“Đức Kitô rong chơi mười ngàn nơi,
Thật đáng yêu trên những cành cây nhỏ,
Yêu kiều trong những đôi mắt không phải của Ngài.”
Thomas Merton đã từng nói: “Cánh cổng thiên đàng ở mọi nơi.” Còn theo cái nhìn của thánh Inhã: “Ta có thể tìm kiếm Chúa trong mọi sự vì Ngài ở mọi nơi.”
Có phải thánh Inhã muốn nói rằng Thiên Chúa có thể được nhận thấy trong mọi sự? Quả đúng như vậy. Thánh nhân nói rằng ta có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự. Chẳng hạn trong việc trò chuyện với ai đó, trong lúc đi bộ, ngắm cảnh, ăn uống, lắng nghe, suy nghĩ, và trong mọi điều ta làm. Điều này thật đúng vì vẻ uy phong của Chúa hiện diện trong mọi điều này: cả trong quyền năng và bản thể Ngài.
Đó là một tuyên bố khá táo bạo và đôi chút khác thường. Ta nghĩ rằng Thiên Chúa lớn lao, nên ta tìm kiếm Ngài trong những điều lớn lao: những phép lạ vĩ đại, những khoảnh khắc đỉnh cao trong cuộc sống, những tầm nhìn và sự kiện lớn làm con tim ta rung động. Nhưng linh đạo Inhã cũng tìm kiếm những điều thánh thiêng trong cuộc sống thường ngày. Đó là cách Chúa Giêsu thực hiện công trình của Ngài, Ngài làm nên những kỳ công nhưng thường hiện diện cách âm thầm và bình dị; và Ngài thực thi lòng thương xót trong khi trò chuyện, trong những câu chuyện ngụ ngôn, trong việc hóa giải những khổ đau, và đem đến niềm vui.
Sự hiện diện của Thiên Chúa hòa quyện vào cuộc sống thường ngày cách sâu xa đến nỗi đôi khi ta khó lòng nhận ra được. Ta có thể nói rằng Thiên Chúa hầu như luôn giấu ẩn. Đức Thánh Cha Benedictô 16 đã nói về sự ẩn mặt vốn ghi dấu ấn trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu: Mọi người bị rối trí vì Ngài, các lãnh đạo tôn giáo hoàn toàn không hiểu Ngài; ngay cả những bạn hữu thân cận nhất của Ngài cũng không hiểu sứ điệp Ngài cách trọn vẹn. Các môn đệ đã phải dò biết Ngài là ai. Điều bản thân chúng ta nhận ra, rằng người rao giảng gây kinh ngạc ấy chính là Con Thiên Chúa.
Khi Thiên Chúa trở nên người phàm nơi Đức Giêsu, Ngài xuống thế trong mọi niềm vui và hy vọng, đớn đau và bất ổn của trần gian. Ngài hiện diện với ta trong công việc và các mối tương quan, khi ta đi bộ, ngắm cảnh, ăn uống, lắng nghe và suy nghĩ, như thánh Inhã đã nói: “Mọi sự đều ở trong Chúa, nhưng ta tìm thấy Chúa trong mọi sự.”
Việc tìm kiếm Chúa mời gọi ta mở rộng tầm nhìn của mình. Thánh Inhã tin rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục mặc khải chính Ngài. Điều ta cần làm là khiêm nhường, nhẫn nại và chú ý. Đây là việc tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự, không phải thêm Ngài vào chúng.
Ta có thể bắt đầu từ cuộc sống và tình yêu vì Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Yêu thương cũng là dấu chắc chắn có Thiên Chúa hiện diện. Trong thư thứ nhất, thánh Gioan tông đồ nói:
“Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4,12).
Ta nhận thấy sức sống và tình yêu nơi những người quanh ta bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Thánh vịnh nói rằng Thiên Chúa tạo dựng nên ta, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên. Ta có thể học lấy cách nhìn của mẹ Teresa, khi mẹ nhìn vào người nghèo và người hấp hối: “Tôi nhận thấy khuôn mặt của Đức Kitô nơi một trong những người cải trang của Ngài đang đau đớn.”
Ta có thể tìm thấy Chúa trong thiên nhiên: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”, nói như thánh vịnh 8 là “kẻ tìm thấy Chúa trong những súc vật ngoài đồng, chim trời, cá biển.”
Linh đạo Inhã đặc biệt nhấn mạnh việc tìm kiếm Chúa trong những quyết định. Ta có thể mong muốn Chúa hướng dẫn ta trong những chọn lựa của mình, bởi vì quyết định của chúng ta là cách chúng ta đáp trả lại lời mời gọi yêu thương và phục vụ của Chúa. Thực ra, linh đạo Inhã có thể được mô tả như một mầu nhiệm của phục vụ. Tìm kiếm Chúa không chỉ là việc của cá nhân từng người. Ta được mời gọi cùng nhau cộng tác với Đức Kitô để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Ta cũng tìm kiếm Chúa trong những điều khó khăn và khổ đau. Những điều ta không thể thay đổi, những điều tai hại do con người gây ra, những giới hạn và bất lực mà ta trải qua, và luyến tiếc của ta về quá khứ. Ta thậm chí có thể tìm Chúa trong đau khổ, là thứ có thể giúp mở rông lòng người và chuyển tải những điều tốt lành đến thế giới. Việc cứu độ thế giới đã được hoàn tất với một tội ác kinh hoàng: cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Tình yêu và sự thứ tha của Ngài khiến ngày Đức Kitô chịu chết trở thành Ngày Thứ Sáu Tốt Lành.
Tất cả những cách gặp gỡ Chúa ở trên đây giúp ta cải thiện và gia tăng tính nhạy bén để nhận ra Chúa. Đây là điều chúng ta có thể cải thiện bằng thực hành. Hai phương thức của thánh Inhã có thể giúp ta: cách thứ nhất là cần có cái nhìn phản tỉnh về những sự việc xảy ra trong ngày để nhận thấy Chúa trong chúng. Cách cầu nguyện này được gọi là xét mình, và nó cũng là tâm điểm của linh đạo Inhã mà loạt bài này hướng đến.
Sáng kiến còn lại của thánh Inhã là việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng bằng hình ảnh và giác quan trong cầu nguyện. Trong trí tưởng tượng, ta đặt mình vào bối cảnh Tin Mừng, ta tham gia cùng đám đông, theo Chúa Giêsu trên con đường nóng bức, bụi bặm, lắng nghe tiếng Ngài, chiêm ngưỡng hình dáng của Ngài, xem những người khác đáp lại Ngài thế nào. Mục đích là để biết Chúa Giêsu cách mật thiết để ta có thể bước vào mối tương quan cá vị với Ngài trong cuộc sống hằng ngày.
Tìm kiếm Chúa trong mọi sự dẫn tới một cuộc chuyện trò liên lỉ, điều đó có thể diễn ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày và trong bất cứ hoàn cảnh nào: Khi ta đang bị tắc đường, lúc ăn trưa, đến lớp học, lúc xếp hàng hay tham dự cuộc họp. Ta có thể tìm kiếm Chúa mọi lúc. Và nếu ta thao thức muốn tìm kiếm Chúa khi ta đang làm việc vất vả hay khi đang ở cùng với người khác, thì hãy cứ làm thế, vì Ngài đang ở đó.
Chuyển ngữ: Nam Văn
Hiệu đính: Minh Vương
Nguồn: https://www.ignatianspirituality.com/what-is-ignatian-spirituality/the-ignatian-way/finding-god-in-all-things/
dongten.net