Tôi bước vào nhà nguyện khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng của ngày sống đang cố len qua những khe cửa để được nán lại nhà Chúa thêm đôi chút trước khi tạm biệt miền đất thân thương này. Tôi cúi mình chào Chúa Giêsu Thánh Thể, bất chợt, ý nghĩ muốn tìm một điều gì đó mới mẻ xuất hiện và dẫn đôi chân tôi tiến đến một vị trí không phải chỗ ngồi quen thuộc hằng ngày. Tôi quỳ xuống đó và làm Dấu Thánh Giá. Trong khi tâm trí còn chưa kịp tĩnh lại để hướng về sự hiện diện của Chúa thì đôi mắt tôi đã bị thu hút bởi chiếc quạt giấy đang nằm im lìm trong ngăn sách của chiếc ghế phía trước. Nó mau chóng bắt nguồn cho giờ cầu nguyện của tôi. Nhìn ngắm chiếc quạt, tôi như được thấy khoảng rộng tâm hồn và nhân đức của người sở hữu nó - một dì cao niên trong Hội dòng và thấy cả những nét đẹp đơn sơ nhưng rất cần của đời dâng hiến.
Đây thực sự là một chiếc quạt giấy “cổ”. Cổ vì ngoại hình không giấu được tuổi đời lâu năm của nó. Tôi trộm nghĩ, “có khi chiếc quạt này còn ra đời trước mình”. Tôi gọi màu sắc hiện tại của nó là “tím bạc - kết quả của một sự xóa mình”, bởi tôi biết loại quạt đó. Khi tôi còn nhỏ, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc quạt loại này. Màu sắc ban đầu của nó là màu tím đậm tươi, nhưng theo thời gian và sự lao động miệt mài trong những ngày hè oi bức của đất Bắc, gam màu tươi đậm ấy dần phai nhạt đi, để lại cho chiếc quạt một màu tím bạc xơ. Những nếp gấp bị bạc đi hơn cả, nhưng chúng lại trở nên lấp lánh bởi lớp băng keo người chủ dán vào những phần bị rách, tạo thành những đường kẻ bằng “bạc nguyên chất”. Nét đẹp từ sự “xóa mình” nơi chiếc quạt làm tâm hồn tôi thấy nhẹ nhàng và lòng đầy cảm mến. Tôi nói với Chúa về điều đó.
Và rồi, sự hy sinh và khổ chế của chủ nhân chiếc quạt xuất hiện trong tâm trí và dẫn dắt dòng suy tưởng và cả trí nhớ của tôi. Chiếc quạt hẳn đã gắn bó với dì rất lâu rồi. Nó thậm chí có thể bằng tuổi đời dâng hiến hơn sáu mươi năm của dì. Ngày trước, lúc điều kiện vô cùng khó khăn, chưa có quạt điện như bây giờ, hẳn dì đã thường xuyên dùng nó trong những ngày hè oi bức của đất Bắc: khi cầu nguyện, lúc nghỉ ngơi. Còn hôm nay, khi những quạt điện đã được sử dụng phổ biến, dì vẫn đặt chiếc quạt giấy của mình trong ngăn sách chỗ dì ngồi ở nhà nguyện. Tôi đã thường thấy dì quỳ ở đó, bên Chúa, nhẹ nhàng đưa chiếc quạt đủ để tạo ra làn gió nhẹ, nhất là những khi dì ở một mình hoặc xung quanh chỗ dì ngồi chưa có ai tới. Tôi hiểu rằng, dì đã quen với sự hy sinh và khổ chế bé nhỏ ấy để kết hiệp với Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và dâng lên Thiên Chúa Cha. Tôi thấy cảm mến và được thúc đẩy về sự hy sinh lặng thầm, đơn sơ trước hình ảnh ấy. Tôi thầm cám ơn dì! Lúc này, nhìn lên Chúa, tôi thấy lòng hạnh phúc và tạ ơn Người đã ban cho con người có khả năng trở nên đẹp như thế.
