Thứ năm, 19/09/2024

Kiếp Làm Hạt

Cập nhật lúc 16:10 07/12/2021


WMTGHH - Chỉ trong chốc lát, với vài nhát cuốc lật đi lật lại, trộn với phân bón đất đã được làm tơi xốp, hạt giống được gieo vào lòng đất. Từ đây, nó bắt đầu một “kiếp làm hạt”. Hạt giống kia không thể tự chọn cho mình một nơi để sinh ra, cũng không thể tự chọn cho mình một môi trường để tồn tại. Kiếp sống của nó cũng đầy bất trắc, mong manh, và dễ tan biến. Không có khả năng tự vệ, hạt giống bất lực trước những bấp bênh đang chờ đợi nó. Có thể nó sẽ lớn lên trong điều kiện thời tiết thuận hòa, nhưng cũng có thể sẽ bị chết khô ngay sau một thời gian nảy mầm, hoặc có thể bị sâu bọ đục khoét làm cho đau đớn đến chết. Nhưng rồi, hạt giống không hề vùng lên hoặc lăn mình ẩn nấp để chạy trốn số phận, nó im lặng đón nhận những gì người gieo hạt dành cho mình. Hạt giống một lòng phó mình cho Đấng Quan Phòng. Nghĩ đến hạt giống, tôi tự hỏi, hạt giống có tâm hồn giống con người không nhỉ?  Vì lẽ nào mà hạt giống đón nhận kiếp sống với thái độ như vậy. Phải chăng vì nó mang trong mình một tình yêu, một niềm hi vọng nó sẽ nảy mầm, sẽ lớn lên, sẽ sinh hoa kết trái và sẽ có sức mạnh để bảo vệ cây trái của mình. Và phải chăng hạnh phúc của nó chính là sự tràn trể nhựa sống của hậu thế, đó là những bông hoa thật thơm và những trái thật ngọt.
Nghĩ đến đây, tôi nhận thấy kiếp sống của hạt giống kia cũng hao hao giống kiếp con người. Biết bao người cũng đang âm thầm sống “kiếp làm hạt”, vùi mình trong những vất vả, cực nhọc để cho những người khác được an bình hạnh phúc. Biết bao người chấp nhận hy sinh để bạn và tôi được sống, được phát triển một cách thành toàn. Và tôi khẳng định được rằng trong số “biết bao người” đó có cha mẹ của chúng ta - những người trọn một đời đã sống kiếp làm hạt. Quả thật:
“Cha mẹ nhận một đời bão tố.
Để cho con mãi mãi bình yên”
                                                              (Sưu tầm)
Đó là một sự thật không thể chối cãi!
Thật vậy, không khoa trương, không cần đáp lại, ngày lại ngày, cha mẹ đã dệt đời mình bằng chữ “hi sinh”, chấp nhận đánh đổi tất cả chỉ để lo cho tương lai con cái được tốt đẹp hơn. Ngay từ khi con được hình thành trong bào thai, cha mẹ đã cùng nhau đổ hết “vốn đầu tư” cho công trình vĩ đại nhất của đời mình. Cha mẹ cho đi cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, sắc đẹp, những dự tính và cả những hoạch định cá nhân để đi vào quỹ đạo yêu thương con. Có con rồi, cha mẹ đã không còn sống cuộc sống của mình, cho mình và vì mình nữa, nhưng là cuộc sống của con, cho con và vì con. Con cái là “cái bẫy tình yêu” mà bố mẹ tự tạo nên rồi lại tự nguyện ngã vào. Cha mẹ quyết sống kiếp làm hạt, như rễ cây kia cặm cụi trong mọi điều kiện, không mỏi mệt đi sâu vào lòng đất để gom góp và tích lũy dinh dưỡng để cho “cây đời con” được đầy đủ dưỡng chất và lớn mạnh. Cha mẹ quyết làm “nhân viên không tên” phía sau hậu trường để con cái được tỏa sáng trên sân khấu cuộc đời. Quả thật, cha mẹ là một nhà đầu tư vĩ đại nhất của chúng ta.
Nhịp sống thường ngày vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, chúng ta vẫn gặp đâu đó, hình ảnh những người cha người mẹ đang gắng sức mình trên chiếc xe đạp, trên đó chất những thùng hàng thật nặng, đi hết con phố này đến con phố khác. Rồi không thiếu những khi trong khoảnh khắc, chúng ta bắt gặp hình ảnh những người cha người mẹ, với khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, rơi cay xè khóe mắt, đang lê lết bước đi trên con đường bê tông với đôi chân trần đã bỏng rộp lên vì cái nóng còn lưu lại. Cũng chẳng hiếm khi, chúng ta gặp thấy hình ảnh những người cha người mẹ với khuôn mặt nhem nhuốc, đen đủi vì bụi và gió đang ngồi bên gốc cây trên vỉa hè, để ăn những bữa ăn tạm chỉ có nắm xôi hoặc chiếc bánh mỳ khô. Và chẳng thiếu những hôm, ánh đèn nhà ai đó đã bật sáng, còn rất nhiều cha mẹ vẫn lang thang chưa được về nhà… Nhìn những hình ảnh như vậy, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Quả thật, cha mẹ đã sống kiếp làm hạt với một tình yêu phi thường. Ngày lại ngày, cha mẹ chỉ biết hy sinh thầm lặng, không một lời kêu ca oán trách thở than, đó là những gì nhỏ bé nhất và vô giá nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Với nguyên liệu chính là tình yêu, là thời gian, là thanh xuân, là sức khỏe, là trách nhiệm, là sự quan tâm, là sự đồng hành và là cả những đồng tiền lẻ nhàu nát chắt chiu hàng ngày…Tất cả đã làm nên một chân lý trong tình yêu.
Một bài thơ khuyết danh đã từng làm lay động lòng người khi chúng ta suy ngẫm về tình yêu của cha mẹ:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phú kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”

