Chủ biên: NT. Marie Fiat Tuyết Mai, MTG
Năm 2022
Tài liệu này góp nhặt các câu tâm đắc, rút ra từ giáo huấn, tâm tình, trải nghiệm, thao thức, ước mơ kể cả sự phân định và lựa chọn của Đức cha Lambert de la Motte trong hành trình truyền giáo cũng như trong kinh nghiệm gặp gỡ và bước theo Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Mỗi một thư Cha viết, mỗi bản ký sự Cha gửi về Paris hoặc Rôma, mỗi trang nhật ký, đều chứa đựng những tư tưởng sâu sắc, những bài học phong phú vừa gợi ý suy tư về ý nghĩa của từng bậc sống khác nhau trong Giáo hội, vừa hướng chị em đến ‘tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa’.
Mặc dù mỗi chị em Mến Thánh Giá có những sở trường riêng, yêu thích các câu hoàn toàn khác nhau, thế nhưng khi đúc kết chung, có những câu được nhiều chị em cùng tâm đắc, cùng chọn lựa. Chắc hẳn các câu đó mang âm hưởng đặc biệt, gắn liền với đời sống thánh hiến trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Chúng ta sẽ thấy một dấu sao (*) ở cuối các câu này.
Xin cảm ơn quý Chị Mến Thánh Giá Huế, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và các bạn đã góp phần hình thành tập sách này.
Ước mong các lời dạy của Cha thắp lên một tia sáng mỗi ngày, để chị em ngày càng xác tín và vững bước trên hành trình hiến dâng, phục vụ trong linh đạo và đặc sủng Chúa ban cho Dòng Mến Thánh Giá qua Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập kính yêu.
KÝ HIỆU VIẾT TẮT
AMEP: Archives des Missions Étrangères de Paris (Văn khố Hội Thừa sai Paris)
HHTH MTG: Hiệp hội Tín Hữu Mến Thánh Giá
GM: Giám mục
Lưu ý: Các câu di ngôn của Đức cha Lambert được sắp xếp theo chủ đề, có một vài câu nội dung phong phú, được lặp lại nơi chủ đề khác.
Phần I - LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ 1. Chắc chắn là khi một tâm hồn chỉ chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, tâm hồn sẽ kết hợp với Thiên Chúa theo một cách thức đặc biệt hơn và phù hợp hơn với cuộc đời lữ thứ chúng ta đang sống. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 695
2. Chỉ người nào đã trải nghiệm một đời sống chịu đóng đinh, mới sở hữu được khoa học này nhờ ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa, và có thể nói đời sống đó nghĩa là gì. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 729
3. Chúa ban cho chúng con những lợi thế để từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá và theo Chúa Giêsu Kitô, sự hoàn hảo Kitô giáo hệ tại nơi điều này.
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
4. Có rất ít người, theo bậc sống, thông dự thật sự vào nhân tính thánh thiện, đau khổ, chịu đóng đinh, hiến tế và mang đầy tâm tư của Con Thiên Chúa. *
Thư gửi ông Duplessis, 06.3.1663, AMEP, T. 861, tr. 2
5. Không ai có thể tưởng tượng được sự dồi dào phong phú, lòng thỏa nguyện cũng như tầm quan trọng cao cả đối với tình trạng này, đó là những tri thức muôn đời ẩn khuất đối với những ai chưa từng trải nghiệm những thánh giá cũng như niềm an ủi.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
6. Tất cả ân sủng và thánh đức nơi mọi người đã sống qua các thế kỷ trước, trong hiện tại, hoặc sẽ sinh ra cho đến tận thế, là hoa quả của Thánh giá Đức Giêsu-Kitô mà thôi. *
Luật HHTH MTG, AMEP, T. 663, tr. 10
7. Ngay khi việc suy niệm và noi theo Thánh giá Chúa Giêsu-Kitô được đề nghị cho những Kitô hữu tại đây, để thực hành hằng ngày, nhiều người đã ôm ấp điều đó với lòng trung thành không thể ngờ được. Như thế, họ đã thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý theo đúng cách Ngài muốn. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 758
8. Thật hết sức ngạc nhiên, khi người ta đi tìm ở đâu đâu những phương thế cần thiết cho việc nên thánh, mà không tìm nơi Thánh giá.
Luật HHTH MTG, AMEP, T. 633, tr. 10
9. Theo gương thánh Phaolô: tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Tuy nhiên, khoa học thần linh này chỉ đạt được nhờ thực hành.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 729
Phần II - NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ 10. Đời sống của Những Người Mến Thánh Giá hiện ra với tôi tuyệt đẹp đến nỗi nếu tôi gặp họ bất kỳ ở đâu, tôi sẽ cố gắng hết sức, với bất cứ giá nào, để là thành viên trong một tổ chức như thế.
Nhật ký Nguyện ngắm, 3.11.1663, AMEP, T. 116, tr. 559
11. Trong giờ nguyện ngắm, Chúa cho biết trên đời này không có gì làm sáng danh Thiên Chúa hơn việc thành lập Hội Tông Đồ và Hội Mến Thánh Giá. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
12. Vì ý định của Chúa khi chịu chết để cứu độ con người là buộc họ chết đi đối với chính mình và chỉ sống cho Chúa... bổn phận của chủ chăn là phổ biến cho các tín hữu chân lý rất ít được biết đến này... *
Ký sự, AMEP, T. 677, tr. 209
13. Từ nhiều năm nay, chúng tôi tìm những phương thế có thể dẫn đưa các tín hữu đến công cuộc cao cả [2 Cr 5, 15], và chúng tôi cảm thấy được thôi thúc nên thành lập ở khắp mọi địa sở thuộc các miền truyền giáo Hội Những Người Mến Thánh Giá.
Ký sự, AMEP, T. 677, tr. 209
14. Chúa muốn Hội Mến Thánh Giá được thiết lập không chỉ cho các thừa sai và cho các vùng truyền giáo này, mà còn cho tất cả mọi người. *
Thư gửi ĐC Pallu, 1668, AMEP, T. 876, tr. 556
15. Tôi biết ý định của Con Thiên Chúa trong việc thiết lập Hội Tông Đồ và Hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, đó là tái hiện những nỗi đau và ân sủng nơi cuộc Thương khó của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 759
16. Một vài tâm hồn say mê con đường này, đã tha thiết khấn xin thành lập một Hiệp hội gồm những người cam kết đi theo con đường ấy suốt đời. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 757
17. Dù việc thực hành của mọi người trong các bậc sống đều giống nhau, tuy nhiên họ có những quan niệm và động lực khác nhau trong hành động. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
18. Những người được diễm phúc gia nhập Hội Mến Thánh Giá, Chúa ban cho họ mọi ân huệ, và nếu họ trung thành thực hiện những nghĩa vụ, người ta sẽ thấy ân sủng, lối sống, cách hành xử của họ khác xa biết bao so với những Kitô hữu khác, đến nỗi mọi người sẽ nhận định về họ như ngày xưa dân ngoại nói về những người It-ra-en: Đây chính là Dân Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 759
19. Vì lối sống này là họa ảnh hoàn hảo của cuộc đời Chúa Giêsu-Kitô trên dương thế, và nó phải mô phỏng và giới thiệu đời sống đau khổ của Chúa cho mọi người, để họ đưa ra làm mẫu gương, tôi hình dung có thể gọi tổ chức này là Hội Mến Thánh Giá. *
Nhật ký Nguyện ngắm, ngày 6.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 554
20. Việc thực hành đạo đức này[1] đem lại biết bao ân sủng trong các vùng ở đây, đến nỗi những người có diễm phúc trải nghiệm điều đó đều vô cùng hối tiếc vì đã bắt đầu quá trễ. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 758
21. Những Người Mến Thánh Giá dùng kinh nguyện và việc sám hối làm cho ý định của Con Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người đạt được hiệu quả, không những đối với lương dân, mà còn đối với những người sống trong tội lỗi.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 757
22. Mục đích riêng biệt của Hội Mến Thánh Giá thánh thiện là chứng tỏ một tâm tình tri ân đặc biệt đối với Chúa Giêsu-Kitô chịu đóng đinh, chịu chết để cứu chuộc toàn thể nhân loại.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 757
23. Mục đích chính yếu cho việc thành lập Hội Mến Thánh Giá là phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 758
24. Mong sao cho các thành thị cũng như xóm làng đều có một số tín hữu không những hằng ngày suy gẫm, mà còn thông phần thực sự vào các đau khổ của Đức Giêsu-Kitô bằng một việc hãm mình cụ thể.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 758
25. Những Người Mến Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô chuyên chú suy niệm cuộc Thương khó và thông dự vào những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời.
