Thứ bảy, 23/11/2024

Phải Chăng Thiên Chúa Có Một Ý Muốn Đặc Biệt Trên Mỗi Người Chúng Ta?

Cập nhật lúc 08:21 06/12/2020

…Từ tổ phụ Áp-ra-ham đến thánh Phê-rô, lịch sử cứu độ đầy những mẫu người được mời gọi sống một đời sống mới để chu toàn một sứ mạng nhất định, thường được biểu hiện trong việc đổi tên : từ nay, người ta sẽ gọi ngươi là Áp-ra-ham, Israel, Phê-rô. Sứ mạng của ông Mô-sê, của ông Giê-rê-mi-a hay là Phao-lô như thể chiếu theo một ý muốn đặc biệt của Thiên Chúa, đến độ cuộc đời các ông mang một dấu ấn riêng kéo theo một nỗi cô đơn thật sự. Phải chăng đó là những định mạng ngoại lệ, hay đó là những mẫu đời mà tất cả chúng ta cũng đều được kêu mời phải sống ?
Một câu hỏi đặt không đúng cách
Có linh mục, nhà giáo nào có trách nhiệm giúp giới trẻ đứng trước ngã ba đường mà không có ngày gặp những chàng trai, những cô gái đầy hy vọng mà cũng hoang mang, đến hỏi mình: “Con phải lựa chọn một hướng đi, muốn thể hiện thánh ý Chúa, nhưng con không muốn sai lầm – sẽ nghiêm trọng lắm. Nhưng con không biết Chúa chờ đợi con điều gì, nên con đến gặp cha/dì, để xin cha/dì giúp con làm thế nào biết được điều đó một cách chắc chắn.”
Không có cách chi trả lời một vấn nạn như vậy được, mà làm bộ trả lời thì chí ít phải coi là cả gan lắm. Ai có thể tự đặt mình ngang hàng với ý muốn Thiên Chúa như vậy? Việc phân định – tuy là quan trọng, như chúng ta sẽ thấy – không cho chúng ta biết rõ nguyên trạng các dự định của Chúa về đường đời của chúng ta; nó giúp chúng ta có thái độ nhuần nhuyễn để nhận ra, trong số các nguyện vọng và mơ ước của chúng ta, cái nào là xuất phát tự Thần Khí Chúa Ki-tô; hai việc khác nhau nhiều!
Chúng ta chỉ có thể trả lời cho các người trẻ ấy rằng: “Ý Chúa không phải trước hết là con phải chọn cái này hay cái kia; ý Chúa là con dùng sao cho đúng đắn những gì con có, là sau khi đã suy nghĩ cách trung thực, không lệ thuộc vào tính ích kỷ hoặc sợ hãi, đích thân con chọn lấy phương cách phong phú nhất, hạnh phúc nhất, làm cho đời mình được thành tựu. Với vốn liếng con người của con, với quá khứ, lịch sử đời con, những người con đã gặp gỡ, những gì con đã ý thức về các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, chính bản thân con có thể trả lời như thế nào để hưởng ứng các lời mời gọi con đã đọc ra trong Tin Mừng? Điều Thiên Chúa chờ đợi nơi con không phải là con chọn đi con đường này hay con đường nọ – như thể đó là con đường Chúa đã tiền định tự ngàn đời con phải đi -, mà là ngày hôm nay, con sáng tạo một cách thức hưởng ứng trước sự hiện diện và tiếng gọi của Chúa!”
Vậy đây không phải là vấn đề khám phá và hoàn thành một chương trình đã được thiết kế sẵn, nhưng là khơi dậy thái độ trung tín. Kinh nghiệm cho biết đây là một cuộc biến đổi khá triệt để và nó cần có thời gian.
Một cuộc hoán cải trong chiều sâu
Nơi chúng ta có phần nào đó còn gắn bó với một gương mặt Thiên Chúa đã bị bóp méo. Đó là một Thiên Chúa toàn năng, thấy hết, biết hết mọi sự, điềm nhiên toạ thị khi lịch sử loài người diễn ra trước mắt như một màn kịch không có gì là bất ngờ, chờ cho hết thảy chúng ta đóng hết các vai diễn mà Người như thể đã phân chia tự ngàn đời. Không ai nói ra sóng sượng như thế đâu, nhưng trong thâm tâm và đằng sau bộ não chúng ta thì có những hình ảnh không mấy khác…
Đúng là có một kế hoạch của Thiên Chúa về loài người; các thư thánh Phao-lô, lời tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an, đã cố gắng diễn đạt kế hoạch ấy: “Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1, 4-5)… “Những ai đón nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).
