Thứ năm, 21/11/2024

Gửi Cô – Một Nhà Giáo Tâm Huyết Với Nghề

Cập nhật lúc 22:35 22/10/2024
Mỗi khi rảnh, tôi thường cầm quyển sách hoặc mở máy đọc một vài đoạn văn đầy cảm xúc của mọi người. Nay đang đọc dạo, bỗng thấy một bạn chia sẻ: “Qua viết, tôi không chỉ được sống bằng đam mê mà còn trải nghiệm một sự biến hóa vô hạn trong tâm trí và cuộc sống. Viết còn là cách chia sẻ và thấu hiểu con người xung quanh mình…” Kinh nghiệm này không phải tự dưng bạn ấy có mà cả một quá trình dài hơn 2 năm, đặt bút viết 825 trang tương đương với 660.000 từ. Hành trình bạn ấy viết đến hiện tại là hơn 10 năm rồi, nay đọc lại tự nhủ: “sao ngày ấy mình viết dở vậy.” Bạn còn chia sẻ thêm: “thông qua những dòng chữ trong trang bản thảo đó, đã tôi luyện bản thân trở thành người viết như bây giờ….” Đọc đi đọc lại dòng suy tư của bạn, tôi ngẫm lại hành trình mình viết, tuy không dài nhưng đó như là một khởi đầu mới, thử thách bản thân vượt qua những nỗi sợ khi được che chở bởi người nhà giáo đầy tâm huyết.
 Tôi - một cô bé thích khám phá nên luôn chọn điều gì mạo hiểm để thử sức mình có dám vượt qua nó không? Đến đây, tôi nhớ một lần mẹ kể: “Bé à! Cô Hạnh hàng xóm nhà Vải (bà ngoại - tiếng địa phương) nói với mẹ là Tiềm nhà chị chắc ngày xưa giỏi văn lắm nhỉ! Em đọc mấy bài nó viết mà thấy hay quá!” Mẹ nói xong mà tôi buồn cười. Hồi lớp 6 - lớp 7, cô giáo môn văn của lớp tôi đã lớn tuổi nhưng hết sức tâm huyết với học sinh. Khác với mẫu người dạy văn, cô hay la mắng học sinh mỗi khi không phát biểu hoặc chưa đặt bút mà đã mở miệng kêu khó không viết được. Cô quát giống bố mẹ ở nhà rất dân dã và gần gũi. Một lần, cô đi qua chỗ tôi, cất cao giọng nói: “Cô Tiềm! cô không viết bài nốt đi sắp hết giờ rồi.” Tôi lẩm bẩm: “văn dở như beo ý, viết hay lại chả để nhắc.” Cô lớn tuổi thôi chứ tai còn trẻ lắm, cô mắng tiếp: “Chưa đặt bút mà đã đặt mồm rồi, cứ kêu ca lấy đâu mà viết được. Cô cứ viết đi phải có dở mới có hay chứ!” Tôi ngang bướng nên chẳng tiếp thu lời cô nói vào đầu, cứ để bài văn của mình dở dang không có hồi kết y như cái nết. Lên lớp 8 và lớp 9, cô chuyển lớp dạy, rồi một cô khác dạy văn lớp tôi. Cô nhẹ nhàng, ăn mặc thướt tha sành điệu và tâm hồn đúng chất nhà văn. Nhưng cô lại khác với cô trước, ai văn hay thì cô khen còn những đứa cứ hợp âm đô lại kết son như tôi, cô không thích. Tưởng không thích là cô cho qua nhưng mà cô quan tâm tôi cách đặc biệt quá. Hễ nhắc đến, cô lại bảo: “Văn như cô Tiềm thì thôi đừng thi, ở nhà mà học cái nghề.” Không chỉ một lần mà cứ lên lớp, cô lại diễn đi diễn lại bài văn chất chứa đầy cảm xúc riêng của mình. Tôi và các bạn trong lớp không hiểu sao cô lại nhìn tiêu cực về tôi đến thế. Với cô giáo môn văn hồi trước, tính tôi ương bướng bao nhiêu thì với cô giáo này, tôi lại nhút nhát bấy nhiêu. Giờ nghĩ lại, tôi thấy đúng là: “vỏ quýt dày có móng tay nhọn.” Từ đó về sau, tôi yên trí rằng mình dốt văn, không thi nổi… Những lời nói của cô đã được thấm đẫm trong đầu tôi không thể nào thoát ra. Và rồi, tôi thất bại môn văn. Cô giáo cũ hay tin tôi không qua được môn, cô đi chợ gặp cô Huệ Định - người gần nhà tôi hỏi thăm tôi sao rồi? suy sụp không? Và mấy ngày sau, cô hàng xóm sang nhà nói chuyện với mẹ tôi: “Chị Thực ơi! nay em gặp cô Chuyên dạy Tiềm, cô ấy nói với em là tiếc cho Tiềm quá! Cô không ngờ Tiềm nó lại như thế, ngày trước nó viết văn không đến nỗi đâu.” Lời nói của người hàng xóm khiến cho mẹ tôi hỗn độn cảm xúc vui lẫn buồn nhưng mẹ chỉ kể lại câu chuyện mà không trách móc hay khuyên nhủ điều gì.