Luật Tiên Khởi, AMEP, T. 677, tr. 209
26. Đối với những người thuộc Hội Mến Thánh Giá, nếu họ đi theo Con Thiên Chúa bằng sự từ bỏ chính mình, vác thập giá bản thân mà tiến bước trên đường Núi Sọ suốt cả cuộc đời, họ sẽ chu toàn thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo theo đúng ơn gọi của mình. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
27. Các nghĩa vụ đề ra cho Hội Mến Thánh Giá thích hợp với mọi bậc sống trong Giáo hội.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
28. Những người khởi sự sẽ tìm thấy trong các nghĩa vụ của Hội Mến Thánh Giá phương thế tuyệt hảo giúp chế ngự tật xấu và tập luyện nhân đức.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
29. Những người đang tấn tới tìm thấy trong các nghĩa vụ của Hội Mến Thánh Giá phương thế kết hợp với Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
30. Những người sống trọn lành sẽ tìm thấy trong các nghĩa vụ của Hội Mến Thánh Giá phương thế đạt tới sự hiệp nhất mật thiết với Đức Giêsu-Kitô chịu khổ nạn.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
31. Những người Mến Thánh Giá sống trọn lành hành động bằng chính hoạt động duy nhất của Đức Giêsu-Kitô đang hoạt động và chịu đau khổ trong họ; phần họ, chỉ đơn giản xem mình là thừa tác viên của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
32. Tôi cũng nhận được sự mãn nguyện khôn tả, vì thấy rằng Hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô sẽ rất đông và vô số người với đời sống nhân đức hiếm có, thuộc mọi phái tính, mọi địa vị, mọi quốc gia sẽ xin gia nhập.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
33. Tôi nhận được một trực giác rất có lợi cho các trinh nữ thánh thiện cũng như những người khác, tuy không thể tiến cử lên chức thánh, nhưng vẫn có thể được kêu gọi gia nhập Hội Tông Đồ, vì họ không ngừng nhận được ơn cộng tác trong việc đưa lương dân và người tội lỗi về với Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
34. Một số phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, từ lâu đã tự nguyện khấn giữ đức khiết tịnh, khi nghe biết nếp sống của Hội Mến Thánh Giá thì nghĩ rằng, đối với biết bao ân huệ Thiên Chúa ban, họ không có cách nào tri ân Người hơn là gia nhập hội đoàn thánh thiện này.
Luật Tiên Khởi, AMEP, T. 677, tr. 209
35. Chính tình yêu Chúa Giêsu-Kitô thôi thúc, một số phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài tỏ rõ lòng nhiệt thành muốn biết phải làm thế nào để hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa.*
Luật Tiên Khởi, AMEP, T. 677, tr. 209-210
36. Mục đích chính của Tu hội các con là tiếp nối nơi bản thân cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu-Kitô, và hằng ngày dâng việc suy niệm, cầu nguyện, nước mắt, các việc làm và hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu tội lỗi được ơn ăn năn trở lại.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216
37. Các con không còn thuộc về mình nữa, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu-Kitô, vì đã hiến dâng trọn vẹn cho Người.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, tr. 216
38. Từ nay các con chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu và yêu mến Chúa Giêsu-Kitô, nhờ suy niệm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, tr. 216
39. Nếu các con thật sự ước muốn đi theo con đường trọn lành này, các con sẽ đạt tới mức độ rất cao trong sự hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu-Kitô. Điều đó làm nên hạnh phúc đời này và đời sau.
Ký sự, AMEP, T. 677, tr. 216
40. Điều hết sức quan trọng là thực hành mọi việc trong vị thế của Chúa Giêsu-Kitô. Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được, nên dùng một số cá nhân do Người tuyển chọn và ban đầy Thần khí trung gian của Người, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216
Phần III - SỨ MẠNG LIÊN TỤC CỦA CHÚA GIÊSU 41. Ánh sáng ấy có hiệu lực dẫn tôi vào tình trạng được thôi thúc mãnh liệt dâng tiến, trao gửi và cống hiến thân xác tôi cho Chúa Giêsu-Kitô, để Người dùng mà thực hành các việc đền tội, hãm mình, và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác khổ cảm do chính Người mượn lấy. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 756
42. Ánh sáng con thường nhận được giúp con hòa hợp cách sâu sát với thái độ bên trong và bên ngoài của Đức Giêsu-Kitô đau khổ, để bằng cách đi vào trong mục tiêu và thực hành của Người, con hoàn tất theo khả năng bé nhỏ của mình, những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế.
Thư gửi cha Simon Hallé, AMEP, 15.7.1671, T. 854, tr. 221
43. Các nhà thừa sai Tông tòa là những tác nhân hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô do bậc sống.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
44. Các tông đồ và các môn đệ cần ân sủng vô song này[2] để có thể tiếp tục những hy sinh lao nhọc của Người cho đến tận thế. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
45. Cách thức hành động của Thiên Chúa trong chúng ta là triệt để: không còn vấn đề chúng ta muốn hay không, nhưng khi linh hồn nhận thấy hay cảm nghiệm được ý muốn của Thiên Chúa, nó quy hướng hoàn toàn về điều đó, không chỉ không đắn đo lưỡng lự, nhưng còn với một sự thỏa mãn khôn tả. * Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
46. Con có một ước muốn cực độ là nhận biết những con đường dẫn dắt cách hoàn hảo đến sự hiểu biết Chúa Giê-su Ki-tô và đến cái chết của Người. Vì thế mà con hết sức mong muốn được sát tế.
Thư gửi cha Le Faure, 2.1664, AMEP, T. 121, tr. 570
47. Chắc chắn những hoa quả này đến từ nguyên nhân của chúng, nghĩa là từ sự kết hợp của tâm hồn với Đấng là tất cả của mình.
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 72
48. Chỉ còn một việc là nhìn nhận sự khốn cùng vô tận của mình và đi vào trong sự hiệp thông với Thần Khí, là Đấng ban cho chúng ta những ân sủng trong mức độ cần thiết để sử dụng như mình ước mong cho vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi tha nhân.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
49. Chiêm ngắm Chúa Giêsu-Kitô và yêu mến Người như Thiên Chúa của tôi, Đấng bảo toàn tôi, Đấng Cứu chuộc tôi, Cha tôi, Thầy tôi, Hôn phu rất yêu quý của tôi, tất cả của tôi và như đối tượng duy nhất của những khuynh hướng tự nhiên hợp lý của tôi. *
Thư gửi cha Gazil, 11.2.1664, AMEP, T. 858, tr. 71
50. Chính sự chết và sự sống trong Đức Kitô đem lại mọi hiểu biết và khả năng cho một nhà thừa sai Tông tòa trong những công việc cao cả ngài thực hiện.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 653
51. Thiếu sự chết và sự sống trong Đức Kitô chắc chắn mọi hoạt động của nhà thừa sai Tông tòa sẽ bị thấm nhiễm tinh thần tự nhiên hay sự khôn ngoan thuần túy nhân loại là kẻ thù của đời sống Phúc Âm. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 653
52. Con không thể không dành nhiều giờ nguyện ngắm mỗi ngày, để sát tế tất cả các năng lực tâm hồn và thân xác con cho Chúa.
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.7.1671, AMEP, T. 854, tr. 221
53. Chúa Cứu Thế đã gặp thấy tâm thế sẵn sàng cần thiết nơi những con người tông đồ ấy, nên không những Người chiếm lấy các năng lực của tâm hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác họ, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc do Người thực hiện. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
54. Hãy bắt chước Con Thiên Chúa, Đấng đã thực sự quy hướng cái nhìn về sự chết, đến nỗi người ta có thể xem những hoạt động trong đời sống của Người như là sự chuẩn bị lớn lao cho hy tế đẫm máu Người hoàn tất trong ba giờ trên Thánh giá. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 695
55. Chúng tôi cầu xin tất cả các Thiên Thần và chư Thánh khẩn nài với Chúa, để Người vui lòng tiếp nối nơi chúng tôi các việc hy sinh trong cuộc đời đau khổ của Người. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 761
56. Các hội viên Mến Thánh Giá tự buộc mình mỗi ngày thi hành hy lễ ban chiều, để tưởng niệm Chúa Giêsu chịu thương khó và chết trên Thập giá; vì lý do này, Hội có thể mệnh danh cách chính đáng là Hội Những Người Mến Thánh Giá.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 554
57. Có trường hợp Chúa không tỏ lộ gì cả cho tâm hồn, trừ việc tâm hồn biết mình đau khổ do tác động của Ngài, và lúc đó, linh hồn ở trong tâm thế sẵn sàng làm hy lễ tinh tuyền.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 730
58. Còn điều gì có thể thi hành và hòa hợp thật sự với Con Thiên Chúa hơn là chấp thuận hủy bỏ mọi hoạt động, để chỉ nhận những gì được thực hiện trong chúng ta do tác động của Ân sủng ?
Thư gửi cha de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
59. Con hoàn tất, theo khả năng bé nhỏ của mình, những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, theo ý hướng của thánh Phaolô Tông đồ.
Thư gửi cha Simon Hallé, ngày 15.7.1671, AMEP, T. 854, tr. 221
60. Còn hoạt động nào thuần khiết hơn việc sử dụng toàn bộ hữu thể của mình cho Đấng đã chỉ tạo nên chúng ta cho Ngài ? Thư gửi cha de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
61. Con Thiên Chúa trao ban Thần Khí của Người cho các tông đồ và môn đệ trước khi lên Trời, nhờ tình yêu vô tận Đấng Cứu Thế dành cho Chúa Cha và lòng thương xót bao la dành cho loài người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
62. Con thưa với cha điều tỏ hiện trong con là Thiên Chúa nhân lành hoàn toàn làm chủ nội tâm chúng ta và mọi hoạt động của nó. *
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
63. Đấng Cứu Thế còn trở nên chủ nhân của thân xác họ để tiếp tục nơi họ cuộc đời lữ thứ và đau khổ của Người bằng nhiều hy sinh lao nhọc Người thực hiện theo ý muốn nhờ những lễ vật được thần hóa đó. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
64. Đâu là phương tiện để Chúa Giêsu-Kitô tiếp tục mầu nhiệm Nhập thể, đời sống đau khổ và cái chết ô nhục của Người cho đến tận thế, nếu không phải là chính Người hiệp nhất với những lễ vật thánh thiện mà Người đã chọn lựa cho mục đích này, để hoàn thành hy tế hoàn hảo của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
65. Ân huệ cao cả nhất Con Thiên Chúa có thể thực hiện trong cuộc sống này cho các Thừa tác viên của Tin Mừng, là tiếp nhận họ vào Hội Tông Đồ, bởi vì nhờ ân sủng vô biên đó họ trở thành những vị cứu thế làm một với Người. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 761
66. Đây là điều tôi khát khao mong muốn, tôi không ngừng tha thiết khẩn xin Chúa vui lòng tiếp tục trong tôi những mầu nhiệm khôn tả của đời sống và cái chết của Người.
