Đoạn Tin Mừng Lc 5,1-11 thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa và Simon. Cuộc gặp gỡ này được diễn ra trên biển và trong tình huống có 2 chiếc thuyền cùng đậu một chỗ nhưng Chúa đã chọn thuyền của Simon, tại sao vậy? Câu trả lời là bởi vì Chúa thích, chúa muốn và Chúa thương. Simon đã cho Chúa lên thuyền của mình. Tâm hồn ông cởi mở để sống với Chúa. Ông đã để khoảng trống trong tâm hồn để Chúa ngự vào.
Chúa cũng đã bước vào con thuyền của cuộc đời tôi bằng việc Ngài đã chọn và gọi tôi sống trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Tôi có để khoảng trống nào cho Chúa có chỗ ngự không? Tâm hồn tôi có đủ rỗng để mời Chúa bước vào không? Mỗi ngày tôi cần phải nhìn lại xem tôi đã để Chúa ở đâu trong chiếc thuyền của cuộc đời tôi? Mối tương quan cá vị giữa tôi với Chúa được diễn ra như thế nào? Mối tương quan ấy được chứng thực bằng mối tương quan của tôi với các chị em trong Hội Dòng, với chị em trong cộng đoàn, nơi tôi làm việc và gặp gỡ. Tôi có giống như Simon, dám mở lòng ra để đón nhận và sống tốt các mối tương quan đó không?
Đây cũng là một thách đố trong thời đại công nghệ thông tin 4.0, thời đại mà con người dễ bị rơi vào tình trạng sống ảo, sống lạm dụng với các phương tiện truyền thông nên thời gian dành cho chúa và cho các mối tương quan cũng có phần bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi cần làm rỗng nội tâm mình để Chúa và tha nhân có vị trí trong cuộc sống của tôi.
Chúa lên thuyền và bảo ông Simon: hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Simon đã đáp lại lời mời gọi ấy, cho dù với kinh nghiệm của mình thì ông biết rằng chỗ nước sâu sẽ khó có cá nhưng vì vâng lời Chúa, ông đã thả lưới và phép lạ đã xảy ra. Ông bắt được mẻ cá lớn mà trong đời chài lưới của ông chưa bao giờ có. Sự vâng phục của Simon là bài học để tôi đối chiếu lại sự vâng phục của tôi. Có khi nào tôi mượn lý do đối thoại để bào chữa và che đậy cho sự bất tuân của tôi không? Tôi cần có kinh nghiệm về sự vâng phục làm cho cuộc sống nở hoa. “Ra chỗ nước sâu” là lời mời gọi tôi đi sâu vào trong nội tâm của mình và ở lại trong đó. Bởi vì thường ngày, con người hay sống và đánh cá gần bờ, sống với phù vân: vui, buồn, giận hờn….Do đó, Chúa mời gọi tôi, hãy thoát ra khỏi môi trường quen thuộc đó và can đảm “ra chỗ nước sâu” để quăng chài bắt cá, cá của sự phó thác, của lòng bao dung, của sự thấu hiểu cảm thông và an bình.
Mỗi ngày, Chúa đều mời gọi tôi hãy buông bỏ kinh nghiệm mà tôi đã có để làm rỗng nội tâm của mình và có chỗ cho Chúa ngự, có khoảng trống để tiếng Chúa được vang lên và giúp tôi sẵn sàng làm theo ý Chúa. Giống như một cái ly muốn chứa được nước, nó cần có khoảng rỗng bên trong. Tâm hồn tôi cũng cần có một khoảng rỗng để Chúa có chỗ ngự vào.