Thứ năm, 19/09/2024

Đi Tu Có Hiếu Hay Không?

Cập nhật lúc 21:54 24/01/2023
Một câu hỏi rất hài hước nhưng cũng nhiều suy tư cho người tu sĩ. Đó là: “ đi tu có hiếu hay…?”. Rất khó để có thể trả lời bằng một từ “YES” hay “NO”.
     

Một câu hỏi rất hài hước nhưng cũng nhiều suy tư cho người tu sĩ. Đó là: “ đi tu có hiếu hay…?”. Rất khó để có thể trả lời bằng một từ “YES” hay “NO”. Hôm nay, ngày mùng 2 tết, ngày lễ kính nhớ ông bà tổ tiên, xin thắp lên một nén hương lòng với tâm tình tri ân với tổ tiên. Người đời vẫn ví von “vui như tết”. Quả vậy, tết là tết đoàn viên, tết sum vầy. Tết là dịp mọi người hướng về quê hương, gia đình những mong có niềm vui sum vầy. Người tu sĩ cũng không ngoại lệ. Họ vui vì được về bên gia đình chung vui dịp tết. Nhưng cũng có biết bao tu sĩ đang khác sẽ chào đón thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ nơi các tu viện, các giáo xứ. Bởi với họ, Hội Dòng là gia đình thứ hai mà họ sẽ gắn bó tới hơi thở cuối cùng và những công việc nơi giáo xứ là sứ vụ, là niềm vui của đời DÂNG HIẾN. Vậy nếu người tu sĩ không trở về với gia đình huyết tộc trong dịp tết thì người tu sĩ còn sống trọn chữ “HIẾU” chăng? Trong tâm tình đó, tôi xin mượn đôi chút tâm tình để nói lên chữ “hiếu” của người tu sĩ.
 Khi được đặt câu hỏi đi tu là có hiếu hay không? Ít nhiều người tu sĩ cũng sẽ rơi vào những bối rối, trăn trở, hoài nghi chính mình. Khi người tu sĩ khi bước chân vào nhà dòng, khi cánh cửa tu viện khép lại thì những thách đố cho một chọn lựa mới sẽ mở ra với họ. Họ phải từ bỏ những thứ như điều kiện tiên quyết mà Thầy Giêsu đòi buộc: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Một sự từ bỏ dứt khoát, đã “dứt áo ra đi” là bỏ lại mọi sự, không vấn vương. Thoáng nhìn vào điều kiện CẦN của người tu sĩ có lẽ không ít người cho rằng những người đi tu là người “bất hiếu”, bởi họ lý luận, những người đi tu sẽ không thể ở bên chăm sóc đấng đã sinh thành khi đau yếu, khi trái gió trở trời. Không thể cho các ngài có được những đứa cháu ngoan, những dâu- rể thảo hiền. Nhưng có thực sự chữ “hiếu” chỉ đóng khung trong những điều ấy không? khi nói đến đây tôi nhớ lại câu chuyện mà một ông cố đã tâm sự khi về thăm ông bị ốm:
Ông cố: Hôm nay được về đó hả con?
Sơ: Vâng ạ! Dạo này ông cố khỏe chứ ạ?
Ông cố: Có các con cầu nguyện ở nhà sao không khỏe được chứ. Tu cho tốt nghe con!
Ông tâm sự các con đi tu rất vất vả, dâng cho Chúa rồi đừng lấy lại, không phải lo gì hết, ở nhà có Chúa lo hết rồi, các con cứ an tâm mà tu.
Lời nói động viên của ông cố làm tôi ứa nước mắt. Nhìn cố nằm rất mệt mỏi nhưng thấy con cháu về là vui vẻ và tươi hẳn lên. Cố biết chị em tôi lo lắng cho gia đình nhiều, lo bao nhiêu sự mà đâu có giúp được gì? Nhưng cứ mỗi dịp tôi về gia đình, dù cũng tuổi tam tuần nhưng với bố mẹ và anh chị, tôi luôn là một đứa trẻ. Về đến nhà là bao nhiêu những thứ ngon và những câu chuyện đều dành cho tôi hết. Có những lúc bố mẹ cũng an ủi con đi tu bố mẹ lo cho con nhiều hơn, vì anh chị ở nhà thì còn được nói chuyện, giúp đỡ được, nhưng bố mẹ cũng yên tâm hơn khi con đi tu… cố gắng con nhé! Lần nào về nhà, tôi cũng được nhắn nhủ câu đó. Điều ấy làm tôi nhận ra đâu là chữ “hiếu” mà bố mẹ tôi chờ.