Thư gửi cha Gazil và Fermanel, 19.01.1665, AMEP, T. 858, tr. 99
67. Để bù đắp cho những thiệt thòi trong đau khổ, Chúa Giêsu-Kitô ban cho linh hồn một sự kết hợp với tình yêu diễm phúc của Người ở mức độ cao nhất. Tâm hồn của người sống và chết trong trạng thái này thì hạnh phúc ngàn lần.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 730
68. Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta, sự hiệp nhất này phải được hiểu cách đặc biệt về những hoạt động mà một linh hồn đã hoàn toàn phó thác cho Thần Khí Đức Giêsu Kitô, đang thực hiện trong thế giới này và sẽ thực hiện liên tục với Ngài trong vĩnh cửu.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
69. Thi hành việc đánh tội[3] trong khoảng thời gian đọc Thánh vịnh Sám hối, để long trọng suy tôn Hy lễ Thánh giá cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là sự đau khổ. * Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 756
70. Điều lớn nhất trong tất cả những gì Chúa thông truyền cho linh hồn chính là các mầu nhiệm khôn tả: Nhập Thể và Thánh giá mà tâm hồn khẩn thiết cầu xin cho được thông dự vào.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
71. Tâm hồn xin thông dự vào mầu nhiệm khôn tả: Nhập Thể và Thánh giá để có thể tiếp tục những mầu nhiệm đáng tôn thờ này theo ý định của Chúa Giêsu-Kitô, bao lâu Người cư ngụ trong tâm hồn. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
72. Khi một người đánh mất mình trong Chúa, người đó được thông phần bản tính Thiên Chúa; và Thiên Chúa nhân hậu tỏ mình cho người đó bằng một cách thức mà người ta không thể giải thích. *
Thư gửi cha V. de Meur, AMEP, T. 121, tr. 528
73. Điều con nhận thấy thật tuyệt diệu hơn cả đối với sự ‘đồng dạng’, ‘đồng nhất’, và ‘thông dự vào thần tính’ của ý muốn, đó là khi có sự tương hợp giữa ý muốn của Thiên Chúa và con người, tâm hồn không ngừng lưu lại trong những tình cảm cao thượng nhất và sự tôn thờ sâu thẳm nhất đối với sự uy nghi tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. *
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
74. Đức Kitô hết sức đồng cảm với những người đang đau khổ, và nếu có thể được, chắc chắn Người sẽ chịu thay cho họ.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
75. Không ai có thể than phiền về điều mình không thể làm vinh danh Thiên Chúa, cũng không nói ân sủng Ngài ban quá ít, bởi vì người đó luôn có phương thế để bắt chước Chúa Giêsu-Kitô, bằng cách kết hợp với Người mỗi ngày, qua việc rước Mình Thánh Chúa, hoặc rước lễ thiêng liêng là việc có thể thực hiện liên tục. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
76. Người tông đồ hành động với cách thức hoàn toàn thụ động trong thâm tâm, tự xem mình như một thừa tác viên được Thần Khí Đức Giêsu Kitô và của Hội thánh linh hoạt.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
77. Mọi Kitô hữu phải hiểu rằng khi ở trong tình trạng ân sủng, Chúa Thánh Thần cư ngụ trong người ấy để tiếp tục nơi họ cùng những hoạt động mà Ngài đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
78. Mọi sự hoàn hảo của con người trong đời sống này, đó là nên giống Con Thiên Chúa và noi gương Người trong đời sống cũng như trong mọi hành động của Người.
Thư gửi cha de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
79. Một khi nhường quyền sở hữu và hưởng dùng các năng lực của tâm hồn cho Đức Giêsu Kitô, nhà thừa sai Tông tòa đi vào trong sự nghèo khó đích thực.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
80. Một linh hồn nhận ra Chúa gọi mình vào bậc sống diễm phúc này, không còn điều gì khác hơn phải làm trong suốt cuộc đời là vĩnh viễn sống trong sự hợp nhất với Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cư ngụ trong họ để hành động nơi họ theo ý muốn của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
81. Một người sống công chính được Chúa Cha Hằng Hữu yêu thương biết bao, vì người ấy nên một với Đức Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 712
82. Một thừa sai Tông tòa, vì được hợp nhất với Đức Giêsu-Kitô bằng một sự liên kết mà người ta không thể giải thích được, không còn tự mình hành động nữa. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
83. Nếu linh hồn muốn tiến triển thật dồi dào phong phú trong đời sống thiêng liêng, bằng cách vận dụng mọi tâm thế sẵn sàng theo khả năng, thì nó sẽ thủ đắc ngay lúc này hai ân sủng lớn lao là sống và chết trong Đức Kitô như một ơn gọi Chúa dành cho mọi Kitô hữu.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 653
84. Nếu Chúa Kitô muốn linh hồn rơi vào tình trạng tăm tối, thì chớ gì linh hồn hãy hòa hợp với Người dâng những hy sinh lên Chúa Cha vĩnh cửu theo ý Chúa Cha muốn. * Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
85. Nếu những thừa tác viên này không hành động trong sự hiệp nhất với Người, thì đâu là giá trị, đâu là ý nghĩa cho các công việc của họ trước mặt Cha Vĩnh Cửu ? *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
86. Nếu trung thành với sức lôi cuốn thánh thiêng của Con Thiên Chúa, chúng tôi có thể hy vọng Người tiếp nối sự hy sinh thánh thiêng trong chúng tôi như Người đã thực hiện nơi Thánh Phêrô và nhiều vị thánh khác.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 761
87. Có rất ít người, theo bậc sống, thông dự thật sự vào nhân tính thánh thiện, đau khổ, chịu đóng đinh, hiến tế và mang đầy tâm tư của Con Thiên Chúa. * Thư gửi ông Duplessis, 06.3.1663, AMEP, T. 861, tr. 2
88. Ngay khi linh hồn đi vào tình trạng tử đạo liên tục, tương tự như tình trạng hy sinh làm hy lễ hiến tế mà Con Thiên Chúa đã mang vào thế gian này, thì linh hồn bắt đầu cưu mang Đức Giêsu-Kitô trong mình.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 677
89. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần mang lại cho linh hồn khả năng sinh sản, nó bắt đầu biểu lộ ra bên ngoài những dấu hiệu của sự cưu mang Đức Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 677
90. Những hoạt động do linh hồn đã hiệp nhất với Đức Giêsu-Kitô thực hiện là những hoạt động của Đức Giêsu Kitô và của linh hồn, có thể được xem như là những đứa con cùng cha cùng mẹ.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
91. Những người Mến Thánh Giá sống trọn lành hành động bằng chính hành động duy nhất của Đức Giêsu-Kitô đang hoạt động và chịu đau khổ trong họ; còn họ, chỉ đơn giản tự xem mình là thừa tác viên của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 762
92. Sự dứt bỏ trọn vẹn của người thừa sai Tông tòa ít ra phải được quan niệm một cách khác, nghĩa là vị ấy phải tự coi mình như thừa tác viên thuần túy của Thần Khí trong mọi hoạt động.
Thư gửi cha Fermanel, AMEP, T. 121, tr. 577
93. Chị em Mến Thánh Giá thi hành việc đánh tội để tưởng niệm những khổ hình Con Thiên Chúa đã chịu, dâng sự hy sinh nhỏ bé ấy kết hợp với những ý hướng và mục tiêu của Chúa khi Người chịu đau khổ.
Luật Tiên Khởi, AMEP, T. 677, tr. 211
94. Chính Chúa Giêsu-Kitô muốn Chị em Mến Thánh Giá có những tâm tình như Người.
Luật Tiên Khởi, AMEP, T. 677, tr. 211
95. Thành viên Hội Tông Đồ xứng đáng với tất cả phẩm chất cần thiết cho đời sống trọn lành và đạt được sự hư vô hóa chính mình, do ưng thuận đánh mất bản thân cách trọn vẹn. Nhờ đó, Đức Giêsu-Kitô hành động trong họ và qua họ như Người thực hiện nơi các Thánh trên trời.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
96. Người tông đồ không ngừng để cho tinh thần của mình hòa nhập vào tinh thần của Thiên Chúa, là Đấng liên lỉ thúc đẩy tinh thần chúng ta, bao phủ nó bằng tinh thần của Ngài, đến nỗi tinh thần của chúng ta không còn hoạt động do sức riêng mình, nhưng hoàn toàn có Thiên Chúa ngự trị. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
97. Nhà thừa sai chỉ sống bởi Thiên Chúa tình yêu, Đấng ngự trị trong ngài, dẫn dắt ngài, thúc đẩy ngài và chi phối mọi năng lực theo ước muốn tốt lành của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 676
98. Sự trọn hảo nơi con người trong cuộc đời này là nên giống Con Thiên Chúa và noi theo đời sống cùng hành động của Người.
Thư gửi cha V. de Meur, AMEP, T. 121, tr. 528
99. Một tâm hồn tan biến trong Chúa sẽ tiếp tục hy lễ mà Đấng Cứu Thế đã bắt đầu vào lúc Nhập thể và kéo dài cách tuyệt diệu trong tâm hồn các tín hữu cho đến tận thế, nhờ phương thức hoạt động do Người đích thân thực hiện trong những tâm hồn đó. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
100. Sự khắc khổ của các ẩn sĩ, sự tiết dục của biết bao người, sự hy sinh của các trinh nữ, lòng nhiệt thành của các thánh hiển tu, lòng mến của các thánh tử đạo... sẽ trở thành gì, nếu không là những hoạt động của chính Chúa Giêsu-Kitô ?
