Thứ năm, 19/09/2024

Tây Bắc Đẹp Mà Thương Lắm, Người Ơi!

Cập nhật lúc 08:19 18/03/2022
WMTGHH - Nhắc đến Tây Bắc là nhắc đến cảnh thiên nhiên làm say đắm lòng người với những ruộng bậc thang đẹp dịu dàng cùng năm tháng, với những đám mây bồng bềnh bên ngọn núi cao như lạc vào tiên cảnh, với hình ảnh những trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số và những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên trong sáng giữa núi rừng bao la. Đẹp, đẹp lắm, đẹp đến nao lòng!

       Những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu giữa núi rừng Tây Bắc
 
Tây Bắc không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng còn nổi tiếng và hấp dẫn bởi có sự hiện diện của các anh em dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Hmong. Người Hmong rất mộc mạc, đơn sơ, thân thiện, không bon chen, không xô bồ vồn vã. Họ thích sống trên những ngọn núi cao trong lành và bình yên, nhưng cũng rất vất vả khi cả đời chỉ xoay quanh bên những mảnh ruộng bậc thang, nương rẫy là nguồn sinh tồn duy nhất. Cuộc sống của họ thật đơn giản, bình dị. Gần như tất cả các thế hệ trong một gia đình đều gắn bó với ruộng với nương, ít khi ra khỏi bản làng hay tìm kế sinh nhai khác. Họ sống thuận theo tự nhiên «có gì ăn đấy», «sống ngày nào biết ngày đó», không tính toán, không tích cóp dự trữ. Vì thế, hầu hết các gia đình Hmong đều sống trong cảnh nghèo đói. Cái nghèo, cái đói như một thứ “đặc sản” cứ đeo đẳng họ hết đời này sang đời khác, nghe thật xót xa.
 
      Ngôi nhà vách nứa, nhìn đâu cũng thấy khe hở
 
Tại Giáo phận Hưng Hóa, có khoảng 20.000 người Công giáo Hmong, sống rải rác trên các sườn núi cao của các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Vì thế, nhu cầu mục vụ cho người Hmong rất cần thiết và là niềm thao thức chung của giáo phận và của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa nói riêng.
Mang sẵn trong tim tình yêu và thao thức truyền giáo, người nữ tu MTG Hưng Hóa luôn hăng say đáp lại lời mời gọi loan báo tin mừng cho anh em dân tộc Hmong trên những vùng núi cao và luôn gắn kết sứ mạng ấy với đời sống cầu nguyện. Từng ngày từng giờ, chị em luôn tâm niệm trong lòng lời nhắn nhủ của Đức cha Lambert de la Motte - Đấng Sáng Lập Dòng: “Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô” (Đc Lambert - Ts 31). Vì thế, không quản ngại đường sá xa xôi, các nữ tu MTG Hưng Hóa đã và đang vượt qua những cung đường đèo quanh co nguy hiểm, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm để đến với các bản làng vùng cao Tây Bắc. Những năm 1998 - 2009, chị em bắt đầu tiếp xúc và làm mục vụ cho đồng bào Hmong trong những chuyến đi ngắn ngày tại khu vực Lào Cai, Sapa. Từ năm 2009 đến nay, chị em trực tiếp hiện diện và làm mục vụ cho người Hmong trong 65 bản thuộc các giáo xứ Sapa, Lào Cai, Vĩnh Quang, Điện Biên, Lai Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Bảo Yên và Mường La. Chị em chọn sống gắn bó và chia sẻ mọi vui buồn với người Hmong dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn thử thách. Những khó khăn thử thách các chị em phải đối diện hàng ngày không chỉ là những con đường nhỏ, có khi chỉ rộng khoảng 80-90 cm, nằm vắt vẻo trên triền núi, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn trượt, cộng thêm những ngày sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn hay những ưu tư về sự nghèo đói của đồng bào Hmong; nhưng còn là những câu chuyện về cuộc sống của người dân vùng cao nghe rất thú vị nhưng cũng thật nghẹn ngào.
 
