Ông Lambert rất kính mến ơi !
Cháu xin được mạo muội gọi ông như thế ! Vì đáng lẽ ra theo như “ lệ làng phép nước ’’ thì cháu phải thưa với ông một cách trịnh trọng hơn. Như “Trọng kính Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…’’ hay “Thưa ngài cựu thẩm phán tại Rouen…”; “Kính gửi ngài lãnh chúa vùng Vocsieres…Con xin được có điều muốn thưa cùng ngài!...”
Nhưng dù ngôn từ được dùng là gì, còn nhiều thiếu sót đến đâu thì cháu cũng mong ông hiểu cho là cháu vẫn luôn rất kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến ông – Một luật sư tài giỏi; một nhà truyền giáo nhiệt thành; một linh mục tận tụy; một người môn đệ luôn theo sát Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh; một người ông khắc khổ nghiêm nghị nhưng cũng rất đỗi giản dị, khiêm nhường; một người cha già đáng kính và một vị sáng lập luôn thấm nhuần mầu nhiêm tự hủy của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người…
Cháu sẽ cố gắng trình bày rất vắn gọn thôi, đôi điều tâm sự với ông nhân cái ngày đặc biệt này, ngày kỷ niệm sinh nhật ông trên nước trời, ngày mà ông được Tòa Thánh công bố lên hàng “Tôi tớ Chúa”. Đúng ra thì cháu phải làm việc này từ lâu rồi, một việc để bày tỏ lòng hiếu đối với ông. Nhưng cho đến giờ cháu mới đủ can đảm, động lực, sự lưu tâm cùng những tiếc nuối … để gửi đến ông những tâm sự muộn màng này.
Những ngày đầu nhập cuộc, cháu đã khá ngạc nhiên và bị ấn tượng bởi không hiểu sao trong nhà dòng lại có tượng “Vị lãnh tụ đeo thánh giá” to thế. Khi được các chị giải thích thì cháu mới biết đấy là tượng chân dung Đấng Sáng Lập. Dù chưa hiểu rõ Đấng Sáng Lập nghĩa là gì và là người như thế nào nhưng sự tò mò lần ấy đã giống như nhúm men được gieo vào lòng cháu, ấp ủ để cho cháu được băn khoăn, tìm hiểu và yêu mến ông ngày một hơn.
Thời gian thấm thoắt trôi, giờ cháu đã là Tập sinh của Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa – “Một Tập sinh bé nhỏ trong đời sống đạo đức, một con người liều lĩnh trên những nẻo đường của Thiên Chúa và một con người tội lỗi nhất trên đời này” (1T.Hal). Cháu xin mượn lời của ông để nói về cháu như thế, nếu ông cũng đồng ý rằng cháu thực sự có tố chất giống với một Tập sinh như thế. Cháu được nghe, được đọc và được học cũng không ít về ông nhưng ở đây thì cháu xin thôi không nói về những điều đó nữa. Vì như vậy thì cháu lại chẳng khác gì hai môn đệ trên đường Emmau xưa thi nhau kể lại với Chúa Giêsu chính cuộc đời của Ngài. Nhưng với những cảm nhận rất riêng tư, cháu xin được nói rằng: ông là một người rất bản lĩnh trong nhiều lãnh vực. Trong đó có một điều nhỏ bé này, khiến cháu cảm thấy mình như được gần với ông hơn dù cháu và ông cách xa nhau tận bốn thế kỷ. Đó là khi ông phải gánh vác việc gia đình và chăm lo cho các em từ rất sớm. Chỉ khác rằng ông thì “bản lĩnh” còn cháu thì “cứng đầu”. Cháu từng tự hào khi mà cách nào đó sự “ cứng đầu” đã giúp cháu học được những bài học quý giá. Nó làm cho cháu như cảm thấy mình can đảm hơn, mạnh mẽ hơn, một ý chí sắt đá để là chính mình, để vươn lên trước những thách đố và khó khăn của cuộc sống. Nhưng để rồi nó cũng khiến cháu phải khổ tâm nhiều, bởi nó cũng gần quá với sự kiêu ngạo và cố chấp. Khi làm được việc gì tốt thì cháu đã không mệt mỏi để nói về mình. Cùng với đó cháu đã buồn phiền khi bị sai lỗi, bị hiểu lầm và lấy làm đau khổ vì nghĩ rằng người khác sẽ nghĩ xấu về mình, mà chẳng nghĩ điều đó có làm Chúa buồn hay không.