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681-682
101. Tâm hồn còn đáng ngưỡng mộ hơn khi được Chúa Giêsu thông truyền cho những ý định, động cơ và khuynh hướng của Người, khiến tâm hồn cảm thấy bận tâm đến những chương trình của Thiên Chúa cho thế giới này, chúng hết sức kỳ diệu và vô cùng đáng yêu đến mức người ta không thể giải thích nổi.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
102. Tâm hồn trút bỏ quyền sở hữu và sức mạnh của mọi năng khiếu tự nhiên. Nếu phải hành động, tâm hồn xin Thần Khí của Chúa Giêsu-Kitô ngự trong mình, để biết điều làm đẹp lòng Chúa Giêsu và hành động nhờ Người. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 664
103. Tôi quay về dưới chân Chúa Giêsu, để nài xin lòng thương xót vô biên của Người ban cho tôi được thông dự vào những đau khổ của Người, xứng với bậc sống...
Thư gửi ông Duplessis, AMEP, T. 121, tr. 557
104. Thật hết sức thích hợp với tình yêu tột độ của Con Thiên Chúa khi Người nhận từ Chúa Cha một sự hiệp nhất tương tự giữa các hoạt động, để làm cho mọi hoạt động của các thánh xứng đáng với Thiên Chúa. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
105. Thiên Chúa Cha chỉ nhìn thấy nơi thân xác và cánh tay mà Chúa Giêsu-Kitô mượn, các đau đớn của Con mình. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 756
106. Tôi khẩn cầu Chúa kết hợp với tâm hồn nghèo nàn của tôi một cách đặc biệt, để chịu đau khổ và thực hiện trong tôi những gì mà Người đã làm và chịu đựng trong tình trạng khổ cảm của Người.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 1664, AMEP, T. 121, tr. 586
107. Tất cả các thập giá khác dường như ít quan trọng đối với tôi, dù người ta chịu đựng với sự kiên nhẫn, cam lòng, hài lòng hay vì tình yêu dành cho Thiên Chúa, bởi vì tất cả những điều ấy chỉ là những hy sinh của một con người; trong khi với tình trạng tôi vừa nói[4] thì chính Chúa Giêsu Kitô chịu đau khổ và hành động trực tiếp trong thân xác và tâm hồn chúng ta. Thư gửi Hoàng thân de Conti, AMEP, T. 121, tr. 586
108. Tôi nhận ra một ý tưởng làm tâm tư vui mừng và cho tôi biết rằng tất cả đều đến từ Chúa Giêsu Kitô trong hoạt động này. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 757
109. Tôi không biết, phải chăng vì hy lễ chúng ta đã hiến dâng toàn thân cho Chúa, mà Người đã ban cho chúng ta một tình yêu phi thường, đó là bắt chước cuộc đời đau khổ của Người.
Thư gửi Đức cha Pallu, 21.01.1669, AMEP, T. 858, tr. 151
110. Cần xác tín rằng chính trong sự phó thác nhà thừa sai tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý... chính trong tâm thế đó, người ta hành động với một tinh thần hoàn toàn tự do, để cho tinh thần liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
111. Trong sự bất lực này, tôi không thấy phương tiện nào tốt hơn là hành động và ước muốn hành động trong Chúa Giêsu Kitô và với Người, không chỉ trong những sinh hoạt của chúng ta, nhưng còn trong mọi hoạt động mà Người đã, đang và sẽ thực hiện cho đến muôn đời.
Thư gửi cha Gazil và Fermanel, 19.01.1665, T. 858, tr. 99. 101
112. Tôi không ngừng tha thiết khẩn xin Chúa vui lòng tiếp tục trong tôi những mầu nhiệm khôn tả của đời sống và cái chết của Người.
Thư gửi cha Gazil và Fermanel, 19.01.1665, AMEP, T. 858, tr. 99
113. Xin Chúa Giêsu ban cho tôi được thông dự vào những đau khổ của Người, xứng với bậc sống; nếu tôi không lầm, thì đó chính là điều cốt lõi trong sự hoàn thiện của Kitô hữu trên thế gian này. *
Thư gửi ông Duplessis, AMEP, T. 121, tr. 557
114. Trong mọi sự, chỉ còn sống theo quan điểm của đức Tin, sự thúc đẩy đơn thuần của ân sủng và của Thần Khí Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 647-648
115. Điều hết sức quan trọng là thực hành mọi việc trong vị thế của Chúa Giêsu-Kitô.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216
116. Chúa Giêsu-Kitô muốn đích thân làm mọi việc mà không thể được, nên dùng một số cá nhân do Người tuyển chọn và ban đầy Thần khí trung gian của Người, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế.
Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216
Phần IV - CHÚA THÁNH THẦN 117. Con người là đền thờ Chúa Thánh Thần và là nguồn vui của Thiên Chúa. *
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
118. Mọi Kitô hữu phải hiểu rằng khi ở trong tình trạng ân sủng, Chúa Thánh Thần ở trong người ấy để tiếp tục nơi họ cùng những hoạt động mà Ngài đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
119. Khi tin rằng Thần Khí của Thiên Chúa ở trong mình, linh hồn chú tâm hoàn toàn để lắng nghe. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
120. Chấp nhận ở trong tình trạng nghèo khó hoàn toàn và sự trần trụi của tinh thần, từ bỏ bản thể tự nhiên thuần lý trí, tâm hồn đạt tới tình trạng xứng đáng với lòng thương xót quá độ của Chúa Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
121. Tâm hồn phải hết sức thận trọng, không tự mình làm gì cả nhưng chỉ theo những ý định được ban cho nhờ sự kết hợp với thế lực thần bí đáng tôn thờ là chính Thần Khí Đức Giêsu Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
122. Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta, sự hiệp nhất này phải được hiểu cách đặc biệt về những hoạt động mà một linh hồn đã hoàn toàn phó thác cho Thần Khí Đức Giêsu Kitô, đang thực hiện trong thế giới này và sẽ thực hiện liên tục với Ngài trong vĩnh cửu.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
123. Một linh hồn nhận ra Chúa gọi mình vào bậc sống diễm phúc này, không còn điều gì khác hơn phải làm trong suốt cuộc đời là vĩnh viễn sống trong sự hợp nhất với Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cư ngụ trong họ để hành động nơi họ theo ý muốn của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
124. Ngoài những hiệu quả của Chúa Thánh Thần cư ngụ trong các tâm hồn, còn có một hiệu quả tuyệt diệu, đó là nhờ Chúa Thánh Thần, các linh hồn được kết hợp với Đức Giêsu Kitô.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 712
125. Suốt đời chỉ có một việc là ở lại mãi trong sự kết hợp với Thần Khí của Chúa Giêsu-Kitô.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
126. Tâm hồn trút bỏ quyền sở hữu và sức mạnh của mọi năng khiếu tự nhiên. Nếu phải hành động, tâm hồn xin Thần Khí của Chúa Giêsu-Kitô ngự trong mình, để biết điều làm đẹp lòng Chúa Giêsu và hành động nhờ Người. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 664
127. Thiên Chúa ban cho anh chị em Thánh Thần của Người, Đấng sau khi làm cho anh chị em trở nên công chính, cư ngụ trong linh hồn mỗi người cách đặc biệt.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 711-712
128. Trong mọi sự, chỉ còn sống theo quan điểm của đức Tin, sự thúc đẩy đơn thuần của ân sủng và của Thần Khí Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 647-648
Huy hiệu Giám mục của Đức cha Pierre Lambert de la Motte
Arnaud BUNEL, Armorial illustré de l’Épiscopat français, 1589-1790, sur www.heraldique-europeenne.org, 2008, số 1857
Phần V - HẠNH PHÚC - PHÓ THÁC 129. Con có thể nói với người được thu hút rằng nếu con không cảm nếm được những dòng thác an ủi người ta trải nghiệm, ném mình hoàn toàn trong vòng tay của Thiên Chúa, đặt mình dưới sự bảo trợ của Ngài và không hy vọng vào nơi nương tựa nào khác ngoài Ngài, con sẽ không tin vào điều đó.
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 534
130. Tâm trạng hiện tại nơi con, đó là nỗi lo sợ cảm thấy quá nhiều niềm vui trong ơn gọi của mình, quả thật là Chúa nhân lành hành động bằng một cách thức như thế trong mọi hoạt động được thực hiện trong con và với biết bao sự êm dịu ngọt ngào, đến nỗi con không biết là mình thi hành thánh ý của Chúa hay là ý của con, và đâu là thánh giá không thể tách rời một người nối nghiệp các tông đồ.
Thư gửi cha Simon Hallé, 20.01.1665, AMEP, T. 121, tr. 592
131. Khoa học sâu sắc nhất và thú vui chân thật nhất hệ tại ở sự hiểu biết và tình yêu thực nghiệm dành cho Chúa Giêsu Kitô.
Thư gửi cha Simon Hallé, 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
132. Một nhà thừa sai Tông tòa thường được xem đích thực là con người của đức tin, việc người ấy từ bỏ mọi của cải vì Thiên Chúa không có gì là kỳ diệu lớn lao. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 647-648
133. Sản nghiệp của Chúa Quan Phòng không bao giờ thiếu cho nhà thừa sai Tông tòa, điều này là một lợi điểm lớn hơn bội phần so với việc người ấy có nhiều thu nhập. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 647-648
134. Hãy đánh mất mình trong vực thẳm ân sủng mỗi ngày một hơn, bởi vì chính nơi đó người ta gặp được toàn bộ hạnh phúc của thụ tạo trong cuộc sống hiện tại và mai sau.