       Các nữ tu đã quen với những con đường nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt như thế này
 
1. Câu chuyện «làm vợ» từ tuổi 12, 13 của các cô gái dân tộc vùng cao và câu chuyện «làm mẹ» ở tuổi 15, 16 của người phụ nữ H’mong. Theo văn hóa Hmong, tuổi 12 được tính là tuổi trưởng thành và các cô gái chàng trai «trẻ con» ấy có thể yêu nhau, có thể cưới nhau kể từ độ tuổi đó. Đây chính là tình trạng tảo hôn ở vùng cao nói chung và ở người Hmong nói riêng. Tình trạng ấy là một trong những khó khăn lớn nhất trong công việc mục vụ. Cứ ưng nhau là họ cưới nhau không cần phép tắc gì, cũng chẳng cần để ý tới những điều các cha các dì đã dạy. Họ cứ ở với nhau rồi sinh con đẻ cái, tới khi nào đủ tuổi đăng ký kết hôn thì đi đăng ký và xin học giáo lý để lãnh Bí tích Hôn nhân. Muốn thay đổi «văn hóa» này của họ thực sự không dễ chút nào. Dù đã được hướng dẫn, được truyền thông nhiều ngay từ khi có sự hiện diện của các linh mục và các tu sĩ nhưng tình trạng tảo hôn đó vẫn còn tồn tại, dù tỷ lệ cũng đã giảm nhiều. Muốn chấm dứt được tình trạng này, có lẽ phải cần một sự giáo dục liên tục, kiên trì và một khoảng thời gian đủ dài để từ từ thay đổi ý thức hệ của họ. Chưa chấm dứt được tình trang ấy thì buộc phải linh động trong công việc mục vụ. Vì thế, không lạ gì khi các nữ tu phải làm quen với những lớp giáo lý hôn nhân mà phần lớn các cặp đã có một hoặc hai đứa con đi cùng. Cũng chẳng lạ gì khi thấy tình trạng các em học sinh bỏ học ngang chừng để lấy vợ, lấy chồng sau mỗi kỳ nghỉ hè hay nghỉ tết. Rồi lại sinh nhiều con, lại đói khổ… Tương lai, các em ấy sẽ lại quay về cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, thiếu thốn đã đeo đẳng bản làng từ bao đời nay. Đó là niềm day dứt lớn của các nữ tu. Mỗi khi biết có em nào đó lại lấy vợ lấy chồng từ thủa 12, đôi mắt chị em buồn hơn, lòng chị em khắc khoải hơn, nặng trĩu tâm tư.
 
          Người Hmong thường sinh nhiều con, nheo nhóc
 
2. Câu chuyện «nước tốt không để chảy sang ruộng nhà người khác». Theo quan niệm của người Hmong, chỉ cần mang khác họ là có thể lấy nhau. Vì thế, chuyện con của anh trai có thể kết hôn với con của em gái, hay chị gái là rất bình thường và còn được khuyến khích vì anh em họ hàng lấy nhau sẽ giữ được tài sản và sự giàu có của dòng tộc, chứ không để thất thoát ra bên ngoài « nước tốt không để chảy sang ruộng nhà người khác». Người Hmong cũng quan niệm anh em họ hàng lấy nhau sẽ yêu thương nhau hơn. Đó là thực tế rất đáng báo động của tình trạng kết hôn cận huyết thống đã để lại biết bao hệ lụy: bệnh tật, suy thoái nòi giống, thiểu năng…Tình trạng kết hôn cận huyết thống vi phạm cả giáo luật và dân luật nhưng để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Hmong nói riêng hiểu và thay đổi điều đó thật chẳng dễ dàng chút nào vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ bao đời nay. Và dường như mọi luật lệ, mọi lý luận khoa học đều không thắng nổi « cái lý của người Hmong». Vì thế, tình trạng này vẫn còn tồn tại đâu đó trong các bản làng xa xôi. Dù rất khó khăn, nhưng các nữ tu vẫn bền bỉ với công tác truyền thông để giúp cho người Hmong dần dần nhận thức được mức độ trầm trọng của tình trạng kết hôn cận huyết thống và giúp họ thay đổi từ từ. Cùng với ơn Chúa, hi vọng tình trạng này sẽ được chấm dứt trong thời gian sớm nhất.
 
