“Mình có cái nhìn cánh chung hơn nên thấy “ghen tỵ” với vị linh mục nhiều nhiệt huyết này”. Đó là tin nhắn mà một người bạn là linh mục của tôi đã gửi khi nói chuyện về cái chết của cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP tại Giáo phận Kontum trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán vừa qua. Đọc tin nhắn ấy của cha bạn, lòng tôi có chút xuyến xao, bồi hồi, nhưng rồi cũng bỏ qua, không suy nghĩ thêm gì nhiều. Tôi cứ nghĩ mình sẽ không để ý đến dòng tin nhắn ấy nữa, nhưng chẳng hiểu sao nó cứ trở đi trở lại trong đầu tôi mãi, nhất là vào những giờ cầu nguyện hay những lúc thinh lặng một mình. Mỗi lần dòng tin nhắn ấy trở lại trong đầu, tôi cảm giác như có một luồng gió nhẹ nào đó đang thổi vào tâm hồn tôi, có chút nôn nao, có chút bồi hồi sao sao đó, thật khó để diễn tả. Luồng gió ấy như đang khơi dậy một nỗi khát khao trong tôi. Luồng gió ấy như đang thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết hiến thân vẫn hằng âm ỉ trong lòng tôi, khiến tôi thấy bồn chồn. Và luồng gió ấy như càng thổi mạnh mẽ hơn khi Mùa Chay thánh bắt đầu. Nhìn lên thánh giá Chúa, nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh, tôi tự hỏi: Chúa muốn nói gì với tôi qua dòng tin nhắn ấy? Tôi liên lạc với cha bạn để tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Tôi muốn lắng nghe tâm sự của cha khi viết tin nhắn “ghen tỵ” ấy. Và cha bạn đã chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của một đời người, nhất là của người sống đời thánh hiến, không phụ thuộc vào tuổi đời, sống lâu hay chết trẻ mà phụ thuộc vào cách sống của người ấy như thế nào? Qua những lời chia sẻ, tôi như đọc được triết lý sống “trọn vẹn” từng giây phút nơi cha bạn của tôi. Có lẽ vì thế nên cha nói, cha không thấy hối hận khi nhìn lại những gì đã trải qua. Vì với cha, tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ đều là những điều cần thiết để được lớn lên, được trưởng thành và nên thánh mỗi ngày. Khao khát nên thánh của cha như càng mạnh mẽ hơn khi biết về cái chết đầy bi thương nhưng cũng vô cùng đẹp của vị linh mục trẻ dòng Đaminh. Có lẽ vậy nên cha mới thấy “ghen tỵ với vị linh mục nhiều nhiệt huyết này”. Đó là một sự “ghen tỵ” rất thánh thiện; một sự “ghen tỵ” khơi lên những khát khao bỏng cháy; một sự “ghen tỵ” gợi lên những ước muốn cao đẹp để làm cho cuộc đời trở nên giá trị hơn, ý nghĩa hơn. Tôi nhận thấy nơi cha bạn có một khát khao thật lớn lao. Tôi ngưỡng mộ lòng khao khát cao đẹp ấy, ngưỡng mộ con người và cách sống của cha bạn, ngưỡng mộ cả cái cách “ghen tỵ” đầy thánh thiện ấy nữa. Có lẽ lúc này, cha bạn của tôi đang rất khao khát được sống, được chết vì lý tưởng hiến dâng. Có lẽ, cha cũng đang được thôi thúc để dấn thân nhiều hơn, trao ban nhiều hơn và nên giống Chúa hơn. Và có lẽ, cha cũng đang khát khao được ra đi khi đang thi hành sứ vụ thánh thiêng của người mục tử. Đó là một khao khát thánh thiện, một ước muốn vĩ đại của những mục tử nhân lành. Và có lẽ, ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng cha lúc này cũng đang rực cháy bừng bừng. Tôi ước mong và cầu chúc cho cha bạn của tôi, cũng như cho tất cả các linh mục của Chúa luôn sống trọn vẹn và cháy hết mình với ngọn lửa thánh thiêng ấy trong cương vị của một người mục tử, để các ngài mang ngọn lửa ấy sưởi ấm tâm hồn đoàn chiên mà Chúa đã trao phó, cũng như cho những người mà các ngài gặp gỡ trong đời. Nghĩ về cái chết “đẹp” của vị linh mục trẻ đã dấn thân phục vụ đồng bào dân tộc và đã ra đi như một vị tử đạo khi tuổi đời còn rất trẻ; và nhớ lại tin nhắn “ghen tỵ” đầy thánh thiện của cha bạn, tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã ban cho đời những tâm hồn dâng hiến cao đẹp ấy như minh chứng sống động cho sự thánh thiện của Giáo Hội. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những vị mục tử nhiệt thành như minh chứng tuyệt vời cho tình yêu nhưng không của Chúa, một tình yêu vĩ đại, tình yêu “tận hiến” đến cùng. Tình yêu ấy vượt thắng tất cả, bao dung tất cả và cho đi tất cả như chính Đấng Chịu Đóng Đinh đã cho đi trên thập tự giá năm xưa. Cám ơn cái chết “đẹp” của linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh và cám ơn tin nhắn “ghen tỵ” đầy thánh thiện của cha bạn, đã làm nóng hơn ngọn lửa dâng hiến trong lòng tôi và khơi lại những khát khao dấn thân cháy bỏng trong tâm hồn tôi. Có thể nói, cái chết “vô cùng đẹp” khi đang trao ban Bí tích Hòa Giải của cha Giuse Trần Ngọc Thanh giống như một luồng gió đã thổi bùng ngọn lửa khát khao dấn thân cao đẹp trong tâm hồn của các linh mục nói riêng và những người sống đời thánh hiến nói chung. Ước mong ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ giảm nhiệt hay bị tàn lụi với thời gian, để những linh mục của Chúa và những người sống ơn gọi tu trì luôn cảm thấy “đủ ấm”, đủ yêu thương, đủ nhiệt huyết và lòng quảng đại để tiếp tục, sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại bằng tình yêu nhưng không của Chúa. Tôi ước mong cuộc sống thánh hiến của các linh mục, tu sĩ đều trở thành những luồng gió thổi bùng lên ngọn lửa đức tin, ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa trao ban và nâng đỡ nơi tâm hồn người khác, đặc biệt là nơi các giáo xứ, các cộng đoàn mà họ đang phục vụ. Tôi cũng ước mong cuộc sống của mỗi người kitô hữu đều trở nên những luồng gió làm bùng lên ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa cảm thông, tha thứ và chia sẻ nơi môi trường họ sống và làm việc hàng ngày, để cả thế giới này đều bùng lên ngọn lửa tình yêu đúng như Chúa Giêsu mong muốn: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49). Ước gì nơi mỗi người đều có một sự “ghen tỵ” đầy thánh thiện như thế làm động lực vươn lên và thăng tiến trên con đường nhân đức. Và ước gì ngọn lửa khát khao “nên thánh” luôn cháy sáng trong tâm hồn mỗi người và sưởi ấm cho thế giới đang chìm ngập trong đau khổ của bệnh tật, của chiến tranh và sự dữ đang lan tràn hôm nay. Ước chi mọi con người trên thế giới này đều biết đón nhận và sưởi ấm cho nhau bằng ngọn lửa của sự chân thành, yêu thương, tha thứ và đỡ nâng đến từ Thiên Chúa tình yêu.