Kế hoạch này của Thiên Chúa không phải là quyết định của một ý muốn thần thiêng hoàn toàn tự do nào đó, đây là một kế hoạch cứu độ diễn tả bản chất tối hậu của Thiên Chúa: tình yêu tự trao tặng và tự thông ban. Đây là cách thức diễn đạt tình hiệp thông mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mở ra đón nhận cái khác mình vào trong tình yêu của mình. Kế hoạch Giao Ước này bao gồm toàn bộ lịch sử và toàn thể nhân loại, nhưng bởi vì nó là ý muốn giao ước, nguyện vọng hiệp thông, nên nó chỉ đến với những con người tự do.
Vậy Thiên Chúa thật sự có một nguyện ước liên quan đến mỗi người chúng ta một cách riêng biệt. Nếu Thiên Chúa biểu lộ chính mình qua Ngôi Lời, qua lời Người, ấy là để được mỗi người chúng ta nghe thấy. Nếu Người kêu mời chúng ta làm con của Người trong Người Con Một, ấy nghĩa là Người chờ đợi chúng ta nói lên lòng mình trong một lời đáp, phúc đáp lời Người.
Lời đáp ấy, Người mong được nghe thốt lên tự đáy lòng mỗi người chúng ta. Khi Người tỏ lộ tình yêu, Người khơi nguồn cho nó nảy sinh: chính chúng ta phải nói lên tiếng lòng của mình, không đợi Người phải nói trước để ta lặp lại sau.
Còn có thể nói cách khác nữa là khi tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người, Thiên Chúa kêu mời chúng ta, mỗi người cách riêng, làm cho hình ảnh ấy trở nên một bức phụ họa đặc biệt. Cũng như Chúa Giê-su đã cho hình ảnh của Cha Người một khuôn mặt phàm nhân đặc biệt, cho lời của Cha một âm sắc đặc biệt, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi phản chiếu trong đời mình sự thánh thiện của Cha.
Chúng ta sống trước nhan một vị Thiên Chúa không hề là cái máy vi tính cực mạnh đa năng về lập trình và có bộ nhớ ghi giữ hàng tỷ vận mạng cá nhân, mà ta phải run rẩy sợ hãi bấm nút để truy cập dữ kiện về tương lai của mình. Người là Tình Yêu đã đánh liều vẫy gọi chúng ta đi vào cõi sống, với những điểm tương đồng cũng như dị biệt, để trao tặng cho ta tương quan kết ước và hiệp thông. Chúng ta phải hoán cải trở về với gương mặt này của Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn biết vị trí đích thực của mình đối diện với Thánh ý của Người. Bấy giờ chúng ta không phải nhận biết Người như một bạo chúa phán ra một lệnh truyền hay một định mạng, nhưng như một tiếng gọi kêu mời chúng ta cùng sáng tạo với Người.
Để làm một công trình sáng tạo
Lời đáp mà chúng ta thưa với Chúa không thấy viết ở đâu hết, không có trong sổ trường sinh, ngay cả trong tim của Chúa cũng không có, trừ phi dưới dạng một niềm chờ mong và hy vọng – hy vọng về một cái gì Người chưa thấy, mà chúng ta thì sẽ cho nó một hình dáng, một khuôn mặt. Điều trọng đại cũng như cái may rủi của một đời người là ở đó: khơi dậy niềm vui trong lòng Thiên Chúa, bằng một lời đáp sáng giá và quảng đại.
Các lựa chọn của chúng ta bấy giờ không phải được tạo dựng từ hư không. Chúng ta có những vật liệu để chuẩn bị chọn lựa, là các yếu tố làm thành hoàn cảnh sống của mình: tính khí và đoạn đường đời mình đã đi qua. Chúng ta không làm được hết mọi sự, nhưng chúng ta có thể cho cái được coi chỉ là định mạng một ý nghĩa và một khuôn mặt. Trong nỗ lực sáng tạo riêng của mình để đáp lời kêu gọi của Thiên Chúa, có Thần Khí đến trợ lực chúng ta, không phải như một nguồn lực áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một nội lực mà thái độ đón nhận lời Chúa và tham dự vào đời sống Giáo Hội đã khơi nguồn nơi chúng ta.
