Thứ năm, 19/09/2024

Miền Thương Nhớ

Cập nhật lúc 09:57 18/10/2022


WMTGHH - Buổi sáng đầu mùa hạ những cơn mưa rào nhẹ vẫn cứ rả rích rơi. Đứng trên ban công nhà dòng, ngắm nhìn những hạt mưa nhẹ buông mà sao lòng tôi nặng trĩu. Gió cuộn từ nơi đâu mà làm cho bao ký ức cứ theo nhau tràn về. Hình ảnh người cha, người mẹ đang lam lũ sớm hôm nơi quê nhà cứ ùa về bất tận.
Gia đình! Tiếng gọi thân thương mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời đều mong muốn được ấp ủ trong đó. Gia đình, không phải là khi ta có một mái nhà thật to nhưng là khi được sưởi ấm bằng tình yêu thương chăm sóc. Vì thế, người ta mới gọi gia đình là “tổ ấm”, là nơi “vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, bố mẹ quanh năm lam lũ cấy cày nơi mảnh đất quê hương đầy sỏi đá. Gia đình nghèo lại đông con, nên đôi khi bữa cơm chỉ vỏn vẹn gói mỳ tôm, bìa đậu… cũng là cả niềm vui và hạnh phúc lớn lao của mấy chị em tôi. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua.
Nhớ lại quãng thời gian vất vả đó mà tim như muốn thắt lại. Ngày ấy, bố mẹ tôi phải lo ăn từng bữa, có nhiều khi trong nhà chẳng còn hạt gạo nào. Những lúc đó bố tôi thường im lặng, nhìn chúng tôi cùng với bao trăn trở, mẹ thì tất tưởi lo lắng, chạy vạy để “vay tạm” ít gạo về nấu cơm cho gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc những ngày tiếp theo bố mẹ tôi sẽ phải cố gắng hơn, vất vả hơn. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi vẫn thấy tự hào vì bố mẹ luôn động viên, lo lắng cho chị em tôi học hành đến nơi đến chốn, với suy nghĩ: “muốn thoát cái nghèo, cái khổ thì phải chịu khó học hành cho tử tế, đứa nào học được đến đâu bố mẹ cố gắng nuôi đến đó”. Thời đó, chuyện học hành như một thứ xa xỉ, nên việc cho con đi học là cả một sự can đảm vượt lên trên mọi định kiến xã hội của bố mẹ tôi. Mọi người xóm trên xóm dưới xì xầm: “Con gái học chi nhiều tốn tiền chẳng để làm gì? nhà nghèo, đông con lại còn sĩ!…”. Nhiều khi bản thân tôi cũng cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc và muốn khóc. Nhưng chúng tôi nghĩ đến bố mẹ, nên đã bỏ ngoài tai tất cả những lời chê bai, gièm pha của mọi người. Ngoài việc chăm chỉ học tập, chúng tôi cũng cố gắng làm việc để kiếm thêm tiền giúp bố mẹ trang trải học phí. Chúng tôi không ngại bất kể công việc gì, từ việc phải dậy lúc 2-3g để đi chợ với mẹ, tới các công việc đồng áng, chăn lợn, nuôi gà, nhận hàng về cắt chỉ… miễn sao có tiền ăn học. Và những tấm bằng khen vào cuối năm học là thành quả của những cố gắng bản thân, như một sự đền đáp cho những hy sinh bố mẹ đã dành cho chị em tôi. Đối với bố mẹ, đó là niềm hạnh phúc, là niềm tự hào lớn lao nhất. Điều đó đã xóa hết những nỗi khó khăn, nhọc nhằn bố mẹ tôi phải vượt qua.