Ông thì đã sống trọn vẹn cuộc đời mình với mầu nhiệm tự hủy để trở nên giống Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đấng mà ông đã trọn làm Đấng duy nhất của lòng trí mình. Ông cũng tự nguyện dâng hiến toàn bộ tài sản của mình cho chương trình Viễn Đông để tự do, tự tại sống cuộc đời của một nhà truyền giáo tự thoát và tự khinh đi chính mình. Còn cháu thì tuy chẳng nhiều tài sản như ông nhưng cháu lại cồng kềnh với những khả năng mình có, những ánh hào quang tạm bợ, những vinh dự tạm thời của những lời khen, sự công nhận…Cháu phải tập quen với việc tự lập, từ đó cháu khám phá ra mình tự tin hơn; nhưng cũng tự cao tự đại hơn để rồi tự mãn và tự kiêu về chính mình, về những gì mà khi nhận ra thì cháu phải hết sức tự hạ mới đúng. Cháu biết, tất cả những gì cháu có đều do Chúa ban để cháu chu toàn bổn phận và ơn gọi của mình. Nhưng trong thâm sâu cháu nhận thấy mình đã ghen tỵ với người khác, nên rốt cuộc thì cháu đã sinh ra tự ái. Điều này thật tai hại vô cùng, nó làm cho khứu giác thiêng liêng của cháu đôi khi bị tắc nghẽn, chẳng còn ngửi thấy chút hương vị thánh thiện nào xung quanh mình nữa.
Cháu muốn bắt chước Thầy Giêsu, bắt chước các bạn hữu của Thầy và bắt chước ông…trong nếp sống, trong âm thầm, trong hành vi và trong ước muốn nên thánh… Nhưng giờ đây cháu đang gặp chút khó khăn ông ạ! Như cháu từng trình bày với ông rồi đấy, cháu ước mình được như ông là “Để cho mọi người kiểm duyệt con đường và hạnh kiểm của mình mà không biện bạch gì cả” (2T.Hal). Nhưng thực sự thì cháu gặp khó khăn với chính mình, với tuổi trẻ, sức trẻ, với những đam mê khát vọng, muốn xây dựng muốn cống hiến nhưng lại cũng muốn thể hiện mình; với quá khứ trẻ dại đã nhiều những vết thương; với tương lai thách đố đòi hỏi những chuẩn bị kỹ càng; với hiện tại băn khoăn đòi hỏi sự dứt khoát để thay đổi mỗi ngày…
Ông đã từng nói: “Không gì có ích cho phần rỗi bằng những thập giá, cũng không gì nguy hại cho sự thánh thiện của linh hồn bằng sự thịnh vượng” (1T.ĐT). Cháu tin điều đó vì cháu đang dần nghiệm thấy nó mỗi lúc một rõ hơn; cháu cũng tin Chúa Quan Phòng vẫn luôn chờ đợi để biến mọi sự dữ nên sự lành cho cháu. Bởi thế mà nếu đẹp lòng Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn, thì cháu xin ông cũng chuyển cầu cho cháu được ơn hoán cải mỗi ngày và bền bỉ trung thành đến cùng. Để dù núi Tabo, trong vườn Cây Dầu, đồi Sọ hay đường Emmau…thì cháu cũng không nản lòng nhưng luôn sẵn sàng đón chờ và đón nhận những điều mới mẻ Chúa gửi đến với niềm xác tín rằng: “Mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).
Có lẽ thư đã khá dài mất rồi, cháu xin dừng bút tại đây thôi. Được tâm sự với ông là một niềm vinh hạnh lớn lao đối với cháu, cháu cảm ơn ông rất nhiều vì đã lắng nghe cháu. Hẹn gặp ông một ngày gần nhất khi mà việc viết thư không còn là phương tiện duy nhất để ông cháu mình có thể trò chuyện với nhau nữa và cháu rất mong sẽ sớm nhận được thư ông.
Maria Nguyễn Thanh Tuyền - Tập Viện