“…Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.” (Tv 139,1-5)
Thiên Chúa vẫn luôn bên cạnh chúng ta và nâng đỡ ta, Ngài vẫn luôn chờ đợi ta trở về với Ngài nhưng liệu chúng ta có nhận ra, có chịu quay về với Ngài hay không? Chúng ta có để cho vòng tay yêu thương của Chúa ôm lấy chúng ta hay không? Chúng ta có để cho Chúa mang lấy đau khổ của ta hay không? Hay là chúng ta chỉ biết than trách Ngài và bắt Ngài thực hiện điều ta muốn, bắt Ngài ban ngay cho ta điều ta xin và khi không được như ý ta lại quay lưng với Ngài, hoặc đi tìm một thần tượng khác, một thế lực sự dữ nào đó ngoài Chúa như bói toán, tướng số…
Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta: vì yêu nhân loại mà Cha đã hy sinh người con yêu dấu của mình là Đức Kitô để cứu độ chúng ta “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì những đứa con nghịch tử là chúng ta mà Thiên Chúa đã không nỡ để cho chúng ta phải hư đi nhưng đã hy sinh Người Con yếu dấu của mình để cho chúng ta được cứu, được ban lại cho thiên chức làm con Chúa. Như vậy thì thử hỏi Chúa còn tiếc điều gì mà không ban cho chúng ta? Khi bạn đau, khi tôi đau thì Thiên Chúa cũng đau nỗi đau của ta. Có thể bạn sẽ nói rằng: nếu vậy thì tại sao Ngài không cất nỗi đau ấy đi cho con người đỡ khổ? Trong cuộc sống chúng ta cũng đã từng ít nhất là một lần có kinh nghiệm: một lần đau là một lần được lớn lên và trưởng thành hơn, rút ra được kinh nghiệm cho cuộc sống. Cũng như em bé tập đi: nó đi rồi nó lại té nhưng nó tiếp tục đứng lên và đi tiếp và nhờ đó mà đôi chân của em mới vững chắc, em bé mới có thể bước đi nhanh và chạy nhảy…khi con đã lớn và có những lần gặp đau khổ trong cuộc sống, khi con bị té nếu để nó tự đứng lên thì đứa bé sẽ tự lập và trưởng thành hơn là hễ cứ té là cha mẹ lại đến và nâng dậy. Có phải cha mẹ không biết và không quan tâm? Trái lại cha mẹ càng quan tâm hơn và dõi theo từng bước đi của con và sẽ giúp đỡ chúng khi cần thiết và kịp thời nữa. Cũng vậy, qua những đau khổ Thiên Chúa muốn giúp cho chúng ta vững vàng trong đức tin. Đức tin có trải qua đau khổ thì mới đứng vững trước những nghịch cảnh của cuộc đời. Như khi xưa Chúa dẫn đưa dân Israel vượt qua sa mạc mà vào đất hứa: Chúa luôn luôn đồng hành và yêu thương họ. Ngài luôn trung tín với lời hứa của mình, còn dân thì sao?-khi thoát cảnh nô lệ Ai-cập thì ca tụng Chúa còn khi đói khát thì suốt ngày than trách Chúa, trách những người lãnh đạo thế nhưng, Chúa vẫn không bỏ mặc họ mà còn ban cho họ những thứ họ cần và vẫn một lòng yêu thương hết mực.
Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bênh cạnh chúng ta, cho dù Ngài không hiện diện một cách hữu hình để mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Ngài bằng con mắt đức tin. Nên ai có đức tin càng mạnh thì càng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa một cách sống động. Ngài không ở trên trời cao để nhìn xuống nhưng ở ngay bên cạnh chúng ta, ngay trong tâm hồn chúng ta. Như Linh mục Thành Tâm và Đức Cha Vũ Duy Thống (Thông Vy Vu) đã diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa qua hai tác phẩm: “Dấu chân trên cát” và “Dấu chân”. Chúa vẫn song hành cùng ta: hai bàn chân vẫn luôn song hành với nhau và khi bước chân ta đã mệt mỏi rã rời ta nghĩ là Chúa đã bỏ mặc ta: vì lúc này ta chỉ thấy một dấu chân thôi. Nhưng, đó chính là lúc Chúa đã ẵm ta lên mà ta không hề hay biết và chỉ nghĩ là Chúa đã bỏ ta nên thất vọng, rồi bất trung với Ngài.
Ngày hôm nay, và cho đến mọi thời Thiên Chúa vẫn luôn hằng hữu và hằng ở bên cạnh mỗi người chúng ta. Không chỉ có thế mà Ngài còn có những bàn tay nối dài để trực tiếp giúp đỡ chúng ta. Trong những ngày này nơi các bệnh viện, những bàn tay của các y bác sĩ vẫn chăm sóc các bệnh nhân, các Linh mục, Tu sĩ thiện nguyện vẫn hằng ngày có mặt để chăm sóc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đó các bệnh nhân đã thấy gì?- Họ đã thấy được tình yêu nơi các Tu sĩ thiện nguyện, họ đã cảm nhận được một sự hy sinh phục vụ hết mình. Có người còn nhìn các Tu sĩ thiện nguyện như những Bồ tát hiện hình (người không theo đạo Công giáo), các bệnh nhân cảm thấy một sự yên tâm và được nâng đỡ rất nhiều khi có mặt của các Tu sĩ thiện nguyện. Vì sao mà các bệnh nhân có thể nhận thấy được điều đó? Vì các Tu sĩ đã đến với các bệnh nhân bằng tình yêu, các Tu sĩ đã trao cho các bệnh nhân bằng chính tình yêu mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đang hoạt động nơi các Tu sĩ ấy.
Chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành cùng với mỗi một người chúng ta bằng nhiều hình thức: qua người thân, tha nhân, bạn bè, nơi thiên nhiên vạn vật. Và Ngài luôn làm mọi điều tốt lành trên cuộc đời chúng ta chỉ có điều chúng ta có nhận ra và có đủ niềm tin vào Ngài hay không. Chúng ta có để cho Ngài song hành cùng ta và nâng đỡ gánh nặng cho ta hay không. “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Hãy vững niềm tin vì Chúa vẫn luôn luôn ở bênh cạnh chúng ta.
Hoa Dại
Nguồn: dongten.net