                                                                      (Khuyết danh)
 
Nhân loại đã dành một ngày chủ nhật trong tháng 5 và tháng 6 hàng năm để đặc biệt tôn vinh tình yêu của cha mẹ, đó là “ngày của mẹ” và “ngày của cha”. Tôi đã rất cảm động khi đọc một bài viết về 150 học sinh trường cấp ba Dongsan ở Daejeon – Hàn Quốc đã quỳ lạy đấng sinh thành, trước khi dùng khăn sạch nhẹ nhàng rửa chân cho cha mẹ mình. Khoảnh khắc đó thật đẹp, khi đôi bàn chân sần sùi, chai sạn của cha mẹ được nâng niu trên đôi bàn tay nhỏ bé của con. Đôi bàn chân đó của cha mẹ đã bị lõm, để con được bước đi trên những con đường bằng phẳng đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi sao sánh được với công ơn cha mẹ đã dành cho chúng ta, cha mẹ đã cúi xuống cuộc đời chúng ta biết bao lần. Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng: chúng ta luôn luôn nợ cha mẹ một lời cảm ơn và một lời xin lỗi.
Nhưng thực tế, rất nhiều cha mẹ phải đau lòng khi thấy những đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, nhọc nhằn nuôi dưỡng, lớn lên lại thành những đứa con hư hỏng. Thay vì thái độ biết ơn, trân trọng thì không ít người con đã và đang đáp lại hi sinh ấy bằng sự vô ơn, bạc bẽo; không ít người con tự cho mình cái quyền nhận sự hi sinh ấy như một lẽ đương nhiên. Và thay vì sống tử tế để đền ơn đáp nghĩa cha mẹ thì có một số người con lại chọn cho mình lối sống của một “nghịch tử”: hỗn láo, bất hiếu và bạo lực với cha mẹ.
Bạn mến thương! Để có thể trở thành một cây xanh và để sinh được những hoa trái thơm ngọt, hạt giống đã trải qua cả một thời gian dài, thầm lặng hy sinh vùi mình trong lòng đất cùng với những mùi hôi tanh của bùn đất, của phân bón, rồi có những khi phải kiên cường đối mặt với những khắc nghiệt của thời tiết để có thể tồn tại và trổ sinh hoa trái. Cha mẹ của chúng ta cũng thế. Cả một đời tần tảo, cả một đời hy sinh trong những thầm lặng, cả một đời dành hết tâm huyết để yêu con. Tất cả chúng ta có ai là không do cha mẹ sinh dưỡng, có ai có mặt trên cõi đời này mà không nhờ công ơn cha mẹ. Có lẽ ai ai trong mỗi người chúng ta cũng phải chân nhận rằng: “Đằng sau sự hào nhoáng của bản thân chúng ta là sự lam lũ nhọc nhằn của cha mẹ, đằng sau tất cả mọi thứ cha mẹ nuôi ta khôn lớn mỗi ngày là tình yêu vô bờ bến của cha mẹ kết tinh trong từng giọt mồ hôi nước mắt làm lũ mỗi ngày” (Sưu tầm). Bởi vậy, xin một lần nhắc nhớ tất cả những ai đang sống phận làm con: Những cơ hội tốt trong đời thì không có nhiều! Do đó, hãy yêu thương, hãy phụng dưỡng và báo hiếu cha mẹ ngay khi các ngài còn sống, đừng đợi đến khi ta chỉ còn chạm được vào khuôn mặt lạnh ngắt của cha mẹ trên tấm bia mộ, ta mới nhỏ một giọt lệ hối hận xót thương.
                                                                             
Maylangthang
Thông tin khác:
Chị Ấy (16/11/2021)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log