“ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. (Mc 16,15)
Truyền giáo là loan báo tình yêu thương của Thiên Chúa đến với con người. Khi nói đến truyền giáo là chúng ta thường nghĩ ngay đến việc là phải ra đi, phải đến nơi nọ, nơi kia để rao giảng, để nói về tình yêu của Thiên Chúa cho những người khác, cụ thể những người ở vùng ngoại biên, người lương dân hay người vùng sâu vùng xa chưa nhận biết Chúa. Ít ai nghĩ rằng khi không có điều kiện hay cơ hội để ra đi chúng ta vẫn có thể truyền giáo, truyền giáo cách đắc lực.
Truyền giáo không chỉ lệ thuộc vào không gian hạn hẹp là phải ra đi đến nơi nào đó, nhưng mở ra một chân trời vô biên đến tận mọi vùng miền và mọi nơi mà không phải ra đi vẫn có thể truyền giáo tốt đươc. Như vậy thì Truyền giáo bằng cách nào? Thưa bằng nhiều cách như: rao giảng, cầu nguyện, hy sinh, chứng tá đời sống… nhưng quan trọng là phải có lòng thao thức tông đồ của một tâm hồn nhiệt huyết truyền giáo. Và mẫu gương sống động cho chúng ta noi theo đó là chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Quả thực chị thánh không đi ra khỏi bốn bức tường của dòng kín, mà lại là bổn mạng của các xứ truyền giáo. Như vậy, truyền giáo không giới hạn chúng ta ở một không gian hay một nơi chốn nào, cũng không nhất thiết là phải đi đây đó rao giảng mới là truyền giáo.
Truyền giáo trước hết là bằng lời cầu nguyện, hay nói cách khác việc đầu tiên của truyền giáo là cầu nguyện. Đức cha Lamber de la Motte đã sống tinh thần này nên nhiều lần Ngài nhắn nhủ các vị thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cách đồng”. (ĐC Lambert – ts 31). Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có tinh thần truyền giáo như vậy khi Ngài nói: “Tôi muốn làm thừa sai bằng tình yêu và hy sinh”. Như vậy thao thức truyền giáo là khởi điểm cho việc dấn thân loan báo Tin Mừng. Vì không thao thức thì sẽ không dấn thân ra đi.
Cách đây khá lâu khi tôi còn nhỏ chưa được biết nhiều đến những nhà truyền giáo và phải truyền giáo như thế nào. Nhưng vì làng tôi sống cạnh làng lương dân nên ngay từ bé tôi có thao thức muốn nói về Chúa cho họ. Và dĩ nhiên là tôi không có cách nào để nói về Chúa cho bạn bè của mình trong thời đó cả, và chưa biết cầu nguyện cho họ nữa. Rồi có một năm tôi không nhớ là năm bao nhiêu, Cha Pio Ngô Phúc Hậu về quê. Ngài giảng rất hay, rất cuốn hút nên mọi người kể cả người già, trẻ con đi nghe rất đông, khi ngài giảng xong đi xuống mọi người bu quanh như muốn được nghe nhiều hơn nữa. Mọi người muốn cha ở lại lâu lâu để được nghe cha giảng về Chúa, thế nhưng không lâu sau cha lại đi vào miền Nam trong sự tiếc nuối của nhiều người. Có nhiều người nói nếu cha Hậu được ở lại lâu hơn chắc sẽ có nhiều người lương dân theo đạo.
Cũng từ đó dù không nói ra nhưng trong tôi luôn ấp ủ, luôn thao thức đi truyền giáo, được nói về Chúa cho người khác. Và thật may mắn cho tôi trong khoảng thời gian này tôi biết thêm được một gương mẫu, một cách thức truyền giáo khác đó là: truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh vì tình yêu qua việc đọc cuốn sách: “Một Tâm Hồn” của chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cả hai phương thế truyền giáo bằng việc rao giảng như cha Pio hay như chị thánh Têrêsa tôi đều thích. Khi được nghe giảng thì thích lắm, mê lắm, hăng hái lắm… muốn mình được trở nên như vậy. Nhưng tôi cũng nhận ra được rằng nói và giảng hay thì mình không có khả năng đó, thế là tôi đi tìm cho mình một lối đi khác phù hợp với khả năng của mình, và tôi đã tìm được. Tuy nhiên không phải là tôi sáng kiến ra. Nhưng là sáng kiến của chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tôi đọc,và tìm thấy thấp thoáng trong đó con đường truyền giáo có thể phù hợp với mình, tôi có thể làm được đó là: truyền giáo bằng cầu nguyện, hy sinh vì tình yêu, yêu Chúa và yêu các linh hồn. Tôi quyết tâm và tự nhủ, con đường nhỏ chị thánh đã đi, tôi có thể đi, việc truyền giáo chị thánh đã làm tôi có thể làm; tôi đã sống tâm tình ấy, làm tất cả, hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và yêu các linh hồn. Quả thật, truyền giáo bằng cách này thì ai có thể làm được, ai cũng có thể truyền giáo được.
