Chúa nhật, 24/11/2024

Tà Ghênh Ngày Ấy

Cập nhật lúc 15:16 02/04/2022


WMTGHH - Hồi nhỏ, bố tôi thường kể cho tôi nghe những chuyện đời thường của người dân vùng cao, tuy họ rất nghèo nhưng luôn vui tươi và hạnh phúc. Lúc đó, tôi đã ước muốn được đặt chân lên những mảnh đất tràn đầy tình yêu ấy. Nhưng phải mãi sau này, khi đã là một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, tôi mới có dịp đặt chân lên mảnh đất Tà Ghênh - nơi 100% dân số là người H’mông, trong một chuyến thiện nguyện, phát thuốc chữa bệnh. Và quả thật, Tà Ghênh đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn và xúc cảm không thể nào quên.
Vì tính chất công việc nên chúng tôi phải đi trước một ngày để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, trước khi chương trình diễn ra. Xe chúng tôi bắt đầu khởi hành từ nhà xứ Nghĩa Lộ vào lúc 6 giờ sáng. Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi lắc lư trên xe, chúng tôi đã đến được Bản Mù - điểm tạm dừng chân và nghỉ ngơi. Rồi từ Bản Mù, chúng tôi thẳng tiến về hướng về Tà Ghênh. Có thể nói, đó là chuyến đi dài đầu tiên kể từ khi tôi tham gia vào công việc bác ái của Hội dòng.
Tà Ghênh, tiếng H’mông có nghĩa là “Bãi cỏ tranh”, thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Trấu, tỉnh Yên Bái. Ngay từ cái tên gọi, Tà Ghênh đã tạo trong lòng người nghe một cảm giác thơ mộng, nhưng để đến được “bãi cỏ” ấy thì thật là một hành trình không dễ dàng chút nào, bởi Bản Mù cách Tà Ghênh chưa đầy năm cây số, nhưng đường hẹp, lại gồ ghề đá sỏi, khúc khuỷu, lắm dốc, nhiều ổ voi ổ gà… xe ôtô không thể đi được. Do đó, hành trình của chúng tôi được chuyển từ ôtô sang những chiếc xe kích, xe simson đặc biệt. Nói là đặc biệt vì chúng được gắn thêm nhiều chuỗi xích vào bánh xe để chống trơn trượt. Nhìn những chiếc xe này, tôi liên tưởng đến cuộc đua xe địa hình thỉnh thoảng được trình chiếu trên tivi.
Sau khi cố định những thùng thuốc vào xe, các bác tài xe “simson” mời chúng tôi lên xe để bắt đầu hành trình. Nhìn hai bên chiếc xe có đầy những thùng thuốc vắt ngang, ký ức năm xưa trong tôi bỗng ùa về. Ngày xưa, mẹ tôi thường đưa tôi đến nhà trẻ bằng chiếc xe đạp cũ kĩ, hai bên xe cũng vắt ngang những bao lúa để đem đi chợ bán. Đang mơ màng, tôi bỗng giật mình chợt tỉnh bởi tiếng nói ồm ồm của một bác tài xế:
- Con mời Dì lên xe, đường đi khó lắm, chắc Dì sẽ rất sợ đấy.
- Có gì mà phải sợ chứ, đường đi như thế này con đi nhiều rồi - Tôi đáp lại bằng cái vẻ hùng hồn như một người đã từng trải nghiệm.
Xe bắt đầu chuyển bánh. Ngồi trên xe mà tôi cứ lắc lên, giồng xuống theo nhịp gồ ghề của cung đường khúc khuỷu. Nhìn ngang bên đường hay trước mặt đều là vực thẳm mà tốc độ xe cứ di chuyển phăng phăng, mỗi lúc một nhanh hơn khiến tôi không dám mở mắt ra. Trên mặt đường, những viên đá cuội nằm ngổn ngang không theo lớp nào, các hố voi, ổ gà cũng nối tiếp và đan xen lẫn nhau. Những con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, vắt mình từ núi này sang núi khác đã làm nên sự hiểm trở của nó. Từ đây nhìn xuống phía dưới, sẽ thấy con đường nhỏ li ti và những ngôi nhà chênh vênh trên các ngọn núi cao đẹp như tranh vẽ, nhưng tôi bắt đầu sợ:
- Chú đi chầm chậm thôi chứ đi nhanh như thế này ngã đấy”.
- Không sao đâu Dì ạ, con đường này đã quá quen thuộc với chúng con rồi -  Chú lái xe thản nhiên đáp.
Tôi chỉ còn biết cầu nguyện xin ơn bình an cho mọi người và cho cả chính mình. Chỉ còn một ngọn núi nữa là tới nơi. Từ xa xa, tôi đã trông thấy một đoàn người rất đông đứng đón chào chúng tôi. Có lẽ, cũng đã rất lâu rồi, bà con nơi đây chưa được khám bệnh. Vì thế, bà con đến rất sớm để mong chờ nhận được những viên thuốc và hy vọng được chữa lành bệnh. Nhìn thấy họ, tôi có cảm giác hôm nay là một ngày hội đối với người dân bản. Các cô gái thì diện những bộ trang phục nhiều màu sắc rực rỡ, đa dạng với nhiều kiểu hoa văn thêu họa tiết khác nhau, kết hợp với những đồ trang sức vừa đẹp, vừa độc lạ. Điều đó giúp các cô gái H’mông trở nên vô cùng duyên dáng, xinh tươi. Ngược lại, lũ trẻ con mặc quần áo lem luốc, phong phanh, mặt mũi thì lấm lem, chân không đeo dép nhưng tiếng cười đùa của chúng vang lên khắp cả bản khiến không khí mùa đông dường như tan biến mất.
