Thứ tư, 02/04/2025

Tiền Của Với Nếp Sống Của Người Môn Đệ

Cập nhật lúc 09:33 12/03/2025
 
WMTGHH - Người ta thường nói: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý và có tiền là hết ý”. Thật vậy, đời sống con người ngày hôm nay luôn tìm đến của cải vật chất như mục đích chính yếu của cuộc sống. Bởi thế, con người ta không ngừng kiếm tiền bằng mọi cách, thậm chí dùng mọi thủ đoạn miễn sao kiếm được thật nhiều tiền. Tuy nhiên, tiền của là một đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ xấu, bởi chưng tiền bạc dễ làm cho con người thay lòng đổi dạ hay đổi trắng thành đen. Hơn nữa, tiền của còn là một cản trở lớn cho những tâm hồn muốn dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, bởi “anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được” (Lc 16,13), và tiền bạc cũng là một trong những lý do khiến người ta quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa.
Tin Mừng Nhất Lãm đã trình bày rõ nét thái độ của người thanh niên giàu có khi nghe Đức Giêsu mời gọi bán của cải của anh đang có để chia cho người nghèo anh, chính vì không muốn buông bỏ của cải của mình nên anh đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi (Lc 18,18-23; Mt 19,16-22; Mc 10,17-22). Thánh sử Luca cũng thuật lại trong hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã đưa ra không ít các giáo huấn để dạy dỗ các môn đệ, đặc biệt Người nhấn mạnh đến sự trung tín trong việc sử dụng của cải vật chất sao cho phù hợp với lối sống của người môn đệ. Mặt khác, Người thấu rõ những cám dỗ và mãnh lực của tiền bạc có thể lôi kéo người môn đệ vào những cạm bẫy của thế gian mà gạt bỏ giới luật của Thiên Chúa, thế nên Người đã dạy các môn đệ bằng những giáo huấn cụ thể.
Trước hết, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh của người quản gia bất lương khi khôn khéo xử lý vấn đề liên quan đến tiền của, để khi bị đuổi việc sẽ có người đón anh ta vào nhà (x.Lc 16,4). Thật vậy, mỗi người đều là những quản gia của chính mình và hơn nữa là quản gia mà Thiên Chúa muốn dùng để quản lý những tài sản thiêng liêng và vật chất mà Người ban. Tuy nhiên, người quản gia ấy có trung thành với chủ của mình hay lợi dụng những ân huệ đó để trục lợi cho bản thân, điều đó còn tùy thuộc vào sự trung tín của anh dành cho chủ. Tiếp đến, Đức Giêsu đưa ra một loạt giáo huấn về việc sử dụng tiền của nhằm giải thích dụ ngôn trên và nhắm đến đòi hỏi quan trọng là mưu cầu hạnh phúc Nước Trời, chứ không nhắm đến sự an nhàn nơi của cải vật chất. Hơn nữa, tiền của không phải là giá trị chính yếu, cũng không phải là một món hàng để đổi vé vào Nước Trời, mà tiền của chỉ là phương tiện giúp con người tích lũy kho tàng trên Trời. Mặt khác, tiền của còn trắc nghiệm lòng trung tín của các môn đệ. Đặc biệt, giáo huấn này nhắm tới một đòi hỏi quan trọng dành cho các môn đệ trong vai trò của một quản gia là sự trung tín trong việc quản lý và phân phối tài sản thiêng liêng Chúa ban. Tiền của và sự giàu sang không phải là thước đo sự công chính, đạo đức, nó càng không phải là định mức để con người ta đánh giá người khác, nhưng là công cụ để con người đạt tới Nước Trời. Cuối cùng, Đức Giêsu đã đưa ra một hình ảnh đối lập giữa anh nhà giàu và Ladarô nghèo khó. Hai hình ảnh này như một lời mời gọi con người hãy chia cơm sẻ bánh cho người đói rách (x.Lc 12, 33-34), hãy biết dùng của cải để giúp đỡ người khác như một cách thức làm giàu kho tàng trên Trời, và ai thực hành tất cả những điều này thì sẽ được vào nơi ở vĩnh cửu. 
Chiêm ngắm Đức Giêsu trước giáo huấn về việc sử dụng tiền của trong lối sống của người môn đệ, mỗi người tu sĩ được mời gọi nhìn lại đời sống của mình trong khuôn khổ của lời khấn Khó nghèo. Qua giáo huấn ấy, người tu sĩ được thúc đẩy để sống triển nở hơn đời tu của mình trên những khía cạnh sau:
Thứ nhất, là sống sự trung tín trong việc sử dụng tiền của, đây cũng là điều kiện đầu tiên kiến tạo sự bình an trong tâm hồn và nhất là để phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Là một kitô hữu và hơn nữa là một tu sĩ, họ không chỉ được mời gọi sống trung tín trong bổn phận của một kitô hữu, nhưng còn được mời gọi trung tín trong những cam kết mà người tu sĩ đã kí kết với Thiên Chúa qua lời khấn dòng. Với lời khấn khó nghèo, người tu sĩ được thúc đẩy để sống ý thức hơn tinh thần của người môn đệ “đừng mang bao bị, giày dẹp hay tiền đồng giắt lưng….” (Lc 10,4) và nhất là sống sự trung tín trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu-Đấng đã sống nghèo khó cách triệt để qua mầu nhiệmTự Hủy.
Thứ hai, là thái độ dứt khoát với của cải vật chất. Thật vậy, của cải vật chất dễ làm cho người tu sĩ dính bén và an yên trong những bảo đảm của cuộc sống. Tuy nhiên, sứ mạng của người môn đệ không cho phép họ dừng lại trên những tiện nghi của vật chất, nhưng mời gọi người tu sĩ dám mạnh mẽ bước ra khỏi những bảo đảm để bước vào sự bấp bênh của đời tu trong Thiên Chúa. Hiến Chương hội dòng Mến Thánh Giá điều 21 cũng nói đến khía cạnh pháp lý của lời khấn khó nghèo mà mỗi nữ tu Mến Thánh Giá cam kết đó là, “chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào Bề trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải”. Hơn nữa, khi quá đam mê và bận tâm về tiền của, người tu sĩ sẽ dễ biến nó thành ngẫu tượng của đời mình và tìm kiếm những giá trị trần tục. Chỉ khi dứt khoát với tiền của người tu sĩ mới dám dấn thân cách sâu xa trong sứ mạng của Dòng với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã sống trọn vẹn sự nghèo khó.
Thứ ba, là việc sống chứng tá đức ái và nghèo khó Phúc âm qua việc phục vụ người nghèo, đây cũng là một đòi hỏi quan trọng cho sứ mạng của người môn đệ. Bởi chưng, thách đố của con người hôm nay là ở yên trong những bảo đảm, mải miết thu tích tiền của mà quên đi những người nghèo bên cạnh mình, giữa thách đố ấy, người nữ tu được mời gọi đi ngược với thế gian để làm chứng cho đức ái của Tin Mừng theo linh đạo Mến Thánh Giá. Mặt khác, khi sống đức nghèo khó thánh hiến giúp người tu sĩ sẽ ý thức hơn mình thuộc về Thiên Chúa và thuộc về Hội dòng, để rồi họ cũng dễ dàng đến với những người nghèo, đặc biệt là những người anh chị em dân tộc thiểu số để cùng sống, cùng chung chia với họ trong tất cả những khó khăn, thiếu thốn.
Giữa xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ, ai ai cũng muốn chiếm hữu cho mình những giá trị vật chất và nhất là thủ đắc những tài sản giá trị. Giữa lối sống ấy, người tu sĩ càng được mời gọi ý thức hơn về giá trị của bậc sống mà họ đã chọn lựa, bởi chưng không thể tồn tại những tu sĩ Thượng lưuhay tu sĩĐại giatrong Giáo hội, vì đó thực sự là một phản chứng của Tin Mừng. Hơn nữa, sống khó nghèo không làm giảm đi giá trị của người tu sĩ, nhưng giúp tâm hồn họ được bình an, mà tất cả những điều ấy đều không mua được bằng tiền, nhưng nó là kết quả của một tâm hồn tự do và một trái tim thanh thoát. Và chỉ khi ý thức sống sự nghèo khó của đời tu, người tu sĩ mới có thể sống sự tín thác vào Thiên Chúa trong sứ vụ của mình, để rồi người tu sĩ không bị ràng buộc bởi những giá trị vật chất nhưng lệ thuộc vào Thiên Chúa và Hội Dòng cách trọn vẹn. Thật vậy, Đức Giêsu đã mạnh mẽ khẳng định rằng, “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa tiền của được” (Lc 16,3), đó cũng là một đòi hỏi cho những tâm hồn thành tâm thiện chí mà người tu sĩ phải xác định lại mỗi ngày để sống đúng vai trò và bản chất của một tu sĩ trong hành trình bước theo Đức Kitô khó nghèo.

 
Bông Hồng Nhỏ
Học viện K5-Hội dòng MTG Hưng Hóa
Thông tin khác:
Chút Dại Khờ (21/02/2025)
Qua Bờ Bên Kia (19/02/2025)
Thập Giá - Niềm Vinh Dự Đời Con
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log