Mỗi nữ tu, mỗi cộng đoàn tu trì, mỗi kitô hữu chúng ta có thao thức, có ưu tư, và dành bao nhiêu thời gian cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo? Nhiều khi chúng ta vịn lý do bận rộn công việc nên không có thời gian. Giữa những bộn bề của công việc bổn phận hàng ngày, điều gì làm chúng ta thao thức, ưu tư và đặt lên ưu tiên? Để mưu sinh và phát triển chắc chắn chúng ta phải làm việc để làm ra của cải vật chất, nhưng không có nghĩa như thế là chúng ta không truyền giáo được. Những người ra đi truyền giáo là những chiến sĩ xông pha nơi tiền tuyến, chúng ta ở nhà là hậu phương… tiền tuyến mạnh cần có hậu phương vững chắc. Người nữ tu Mến Thánh Giá cũng vậy, vừa là hậu phương vừa tiền tuyến. Thật thế cách đồng truyền giáo thì mênh mông bát ngát nhưng không phải ai cũng ra đi truyền giáo như những chiến sỹ xông pha trên tuyến đầu. Ai cũng ra đi thì làm gì có hậu phương để tiếp viện. Mặt khác, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào vai trò trung gian và tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Giêsu để chuyển cầu cho phần rỗi của mọi người.
Do đó có những chị em được sai đi đến nơi vùng cao, nơi khỉ ho cò gáy, nơi các bản làng vùng dân tộc anh em thiểu số…đường xá xa xôi, gập ghềnh sỏi đá, phải chèo đèo lội suối… biết bao nhiêu vất vả và hy sinh… Bên cạnh đó có một hậu phương vững chắc là các chị em đang ngày đêm âm thầm làm việc bổn phận, cầu nguyện cho các chị em đang phục vụ ở những vùng truyền giáo, cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận và Giáo Hội. Thế nên, tất cả chúng ta đều truyền giáo được nhưng cách thức làm khác nhau mà thôi. Các Bà, các Dì đã hưu không còn sức khỏe để làm việc, để ra đi nhưng bằng việc dâng những hy sinh, đón nhận bệnh tật để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Các khối huấn luyện khởi đầu tuy không ra đi nhưng truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh chu toàn công việc bổn phận hằng ngày.
Nếu ví những người, những chị em lăn lộn vùng ngoại biên, vùng truyền giáo như là cái kim đồng hồ, thì những chị em ở nhà âm thầm như bộ máy. Người ta biết được giờ là nhờ cái kim chỉ giờ, nhưng cái kim chạy được là nhờ bộ máy, bộ máy chạy được là nhờ nguồn điện… nguồn điện để chúng ta hoạt động là chính Chúa. Do đó, dù là kim hay bộ máy, dù là người xông pha nơi tuyến đầu hay hậu phương, chúng ta đều làm vì Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa. Thế nên, cả hai đều quan trọng và bổ túc cho nhau, cả hai đều là một trong Hội dòng hay trong một Giáo hội. Thế nên, không có lý do gì khi ta nói tôi không truyền giáo được vì tôi kém cỏi lắm, tôi không khéo ăn nói, không giảng dạy được. Tôi chỉ làm bếp, làm may, làm công việc giữ cổng…tôi không đi đâu cả nên tôi không truyền giáo được. Nếu có ai trong chúng ta nghĩ như thế, chúng ta hãy nhìn lại gương chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là bổn mạng các xứ truyền giáo nhưng lại là nữ tu dòng kín, chưa một lần ra khỏi khuôn viên nhà dòng. Chị truyền giáo bằng cách nào? Thưa chị truyền giáo bằng âm thầm cầu nguyện, bằng âm thầm chu toàn bổn phận, bằng những hy sinh nhỏ bé hằng ngày như quét nhà, nhặt rác…Chị làm tất cả vì lòng yêu mến nồng cháy dành cho Chúa và khao khát các linh hồn. Điều nữa, chúng ta phải học nơi chị thánh là thao thức truyền giáo, là khao khát đem các linh hồn về cho Chúa… khi có lòng khao khát chúng ta sẽ có sáng kiến để truyền giáo theo cách thức riêng của mình nữa. Vì thế, tất cả chúng ta đều có thể trở thành những nhà truyền giáo bằng việc cầu nguyện, âm thầm hy sinh làm tất cả vì tình yêu. Bên cạnh đó, sứ mạng của dòng Mến Thánh Giá cũng mở ra cho chúng ta một con đường thừa sai đó là: “người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Kitô và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người, bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống”. (Hc, 4).
Dòng Mến Thánh Giá tuy không phải là một dòng thừa sai hay nói cách khác không phải là dòng chuyên về truyền giáo, nhưng không có nghĩa là người nữ tu Mến Thánh Giá không truyền giáo. Chúng ta truyền giáo theo nhiều cách thức khác nhau và trong đặc sủng, sứ mạng và linh đạo của dòng Mến Thánh Giá cũng như trong sứ mạng chung của cả Giáo Hội. Vì thế, chúng ta có thể nói mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá, mỗi Tập sinh, Tiền tập sinh hay Thanh tuyển là một nhà truyền giáo và chắc chắn phải như vậy. Nhưng để được như thế mỗi chúng ta phải thực sự có tâm hồn thao thức truyền giáo, lòng nhiệt huyết tông đồ, yêu mến và gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng hy sinh, chu toàn công việc bổn phận hằng ngày… làm những việc tầm thường nhưng làm với một tình yêu phi thường dành cho Chúa và các linh hồn. Hơn nữa, chúng ta có thể truyền giáo bằng chính đời sống chứng tá của mình. “thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” ( Đức thánh GH Pl VI).
Giáo Hội luôn cần những thầy dạy, nhưng Giáo Hội cũng cần hơn những chứng nhân, và như thế chứng nhân và lời rao giảng luôn phải đi đôi với nhau. Ước mong đời sống của chúng ta là lời rao giảng hùng hồn nhất về một Thiên Chúa là tình yêu và đầy lòng thương xót.
Anna Dư Tuyền – CĐ Sơn Tây