Sống giữa đại dịch Covid-19, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cách đặc biệt mỗi người chúng ta chẳng còn lạ xa với những từ như giãn cách, phong tỏa, cách li. Đây là những cách thức được dùng mong chế ngự sự lan truyền của dịch bệnh. Phong tỏa và cách li! Ai muốn không?
Với kinh nghiệm hai lần cách li 14 ngày của mình, nghe đến cách li trong tôi ùa về một cảm giác ngao ngán. 14 ngày sống trong một căn phòng mười mấy mét vuông không được bước qua cánh cửa tôi thấy bị giới hạn tư bề. Dẫu ngày cơm ba bữa không phải lo vì cơm nước được mang đến tận cửa phòng, nhưng tôi cảm nhận sự giới hạn của cảnh “chim lồng cá chậu”. Không gian tù túng chật hẹp đối lập với những trải nghiệm thoải mái tự do, nhất là khi nhớ lại cảm giác cỡi trên con xe chạy dọc những tuyến đường dài rộng lúc cần đi ra ngoài, hay chạy bộ trong những khuôn viên mỗi buổi chiều, và vui chơi trong những khu thể thao những giờ giải trí.
Dẫu vẫn có thể liên lạc truyện trò với bạn bè và người thân qua mạng internet, những hoạt động online ấy tuy hữu ích nhưng không khỏa lấp được thực tế giới hạn trong một căn phòng. Có lẽ, tự bản chất con người được sinh ra không phải là để ở cô độc trong một căn phòng, nhưng là để gặp gỡ và xây dựng những tương quan giữa người với người, nhóm với nhóm, cộng đồng với cộng đồng, xã hội với xã hội,…
Dẫu ý thức việc cách li là cần thiết cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng, ý thức cao đẹp này không triệt tiêu hoàn toàn thực tế giới hạn trong bốn bức tường. Và dẫu biết rằng việc cách li là có thời có hạn, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác ngao ngán. Cuối cùng, nếu chỉ dùng một câu để diễn tả nguyên do của ngao ngán, tôi tin rằng: ngao ngán là vì GIỚI HẠN. Giới hạn trong không-thời gian và về hoạt động tương quan. Hóa ra con người ta vốn dĩ
giới hạn lại ngao ngán
giới hạn. Một nghịch lý!
Nghịch lý này dẫn tôi đến một nghịch lý khác. Thiên Chúa, Đấng siêu vượt không-thời gian lại chọn đi vào giới hạn không-thời gian qua việc nhập thế và nhập thể. Nhập thế khi Thiên Chúa đi vào tương quan với vạn vật qua việc sáng tạo, rồi tỏ lộ cho con người vốn hữu hạn biết về Ngài, Đấng Vô Hạn. Nhập thể khi Chúa Giêsu được thụ thai, cưu mang và sinh hạ bởi Mẹ Maria, dưỡng nuôi trong gia đình thánh gia tại Nazareth, lớn lên trong văn hóa Do Thái, rao giảng ở vùng đất Palestine và chết tại Giê-ru-sa-lem. Đấng Toàn Năng, Toàn Tri và Toàn Yêu Thương lại chọn con đường Nhập Thể với Thương Khó và Phục Sinh ư! Tại sao?
Niềm tin dạy cho tôi rằng Thiên Chúa làm người để tỏ lộ cho con người biết đầy đủ hơn về Thiên Chúa và về Kế Hoạch Yêu Thương của Ngài với tiến trình Tạo dựng, Cứu chuộc và Thánh hóa. Thú thật, tôi không hiểu hết những khái niệm mang tính thần học ấy, cũng chẳng được gựi hứng hay đánh động nhiều khi đọc những khái niệm ấy. Thế nhưng, tôi không khỏi ngưỡng mộ khi bắt gặp hình ảnh một Thiên Chúa Yêu Thương đến mức chọn đi vào điều kiện và hoàn cảnh giới hạn của con người để chỉ dạy cho con người biết thế nào là làm con người và làm con Thiên Chúa. Chính thực tế ấy đánh động tôi, khai sáng cho tôi về Tình Yêu Thiên Chúa.
Tôi tin Thiên Chúa Toàn Năng, nhưng điều tôi ngưỡng mộ đó là Thiên Chúa Toàn Năng ấy không chỉ giữ quyền năng cho riêng Ngài. Ngài đã đùng quyền năng để sáng tạo thế giới vạn vật. Vị Thiên Chúa Toàn Năng ấy cũng không chỉ muốn ý Ngài được thể hiện mà Ngài ban cho con người có ý muốn, khả năng để biết và tự do để chọn lựa giữa điều xấu và tốt, giữa điều tốt và điều tốt hơn, hợp với Thánh Ý của Ngài.
Tôi tin Thiên Chúa Toàn Tri, nhưng điều tôi ngưỡng mộ đó là Thiên Chúa Toàn Tri ấy không tiền định mọi sự. Mọi sự vẫn diễn ra theo qui luật của nó trong sự tương tác với tự do chọn lựa của con người. Ở hiền thường sẽ gặp lành; ở ác sẽ gặp dữ. Nhưng có nhiều khi ‘thật thà thẳng thắn thường thua thiệt’ trong khi ‘lừa lọc lươn lẹo lại lên lương’. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu tôi là Chúa, tôi sẽ … (tôi tin bạn sẽ nghĩ như tôi). Thế nhưng Thiên Chúa Toàn Năng Toàn Tri vẫn kiên nhẫn tôn trọng sự tự do chọn lựa của mỗi người cho đến giờ cuối đời họ.
Tôi tin Thiên Chúa Toàn Yêu Thương, nhưng điều tôi ngưỡng mộ là Thiên Chúa ấy đã chọn con đường yêu thương trong khiêm hạ và vâng phục dù Ngài Toàn Năng và Toàn Tri. Thư Philipe 2:6-8 diễn tả:
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Trước mầu nhiệm Nhập Thể, tôi chỉ biết thốt lên cùng tâm tình của Thánh Vinh 8:4-5:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Nếu tôi không bị giới hạn liệu tôi có tự nguyện chọn bị giới hạn? Trải nghiệm giới hạn trong cách li giúp tôi chiêm ngắm Tình Yêu Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể: Vô hạn chọn giới hạn.
Vinh-sơn Phạm Văn Đoàn, SJ
Nguồn: dongten.net