        Thăm một em bé bị thiểu năng

3. Câu chuyện «một miếng măng ớt ăn được ba bát cơm». Ai cũng biết cuộc sống của người Hmong rất nghèo và thiếu thốn nhưng nghèo như thế nào thì ít người có thể hình dung ra nếu không được một lần trải nghiệm bữa ăn hàng ngày của họ, chỉ với nước suối, cơm trắng và măng ớt, đôi khi được đổi món bằng một ít rau rừng vào những tháng có mưa và nắng ấm. Vì không có thức ăn nên người Hmong tìm hái những chiếc măng non, nhỏ bằng ngón tay mang về ướp với muối và ớt để dành làm thức ăn chính dự trữ cho cả năm. Món măng ớt vô cùng cay và mặn, chỉ cần một khúc măng vừa bằng ngón tay út thôi cũng đủ để có thể ăn hết vài ba bát cơm. Mỗi lần ăn món măng ớt, nhiều chị em vẫn ứa trào nước mắt, không phải vì nó quá cay nhưng vì thương những phận người ở đây, sao họ sống khổ đến vậy… Rồi vì ăn quá nhiều măng ớt là đồ cay nóng nên phần đa người Hmong bị đau dạ dày. Cái nghèo kéo theo bệnh tật. Thương, thương lắm, thương đến nghẹn lời!
 
         Một bữa cơm của người Hmong
 
4. Câu chuyện «đi tìm cái chữ» của các em học sinh dân tộc Hmong. Người Hmong thích sống ở những bản làng xa xôi hẻo lánh, cách biệt với các dân tộc khác. Chính vì thế, muốn biết chữ, con em của họ phải đi một quãng đường rất xa, phải vượt qua những con suối, những ngọn núi, những triền nương để đến trường. Vào những ngày nắng, các em có thể vui vẻ tung tăng cùng bạn bè trèo đèo, lội suối để «đi tìm cái chữ» nhưng những ngày mưa gió, đường trơn trượt nguy hiểm hay những ngày mùa đông giá buốt thì hành trình ấy của các em thật gian nan biết bao. Hơn nữa, ở các bản thường chỉ có điểm trường cho học sinh tiểu học, ít nơi có trường cấp 2, còn trường cấp 3 chỉ có ở các thị trấn huyện lỵ. Do đó, muốn học cấp 2, cấp 3, các em phải kiếm chỗ ở trọ để đến trường. Khoảng cách xa xôi, đường đi lại khó khăn, cộng thêm sự thiếu thốn về kinh tế, vật chất là những lý do khiến nhiều em học sinh ngại, không muốn đi học và nhiều em không có điều kiện để tiếp tục đến trường. Muốn giúp các em có cơ hội được học cao hơn, Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa đã lập nhà lưu trú tại Cộng đoàn Mai Sơn, thuộc Giáo xứ Mai Yên, tỉnh Sơn La để đón nhận và chăm lo cho các em Hmong đến từ các bản làng xa xôi. Khi đến với nhà lưu trú, các em được sống trong một môi trường tốt, được tạo mọi điều kiện để học tập và hoàn thiện bản thân. Hội dòng cũng cộng tác với giáo phận trong việc chăm lo cho các em học sinh tại nhà lưu trú ở các giáo xứ vùng cao như Co Hay, Huổi Một thuộc Giáo xứ Sông Mã, Mường La thuộc Giáo xứ Mường La (tỉnh Sơn La); Bản Phủ thuộc Giáo xứ Điện Biên (tỉnh Điện Biên); và Phố Ràng thuộc Giáo xứ Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).  
 
          Các nữ tu trở thành cô giáo của bản
 
Vì ở trong bản làng xa xôi nên các em chưa biết chăm sóc bản thân đúng cách, cũng chưa từng biết đến các kỹ năng sống cơ bản hay tiếp xúc với cuộc sống hiện đại. Do đó, các nữ tu không chỉ là người đồng hành với các em trong việc học tập, mà còn kiêm thêm vai trò của một người mẹ để chăm lo cho các em, dạy các em biết những kỹ năng sống, biết sắp xếp công việc một cách hợp lý và khoa học. Mỗi ngày nhìn thấy các em học sinh được học tập và thăng tiến, chị em rất vui mừng nhưng cũng đầy lo âu, lo vì các em đang tuổi ăn tuổi lớn mà nguồn sinh hoạt phí luôn ở tình trạng «ăn bữa trước, lần bữa sau». Dầu vậy, chị em vẫn cố gắng từng ngày và phó thác tất cả trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
 