Tôi còn nhớ như in ngày được cầm trên tay tấm bằng “tốt nghiệp cấp III”. Có thể với nhiều người là chuyện rất đỗi bình thường, có gì đâu mà để vênh vang. Nhưng đối với tôi và bố mẹ tôi thì đây là điều vô cùng hạnh phúc, là cả một niềm hy vọng lớn lao. Nhờ tấm bằng đó tôi sẽ có thể đi làm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học. Trong tôi lúc này chất chứa một khung trời hạnh phúc, nhưng cũng phảng phất một nỗi băn khoăn sâu thẳm về việc chọn lựa hướng đi đời mình. Thật khó diễn tả, nhưng hình như… tôi muốn đi tu!
Trong tôi nổi lên một sự giằng co giữa một bên là ý muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, một bên là chu toàn bổn phận với bố mẹ, gia đình. Ơn gọi đẹp thật, lý tưởng thật nhưng gia đình tôi còn nghèo quá, nếu đi tu thì sẽ không giúp được gì cho gia đình. Suy nghĩ đó cứ quẩn quanh trong tôi, giày vò tâm trí tôi. Tôi không dám nói ra nhưng như muốn tự mình chôn giấu thật sâu ước mơ đời mình.
Và thực tế phũ phàng đã không cho tôi chần chừ lâu. Gạt ước mơ đẹp, tôi nhanh chóng quyết định nộp hồ sơ đi làm. Tôi gồng mình chạy theo vòng xoáy tất bật của những công việc, vui vì được giúp đỡ bố mẹ… Làm sao quên được ngày tôi nhận tháng lương đầu tiên, tôi đã chạy xe thật nhanh về nhà và đưa cho mẹ. Mẹ tôi đã rơi nước mắt vì mừng vui khi thấy tôi đã khôn lớn và trưởng thành. Tôi sung sướng vì từ nay có thể giúp cho bố bớt đi những trăn trở, giúp đôi vai mẹ nhẹ bớt mối lo gia đình.
Tuy vậy, nhưng tôi thấy những nỗi băn khoăn trong lòng tôi vẫn còn. Tôi cảm thấy, cuộc sống này dường như không phải dành cho mình. Giằng co và day dứt cứ xoáy lấy tôi, như thúc giục tôi sống thực với khát vọng đang nảy nở trong mình. Vào một ngày nắng đẹp hơn mọi ngày, tôi quyết định bày tỏ cho bố mẹ biết về ý định của mình.
-“Ở nhà!... Không có tu tác gì cả!” Đó là mệnh lệnh mà tôi nghe được từ bố mẹ tôi. Không ngoài dự tính của tôi, bố mẹ tôi đã phản đối kịch liệt. Bố tôi đã đưa ra hàng ngàn lý do “không thể” để cắt đứt suy nghĩ của tôi. Tôi chẳng thể nói được gì, bao can đảm, bao quyết tâm không đủ để kìm nén những giọt nước mắt đua nhau dâng trào. Tôi đã khóc rất nhiều, khóc vì bố mẹ đã không hiểu mình, khóc vì mình thật bất lực.
Đến hôm nay, khi ngồi viết lại những dòng tâm sự này thì tôi đã là một nữ tu của Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Trải qua biết bao thăng trầm trong đời thánh hiến tôi mới cảm nhận được “nỗi lòng mẹ cha”. Chỉ vì lo tôi khổ, thương tôi vất vả, sợ tôi đứt gánh giữa đường… nên bố mẹ tôi mới ngăn cản tôi như vậy.
Thưa bố mẹ! Giờ này được sống trong nhà dòng, đối với con thật là hạnh phúc. Nơi đây, con được sống trọn hoài bão của mình, được sống với Chúa, được dấn thân quên mình trong một sứ mạng cao cả. Bố mẹ kính mến, cho dù con là ai, sống ở nơi đâu đi nữa thì trong con vẫn luôn khắc sâu tình thương mà bố mẹ đã đành cho con. Để dù có đi bất cứ nơi đâu, trong tim con vẫn luôn hướng về một Miền Thương Nhớ… đã nuôi dưỡng, dạy dỗ và yêu thương con.

 
Maria Đỗ Tình
Thông tin khác:
Bà Tôi (04/10/2022)
Miền Đất Mới (20/09/2022)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log