Quả vậy, có rất nhiều cách báo hiếu khác nhau như: Ngoan ngoãn giúp đỡ cha mẹ về của cải vật chất, chăm sóc các ngài khi ốm đau và quan tâm các ngài khi già yếu. Đó là những việc làm rất thiết thực và hữu ích mà người ngoài có thể dễ dàng nhận thấy. Nhưng cũng có biết bao cách báo hiếu “khác”. Chữ “khác” tôi dành cho người tu sĩ. Vì họ không thể hiện diện bên gia đình và không chăm sóc cha mẹ khi các ngài cần đến. Nhưng người tu sĩ luôn hướng về gia đình và báo hiếu các ngài bằng lời cầu nguyện, bằng công việc hy sinh. Bởi vì trong trái tim của người tu sĩ, ngoài việc hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa thì họ cũng yêu gia đình bằng cả trái tim mình. Hai gia đình luôn ở bên họ. Và khi đã chọn đời dâng hiến, họ không còn sống cho riêng mình nữa như lời thánh Phaolô xưa: “Anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 16,9). Bởi ơn gọi của họ là trao ban, là hiến dâng. Nên bất cứ ai họ gặp gỡ, phục vụ đều là anh chị em, là ba mẹ của họ. Họ sống một tình yêu phổ quát, trao ban cách nhưng không. Họ là khí cụ bình an, là sứ giả hòa bình Chúa gửi đến cho những ai họ gặp, những ai cần họ. Khi họ sống trao ban hết mình như ngọn nến tiêu hao không mệt mỏi, họ cảm nhận một niềm vui nội tâm của một cuộc đời “Trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22). Và tôi thiết nghĩ, khi người tu sĩ sống an vui, hạnh phúc trong ơn gọi của chính họ như vậy thì đó cũng là niềm vui của đấng sinh thành, là chữ “HIẾU” tròn trĩnh mà những bậc sinh thành đón đợi. Dẫu cho cũng không ít lần tôi từng cảm thấy “bất lực” khi nghĩ đến những báo hiếu với những vật chất bên ngoài. Bởi tôi cũng như những người sống đời thánh hiến, không có gì để cho cha mẹ ngoài lời cầu nguyện. Nhưng tôi chợt nhớ tới lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Nếu lấy ‘ta’ ra khỏi trung tâm cuộc đời và đặt ‘Chúa Kitô’ vào đó, ta sẽ được an toàn, mạnh mẽ và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi.” Như vậy có những nỗi niềm riêng, có những hy sinh mà họ dâng cho Chúa để mọi sự được làm theo ý Ngài. Trong những khi gia đình gặp khó khăn tôi chỉ biết dâng lên Chúa lời cầu nguyện: “Lạy Chúa con không giúp gì được cho gia đình con lúc khó khăn này, nhưng con tin Chúa làm được mọi sự, khi con làm việc nhà Chúa, Chúa sẽ làm việc cho gia đình con như con muốn làm cho họ”. Lời cầu nguyện này luôn được tôi lặp đi lặp lại mỗi ngày và Chúa luôn nhậm lời. Đó người tu sĩ chỉ có thể làm được điều đó để báo hiếu. Như vậy, người tu sĩ không chỉ sống chữ hiếu trong gia đình. Nhưng họ sống chữ hiếu bằng cả cuộc đời đó là luôn mến Chúa, yêu người và coi mọi người là cha mẹ, là anh chị em của họ và họ phục vụ mọi người bằng một trái tim yêu thương của mình. 
 Lạy Chúa! chúng con xin dâng lên Chúa hết những tâm tư cùng ước nguyện của chúng con cũng như mọi tu sĩ. Xin cho chúng con biết sống tâm tình hiếu thảo trong bậc sống của mình. Chúng con cũng xin dâng gia đình chúng con và mọi gia đình trên toàn thế giới cho Chúa, xin Chúa chúc lành và thánh hóa mỗi gia đình, để các gia đình luôn sống tình yêu thương và chia sẻ cho nhau. Để Giáo hội và xã hội ngày càng thăng tiến. Amen.
Lớp Thần học k5 Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa.
Thông tin khác:
Lựa Chọn (02/01/2023)
Ngâm Mình (21/12/2022)
Học Yêu (16/12/2022)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log