Tin Mừng sẽ không truyền lệnh về điều chúng ta phải chọn lựa, nhưng mở rộng chân trời cho tâm hồn đầy khao khát của chúng ta: “Luật dạy người xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết … Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (Mt 5,21; 6,33) … Thầy muốn Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó … Ý của Cha Thầy là anh em sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 14,3; 15,16). Tin Mừng sẽ không chỉ định điều chúng ta phải làm nhưng mời gọi chúng ta nhắm tới đức ái hoàn thiện trong mọi việc chúng ta làm: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện … Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em … Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình …” (Mt 5, 48; Ga 15, 12; Mt 18, 35).
Giáo Hội cũng vậy, có thể kêu gọi chúng ta… nhận các tác vụ, sống đời thánh hiến, phục vụ dưới hình thức này hay hình thức khác, nhưng dù cho các nhu cầu là thế nào đi nữa, Giáo Hội cũng sẽ không bao giờ đưa một ai dấn bước vào một con đường đặc biệt nào mà không chắc chắn có sự đồng ý của người đó. Để nâng đỡ sự đáp ứng của chúng ta, Giáo Hội nối kết chúng ta với một đoàn chứng nhân đông đảo và dạy chúng ta nhận ra trong số người đó những anh chị em của mình. Cuộc đời và các lựa chọn của các ngài có đó trước mắt chúng ta như những vẫy gọi, không phải để chúng ta bắt chước y hệt, mà là để chúng ta theo dấu chân các ngài. Phan-xi-cô Á-xi-di, I-nhã, Tê-rê-xa… mỗi vị là độc nhất vô nhị và vô phương bắt chước, nhưng cuộc đời các ngài mời gọi chúng ta, đến lượt mình, cũng hãy sáng chế ra một cách đáp ứng sẽ làm vinh danh Thiên Chúa. Và nếu cố tìm xem lại những gì các ngài đã sống, chúng ta sẽ thấy rằng trong đời các ngài chẳng có gì là tính trước hoặc lên chương trình sẵn cả.
Các thánh đã hết lòng tìm ý Chúa, được ý thức sắc bén rằng tình yêu Chúa đã đi bước trước, luôn đưa đường dẫn lối cho mình, một tình yêu mà cả đời, các ngài khám phá không hết để dâng lên lời cảm tạ. Để chọn lựa, các ngài đã mò mẫm, do dự, có lúc nghi ngờ, để cuối cùng phó thác cho Thần Khí Chúa dẫn đưa đến Nước Chúa. Từ những biến cố đủ loại, các ngài đã biết làm ra những cái phúc, tôn vinh Chúa khi bị thử thách cũng như lúc thành công. Chúng ta trầm trồ thấy trong đời các ngài có sợi chỉ đỏ, có tính nhất quán – thật ra những điều này chỉ xuất hiện sau khi việc đã rồi, khi có thể đưa mắt nhìn lại đoạn đường đã đi qua trong mò mẫm khó khăn. Ví dụ hãy nghĩ lại xem những lần chọn lựa, cái này rồi cái nọ, đã đánh dấu hành trình thiêng liêng của Cha Charles de Foucauld. Đặc điểm của cuộc đời các thánh không phải là một bảng lập trình sít sao cho bằng là những phản ứng thiêng liêng sáng giá của các ngài trước các biến cố bất kỳ loại nào, dù đó là loại bất ngờ nhất.
Có khi người ta không hiểu đúng câu nói của Pascal: “Các biến cố là những bậc thầy mà Thiên Chúa gởi đến để giúp chúng ta phụng sự Người.” Không nên cho nó nói hơn điều nó muốn nói. Các biến cố không phải là một cái khung để Chúa nhốt chúng ta vào trong; không phải các biến cố chế ra thánh nhân. Nó là thứ vật liệu được trao vào tay chúng ta để chúng ta gầy dựng phúc đáp của mình. Phúc đáp mang dấu ấn của vật liệu được sử dụng, nhưng còn mang dấu ấn sâu đậm hơn nữa của kiến trúc sư có trách nhiệm về nó, là chính chúng ta. Không thể làm hết mọi sự từ mọi thứ vật liệu, nhưng có thể làm cho một cuộc đời biến thành một tác phẩm. Tình yêu có thể khơi nguồn cho thánh thiện tuôn ra trong những hoàn cảnh tệ nhất: đây là chứng từ khó quên của những vị đã hiến đời mình để làm bạn với những kẻ sống bên lề xã hội, với hạng người bị mất tất cả, với đám dân bị loại.