     Các nữ tu như người mẹ chăm lo cuộc sống hàng ngày cho các em tại nhà lưu trú
 
5. Câu chuyện « chị phải giữ em cho bố mẹ đi nương nên chị không được đến trường » khiến ta phải rơi lệ. Người Hmong thường sinh rất nhiều con, cứ « sòn sòn» mỗi năm một đứa. Lúc còn nhỏ thì mẹ địu trên lưng và đem theo bên mình mọi nơi mọi lúc, ngay cả khi làm nương. Nhưng khi đã biết đi, biết chạy hay khi mẹ có thêm em bé, thì đứa lớn hơn sẽ giữ đứa bé để bố mẹ đi làm nương làm rẫy. Chính vì lý do phải ở nhà trông em bé mà nhiều em không được đến trường để biết « cái chữ » dù đã đến tuổi đi học. Nghe mà nghẹn lòng!
Từ năm 2016, với sự đề xuất của cha xứ và sự trợ giúp của dòng MTG Los, một cơ sở nuôi giữ trẻ miễn phí cho các bé trong độ tuổi mầm non tại bản Lao Chải, Sapa được thành lập. Nhờ lớp nuôi giữ trẻ này, các em trong độ tuổi đi học đã được đến trường, chứ không còn phải ở nhà để trông em nữa. Mỗi ngày đón nhận các bé từ tay bố mẹ chúng và nhìn thấy các anh, các chị của chúng được đến trường như bao học sinh khác, các nữ tu Hội dòng MTG Hưng Hóa vui mừng khôn xiết và ước ao có thể giúp được thật nhiều em ở nhiều bản làng khác nhau.
 
            Chị phải giữ em cho bố mẹ lên nương nên chị không được đến trường
 
Giúp các em được đi học thôi chưa đủ, mà còn phải lo cho các em có đủ chất dinh dưỡng để phát triển thể lý. Do gia đình nghèo nên trẻ em Hmong đều bị thiếu chất và suy dinh dưỡng. Vì thế, mô hình « bữa ăn cho em » được ra đời để phần nào đó bù thêm chất dinh dưỡng cho các em. Nhờ sự trợ giúp của các ân nhân, hàng tuần, các nữ tu chăm lo bữa ăn trưa cho các em học sinh tiểu học vào vài ngày trong tuần. Hình ảnh các em « ăn ngon như chưa bao giờ được ăn » trong những bữa cơm ấy trông rất dễ thương nhưng cũng thật xót xa! Nhu cầu thì nhiều mà cơ sở còn quá ít và khó khăn về mọi mặt, nhất là về nguồn sinh hoạt phí cho các em. Dù vậy, nhưng các nữ tu vẫn ước mơ sẽ mở thêm được nhiều cơ sở ở các bản làng khác nhau để giúp trẻ em Hmong đến gần hơn với con đường tri thức. Ước mơ mở rộng thêm cơ sở giữ trẻ và mô hình « bữa ăn cho em » của các nữ tu MTG Hưng Hóa vẫn còn đó nhưng chưa biết đến bao giờ mới có thể thực hiện được. Chị em phó thác tất cả trong bàn tay Chúa quan phòng.
 