 Tôi cứ ám ảnh cho đến khi thi Đại học. Vừa hết lớp 11, tôi cày văn ngày lẫn đêm. Một hôm, tôi thức tới 2h sáng, mẹ tôi lên mở cửa thấy tôi đang học, nhắc nhở nhẹ nhàng: “Ngủ đi con, muộn rồi.” Tôi cứ kệ cho qua lời nói nên mẹ tắt điện phòng để cho tôi đi ngủ. Nhưng vì sợ không qua điểm liệt, tôi không thể hoàn thành chương trình Phổ Thông Trung Học. Gác mọi âu lo, tôi mở đèn lên học tiếp, hy vọng đèn bàn không sáng rộng lan tỏa qua sân xuống nhà của bố mẹ (ngày trước nhà tôi có 2 nhà mới và cũ, bố mẹ vẫn nghỉ ở nhà đối diện phòng tôi). Cứ lao đầu ôn văn cho kỳ thi đến mức phải nằm viện một tuần truyền thuốc này, thuốc nọ, tôi không ngờ đề lại sượng đến thế. Năm đó, ai cũng kêu còn tôi mất công ôn rồi nên cứ thế phi bút viết hết những kiến thức còn đọng lại trong đầu. Về đến nhà, nghĩ đến gia nhập vào Hội dòng phải tốt nghiệp xong, tôi chỉ biết cầu xin Chúa cho tôi 2 điểm văn là có thể cầm tấm bằng hân hoan đặt chân đến Tu viện. Thời gian cứ trôi, giây phút nghẹt thở đã đến, tôi nhập số báo danh mở điểm thi trên trang web chỉ mong 2 điểm thôi, ai ngờ trước mắt tôi, môn văn là điểm cao nhất trong các môn tổ hợp. Nước mắt trào ra vì hạnh phúc, chân tay thì run lẩy bẩy không tin vào mắt mình. Cháu tôi - nhỏ Vân Anh dí vào tai tôi một câu: “Nhất mày, đề thì chuối, học hành vớ va vớ vẩn mà văn được tận bấy nhiêu điểm, bạn tao học chuyên mà hơn mày có 0,5 thôi kìa.” (Tuy là cô cháu nhưng chúng tôi lại sinh cùng tháng, cùng năm nên luôn bị bố mẹ bảo chúng mày lộn tôm hết.)
 Cảm xúc lúc đó đối với tôi chỉ là ăn may gặp đúng giọng văn của người chấm thôi. Tôi cũng chẳng để ý viết lách cho đến khi tôi thấy mỗi ngày mình chăm viết nhật ký với những dòng cảm xúc rất thật. Mà chả hiểu sao có 20 phút, tôi có thể nhấm nháp 3 tờ giấy khổ A4 là điều bình thường. Nếu không phải đến giờ công việc bổn phận thì chắc tôi vẫn còn ngấu nghiến để viết cho bằng hết. Nhất là khoảng thời gian Tập viện, tôi từng ao ước viết lại câu chuyện cuộc đời của mình. Nhưng viết mãi viết mãi, đọc lại chỉ nên đọc một mình thôi chứ ai đọc được buồn cười chết. Chẳng hạn một đoạn trong đó, tôi đọc lại mà thấy hợp chất của kim loại crom chắc còn mềm hơn giọng văn mà tôi viết: “Chúa ơi! sáng nguyện ngắm con không ngủ gật. Con đọc kinh thánh nhớ được một câu. Con thấy dạo này ăn nhiều mà vẫn gầy. Xin Chúa đồng hành với con trong những ngày tiếp theo…” Mặc dù mấy đoạn đó khô và chẳng có logic tí nào nhưng lại là những bước đệm để hôm nay tôi có bước khởi đầu. Dần dần, mỗi Chúa nhật được nghỉ, tôi dành thời gian tối đa cho việc viết lách về câu chuyện của chính mình. Vẫn là những câu chuyện hay và dở nhưng câu nói của cô giáo hồi lớp 6 -7 đã thúc đẩy tôi viết nữa, nữa, nữa: “Phải có dở mới có hay chứ!Giờ tôi mới đang học cách đi chập chững vậy nên không được bỏ cuộc vì sợ. Tiềm của trước kia đã một lần thất bại và hôm nay dù có vấp ngã thì vẫn phải ngồi xuống, viết lại chính biến cố khiến bản thân đau đớn hay giúp mình trưởng thành như thế nào???
