế rồi, ngày cưới và rước dâu diễn ra đơn giản, chỉ có miếng trầu xanh và chút kẹo bánh, cùng với sự chứng kiến của hai bên gia đình và những người hàng xóm. Họ mừng cho ông bà vì đã tìm được nửa kia của cuộc đời mặc dù duyên đến hơi muộn nhưng vẫn nồng nàn của sự cảm thông và nâng đỡ. Ông bà về chung sống với nhau, chịu thương chịu khó và gây dựng cho mình một mái nhà.
Ngày đón đứa con trai đầu lòng, ông đi đi lại lại lo lắng không biết đứa con có mang di chứng của chiến tranh không? May mắn thay đứa trẻ ra đời lành lặn. Điều này khiến ông hạnh phúc mãn nguyện vì lần đầu được làm cha và bà sinh nở được mẹ tròn con vuông. Ông bà mừng rỡ vì đã có được một mụn con. Sau đó, ông bà sinh thêm hai mặt con nữa. Lần sinh cuối cùng, sức khỏe của bà giảm sút nghiêm trọng, bà xanh xao, vàng vọt nên số lần bà chạy chợ và làm nương rẫy ít đi. Thêm vào đó, sức khỏe của ông càng có tuổi thì căn bệnh thời chiến tranh càng tàn phá dữ dội hơn. Việc đi lại của ông khó khăn nên việc chăn nuôi đàn gà, con trâu không được tốt nên phải bán đi. Thu nhập gia đình bị thâm hụt vì ngoài tiền gạo, tiền thức ăn, tiền học hành, giờ đến tiền thuốc cho ông, cho bà, cho con mỗi ngày một tốn kém. Sức khỏe ông yếu dần và phải nằm liệt. Một mình bà cố gượng dậy nuôi các con và chăm sóc cho ông. Đến giờ đến buổi, ông cũng ra đi để lại cho bà sự trống vắng cùng ba đứa con côi cút. Dù có đau buồn nhưng bà vẫn lấy hết can đảm nuôi nấng ba con trưởng thành. Chẳng bao lâu, bà cũng qua đời.
Và nơi chúng tôi đến thăm là gia đình người con cả của ông bà. Cô con dâu kể: Vì nghèo nên ông bà cũng không để lại gì nhiều cho các con ngoài mảnh đất đồi được chia làm ba phần, mỗi con một phần.
- Chồng chị không có nhà sao?- chúng tôi hỏi:
- Chồng em đi làm xa ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Anh ấy đi làm thợ xây cho người ta nên cũng không được bao nhiêu? Trừ tiền ăn, tiền ở, anh ấy mang về cho mẹ con em chút tiền chỉ đủ trang trải mua gạo ăn và chữa bệnh cho hai đứa bé. Một cháu bé chỉ có một bên tai là do ảnh hưởng chất độc da cam của đời ông để lại. Cháu bị điếc. Còn cháu kia lành lặn hơn nhưng trí chậm phát triển.
- Thế chị có đi làm gì thêm không?
- Ở đây đồi trơ núi trọc không có việc gì nhiều, mỗi ngày em đi làm rẫy cho người ta được 25.000 VNĐ mà vẫn phải đi vì ít ra là có tiền mua thêm gạo. Nghe vậy, chúng tôi nhìn nhau với một niềm xót xa.
Nếu ở thành phố 25.000 VNĐ chưa đủ một tô bún hay cốc trà sữa thì đây lại là thành quả lao động cả một ngày làm việc của chị. Nơi thành phố phồn hoa, người ta có thể chi cả bạc tỷ để cưới cho con của đại gia hay của những người nổi tiếng. Thậm chí, nhân viên còn phải mang quà đến chúc mừng sinh nhật “thú cưng” của giám đốc để mong muốn mình có công việc ổn định lâu dài. Người ta sẵn sàng mua một cái đầm hơn một tỷ, hay cái đồng hồ hàng hiệu vài trăm triệu để trưng diện. Người ta cũng có thể đổi hết đời xe hơi này đến đời xe hơi khác để cho thiên hạ thấy mình sành điệu và sang chảnh. Các cô chiêu cậu ấm có thể bao cả một quán Bar ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Vậy đó, người ăn không hết kẻ lần không ra. Vòng xoáy cuộc đời trôi dạt, có kẻ sinh ra trong nhung lụa nhưng cũng có người bán lưng cho đất bán mặt cho trời mà cũng chẳng giống ai. Có người đổ mồ hôi mới có bát ăn, có người chỉ ngồi mát ăn bát vàng. Có người hy sinh cả xương máu vì con cháu nghèo nàn bệnh tật, có người nhàn hạ thì sung sướng tiền dư bạc thừa.
Chúng tôi di chuyển đến các gia đình khó khăn khác mà tiếng lòng thổn thức vì chưa vơi nước mắt của gia đình này lại nghe trái tim quặn đau của gia đình khác. Thương thay cái nghèo, cái bệnh cứ đeo bám họ từ đời này qua đời khác, tai ương này chưa qua thì nạn khác lại đến. Chúng tôi chỉ biết cầu xin Chúa ban cho họ sự can đảm và lòng trông cậy vào tình thương của Chúa để có đủ sức vượt thắng nghịch cảnh. Xin cho mọi người trên thế giới biết chia sẻ miếng cơm manh áo, giọt nước mắt cảm thông, và tấm lòng bác ái đến những mảnh đời bất hạnh. “Nghèo ơi! Vì sự hiện diện của ngươi nên Ta vẫn phải gọi tên Mi”.

 
Merhh
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log