Thư gửi bà de Miramion tháng 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 522
135. Khi chúng con hy sinh vì Đức Giêsu-Kitô và tha nhân trong những công việc đang thực hiện, hạnh phúc có được thật hết sức lớn lao đến nỗi con không thể diễn tả được. *
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, AMEP, T. 121, tr. 533
136. Không bao giờ hy vọng dự phần vào sự hoàn hảo của đời sống theo Thần Khí, nếu người ta không đi theo các lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu-Kitô trong một sự phó thác, từ bỏ hoàn toàn và trong những bóng tối rạng ngời của Đức Tin.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
137. Thiên Chúa đã liên kết toàn bộ hạnh phúc của con người với sự từ bỏ chính mình và tất cả các loài thụ tạo. *
Thư gửi cha V. de Meur, AMEP, T. 121, tr. 528
138. Không có hạnh phúc nào có thể sánh với diễm phúc thấy mình trong nhu cầu khẩn thiết lệ thuộc vào Thiên Chúa,... từ nay chỉ còn tùy thuộc vào một mình Ngài đối với lương thực thiêng liêng và vật chất.
Thư gửi cha Vincent de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
139. Mặc dù tôi đáp lại lời khuyên Phúc Âm khá trễ, thiếu nhiệt tình và với nhiều bất trung, tuy nhiên tôi luôn nhận được những ân huệ không thể giải thích được của Chúa.
Thư gửi ông d’Argençon, 5.1663, AMEP, T. 121, tr. 518
140. Người nào thực hiện lời khuyên Phúc Âm với tất cả những điều kiện đòi hỏi sẽ gặp được những kho báu và hạnh phúc không tưởng được.
Thư gửi ông d’Argençon, 5.1663, AMEP, T. 121, tr. 518
141. Những khuynh hướng và phương tiện có thể dẫn dắt chúng con trong lãnh vực ơn gọi như: sự nghèo khó tự nguyện, phó thác cho Chúa Quan Phòng, vui thích thấy mình bị khinh thường, thỏa mãn khi chế ngự khoái cảm, lệ thuộc liên lỉ vào Thiên Chúa trong mọi sự, cầu nguyện không ngừng.
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
142. Nếu tình trạng này không có vẻ hạnh phúc đối với tất cả mọi người, thực ra do chính việc Ngài ban cho chúng con những lợi thế để từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá và theo Chúa Giêsu-Kitô, sự hoàn hảo Kitô giáo hệ tại nơi điều này .
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
143. Tài sản lớn nhất của con người không hệ tại nơi của cải bên ngoài, nhưng chính là những năng lực của tâm hồn mà Thiên Chúa đòi hỏi họ từ bỏ.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
144. Một khi nhường quyền sở hữu và hưởng dùng các năng lực của tâm hồn cho Đức Giêsu Kitô, người đó vào trong sự nghèo khó cụ thể, đích thực, điều làm nên mối phúc đầu tiên.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
145. Con cảm nhận quá nhiều niềm vui trong ơn gọi của mình,... con không có lý do để nghi ngờ con đường mình theo đuổi sao ?, nhất là nếu con thêm rằng sự vui thỏa thông thường con nhận được làm cho con ở trong tình trạng của người hạnh phúc nhất trần gian.
Thư gửi cha Simon Hallé, 20.01.1665, AMEP, T. 121, tr. 592
146. Con không dám cầu nguyện để Chúa thay đổi khuynh hướng này[5], bởi vì kinh nghiệm cho con biết thật không tốt khi xin những thánh giá, trừ khi được thúc đẩy từ một tác động hoàn toàn đặc biệt. Thư gửi cha Simon Hallé, 20.01.1665, AMEP, T. 121, tr. 592
Phần VI - SỐNG PHÚC ÂM 147. Chúng tôi hỗ trợ cho nhau mỗi ngày, để mãi kiên vững trong quyết định đã chọn là không bao giờ xa lìa các Quy Luật của Phúc Âm, trong đó bao hàm mọi sự khôn ngoan đích thực. *
Thư gửi ông Duplessis, 06.3.1663, AMEP, T. 861, tr. 1
148. Con hy vọng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa nhân hậu, khi con đi theo lời khuyên của Tin Mừng, con sẽ không bao giờ hối hận. *
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
149. Không bao giờ hy vọng dự phần vào sự hoàn hảo của đời sống theo Thần Khí, nếu người ta không đi theo các lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu-Kitô trong một sự phó thác, từ bỏ hoàn toàn và trong những bóng tối rạng ngời của Đức Tin.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
150. Nếu trung thành với sự linh hứng của Chúa, anh chị em sẽ đạt đến mức hoàn thiện mà cha cầu chúc cho anh chị em, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 712
151. Người Kitô hữu nghĩ đến vĩnh cửu, người ngoại chú ý đến hiện tại; người thứ nhất tuân thủ luật Thiên Chúa, người thứ hai theo quy luật của giác quan. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 712
152. Tất cả được thực hiện nhờ lòng thương xót đặc biệt của Thiên Chúa, nên không bao lâu sau người ta nhận ra những hiệu quả tuyệt diệu nơi đoàn chiên bé nhỏ này, qua sự chuyên cần lắng nghe lời Tin Mừng, qua niềm vui họ biểu lộ, qua ước muốn học biết những mầu nhiệm của Đạo thánh.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 632
153. Mọi người đều muốn hạnh phúc, giàu có và trổi vượt hơn người khác, thế nhưng chắc chắn là ai muốn sở hữu tất cả những thứ đó phải chọn những con đường nhất thiết dẫn đến kết quả, đó là con đường mà Phúc Âm quy định và được Đấng Cứu Thế thực hiện.
Thư gửi ông d’Argençon, 5.1663, AMEP, T. 121, tr. 518-519
154. Ý tưởng này có thể hiện ra như một sự bối rối trong đời sống thiêng liêng, tuy nhiên không phải thế, vì nó được chứa đựng trong giáo huấn Tin Mừng về sự noi gương Đức Giêsu-Kitô cách hoàn hảo, hệ tại điều này là nếu người ta không từ bỏ mọi sự, thì không có cách nào để trở thành môn đệ của Người.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
155. Sự liên kết thân thiết giữa chúng ta không cho phép tôi im lặng và mời gọi tôi chia sẻ cho anh niềm vui tột cùng, đến từ ân sủng của Chúa Nhân Lành ban cho, đó là tin vào Phúc Âm.
Thư gửi ông d’Argençon, 5.1663, AMEP, T. 121, tr. 518
Phần VII - BÍ TÍCH THÁNH TẨY 156. Các Kitô hữu sống trong ân sủng sẽ suy nghĩ, nói năng, hành động không giống những người khác; đó là những con người được đổi mới, nơi họ thần tính trổi vượt hơn nhân tính.
Thư gửi Giáo đoàn Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 711-712
157. Hãy thường xuyên nhớ đến sự cam kết song phương được thực hiện giữa Thiên Chúa và anh chị em vào ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. *
Thư gửi Giáo đoàn Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 711
158. Hãy nhớ lại khế ước cao cả và long trọng mà anh chị em đã ký kết với Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội, đồng thời sống theo những tác động và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, là Đấng anh chị em được lãnh nhận ngày rửa tội. *
Thư gửi Giáo đoàn Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 712
159. Khi phạm tội, linh hồn phạm hai điều bất trung, trước tiên là lạm dụng những hồng ân Thiên Chúa ban, thứ đến là khước từ những nghĩa vụ hàm chứa trong hôn ước thánh thiêng ký kết với Ngài, khi Ngài yêu cầu chúng ta điều gì dựa vào khế ước nội tâm. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 755
160. Nhân danh Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, xin anh chị em giữ lòng trung thành với Thiên Chúa như anh chị em đã thề hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. *
Thư gửi cho tín hữu Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 690
161. Thiên Chúa cam kết đón nhận anh chị em, vừa làm nghĩa tử vừa được sống đời đời.
Thư gửi Giáo đoàn Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 711
Con dấu của Đức cha P. Lambert de la Motte còn nguyên vẹn, trong thư viết cho ông Fermanel, AMEP, 10-1664, T. 858, tr. 94
Phần VIII - TÔNG ĐỒ THỪA SAI 162. Các nhà thừa sai Tông tòa là những tác nhân hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô do bậc sống.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
163. Chỉ còn một điều mà con hết lòng theo đuổi, đó là chết đi bởi một cái chết hung bạo vì Chúa Giêsu-Kitô để bảo vệ Phúc Âm của Người và cứu rỗi các dân tộc được trao phó cho con, ân sủng này là tuyệt đỉnh nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.*
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 534
164. Chúng ta không thể làm tròn những chức năng cao quý này nếu không đón nhận trực tiếp ánh sáng của tinh thần hy sinh nơi Chúa Giêsu-Kitô. Tinh thần này chỉ được thông ban qua hai con đường: cầu nguyện rất nhiều và ra sức hãm mình đền tội. *
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
165. Có những điều các thừa sai không học được chút nào tại nơi mình sinh ra, bởi vì chính trên đường đi Chúa có rất nhiều điều để nói mà họ chưa đủ khả năng cảm nhận nơi quê hương mình. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
166. Không có hạnh phúc nào có thể sánh với diễm phúc thấy mình trong nhu cầu khẩn thiết lệ thuộc vào Thiên Chúa,... từ nay chỉ còn tùy thuộc vào một mình Ngài đối với lương thực thiêng liêng và vật chất.