 
"Bữa ăn cho em" tại nhà thờ Lao Chải, Sapa 
 
6. Câu chuyện về những lớp giáo lý trên nương rẫy, hay trên đường đi. Thời gian đầu đến với một số bản, các nữ tu gặp rất nhiều khó khăn, nên không thể tổ chức các lớp giáo lý tập trung. Vì thế, mô hình những “lớp giáo lý” tại nương rẫy hay « trên đường đi » đã được hình thành. Đúng là « Tin Mừng không chọn lựa đất sống, Tình Yêu chẳng từ chối gian nan » (st). Đứng trước hoàn cảnh hiện tại và sự thiếu thốn trong đời sống đức tin của bà con Hmong, các nữ tu MTG Hưng Hóa đã tận dụng thời gian « đi làm nương làm rẫy » của bà con để giảng dạy giáo lý. Giảng trong suốt quãng đường từ nhà họ tới nương rẫy, rồi vừa làm rẫy cùng bà con, vừa giảng dạy giáo lý. Cứ thế, những hạt giống đức tin được gieo vãi và nảy mầm, lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt như thế, bất chấp mọi khó khăn, mọi rào cản. Tạ ơn Chúa đã cho người nữ tu của Chúa luôn tìm được những phương thế tuyệt vời để đem Tin Mừng của Chúa đến với muôn dân. Khó khăn này chưa kịp qua đi, thì thử thách khác lại đến. Phần đa người lớn ở trong các bản Hmong không biết tiếng phổ thông, còn khả năng tiếng Hmong của các nữ tu chưa đủ để có thể dạy giáo lý. Do đó, việc truyền đạt cho họ thật gian nan. Đối với những bản đã sinh hoạt thường xuyên thì có thông dịch viên giúp chuyển ngữ trong những giờ giáo lý; còn những bản mới hay ít người thì công việc này gian nan hơn rất nhiều; nhưng không vì thế mà các nữ tu nhụt chí. Các chị vẫn miệt mài tiếp tục công việc và đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa quan phòng.
7. Câu chuyện về những « thừa tác viên ba lô ». Không dừng lại ở những bản làng đã đi vào nề nếp sinh hoạt, chị em MTG Hưng Hóa vẫn tiếp tục tìm kiếm và đến với những bản làng khác trong những chiến dịch “thừa tác viên ba lô”. Một chiếc ba lô nhỏ trên vai, chị em đến với họ thật tự nhiên qua những cuộc viếng thăm thân tình, tặng những cuốn kinh thánh nho nhỏ, kể những câu chuyện mộc mạc về Đức Giêsu hay dạy chữ viết cho họ ngay tại gia đình. Dần dần, các nữ tu sẽ quy tụ họ lại thành một giáo điểm. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên trì để có thể tiếp xúc thành công và được họ đón nhận như một người bạn. Đôi khi chị em phải « một mình một ngựa » đến với họ trong thời gian rất dài mà vẫn chẳng nhận được tín hiệu khả quan nào, song không vì thế mà chị em nản lòng. Với niềm tin và tình yêu dành cho công cuộc truyền giáo, chị em vẫn bền bỉ đi « gieo » hạt giống đức tin khắp nơi trong niềm hi vọng phó thác « tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên » (1Cr 3, 6).
Hướng về một tương lai sáng nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa cho bà con Hmong là thao thức của các nữ tu MTG Hưng Hóa. Tại các giáo điểm mục vụ cho người Hmong, các nữ tu MTG Hưng Hóa luôn miệt mài dấn thân phục vụ trong các lãnh vực xã hội, y tế, giáo dục, luân lý và đức tin. Với hết khả năng của mình, chị em vẫn đang từng ngày cố gắng để giúp đồng bào Hmong cải thiện cuộc sống và thăng tiến bản thân. Cái nghèo, cái đói nơi những bản làng xa xôi càng hối thúc bước chân của người nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa đến, để cùng sống, cùng ăn, cùng làm, cùng sẻ chia với đồng bào Hmong. Chị em luôn nhắc nhớ mình chính là cánh tay nối dài của tình yêu Chúa đến để nâng đỡ sẻ chia với những người nghèo khổ, thiếu thốn, những người già cô đơn, những em bé chưa một lần được cảm nhận vị ngọt của chiếc kẹo nơi rừng sâu núi thẳm ấy. Trong niềm cậy trông và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chị em ước mong một ngày không xa, các bản làng Hmong sẽ khởi sắc và cái nghèo cái đói sẽ rời xa người Hmong, thay vào đó là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ước chi danh Chúa được lan tỏa và tôn vinh không ngừng nơi núi rừng Tây Bắc bao la này.

 
Một vài hình ảnh:
 
 
   Các nữ tu MTG Hưng Hóa vẫn hàng ngày vượt qua mọi khó khăn, thử thách

      Đến với người Hmong bằng niềm vui và tình yêu của Chúa Kitô

      Cùng làm, cùng ăn, cùng sống với người Hmong
 
       Cùng người Hmong tôn vinh ca tụng Chúa
 
   Cơ sở nuôi giữ trẻ tại bản Lao Chải, Sapa
 
      Các nữ tu mặc trang phục Hmong để các bé thấy gần gũi hơn
 
    Chăm sóc cho trẻ Hmong (bản Co Hay, Sông Mã, Sơn La)
 
        Một lớp học trên bản (được tổ chức tại Nhà Nguyện)
Bờ Xa
Thông tin khác:
Thuộc Về (19/01/2022)
Hướng Đi Mới (11/01/2022)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log