Thứ ba, 04/02/2025

Tính Ngôn Sứ Trong Đời Sống

Cập nhật lúc 09:01 07/01/2025

Cuộc sống người kitô hữu nói chung, người tu sĩ nói riêng, có lẽ ai cũng đã từng được nghe nói đến “sứ mạng ngôn sứ” trong đời sống của mình. Bởi lẽ bất cứ một kitô hữu nào khi lớn lên trong đức tin đều được Giáo hội dạy dỗ thực thi vai trò ngôn sứ. Càng là tu sĩ chúng ta lại càng được thúc đẩy để thực thi sứ mạng này cách thiết thực hơn trong từng ngày sống. Tuy nhiên, chúng ta phải thực thi thế nào? Làm sao để đời sống của chúng ta phản ánh được tính ngôn sứ cách rõ nét?
Trước kia, tôi đã từng nghĩ: “đi tu là phải đi truyền giáo”. Điều này quả thực không sai, vì chính Chúa Giêsu đã ra lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” ( Mc 16,15). Vì vậy, người môn đệ theo sát Chúa Giêsu phải luôn ý thức và thi hành lệnh truyền này. Có nghĩa là chúng ta phải có bổn phận làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Chúng ta phải luôn luôn làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng đến độ từ bỏ cả chính mình, đến độ “tôi không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” ( Gl 2,20). Như thế, suy nghĩ ban đầu của tôi là đúng, nhưng nó cũng lại khiến tôi băn khoăn: phải chăng truyền giáo là phải “đi”? Quả thực “ra đi, lên đường, đến với vùng ngoại biên…” là một cách thức truyền giáo tuyệt vời. Công đồng VAT II  đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” ( AG số 2). Tuy nhiên, lệnh truyền của Chúa không chỉ được thực thi bởi một cách thức đó mà thôi nhưng nó còn được thi hành bởi nhiều cách thức khác nữa:
Truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện.
Ngoài việc ra đi, cất bước hành trình để đem Tin Mừng đến với tha nhân, người kitô hữu còn loan báo Tin Mừng qua đời sống cầu nguyện.
Đã hơn một lần, tôi gặp được hình ảnh ông cố của một linh mục đạp chiếc xe đạp cọc cạch đến nhà thờ vào khoảng 14g30. Ông dựng chiếc xe vào tường, lặng lẽ bước vào nhà thờ cầu nguyện thật lâu. Tôi tò mò ngó xem ông làm gì lâu thế! Hóa ra ông quỳ thật sốt sáng, mắt ngước nhìn lên nhà tạm, miệng mấp máy gì đó với Chúa. Nhà thờ vắng lặng, chỉ có ông và Chúa.
Lần khác tôi cũng lại gặp được hình ảnh một Dì nhà hưu của Dòng tôi. Dì lớn tuổi, gầy gò, dắt theo một Dì đau chân đi vào Nhà nguyện. Với tràng chuỗi Mân Côi trên tay, Dì âm thầm cầu nguyện với Chúa. Nơi ngôi nhà nguyện của Hội dòng, ngoài những giờ kinh, thánh lễ theo thời gian biểu, tôi vẫn thấy thấp thoáng hình bóng các Dì và chị em hiện diện trước Thánh Thể Chúa, cầu nguyện riêng tư, thân mật với Chúa. Những hình ảnh đó tuy chẳng phải việc làm gì to tát hay lớn lao, nhưng nó đã thật sự đánh động tâm hồn truyền giáo của tôi. Thiết nghĩ, có những người họ không thể “cất bước ra đi, lên đường”, chúng ta cũng đừng vội nghĩ họ không truyền giáo. Bởi nếu nghĩ vậy thì những dòng chiêm niệm, đặc biệt là dòng kín Clara họ không truyền giáo hay sao? Và nếu vậy tại sao thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu lại được Giáo hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo? Hoặc biết bao nhiêu lời cầu nguyện của những tâm hồn truyền giáo trong Giáo hội không được tính là truyền giáo?
Truyền giáo bằng đời sống bác ái, yêu thương và vui tươi ngay trong chính môi trường mình sống
Dù ở bậc sống nào, chúng ta đều có thể thực thi “tính ngôn sứ” trong đời sống của mình. Với người sống đời thánh hiến Đức Thánh Cha Phanxico kì vọng: hãy là con người của niềm vui; hãy đánh thức thế giới bằng việc thi hành tính ngôn sứ. Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ ( THĐSTH). Ngài còn nói: “ thay vì sống trong những điều viển vông, hãy biết tạo ra những “nơi chốn mới”, ở đó người ta sống cái logic của Tin Mừng về sự trao ban, tình huynh đệ, chấp nhận sự khác biệt, yêu thương lẫn nhau” (THĐSTH). Như vậy, mỗi người chúng ta đều có thể trở thành men nơi môi trường mình sống, đặc biệt nơi đời sống cộng đoàn. Chúng ta yêu thương thì men tình yêu được lan tỏa đến những người xung quanh. Chúng ta bao dung độ lượng và sống vui tươi thì Tin Mừng càng được dậy men và lan rộng. Nói đến đây, tôi xin kể lại câu chuyện tại một cộng đoàn trong Hội dòng tôi.
Vào dịp Hội dòng thuyên chuyển các chị em đi đến các cộng đoàn khác nhau. Hôm đó, chị Phụ trách cộng đoàn mời một Dì lớn tuổi hơn có đôi lời với người chị em sắp chuyển đi cộng đoàn mới. Dì rất khiêm tốn, có chút bẽn lẽn, rụt rè. Dì đứng lên 2 tay bám vào góc bàn, lắc lư nhẹ 2 vai, xin phép chị Phụ trách và nói: “Thưa chị, được chị Phụ trách cho phép, em xin đại diện cho cộng đoàn nói đôi lời với chị: Chị em chúng em thì sống ở đây trước chị. Khi chị nhận được “bài sai” của Hội dòng, chị đã về đây ở với chúng em…thì… chúng em thấy…“ CHẢ NÀO CẢ”. Trong thời gian qua, chị đã sống và làm việc ở đây với chúng em, chúng em cũng thấy…” CHẢ NÀO CẢ”. Hôm nay Bề trên lại sai chị đi đến cộng đoàn mới… chúng em…cũng “ CHẢ NÀO CẢ”.
 Câu chuyện vừa buồn cười, vừa có vẻ như chị em thật “ vô tâm”. Nhưng nếu chúng ta lắng lại một chút chúng ta sẽ thấy Dì không hề vô tâm. Ngược lại, Dì là chứng nhân Tin Mừng sống động ngay giữa cộng đoàn. Bởi “ CHẢ THẾ NÀO CẢ” nói lên tâm tình đơn sơ, chất phác và toát lên tính ngôn sứ nơi con người Dì: không thành kiến khi chị đến; không để ý lỗi lầm, khác biệt khi sống và làm việc với chị; không giả tạo tiếc nuối, níu kéo khi chị sắp đi. Chúng ta vâng lời Chúa qua Hội dòng, nên được sai đi là một niềm vui, một cơ hội mới mở ra để chúng ta tiếp tục thi hành tính ngôn sứ.
Lạy Chúa! Xin cho những hình ảnh đẹp đẽ đó được lưu lại mãi trong tâm hồn con, để mỗi ngày dù ở môi trường nào con cũng luôn ý thức vai trò ngôn sứ trong đời sống của mình, nhờ đó sẽ có thêm nhiều người được nhận biết Chúa hơn.
 
Anna Nguyễn Thị Chính – CĐ Sơn Tây
Thông tin khác:
Không Nhuốm Màu (16/12/2024)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log