Thư gửi cha Vincent de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
167. Không có sự từ bỏ này, người đó không thể làm được gì đáng ca ngợi trong những công việc được Thiên Chúa trao phó.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
168. Không nên bằng lòng với một con người đầy thiện chí, nhiệt tâm và sùng đạo, trừ khi người ấy đã trải qua mười năm liên tiếp trong sự nguyện gẫm thân tình với Thiên Chúa và trong việc phục vụ tha nhân. Thiếu điều đó, thật đáng lo sợ cho các thừa sai, họ sẽ đi đến chỗ suy sụp đời sống nội tâm. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
169. Một phương thế khác có hiệu quả lạ lùng, đó là làm mọi việc trong khuôn khổ ơn gọi của mình với sự thúc đẩy thuần túy nội tâm, gắn liền với bậc sống của người được mời gọi thực sự vào đời sống tông đồ.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
170. Một nhà Thừa sai Tông tòa, vì là hình ảnh sống động của Đức Giêsu-Kitô, phải là một con người thống khổ, đến mức người đó phải loại bỏ mọi cách thức thỏa mãn thân xác và tinh thần trái ngược với bậc sống của mình và xem đó như là sự bất toàn cao nhất.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 728
171. Nếu các thừa sai trung thành đón nhận mọi sự quan phòng hay đúng hơn mọi tác động của Chúa chắc chắn sẽ xảy đến trên đường đi, Thiên Chúa nhân hậu vô biên sẽ vén mở cho họ những bí mật cao siêu nhất của Kitô giáo mà ít nhiều còn ẩn giấu tùy theo mức độ họ từ bỏ mọi sự, cả chính bản thân, và bước theo Chúa với những giáo huấn cao đẹp và vững chắc nhất nơi Phúc Âm của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
172. Một thừa sai Tông tòa, vì được hợp nhất với Đức Giêsu-Kitô bằng một sự liên kết mà người ta không thể giải thích được, không còn tự mình hành động nữa. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 681
173. Nếu em gặp những giáo sĩ hay giáo dân ra sức cầu nguyện và hãm mình đền tội, đã sống thân mật với Chúa Giêsu trong vài năm, em có thể đưa họ đi cùng, chúng ta sẽ cố gắng trao cho họ những công việc phù hợp với ân sủng của họ. Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
174. Nếu một người sống theo bản tính tự nhiên hay theo lý lẽ thuần túy, không thể được gọi là một Kitô hữu đích thực, vậy sẽ ra sao đối với một nhà thừa sai Tông tòa, là người chỉ được sống trong tinh thần đức tin?
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 652
175. Ngay khi cha được bổ nhiệm làm mục tử của Đàng Trong do một sự an bài lạ lùng của Chúa Quan Phòng, cùng lúc đó Thiên Chúa ban cho cha một tình yêu khôn tả dành cho anh chị em. *
Thư gửi cho tín hữu Đàng Trong, AMEP, T. 121, tr. 689
176. Con thú thật với cha: Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta và ngọn lửa Người đem vào trần gian, tỏa sáng trong trái tim của những người cố gắng thờ phượng Thiên Chúa trong Tinh Thần và Chân Lý đang thiêu đốt con.
Thư gửi cha Simon Hallé, AMEP, 15.7.1671, T. 854, tr. 221
177. Nhờ được kết hợp với Người, Chúa Giêsu-Kitô xem các tín hữu như những chi thể của chính mình, và không ngừng thông ban cho họ những ân sủng mới và lưu tâm đến tất cả những gì liên quan tới họ, hơn là một người quan tâm đến việc bảo toàn các phần của thân thể mình.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 712
178. Nhà thừa sai cần đón nhận tất cả với tâm thế sẵn sàng như nhau, bởi vì Chúa Cứu Thế không ít đáng yêu trên đồi Calvê hơn trên đỉnh Tabor.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 676
179. Nhà thừa sai chỉ sống bởi Thiên Chúa tình yêu, Đấng ngự trị trong ngài, dẫn dắt ngài, thúc đẩy ngài và chi phối mọi năng lực theo ước muốn tốt lành của Người.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 676
180. Sự dứt bỏ trọn vẹn của người thừa sai Tông tòa ít ra phải được quan niệm một cách khác, nghĩa là vị ấy phải tự coi mình như thừa tác viên thuần túy của Thần Khí trong mọi hoạt động.
Thư gửi cha Fermanel, AMEP, T. 121, tr. 577
181. Những thành viên Hội Tông Đồ xứng đáng với tất cả phẩm chất cần thiết cho đời sống trọn lành và đạt được sự hư vô hóa chính mình, nhờ ưng thuận đánh mất bản thân cách trọn vẹn, nhờ thế Đức Giêsu-Kitô hành động trong họ và qua họ như Người thực hiện nơi các Thánh trên trời.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
182. Tại các miền truyền giáo xa xôi, thường có những thế lực khác dễ làm đánh mất chính mình, cần phải có một ân sủng hoàn toàn đặc biệt.
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, AMEP, T. 121, tr. 534
183. Tình yêu của nhà thừa sai Tông tòa không bao giờ phai nhạt, bởi vì chất liệu được dùng để nuôi dưỡng ngài không thể thiếu, hoặc ngài suy nghĩ về những ân huệ và lòng thương xót quá mức của Thiên Chúa dành cho mình, hoặc ngài chú tâm suy xét đến sự bội bạc vô ơn và bất toàn của mình, mà Chúa không ngừng chịu đựng, đến nỗi ngài được thay đổi hoàn toàn cách dễ dàng trong tình yêu. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 675-676
184. Tôi mang trong tâm hồn một tinh thần liên lỉ sám hối, tạ ơn và luôn khấn xin cho sự hoàn thiện của các dân tộc, dâng Thánh lễ mỗi ngày cho họ... tất cả những điều ấy chưa đủ, tôi còn phải thể hiện ra bên ngoài những hiệu quả của tinh thần này để làm gương cho mọi người.
Thư gửi cha Vincent de Meur, ngày 7-9-1662, AMEP, T. 116, tr. 554. 559
185. Tôi thấy thật diễm phúc được trở nên lễ vật dâng hiến, được khứng nhận và dành riêng để một ngày nào đó, nhờ lòng thương xót đặc biệt của Thiên Chúa nhân lành, được thiêu hủy như của lễ toàn thiêu để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi tha nhân.
Thư gửi cha V. de Meur, 07.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 554
186. Trong những giờ nguyện ngắm hằng ngày, tôi thường có cảm tưởng như chúng tôi đang ở tại miền truyền giáo vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, tôi suy nghĩ đâu là sự thuần khiết trong đời sống của những người thời đó, lúc Giáo hội mới khai sinh.
Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 21-01-1669, AMEP, T. 858, tr. 151
187. Tôi nghiền ngẫm về tầm quan trọng của việc giảng dạy và đi theo con đường hẹp.
Thư gửi Đức cha Pallu, 21.1.1669, AMEP, T. 858, tr. 151-152
188. Tôi thấy rằng chắc chắn chúng tôi đang giữ vị trí của các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô.
Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 21-01-1669, AMEP, T. 858, tr. 151
189. Tư cách mà con mong ước nhất nơi một thừa sai có ý định đến trong những vùng này, đó là một con người nguyện gẫm rất nhiều, hay ít ra cũng đã bắt đầu.
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 534
190. Vì được mời gọi vào tác vụ tông đồ, do bậc sống, chúng ta trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Thư gửi bào đệ Nicolas, AMEP, T. 121, tr. 579
191. Việc thực hành thật dễ dàng khi Thiên Chúa nhân hậu lấp đầy tâm hồn bằng nguồn an ủi gắn liền với đời sống tông đồ, nhưng nó cũng vất vả khó nhọc khi Chúa chia sẻ những đau khổ của Người tỉ lệ với niềm vui Người ban. Nhà thừa sai cần đón nhận tất cả với tâm thế sẵn sàng như nhau. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 676
Chân dung Đức cha Pierre Lambert de la Motte
(AMEP, Photos de Lambert de la Motte)
Phần IX - CẦU NGUYỆN 192. Cách cầu nguyện hoàn toàn đơn giản, hoàn toàn phó thác và hoàn toàn tin tưởng là một trong những hình thức cầu nguyện trổi vượt nhất có thể gặp thấy được, bởi vì Thiên Chúa hoàn toàn hành động trong tâm hồn biết mở lòng ra để đón nhận những ảnh hưởng của Thần khí Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 664-665
193. Chính nhờ phương tiện thần linh này[6] chúng ta sẽ liên kết trọn vẹn với Đức Tin của Giáo hội chiến đấu, Đức Cậy hoàn toàn của Giáo hội thanh luyện và Đức Mến tuyệt hảo của Giáo hội khải hoàn. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
194. Chúng ta không thể làm tròn những chức năng cao quý này nếu không đón nhận trực tiếp ánh sáng của tinh thần hy sinh nơi Chúa Giêsu-Kitô. Tinh thần này chỉ được thông ban qua hai con đường cầu nguyện nhiều và ra sức hãm mình đền tội. *
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
195. Đối với các thừa sai khao khát ơn tử đạo thì không có phương tiện nào tốt hơn để đạt đến điều đó cho bằng nguyện gẫm lâu giờ và ra sức thực hành khổ chế bên trong cũng như bên ngoài. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 761
196. Khi tin rằng Thần Khí của Thiên Chúa ở trong mình, linh hồn chú tâm hoàn toàn để lắng nghe, bởi vì chấp nhận ở trong tình trạng nghèo khó hoàn toàn và sự trần trụi của tinh thần, từ bỏ bản thể tự nhiên thuần lý trí, tâm hồn đạt tới tình trạng xứng đáng với lòng thương xót quá độ của Chúa Giêsu-Kitô. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
197. Em có thời gian để thu xếp mọi sinh hoạt thường ngày và bắt đầu sống như một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu-Kitô. Điều đó đòi hỏi nhất thiết phải suy gẫm rất nhiều và ra sức hãm mình đền tội. *
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
198. Kinh nghiệm cho con biết thật không tốt khi xin những thánh giá, trừ khi được thúc đẩy từ một tác động hoàn toàn đặc biệt.