Sau màn chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào công việc. Có ba bàn khám bệnh và một phòng phát thuốc lúc nào cũng đông kín người. Tuy nhiên, tôi thấy có một điều rất lạ, dù đông như vậy nhưng họ không chen lấn, tranh giành nhau. Tôi nhớ lại, cũng chương trình này, khi chúng tôi thực hiện ở vùng người kinh sinh sống thì cảnh chen lấn, đôi khi còn tranh cãi nhau để được khám trước là chuyện rất đỗi bình thường. Còn ở đây, bà con lại đứng thứ tự, răm rắp và nhẹ nhàng nghe theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Và nhất là bọn trẻ ở đây còn làm tôi ngạc nhiên hơn nữa. Khi tôi chia kẹo cho các em, chúng không hề nhao nhao, giành giật nhau giống như bọn trẻ quê tôi. Khi các em đã nhận được phần của mình rồi thì dù tôi có đưa lần thứ hai, chúng cũng dứt khoát không nhận nữa. Chúng đã dạy tôi một bài học về tính đơn sơ và sự thật thà cần phải có trong cuộc sống.
Ba tiếng làm việc trôi qua, mắt tôi mờ đi vì đo huyết áp và nghe tim phổi. Có một điều tôi thấy làm lạ, vì nhiều người lớn ở đây bị bệnh về dạ dày, còn trẻ em mắc nhiều bệnh về phổi và phế quản, nhiều em còn bị suy dinh dưỡng. Khi hỏi người phiên dịch (vì chúng tôi không biết tiếng bản địa của họ), tôi mới biết lí do người dân nơi đây thường mắc bệnh là do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, cơm đôi lúc không đủ no, áo không đủ mặc, nhất là những lúc giáp hạt không có đủ gạo, phải độn ngô với gạo để ăn. Có nhiều hộ gia đình vì nghèo quá phải vào rừng săn thú, đào củ mài, xuống suối bắt con cá để bán lấy tiền đong gạo mà vẫn đói. Thức ăn chính trong bữa cơm của chủ yếu là măng ớt chan với nước lã. Bác phiên dịch nói: “Ối trời! Chúng con đã quá quen rồi, không thấy khổ đâu vẫn thấy cuộc sống vui tươi Dì ạ”. Nghe Bác kể, tim tôi thắt lại và nước mắt không hẹn nhưng cứ chảy tràn ra từ khóe mắt.
Gần 12 giờ, chúng tôi nghỉ để ăn trưa. Hôm nay, cha thiết đãi chúng tôi món thịt lợn cắp nách. Món ăn ngon nhưng sao tôi thấy nghẹn ngào quá. Tôi thầm nghĩ, giá như người dân nơi đây thường xuyên được ăn như bữa ăn hôm nay thì có lẽ họ sẽ ít bị đau bao tử và nhiều em không bị bệnh suy dinh dưỡng. Ăn xong, chúng tôi vội vã đi, tranh thủ khám bệnh tiếp vì bà con đến mỗi lúc thêm đông. Do đó, chúng tôi cũng nhanh chóng bắt tay vào việc. Phòng phát thuốc luôn luôn chật ních người, đôi khi các dược sĩ phải nhờ phiên dịch nhắc đi nhắc lại nhiều lần để bà con biết cách uống thuốc. Bởi thuốc luôn là con dao hai lưỡi, nếu ta dùng nó đúng thì nó sẽ có lợi và ngược lại, nếu chúng ta dùng không đúng thì nó sẽ là có hại. Vì thế, chúng tôi luôn cẩn trọng trong vấn đề cấp phát thuốc.
4 giờ chiều, chúng tôi đã khám được cho vài trăm người, chỉ còn lại khoảng vài chục người nữa thôi. Dù rất mệt sau một ngày làm việc cật lực, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều niềm vui đọng lại khi nhìn vào đôi mắt ngời sáng của bọn trẻ, của các cụ ông cụ bà và tất cả anh em đồng bào H’mong nơi đây.
Nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn anh em, cùng anh em ra đi, sinh nhiều hoa trái" (Ga 15,16), chúng tôi cứ tưởng mình được chọn để “ra đi sinh nhiều hoa trái”, nhưng dường như những hoa trái trong tâm hồn mà chúng tôi nhận lại được từ Tà Ghênh lần này còn nhiều hơn gấp bội.
Chương trình khám bệnh ở Tà Ghênh đã khép lại khi ánh nắng chiều khuất hẳn sau rặng núi cao. Chào cha xứ và người dân trong bản, chúng tôi bắt chặt tay nhau, lưu luyến nói lời tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ. Nhìn sâu vào trong từng ánh mắt thân thương ấy, tôi như đang thấy một niềm hy vọng bay cao trên những tầng mây kia, cùng với một ước mơ về cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc, luôn tràn ngập tiếng cười. Mong rằng ngày càng sẽ có thêm nhiều tấm lòng quảng đại, hảo tâm, sẵn lòng đến Tà Ghênh vun trồng và làm nảy sinh hoa trái yêu thương trên mảnh đất vùng cao Tây Bắc này.
 
Nữ tu Matta Lê Thị Thủy
Thông tin khác:
Gieo Và Gặt (12/02/2022)
Thuộc Về (19/01/2022)
Hướng Đi Mới (11/01/2022)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log