Chúng ta tự hỏi có nói được rằng Thiên Chúa có một ý muốn đặc biệt trên mỗi người chúng ta hay không. Khi cho chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nên nói chính xác hơn rằng có một phúc đáp riêng của từng người trong chúng ta để hưởng ứng nỗi niềm ao ước của Thiên Chúa.
Để đôi bên tự do đối thoại với nhau
Tình yêu Thiên Chúa đi trước chúng ta; chúng ta không sao ý thức cho hết điều này để cám ơn Người. Nhưng, như thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta, tình yêu này “đã hoàn toàn trút bỏ chính mình” (Pl 2,70) trước cái tự do của chúng ta, bởi Người đã vì chúng ta mặc lấy thân phận người Tôi Tớ. Có nghĩa là khi mời gọi chúng ta đi vào tình hiệp thông, Thiên Chúa không ước ao điều gì khác ngoài việc thánh hiến tự do của chúng ta, tặng cho nó một chân trời thênh thang bát ngát để nó được triển nở vô hạn định: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em … Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,4.11). Nếu quả thật Thiên Chúa có một mong ước trên đời ta, đó trước hết là được thấy chúng ta sinh hoa trái: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Không thể làm nổi bật rõ ràng hơn niềm khát mong đã có trước và hoài bão sâu thăm thẳm của Thiên Chúa: được thấy chúng ta đảm nhận trọn vẹn tự do của mình. Cũng như tình yêu khơi dậy tình yêu, tự do đánh thức tự do: tự do của Thiên Chúa đánh thức tự do của con người.
Vì vậy, để đánh giá mức độ thiêng liêng của lời đáp tôi thưa với Thiên Chúa, còn phải xem xét nó từ quan điểm của chính con người tự do của tôi nữa. Phúc đáp của tôi có phải là thành quả của một tự do sâu xa không, nó có diễn tả một cuộc sống thật sự tự gánh vác lấy mình không? Tôi sẽ nhận thấy quyết định của tôi phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, nếu tôi có thể nói rằng nó làm cho tôi tự do hơn, nghĩa là nếu nó làm cho cuộc đời tôi có trước có sau và có ý nghĩa, nếu nó thống nhất quá khứ của tôi bằng cách cho nó có một tương lai. Ở đây chúng ta đụng đến một trong những đặc điểm sâu xa nhất của một quyết định có tính cách thiêng liêng. Nó sẽ thống nhất những gì trước đây chỉ là những nét chấm phá nối tiếp nhau. Nó sẽ đan kết trong ký ức tôi những liên kết mà trước đây tôi chưa kịp nhận thấy, sẽ làm cho các mối dây ân phúc trong đời tôi, vốn như bị đứt đoạn do những phen lầm lỡ, lại được nối liền với nhau như mới. Đồng thời nó mở ra cho tôi một tương lai, và quá khứ nhờ đó được thống nhất lại sẽ cho xuất hiện thêm những khả năng mới. Cái gì trước đó bị coi như không thể có và vô lý thì nay trở thành điều đương nhiên. Lúc thánh I-nhã Lôi-ô-la quyết định đi học sau khi từ Giê-ru-sa-lem trở về, cái lựa chọn này thống nhất cả một quá khứ tràn đầy ân sủng, quanh cái trục là một thôi thúc linh diệu được nhìn nhận là căn bản: ao ước giúp các linh hồn. Lựa chọn ấy đồng thời mở rộng một tương lai, tuy chưa được thánh nhân nhận ra, nhưng nó sẽ trở thành một tất yếu của lựa chọn: việc thành lập Dòng Tên.
