WMTGHH - Ngày 19.03.2018, hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô rửa chân và hôn bàn chân của một số tù nhân trong Thánh lễ Tiệc Ly đã gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Các ấn phẩm báo chí, truyền thông đã nói lên sự cảm động của rất nhiều người trước hành động của ngài. Ngày 14.03.2022, hành động đó lại được tái diễn bởi một linh mục trẻ trong Thánh lễ Tiệc Ly tại giáo xứ nhỏ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 35km. Trong bầu khí thánh thiêng, vị linh mục trẻ, tay bưng chậu nước, quỳ gối xuống, rửa chân rồi hôn bàn chân các cố tông đồ đã lấy đi nước mắt của nhiều người tham dự Thánh lễ chiều hôm đó. Có rất nhiều tiếng thầm thì: “Ôi! cha hôn chân các tông đồ thật kìa!”, và những gì còn lại sau đó chỉ là những giọt nước mắt nóng ran lăn trên gò má. Mặc dù chỉ là một hình ảnh lặp lại mà Đức Thánh Cha đã làm trước đó, nhưng khi được chứng kiến tận mắt thì cảm xúc thật khó diễn tả. Quả thế, giữa một thế giới đang thiếu vắng tình thương thì việc ai đó có những hành động trao ban tình thương cách đặc biệt như vậy được xem như là một “món hàng đắt đỏ và xa xỉ”. Là người được tận mắt chứng kiến, tôi thiết nghĩ đây chính là nụ hôn mà mỗi người chúng ta cần, nên và phải trao cho nhau trong tình liên đới giữa người với người, vì đó là nụ hôn tình yêu mà chính Đức Kitô đã trao tặng cho nhân loại. Lẽ thường, khi quá yêu thương ai thì người ta hay dùng nụ hôn để diễn tả và bày tỏ tình cảm của mình dành cho người đó. Nụ hôn mà Đức Thánh Cha hay vị linh mục trẻ kia đã trao tặng, nó không phải là nụ hôn “sặc mùi” nhục dục của tình yêu nam nữ. Nó cũng không phải là nụ hôn nặng mùi máu mủ của tình mẫu tử nhưng là nụ hôn của một tình yêu đích thực, một tình yêu nhưng không, một tình yêu khác không phải vì cất cứ lý do nào mà chỉ là vì yêu. Nụ hôn đó có sức mạnh kỳ diệu, nó xóa bỏ mọi khoảng cách, xé tan mọi mặc cảm, thứ tha mọi lầm lỗi và gửi vào đó nguồn động lực để kiến tạo một tương lai chứa chan niềm hi vọng. Có thể nói rằng, đây là một hành động diễn tả tình yêu thương đến tận cùng và yêu thương cách tuyệt đối, một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi, không có màu sắc thực dụng của sự “cho và nhận” cách công bằng “có đi có lại”, song đó là sự minh chứng cho lời nhận định: “giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”. Quả thế, Đức Thánh Cha và vị linh mục trẻ kia đã rửa chân và đặt nụ hôn của mình không phải lên má, lên môi lên miệng nhưng là lên chính đôi bàn chân trần của những người tù nhân và các cố tông đồ. Những đôi chân đã từng đi vào những nẻo đường đầy lạc lối tội lỗi; những đôi chân từng dính đầy bụi bặm, từng dẫm lên cả những hôi thối; những đôi chân đã từng mệt mỏi rã rời khi phải bôn ba để tồn tại; những đôi chân đã từng co ro trong đêm mưa cô đơn, lạnh lẽo dưới những hầm cầu, khu ổ chuột; những đôi chân đã đôi lần bước đi trong tuyệt vọng, có khi còn có ý định tìm đến cái chết… Tất cả những đôi chân đó nay được nâng niu trên đôi bàn tay nhỏ và đặt vào đó một nụ hôn đầy yêu thương, nồng ấm. Và giờ đây, khi “chúng ta là của hiện tại”, chắc chắn chúng ta không phải là một con rôbốt không có trái tim và không cảm xúc; chúng ta cũng không phải là khúc gỗ vô tri vô giác trước những gì đang diễn ra. Do đó, khởi đi từ hành động rửa chân rồi hôn lên bàn chân các tù nhân, các cố tông đồ của Đức Thánh Cha hay của vị linh mục trẻ cũng đã đánh động tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi noi gương các ngài để rửa chân và “hôn” đôi bàn chân của anh chị em đồng loại chúng ta. Chắc hẳn sẽ không phải là việc chúng ta bưng chậu nước chạy đi rửa chân cho hết người này người khác và hôn chân họ nhưng là những hành động trong cuộc sống, là thái độ sống cảm thông, yêu thương, chia sẻ, thứ tha và nâng đỡ mọi người trong giáo xứ, gia đình và cộng đoàn chúng ta đang hiện diện. Các ngài đã không đặt nụ hôn lên khuôn mặt nhưng là lên đôi bàn chân. Bàn chân là chỗ dễ có mùi hôi, bẩn thỉu, khó ngửi, khiến người khác khó chịu; bàn chân cũng dễ là chỗ thô kệch, sần sùi, chai sạn, ít mềm mại… Tất cả những thực tại nơi đôi bàn chân đó có thể hiểu là những sự khó tính, khó yêu, khó thích, khó thương, khó mến, khó để đón nhận nơi người anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình hay trong cộng đoàn dòng tu… Vì thế, chúng ta luôn luôn được mời gọi hãy rửa và hôn lên đôi bàn chân của anh chị em mình bằng chính cách sống trong cuộc sống hằng ngày. Đó là việc đón nhận sự khác biệt của nhau; là sự sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm và yếu đuối của người khác; là việc luôn luôn tạo cơ hội cho nhau xuất phát lại từ đầu để kiến tạo một con đường hướng đến sự hoàn thiện bản thân. Nụ hôn chiều Tiệc ly là một lời mời gọi, lời nhắc nhớ tất cả chúng ta về cách sống và cách trao ban một tình yêu mang đậm tính nhân văn Kitô giáo, một tình yêu “có Chúa Kitô”. Bởi đó, là Giám mục, linh mục hay là tu sĩ; là vợ, là chồng, là con cái, là anh chị em hoặc là bạn bè thân hữu… tất cả chúng ta đều được mời gọi sống tinh thần tình yêu mà chính Đức Kitô đã sống ngay trong chính môi trường sống của mình. Đó là thái độ sống yêu thương, tha thứ và chia sẻ; đó là “mang vào mình mùi chiên”, mùi vợ mùi chồng, mùi cha mùi mẹ, mùi con cái, mùi anh chị em mình. Do đó, ngay từ lúc này, chúng ta hãy đứng dậy, ra khỏi vùng an toàn của mình, ra khỏi sự cố chấp, sự dửng dưng, sự vô tâm nơi mình để tay bưng chậu nước, quỳ gối xuống, để rửa và hôn lên những đôi chân trần đầy khiếm khuyết của nhau, để bức tranh thế giới này sẽ chỉ còn một màu duy nhất, đó là màu tình yêu của Chúa Kitô.