Thư gửi cha Simon Hallé, 20.01.1665, AMEP, T. 121, tr. 592
199. Kể từ khi xác tín nhờ trải nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, không còn khó nhọc trong việc nguyện gẫm nữa, người ta tìm thấy mọi điều bí nhiệm của Kitô Giáo. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
200. Không nên bằng lòng với một người đầy thiện chí, nhiệt tâm và sùng đạo, trừ khi người ấy đã trải qua mười năm liên tiếp trong sự nguyện gẫm thân tình với Thiên Chúa và trong việc phục vụ tha nhân. Thiếu điều đó, họ sẽ đi đến sự suy sụp đời sống nội tâm. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
201. Nếu em gặp những giáo sĩ hay giáo dân ra sức cầu nguyện và hãm mình đền tội, đã sống thân mật với Chúa Giêsu trong vài năm, em có thể đưa họ đi cùng, chúng ta sẽ cố gắng trao cho họ những công việc phù hợp với ân sủng của họ.
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
202. Ngoài thời gian thường lệ, các thừa sai sẽ dành cho đời sống nội tâm tất cả thời giờ còn lại, sau khi đã hoàn thành những bổn phận chính yếu.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 657
203. Nếu người ta muốn biết phương pháp cầu nguyện thánh thiện này, nó được thực hiện như sau : khi tin rằng Thần Khí của Thiên Chúa ở trong mình, linh hồn chú tâm hoàn toàn để lắng nghe.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 665
Phần X - KHỔ CHẾ 204. Cần cương quyết chọn lấy đời sống hy sinh đền tội toàn diện, không chỉ trong việc ăn uống và hãm mình phạt xác bên ngoài, nhưng đặc biệt trong mọi hoạt động của con người, thuộc về phần thể chất cũng như tinh thần.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 653
205. Cần nhiều tình yêu dành cho Thiên Chúa để chết đi đối với một khuynh hướng xấu hơn là khi chịu tử đạo để tuyên xưng Phúc Âm. *
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87
206. Chắc chắn người ta phải chú ý đến những việc khổ chế bên trong và bên ngoài như những phương thế tuyệt đối cần thiết để đến với Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
207. Phải xem khổ chế bên trong và bên ngoài như những tâm thế hiệu nghiệm thúc đẩy lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện những hoạt động cao cả và rất thánh thiện.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
208. Hy sinh trọn vẹn bản thân và tất cả mọi hoạt động vì Đấng là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con.
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
209. Chúng ta không thể làm tròn những chức năng cao quý này nếu không đón nhận trực tiếp ánh sáng của tinh thần hy sinh nơi Chúa Giêsu-Kitô. Tinh thần này chỉ được thông ban qua hai con đường cầu nguyện nhiều và ra sức hãm mình đền tội. *
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
210. Con thật sự không thể thỏa mãn trong thế giới này, trừ khi theo một đời sống hy tế đau khổ, sát tế và hoàn tất bằng một cái chết tương hợp với cái chết của Đấng Cứu Độ nhân loại.
Thư gửi cha Simon Hallé, 20.01.1665, AMEP, T. 121, tr. 592
211. Đối với các thừa sai khao khát ơn tử đạo thì không có phương tiện nào tốt hơn để đạt đến điều đó cho bằng nguyện gẫm lâu giờ và ra sức thực hành khổ chế bên trong cũng như bên ngoài. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 761
212. Em có thời gian để thu xếp mọi sinh hoạt thường ngày và bắt đầu sống như một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu-Kitô. Điều đó đòi hỏi nhất thiết phải suy gẫm rất nhiều và ra sức hãm mình đền tội. *
Thư gửi bào đệ Nicolas, 1664, AMEP, T. 121, tr. 579
213. Khi chúng con hy sinh vì Đức Giêsu-Kitô và tha nhân trong những công việc đang thực hiện, hạnh phúc có được thật hết sức lớn lao đến nỗi con không thể diễn tả được. *
Thư gửi Viện phụ du Val-Richer, AMEP, T. 121, tr. 533
214. Không nên tưởng tượng rằng chỉ khi chịu tử đạo tình yêu của chúng ta mới chiến thắng, nhưng tình yêu của chúng ta cũng đạt thắng lợi khi đương đầu với mọi đối thủ trong cuộc chiến đến từ thế gian, ma quỷ, xác thịt, kể cả từ chính Thiên Chúa. *
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87
215. Không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu-Kitô nếu không từ bỏ và chết đi trong mọi dịp đối với những ước muốn riêng, và với cả chính mình.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87
216. Không thể trở thành một nhà thừa sai Tông tòa đúng nghĩa nếu không là một hy lễ đau khổ phù hợp với bậc sống.*
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 729
217. Kinh nghiệm cho thấy những hy sinh bé nhỏ ấy[7] làm vui lòng Thiên Chúa biết bao, đem lại cho linh hồn và thể xác bao điều hữu ích, miễn là người thực hiện có ơn gọi làm tông đồ hay sống đời hoàn thiện. * Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 657-658
218. Một nhà thừa sai Tông tòa, vì là hình ảnh sống động của Đức Giêsu-Kitô, phải là một con người thống khổ, đến mức người đó phải loại bỏ mọi cách thức thỏa mãn thân xác và tinh thần trái ngược với bậc sống của mình và xem đó như là sự bất toàn cao nhất.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 728
219. Nếu Chúa Kitô muốn linh hồn rơi vào tình trạng tăm tối, thì chớ gì linh hồn hãy hòa hợp với Người dâng những hy sinh lên Chúa Cha vĩnh cửu theo ý Chúa Cha muốn. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 658
220. Ngay khi linh hồn đi vào tình trạng tử đạo liên tục, tương tự như tình trạng hy sinh làm hy lễ hiến tế mà Con Thiên Chúa đã mang vào thế gian này, thì linh hồn bắt đầu cưu mang Đức Giêsu-Kitô trong mình.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 677
221. Trọn đời sống của Kitô hữu là một cuộc tử đạo liên lỉ, bởi vì không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu Kitô nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh, đối với những ước muốn riêng và cả với chính bản thân.*
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 677
222. Từ nay ra sức thi hành mọi lời khuyên Phúc Âm liên quan đến khổ chế bên trong, và nhiều điều khuyên khác liên quan đến khổ chế bên ngoài.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 627
223. Với tất cả niềm xác tín lớn lao này, chúng ta phải tin rằng một tín hữu phải chết đi đối với chính mình và mọi sự.*
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 653
Phần XI - NGHÈO KHÓ – TỪ BỎ 224. Ai muốn là môn đệ của Chúa phải từ bỏ tất cả những gì mình sở hữu. Lòng nhân hậu của Chúa ban tặng biết bao phần thưởng cho sự tước bỏ này, đến mức nó hoàn toàn xa lạ đối với tất cả những ai không có chút kinh nghiệm nào.
Thư gửi ông d’Argençon, 5.1663, AMEP, T. 121, tr. 518
225. Bây giờ có nhiều cách từ bỏ, ai nghĩ mình nghèo về mọi thứ trên đời, nhờ ba lời khấn thông thường mình thực hiện, người ấy thường chỉ nghèo bên ngoài thôi.*
Thư gửi cha Fermanel, AMEP, T. 121, tr. 577
226. Biểu hiện của sự từ bỏ bên ngoài chỉ là bước đầu tiên trong con đường của một nhà thừa sai; nếu chỉ dừng lại ở đó, cơ nghiệp của người ấy không có gì lớn lao, mặc dù người ta nghĩ rằng điều đó là điểm từ bỏ tột bậc.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
227. Bởi vì trong thực tế việc từ bỏ mọi sự bên ngoài có nghĩa gì nếu người ta không từ bỏ chính bản thân mình ? tránh xa mọi danh dự có nghĩa gì nếu người ta giữ lại trong mình sự tự đề cao bản thân ? *
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
228. Chỉ còn một việc là nhìn nhận sự khốn cùng vô tận của mình và đi vào trong sự hiệp thông với Thần Khí, là Đấng ban cho chúng ta những ân sủng trong mức độ cần thiết để sử dụng như mình ước mong cho vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi tha nhân.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
229. Cần phải sống nghèo khó, khổ nhục và đền tội; trên tất cả mọi điều ấy, cần lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Thư gửi cha Le Faure, 02.1664, AMEP, T. 121, tr. 570
230. Không thể là môn đệ của Con Thiên Chúa, nếu không từ bỏ tất cả những gì mình sở hữu, thế nhưng của cải lớn lao của con người không phải là những tài sản bên ngoài nhưng chính là các năng lực của tâm hồn mà Thiên Chúa muốn người đó từ bỏ.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
231. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa ý tưởng về nghèo khó và sự nghèo khó thật sự, chính là cái nghèo trong tinh thần.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
232. Điều quan trọng cốt yếu nhất trong sự từ bỏ của mình phải là từ bỏ mọi hoạt động của tinh thần, để chỉ còn sống theo ý muốn của Thiên Chúa, được thông truyền cho người đó nhờ tác động nội tâm, điều này không bao giờ thiếu, nếu người đó luôn trung thành với ân sủng.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
233. Một khi nhường quyền sở hữu và hưởng dùng các năng lực của tâm hồn cho Đức Giêsu Kitô, người ấy đi vào trong sự nghèo khó đích thực.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
234. Một nhà thừa sai Tông tòa vốn được xem đích thực là một con người của đức tin, thì việc người ấy từ bỏ mọi của cải vì Thiên Chúa không có gì là kỳ diệu lớn lao.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 647-648
235. Không có sự từ bỏ này, người đó không thể làm được gì đáng ca ngợi trong những công việc được Thiên Chúa trao phó.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
236. Nếu muốn tôn vinh Thiên Chúa, nếu muốn làm vui lòng Ngài, nếu muốn tạ ơn Ngài, và thực hiện mọi nghĩa vụ có thể tưởng tượng được, chỉ còn một việc là nhìn nhận sự khốn cùng vô tận của mình và đi vào trong sự hiệp thông với Thần Khí.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682
237. Nếu người ta không từ bỏ mọi sự, thì không có cách nào để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu-Kitô.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
238. Những khuynh hướng và phương tiện có thể dẫn dắt chúng con trong lãnh vực ơn gọi như: sự nghèo khó tự nguyện, phó thác cho Chúa Quan Phòng, vui thích thấy mình bị khinh thường, thỏa mãn khi chế ngự khoái cảm, lệ thuộc liên lỉ vào Thiên Chúa trong mọi sự, cầu nguyện không ngừng.