Thật sự có thể nói rằng việc thành lập này hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương dọn đường và chỉ đường cho thánh nhân trong tất cả mọi giai đoạn đời ngài. Còn các tu sĩ Dòng Tên thì có thể nói đó là công trình của thánh I-nhã, của lòng quảng đại, trung thành và óc sáng suốt của ngài: công trình này mang dấu ấn sự tự do của ngài. Vậy có bắt buộc phải nói đó là ý muốn của Thiên Chúa không? Chúng ta cảm thấy rằng ở đây trả lời cách nào cũng nói bên lề sự thật cả: sự thật đây là một cơ duyên, là tình hiệp thông giữa hai con người tự do có mặt bên nhau để cùng thực hiện một công trình chung.
Để mưu ích cho toàn thân thể
Khi nói Thiên Chúa có một ý muốn đặc biệt trên mỗi người chúng ta, có một điểm phải nêu cho rõ. Trong Kinh Thánh, ơn gọi nào cũng mang tính chất cá nhân: những con người, một đoàn dân. Nhưng thánh Phao-lô sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng mọi ân sủng đều được ban cho để mưu ích cho toàn thân thể. Nếu muốn gợi lại đại cương của lịch sử cứu độ thì sẽ thấy xuất hiện các tên người: Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, các ngôn sứ, Giê-su. Mỗi tên riêng với một vận mạng riêng, rất đặc thù, nhưng không có một tên riêng nào có ý nghĩa nếu không xét chỗ đứng của nó trong lịch sử chung. Chỉ trong mầu nhiệm các thánh thông công mới có các thánh, và trong cuộc hành trình của dân Chúa tiến về Nước Trời.
Vì thế, nhận định thánh ý Chúa trên đời tôi luôn luôn có nghĩa là tự hỏi đâu là vị trí của tôi trong Thân Mình Đức Ki-tô. Không phải vị trí đã sắp sẵn cho tôi, nhưng vị trí mà tôi có thể, mà tôi ước ao có được. Tôi sẽ là loại chi thể nào để mưu ích cho toàn thể Thân Mình của Chúa? Ở đây cũng vậy, câu đáp là việc của tôi, và Thiên Chúa chờ đợi tôi đáp lời, một lời đáp quảng đại và mới mẻ, để Người được vui mừng trước tinh thần liên đới của tôi, cũng như đã vui mừng trước tự do của tôi vậy.
Chúng ta có phải là đối tượng của một ý muốn đặc biệt của Thiên Chúa không?
Chúng ta phải nhận ra trong đời mình những tiếng gọi của Thiên Chúa, và thật vô lý nếu nói không có tiếng gọi nào. Thiên Chúa không ngừng tạo dựng chúng ta bằng Lời của Người, chúng ta chỉ tồn tại trong Lời ấy, Lời mời gọi chúng ta đi vào cuộc sống ngày hôm nay. Phần chúng ta là nhận ra, trong những lời nói đến từ tứ phương thiên hạ, những lời diễn tả Lời sáng tạo của Chúa, y như một đứa trẻ bắt đầu chăm chỉ lắng nghe những chữ những câu mời gọi nó ra khỏi chính mình. Thường khi, chính bằng cách thử đọc lại cuộc đời mình dưới cái nhìn của Chúa, bằng cách hồi tưởng lại tình yêu và lòng thành tín của Người đối với chúng ta, mà chúng ta trở thành nhạy bén đối với các tiếng gọi của Người. Còn hơn là một ý muốn rõ rệt, được viết thành luật sống, những tiếng gọi này sẽ nói lên ước muốn của Thiên Chúa, lòng chờ mong và niềm hy vọng của Người: được thấy chúng ta từ từ phát minh lời đáp của chúng ta. Vậy chúng ta sẽ có thể đón nhận mà không hoang mang các do dự, thất bại và những gì còn úp úp mở mở trong các lựa chọn của chúng ta. Như Emmanuel Mounier đã nói: “Thiên Chủa đủ vĩ đại để biến cả những sai lầm của ta thành một ơn gọi”.
Có nhiều chỗ ở trong nhà Cha, Cha đợi chờ chúng ta xây nhà mình nơi đó, và Cha làm việc với chúng ta.

(Trích dịch bài của Michel Rondet SJ-Christus Octobre 1989);
Người dịch: Marie-Amélie Nguyễn Thị Sang,CND-CSA

Nguồn: dongducba.net
Thông tin khác:
Bài Hát Dâng Hoa (02/07/2018)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log