Thánh giá là một hình ảnh quen thuộc với những ai là con cái Chúa, là biểu tượng để có thể nhận biết và minh chứng rằng họ thuộc về Đức Kitô. Hơn thế nữa, thánh giá còn là đối tượng ưu tiên với người nữ tu Mến Thánh Giá để hàng ngày tưởng nhớ và suy gẫm.
Là con người ai ai cũng muốn an vui nhàn hạ chẳng ai muốn mình phải gặp khổ hay trắc trở cả. Chính vì thế họ ngại ngần và như muốn tránh né thập giá được gửi trao: về sức khỏe, công việc, tương quan, thử thách, điều trái ý mình, yếu đuối bản thân, tội lỗi… Điều này cũng không tránh khỏi trong cái nhìn và suy nghĩ của người kitô hữu, thích bước theo Chúa không có thánh giá. Họ thường cho rằng đó là điều vượt sức và chưa thể đón nhận trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thánh giá Con Thiên Chúa đã trở nên đối tượng được các nữ tu Mến Thánh Giá hướng tới. Khi lội ngược dòng với tư tưởng của con người, người sống đời thánh hiến chọn một lý tưởng là bước theo Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là mỗi ngày tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người về cuộc sống đau khổ, cuộc thương khó và cái chết của Chúa. Thập giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Kitô đối với Chúa Cha và nhân loại, yêu mến đến nỗi sẵn lòng vâng theo Chúa Cha hy sinh cả mạng sống mình. Từ bỏ ý riêng để chỉ quy về thánh ý Cha đã tiền định, một tình yêu vô vị lợi được trao ban để chỉ mong người mình yêu được hạnh phúc. Thập giá từng là khí cụ độc ác mà con người nghĩ ra để hành hạ nhau nhưng sau cái chết của Chúa Giêsu đã trở nên thánh giá nguồn ban ơn cứu độ cho hết những ai tin vào Danh người, để rồi bất cứ ai nhìn lên sẽ được chữa lành. Thập giá từng là biểu tượng của oán thù ghen ghét đã trở nên nơi thi thố tình yêu, sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau.
Cũng vậy, nơi Đức Cha Lambert đã sống một cuộc đời say mến Thánh giá để rồi chính nơi đó đã trở nên nguồn sống thần linh, nơi đó ngài không ngừng kín múc, chia sẻ sự sống và tình yêu. Noi gương Đức Giêsu và Đấng sáng lập người nữ tu Mến Thánh Giá cần sống cuộc đời gắn liền với thánh giá để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn. Người nữ tu Mến Thánh Giá không phải là người thích khổ cũng không phải tìm kiếm đau khổ nhưng được mời gọi tháp nhập đời mình vào mầu nhiệm Thánh Giá Chúa. Cuộc sống ngày càng phát triển làm cho đời sống người nữ tu phần nào bị nhuốm màu, không ít những người thích thoải mái, tự do theo ý mình chính lúc đó họ đang tìm một Đức Giêsu không có thập giá. Chính vì thế làm cho họ yếu đi sức chịu đựng, lòng mến Thánh Giá dễ dàng sống một cách hời hợt hay là một cuộc sống hết sức bình thường. Chỉ khi thực sự có lòng say mến Thánh Giá mới có đủ sức mạnh giúp chúng ta dễ chấp nhận những đau khổ của chính mình cũng như cảm thông với nỗi khổ đau của anh chị em để rồi dám hy sinh trong vui tươi và làm việc tông đồ với con tim tràn đầy tình yêu mến. Lòng say mến còn là để cho thánh giá Chúa bao phủ và ôm trọn lấy cuộc đời mình để hoàn tất công trình của ngài “tôi hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Ki tô phải chịu cho thân mình người là Hội thánh”. Tình yêu thập giá đó là thể hiện lòng thương xót, bao dung và sự hiền lành của Thiên Chúa cũng vậy người nữ tu cũng được mời gọi liên lỉ tưởng nhớ Đấng Chịu Đóng Đinh trong tâm hồn, khát khao được biến đổi hoàn toàn trong Chúa, để Ngài chi phối toàn bộ cuộc sống.
Hơn bao giờ hết, người nữ tu Mến Thánh Giá phải dành cho Chúa một trái tim trọn vẹn luôn hướng lòng về Ngài bằng cách không ngừng dìm mình trong tình yêu thánh giá, sống mầu nhiệm khổ nạn trong cuộc sống thường ngày qua các biến cố, yếu đuối, giới hạn… để qua tất cả chỉ khao khát sống cho Đấng đã và luôn trao ban tình yêu là Giêsu.
Bằng lăng tím