Thư gửi Đức Tổng GM Rouen, 10.1663, AMEP, T. 121, tr. 515
239. Một người không biết từ bỏ sẽ không là người nghèo.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
240. Sự nghèo khó hệ tại ở điều gì, không chỉ trong sự tuân giữ ba lời khấn Dòng nhưng đặc biệt là tước đi vĩnh viễn quyền sử dụng các năng lực tâm hồn, ngoại trừ trường hợp chúng được Thần Khí thúc đẩy để hành động theo ý muốn tốt lành của Chúa. *
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
241. Tài sản lớn nhất của con người không hệ tại nơi của cải bên ngoài, nhưng chính là những năng lực của tâm hồn mà Thiên Chúa đòi hỏi họ từ bỏ, để một khi nhường quyền sở hữu và hưởng dùng cho Đức Giêsu Kitô, người đó vào trong sự nghèo khó cụ thể, đích thực.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
242. Không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu-Kitô nếu không từ bỏ và chết đi trong mọi dịp đối với những ước muốn riêng, và với cả chính mình.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87
243. Tôi khẳng định rằng không có gì đáng kể, sự từ bỏ bên ngoài này chỉ được xem như một ý tưởng đẹp, một lời chỉ dẫn về những gì chúng ta phải thực hiện bên trong.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 648
244. Cần rời bỏ những con đường riêng, phải sống trong sự tự do, có một con tim cao thượng, và tin chắc sẽ gặp thấy trong hành trình của mình mọi điều cần thiết cho sự hoàn thiện theo bậc sống. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 610
245. Ý tưởng được chứa đựng trong giáo huấn Tin Mừng về sự noi gương Đức Giêsu-Kitô cách hoàn hảo, hệ tại điều này là nếu người ta không từ bỏ mọi sự, thì không có cách nào để trở thành môn đệ của Người.
Thư gửi Hoàng thân de Conti, 10.7.1663, AMEP, T. 857, tr. 173
Hũ Hài cốt của Đức cha Lambert de la Motte
Phần XII - TÌNH YÊU, TRI ÂN, BA LỜI KHẤN NỘI TÂM 246. Cần phải biết rằng một tâm hồn được nâng lên hàng ngũ các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô, thì nhận được những lợi thế mà điều chính yếu là được kết hợp với Thiên Chúa nhờ một cuộc hôn phối bất khả phân ly và vĩnh cửu trong đức tin, đức cậy và đức mến. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 754
247. Chính vì nhận được ba nhân đức thiên phú mà tâm hồn có khả năng trở nên hiền thê của Đức Giêsu Kitô, Đấng chỉ ký kết hôn ước với những tâm hồn trinh khiết, nghĩa là, những tâm hồn có một đức tin vẹn toàn, một đức cậy vững vàng và một đức mến chân thành. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 754
248. Có điều gì trọn vẹn hơn việc sử dụng toàn bộ thụ tạo như phương tiện tuyệt diệu để đến với Đấng Tạo hóa của mình ?.
Thư gửi cha Vincent de Meur, 6.1663, AMEP, T. 121, tr. 528
249. Đôi khi Chúa nhân hậu dủ thương mạc khải cho tâm hồn, trong những nỗi đau hiện tại, những mục đích của hành động thần linh này và các hoa trái Ngài muốn rút ra từ đó. Điều này nhấn chìm linh hồn trong tâm tình tạ ơn và tôn thờ tuyệt diệu. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 730
250. Hiệp hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô được đề xuất, sau khi nhận thấy lòng sùng kính lớn lao của các tín hữu ở những địa phương này, là biểu lộ tâm tình tri ân đối với Đấng Cứu Độ đã chịu thương khó và chịu chết vì mọi người.
Thư gửi Cha Lesley, 20-10-1670, AMEP, T. 858, tr. 189
251. Khi linh hồn nhận thấy hay cảm nghiệm được ý muốn của Thiên Chúa, nó quy hướng hoàn toàn về điều đó, không chỉ không đắn đo lưỡng lự, nhưng còn với một sự thỏa mãn khôn tả. *
Thư gửi cha Simon Hallé, ngày 15.3.1661, AMEP, T. 136, tr. 71
252. Lòng biết ơn và sự tưởng nhớ đến Chúa Giêsu Kitô trong những con tim ngoại giáo này hết sức đáng yêu, thế nhưng nó còn đặc biệt hơn nữa đối với người được chứng kiến.
Thư gửi bào đệ Nicolas Lambert, 25.11.1663, AMEP, T. 121, tr. 558
253. Mọi người đều có nghĩa vụ tối cần phải biết ơn Chúa Cứu Thế, Đấng đã gánh chịu nhiều nỗi đau thương. *
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 758
254. Toàn thể nhân loại rơi vào tình trạng thất sủng với Thiên Chúa, không bao giờ có thể đền tội cách xứng hợp, nếu Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh không xuống thế làm người để đền bù cách dư dật cho Chúa Cha, bằng việc giáng sinh, bằng đời sống, bằng những đau khổ và cuối cùng bằng một cái chết đau thương.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 701
255. Tương tự như cái chết hủy diệt tất cả mọi người thuộc bất kỳ phẩm cách nào và làm cho mọi người trở nên bình đẳng, cũng vậy tình yêu vượt thắng mọi khó khăn đối kháng với những khuynh hướng của nó, cả những điều nhỏ nhất cũng như lớn nhất.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87; T. 121, tr. 676
256. Nếu người ta đem so sánh sức mạnh của tình yêu và của sự chết, không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu mãnh liệt hơn sự chết.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87; T. 121, tr. 676
257. Chúng ta đã thấy gương các Thánh tử đạo và Thủ lãnh của các vị tử đạo là Đức Giêsu-Kitô, nơi Người, tình yêu đã chiến thắng sự chết.
Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 87; T. 121, tr. 676
258. Sự tiết độ hoàn hảo hệ tại tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa và loại bỏ tất cả mọi thứ tình yêu khác dù được phép cách nào đi nữa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 696
259. Mạnh mẽ là một nhân đức, có khả năng chịu đựng tất cả vì Chúa Cứu Thế.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 696
260. Sự công bằng là một nhân đức khác dẫn chúng ta vào tình trạng nô lệ rất thánh thiện và vĩnh viễn cho Thiên Chúa, và trao phó cho Ngài mọi năng lực của chúng ta.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 696
261. Sự cẩn trọng chỉ được trao ban chủ yếu để thẩm định điều gì có lợi nhất cho việc kết hợp chúng ta với Thiên Chúa.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 696
262. Không thể đạt tới sự trọn lành tột đỉnh như Chúa mong muốn, nếu chỉ cố gắng hết sức với sự trợ giúp của ơn Chúa để tuân thủ các lời khấn trong nội tâm mà không thể hiện ra bên ngoài tất cả những điều ba lời khấn đó biểu thị.
Thư gửi cha Vincent de Meur, 7.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 559
263. Với lời khấn khó nghèo nội tâm, sống từ bỏ, đánh mất hoàn toàn và liên tục các năng lực của tâm hồn.*
Nhật ký Nguyện ngắm, 7.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 559
264. Với lời khấn khiết tịnh nội tâm, không bao giờ chấp nhận chút tình cảm quyến luyến cho riêng mình hay bất cứ thụ tạo nào.
Nhật ký Nguyện ngắm, AMEP, T. 116, tr. 559
265. Với lời khấn vâng phục nội tâm, luôn thuận theo những tác động bên trong. *
Nhật ký Nguyện ngắm, 7.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 559
266. Tâm hồn luôn luôn nhớ lại rằng vì được kết hợp với Thiên Chúa bằng các lời khấn sống đời trọn lành: vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh nội tâm, tương ứng với ba nhân đức thiên phú : tin, cậy, mến, mà tâm hồn phải luôn luôn hành động cách xứng hợp với những nghĩa vụ của mình. *
Ký sự, AMEP, T. 121 ,tr. 755
267. Bằng lời khấn khiết tịnh nội tâm, linh hồn cam kết ra sức đòi buộc mình, để không bao giờ dính bén với bất cứ một thụ tạo nào.
Ký sự, AMEP, T. 121 ,tr. 755
268. Bằng lời khấn nghèo khó nội tâm, đối lại với sự cùng khốn, yếu đuối và bất lực bên trong cũng như bên ngoài của mình, tâm hồn hoàn toàn cậy trông, tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa, vì tin chắc chắn rằng mình được Ngài che chở đặc biệt.
Ký sự, AMEP, T. 121 ,tr. 755
269. Bằng lời khấn vâng lời, linh hồn luôn hành động theo sự thôi thúc nội tâm với xác tín rằng Thiên Chúa đã dủ thương kêu gọi mình vào một đời sống đức tin, tâm hồn phải phó thác cho sự lôi cuốn thánh thiêng của Ngài.
Ký sự, AMEP, T. 121 ,tr. 755
270. Đây chính là một bí mật tuyệt diệu : yêu mến Chúa Giêsu-Kitô cùng một mức độ trong sự tăm tối mù mịt, trong các thánh giá, trong những hy sinh, trong phần chén đắng Chúa trao cho chúng ta, cũng như khi Người đổ tràn tâm hồn chúng ta sự âu yếm yêu thương nhất.
Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 676
Chữ ký của Đức cha Pierre Lambert de la Motte
AMEP, tập 858, tr. 3