Em cảm ơn cô - Người  luôn tin tưởng em, dạy cho em biết đón nhận những thất bại và sử dụng chính điểm yếu của mình làm bàn đạp để bước ra khỏi thế giới đầy sợ hãi. Nhờ cô, em cũng mới thấm câu: “đỏ chưa chắc đã chín.” Nhìn cô tuy không đẹp (mắt cô bị lác một bên) và nhẹ nhàng như giáo viên khác nhưng cô có một trái tim đầy tâm huyết mang lại hy vọng cho học sinh yếu kém. Mỗi khi đến trường, cô chẳng có phụ kiện gì đi kèm người ngoài một chiếc cặp hình chữ nhật kẹp nách - mẫu mới nhất của thập niên 70 (cái thời mà cô còn là thiếu nữ) cùng đôi dép bi -tít mang thương hiệu “ngoài chợ”. Đấy không phải quê mùa mà gọi là giản dị. Em còn rất nhớ hồi đó lười chép bài, hay nghịch trong lớp nhưng một hôm đang viết bài rất ngoan, bỗng có tiếng rì rào, cô đứng trên bảng nói vọng xuống: “Cô Tiềm! cô viết bài đi, tôi cứ quay lên là chỉ có cô bày trò làm cho lớp chuyện rả rích”. Lúc đó tính xấu của em nổi lên cùng lòng tự ái, em đang viết bài mà sẵn sàng đập bút xuống bàn, xé tan quyển vở trước cô và cả lớp. Em cứ nghĩ bình thường sẽ bị đuổi ra ngoài, ghi vào sổ đầu bài và được đứng tuyên dương trước cờ vào sáng thứ hai… Nhưng mọi thứ ngược lại với tâm trí, cô âm thầm yêu thương, quan tâm mà em không cảm nhận được. Thời điểm này chưa trải hết sự đời nhưng em đã hiểu: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Em chẳng dám ước cho thời gian trở lại, chỉ mong mỗi ngày em chịu khó viết hơn để cải thiện chất văn của mình cũng như bù đắp những lỗi lầm mà trước kia em không nhận ra. Chắc chắn giờ này, cô đã đến tuổi cháu chắt đầy nhà vậy nên, em cầu chúc cô an nhiên. Ở nơi đây, em luôn biết ơn cô và hứa sẽ viết mỗi ngày bằng những câu chuyện đầy cảm xúc của riêng mình. Em muốn bản thân chính là nhà văn của cuộc đời, viết lên những suy tư về điều mình chưa sống được, để sau này trở thành mình ở một phiên bản tốt hơn. Bài này, em thân gửi cô- nhà giáo đầy tâm huyết và cũng là gương cho em của tương lai, dù không truyền đạt tới các em những kiến thức giỏi thì cũng sẽ mang lại cho thế hệ sau những cảm xúc tích cực về chính mình. Em cảm ơn cô!
  (Bài này được viết sau khi nghe ca khúc: “Người gieo mầm xanh” e-nờ lần. Cầu chúc cô - người phụ nữ đặc biệt luôn giữ được tán cây rộng lớn bao dung để âm thầm che chở bóng râm cho những học trò cá biệt là chúng em trên con đường đời.)  
Kỷ niệm tháng 10 - tháng của phụ nữ Việt Nam
Học trò cá biệt của cô: Hương Tiềm.
Sr Hương Tiềm
Thông tin khác:
Ngã Rẽ (30/05/2024)
Hương Bưởi (06/03/2024)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log