Thứ bảy, 23/11/2024

Đôi Dòng Suy Tư Về Tháng 11

Cập nhật lúc 15:23 02/11/2022


WMTGHH - Như một nguyên lý bất di bất dịch: có sinh có tử, đây là một thực tại không ai có thể phủ nhận được, đặc biệt đối với niềm tin của người Công giáo. Do đó, hàng năm, Giáo hội đã dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Trong tiềm thức của mỗi người, những người đã qua đời như đi vào cõi huyền nhiệm, để lại bao nhung nhớ và cảm tình ngổn ngang trong lòng những người còn ở lại. Việc cầu nguyện cho các linh hồn là một cơ hội suy tư về tương lai của chính mình, và tưởng nhớ những người đã ra đi về cõi thinh lặng ngàn thu. Đây cũng là dịp tuyên xưng niềm tin của người kitô hữu vào sự sống lại như một thực tại nơi Đức Giêsu.
Đối với con người, sinh ra là sự khởi đầu, sống là một cuộc lữ hành, một cuộc lữ hành trên trần thế làm cho con người đi từ trạng thái này đến trạng thái khác. Từ non nớt đến trưởng thành, từ dại khờ đến sự hiểu biết, từ yếu đuối đến mạnh sức, từ sự cô đơn đến tình yêu nồng ấm, từ vui mừng đến lòng biết ơn, từ khổ đau đến sự cảm thương và từ sợ hãi đến niềm hy vọng. Thật vậy, đối với mỗi người kitô hữu, hành trình cuộc đời trở nên hành trình của niềm tin yêu và hy vọng, tin vào Đấng Tạo Hóa và hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng nới Đức Kitô là căn nguyên cứu cánh của mọi căn nguyên.
Khi dối diện với sự chết, có lẽ không ai là không cảm thấy sợ hãi, chính bản thân tôi khi suy niệm về sự chết, những câu hỏi: Khi chết, mình sẽ thế nào nhỉ? Cái khoảnh khắc khi mình trút hơi thở cuối cùng trong người như thế nào? Hay khi chết rồi, mình có còn là mình nữa không? Tất cả cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi. Đứng trước cái chết thân xác nằm đó bất động, bao nhiêu người khóc than, bao nhiêu người cầu khấn. Cái chết làm cho con người trở nên linh thiêng, làn hương khói nghi ngút, người thân đưa tiễn người quá cố đến nghĩa trang trở về với lòng đất mẹ để rồi thân xác mục nát theo năm tháng. Cái chết thường được ví như một giấc ngủ ngàn thu, như muốn nói đến một sự yên nghỉ sau một cuộc hành trình dài. Cả một đời xuôi ngược, đối diện với không biết bao nhiêu thăng trầm, niềm vui nỗi buồn trong kiếp nhân sinh, giờ đây khi đã hoàn thành, người ta nằm xuống, nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Như thế, phải chăng sự yên nghỉ như là một phần thưởng sau một hành trình dài của sự sống. “ Sống là động giữa dòng đời biến động, Tâm bình an trong vạn biến bất an”. Thế giới vừa trải qua cơn đại dịch Covit kinh hoàng đã cướp đi biết bao mạng sống vốn được xem là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người. Chắc hẳn chúng ta vẫn không thể quên được hình ảnh về hàng ngàn người chết chất chứa trong các xe đông lạnh xếp hàng trên từng xa lộ của những con đường tại Rôma, những bãi thiêu xác ở Ấn Độ, và hàng chục ngàn người chết trong hai tháng 7 và 8/2021 ở tại Sài Gòn. Khi phải chứng kiến sự chết bao trùm cả thế giới, nhiều người kinh hãi và tự hỏi sự chết có ý nghĩa như thế nào? Và đâu là bến đỗ cuối cùng của kiếp người? 
Đức Thánh Cha Phanxico – Vị cha chung của Giáo Hội đã có những lời chấn an rất tinh tế nhưng hết sức thực tế để diễn tả sự chết:“Chết không phải là một điều gì xấu, nó là một thực tế. Việc nó có xấu hay không còn tùy thuộc vào tôi, tùy thuộc vào cách tôi nhìn xem nó, trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì cái chết cũng sẽ đến, nó vẫn đến và rồi nó sẽ đến để đưa chúng ta đi tới với cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, và đó là điều tuyệt vời trong lúc qua đời, vì đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Ngài sẽ tiến lại gần chúng ta và nói: Hãy đến, hãy đến, hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến cùng Ta”. (Trích Bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 17.11.2019)
Như vậy, đối với niềm tin của người Công giáo, chết không phải là hết, nhưng là một sự khởi đầu để đi vào cuộc sống mới. Cái chết đóng vai trò như cánh cửa chuyển giao, nơi người ta bước qua để trở về ngôi nhà thật của mình, về với nơi mà mình đã phát xuất ra. Điều này không mơ hồ bởi đã có một Đấng đi trước là một bằng chứng cụ thể của sự sống lại: “Ta là sự sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Chính Đức Giêsu, Người đã đi qua cái chết mà bước vào sự sống mới, đã trở nên sự sống bất diệt để nhân loại thấy rằng chết chẳng phải là hết như người ta vẫn nghĩ.
Chiều nay, đứng giữa dòng người đang đổ về nghĩa trang giáo xứ để thắp nén hương thơm, dâng những lời kinh cầu nguyện cho người đã khuất, lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc thật khó diễn tả, chợt thấy câu thơ của nhà thơ Trịnh Công Sơn mà tôi vốn rất thích như một minh chứng cho kiếp tạm bợ của con người: “Trăm năm ở đậu ngàn năm, tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. Sự sống sao quá đỗi mong manh, kiếp người sao quá vội vã, cuộc đời như cánh bèo trôi, rồi ai cũng sẽ phải một lần nằm xuống, nhưng lúc đó mình sẽ như thế nào, có sẵn sàng hay không? Nếu ngày mai Chúa gọi tôi một cách bất ngờ như biết bao nhiêu người đã ra đi trong cơn đại dịch, tôi sẽ trả lẽ như thế nào về thời gian tôi được Chúa cho sống trên đời? Có rất nhiều những câu hỏi mà chỉ trong niềm tin và sự thinh lặng tuyệt đối, ta mới có thể nghe được câu trả lời từ Thiên Chúa.
Đôi dòng suy tư về Tháng 11- tháng dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, nhắc nhớ chính bản thân tôi cũng như mỗi người kitô hữu về quy luật tất yếu của con người là cái chết, mà nhận ra phận mình mong manh yếu đuối, để khi ra viếng nghĩa địa, khi cầu nguyện cho các linh hồn, ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn diễn tả tình liên đới của những người còn sống với những người đã khuất. Xin đừng quên những linh hồn nơi luyện ngục! Họ cần được thăm viếng, nguyện cầu. Hãy nhìn di ảnh, dòng tên khắc trên phần mộ của họ để nhớ về một con người từng hiện diện trên trần gian này. Trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là Đấng Phục Sinh, xin dâng lên Chúa tất cả các linh hồn nơi luyện ngục.
Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
                                                                               
                                                                                    Têrêsa Nhỏ
Thông tin khác:
Bà Tôi (04/10/2022)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log