Dòng suy nghĩ của tôi trở về gần lại với hình ảnh chiếc quạt giấy. Tôi bỗng thấy nơi hình ảnh ấy những vẻ đẹp quý giá của đời dâng hiến: lòng trung thành và việc trở nên thụ động hoàn toàn trong bàn tay của Chúa… Ở miền đất bốn mùa này, thường chỉ có mùa hè là người ta mới dùng tới những chiếc quạt. Trong khi đó, thời nay, những chiếc quạt điện và máy điều hòa tiện nghi được sử dụng phổ biến, thay thế cho những chiếc quạt giấy thủ công, nhiều khi bất tiện. Mặc dù vậy, quạt giấy vẫn ở nguyên vị trí mà người ta lần cuối cùng đặt nó xuống; có thể ở một góc tủ, hoặc ở trong ngăn kéo nào đó, thậm chí nó có thể bị rơi xuống gầm giường lúc nào mà không ai biết. Quạt giấy vẫn im lặng nằm đó, chờ đợi giây phút được phục vụ, dù nó không biết khi nào người ta sẽ nhớ đến và cần dùng mình, ngay cả khi thời gian ở rảnh quá lâu làm nó cảm thấy như hoàn toàn bị lãng quên… Cuộc đời dâng hiến nhiều khi cũng có những hoàn cảnh làm cho người tu sĩ cảm thấy mình “quá rảnh”, hoặc “bị lãng quên” như vậy. Đó là khi người tu sĩ chỉ thường được bề trên giao cho những công việc lao động chân tay nhỏ bé, đơn thuần, đặc biệt khi người tu sĩ rơi vào tình trạng đau yếu, bệnh tật, tuổi già. Và, từ bản thân, không ít lần tôi cảm thấy mình là “người nữ tu đáng buồn”. Tôi có rất ít khả năng trò chuyện, làm cho người khác vui. Những năng khiếu cho việc mục vụ cũng không có nhiều. Đặc biệt, trong đời sống cầu nguyện, thực thi sứ mạng, tôi đã chỉ dâng Chúa những lời kinh theo thói quen, chưa đủ lòng yêu mến, ngợi ca tri ân và thiếu những việc làm bác ái, hy sinh cụ thể… Thế nhưng, lúc này đây, Người đang nhắn nhủ tôi rằng, Người cần sự trung tín của tôi hơn tất cả những khả năng và hiệu suất công việc. Thì ra đối với Chúa, sự trung thành của người tu sĩ đủ làm của lễ làm vui lòng Người. Và chính Người sẽ làm cho sự trung thành trong tin yêu ấy trổ sinh hoa trái. “Lạy Chúa! Xin ban cho con và tất cả mọi người ơn Trung thành”.
Chúa đã dùng chiếc quạt giấy để nhắn nhủ tôi về lòng trung thành. Người cũng mượn nó để dạy cho tôi biết mình cần trở nên thụ động hoàn toàn trước ý muốn của Người. Quạt giấy không bao giờ có sự chống cự nào với những tác động. Nó để mặc cho người sử dụng đặt hay “ném” vào đâu tùy ý. Ai cũng có thể mở nó ra hoặc gấp vào, đưa tay quạt thật nhẹ nhàng hoặc rất mạnh mẽ, viết tên hoặc vẽ hình lên đó, cố tình hay vô ý làm rách giấy hoặc gãy nan… Nhưng nó luôn im lặng đón nhận tất cả. Trên đường theo Chúa cũng vậy, Chúa muốn tôi hoàn toàn tin tưởng, buông mình trong ý định và tình yêu của Người. Để qua Bề trên, Người dẫn tôi đi đâu, với ai tùy ý, ngay cả nơi tôi không muốn đến hay người tôi chưa muốn ở gần; để tôi bình an đón nhận bệnh tật nếu Người muốn tôi trải qua kinh nghiệm này; để tôi nhẫn nại và khiêm tốn trước những giới hạn, sai lỗi của bản thân hoặc trước những sự hiểu lầm nếu Chúa muốn “cắt tỉa” con người tôi… Tôi ước mơ về sự thụ động hoàn toàn ấy. Đó là một sự thụ động đặc biệt chỉ dành riêng cho Chúa. Bởi vì, tôi biết mình không được phép ù lì trước những giới hạn của mình. Chẳng lẽ, tôi chỉ cần vâng lời để đến với những nơi tôi không muốn hoặc ở với người làm tôi không thoải mái và hiện diện ở đó chỉ như một sự tồn tại là đúng ý Người sao? Không. Ở đó, tôi cần biến đổi chính mình để biết sống trọn vẹn cho nơi ấy và tập để yêu mến người chị em của tôi. Chẳng lẽ tôi chỉ cần cảm thấy khiêm tốn trước giới hạn của bản thân mà không có sự cố gắng nào để cải thiện là điều đẹp ý Chúa sao? Điều đó chắc chắn không thể làm vui lòng Người. “Chúa ơi! Con hiểu rồi, điều Chúa muốn dạy con là con cần hoàn toàn trở nên thụ động trong bàn tay của Chúa nhưng đối với nhiều thứ khác như những hạn chế, sai lầm, ý riêng, hoàn cảnh… thì con phải là người chủ động, một sự chủ động cậy dựa vào ơn Chúa để vượt lên, làm chủ bản thân để được nên giống Chúa. Con cám ơn Người”
Tôi để tâm trí mình lặng thinh bên Chúa một chút như một lời cầu nguyện xin ơn trung thành cùng sự buông mình trọn vẹn trong Chúa rồi gói trọn niềm tạ ơn qua lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian”.
Rời khỏi nhà nguyện trong niềm vui bình an, tôi thầm nghĩ tới việc một dịp nào đó, tôi sẽ mạo muội xin dì tặng cho tôi “chiếc quạt giấy cổ” quý giá ấy. Nếu được tôi sẽ giữ nó như một kỉ niệm giữa Chúa và tôi hôm nay và nó sẽ nhắc tôi về sự trung thành cũng như sự phó thác trọn vẹn cho Chúa trong cuộc đời dâng hiến của mình.