Thánh Giám mục Đa Minh Henares Minh sinh ngày 19.12.1765 tại làng Bacna, giáo phận Cornada, nước Tây Ban Nha.
Sau khi sinh Ngài thì gia đình vì công việc làm ăn nên cha mẹ ngài lại di chuyển về Granada, nơi đây Ngài đã lớn lên và theo theo học hết chương trình Trung học tại vùng đất thân thương này. Nhờ nền giáo dục đạo đức của gia đình, nhất là nhờ lòng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện của cha mẹ tâm hồn thơ ngây của cậu Henares ngay từ khi vừa lớn lên đã rất đạo đức. Sống trong gia đình với bầu khí ấm cúng yêu thương, cậu Henares cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng một tiếng mời gọi khác thúc giục cậu mãnh liệt hơn khiến cậu phải đáp lại một cách rất quảng đại. Đó là tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Cậu trình bày ý nguyện của cậu với cha mẹ và xin phép gia đình vào gia nhập Dòng Đa Minh lúc ấy cậu mới 16 tuổi. Sau hai năm tập luyện theo luật Dòng, ngày 30 tháng 8 năm 1783 Ngài chính thức được lãnh nhận tu phục Dòng Đa Minh tại Tập Viện Guadix. Là một Tập sinh sốt sắng, học hành xuất sắc nên các bề trên rất tín nhiệm và yêu quí. Khi nhận được lời kêu mời khẩn thiết của Đức Cha Obelar Khâm, Giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài rằng đã 15 năm nay giáo phận chưa nhận thêm được vị Thừa Sai nào, thầy Henares xin bề trên chuyển sang tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi với ước vọng sẽ được sang truyền giáo tại Việt Nam. Bề trên chấp thuận và thầy Henares đã may mắn được gia nhập ngay với một nhóm tu sĩ trẻ được sai đi truyền giáo tại vùng Đông Nam Á.
Trước hết nhóm tu sĩ trẻ tuổi này được đưa tới Manila, Phi Luật Tân dưới sự hướng dãn của linh mục Clementê Ignasiô Delgado sau làm Giám mục và cũng từ đây thầy Đa Minh Henares luôn được theo sát cha Clementê Ignatiô Delgado. Tất cả nhóm xuống thuyền vượt đại dương lênh đênh trên biển cả gần một năm trời vượt qua Đại Tây Dương rồi Thái Bình Dương và cuối cùng thì cập bến Manila ngày 9 tháng 7 năm 1786. Tới Manila, thầy Henares tiếp tục học thần học và dạy Văn Chương cho trường Santo Tomas. Ngày 20 tháng 9 năm 1789 thầy Henares lãnh chức linh mục và ngay sau đó được sai đi truyền giáo tại Việt Nam như lòng mơ ước từ lâu. Ngày 29 tháng 10 năm 1790 thuyền của Ngài vừa cập bến Ma Cao thì Ngài vui mừng được gặp lại cha Ingatiô Delgado. Thế là hai cha cùng với hai vị Thừa Sai khác là Vidal và Gatillepa, cả bốn đều vui vẻ xuống tàu tới Việt Nam, tới lãnh thổ điạ phận Đông Đàng Ngoài
Tới Việt Nam cả bốn vị đua nhau học tiếng Việt, nhưng cha Henares Minh lúc đó mới 25 tuổi, lại thông minh nên học rất mau chóng. Ngài được bề trên bổ nhiệm làm giám đốc Chủng viện Tiên Chu, kiêm giáo sư La Tinh và Tu Đức. Đến năm 1798, vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt bớ những người theo đạo. Tình thế trở nên khó khăn cho việc truyền giáo, Bề trên chỉ định Ngài làm Bề trên Phu Tỉnh dòng Đa Minh tại Việt Nam.
Khi Đức Cha Clementê Ignasiô Delgado Hy lên thay thế Đức Cha Alonso Phê qua đời vì bệnh sốt rét rừng, cai quản địa phận Đông Đàng Ngoài thì Ngài xin Đức Thánh Cha Piô VII đặt cha Đa Minh Henares Minh làm Giám mục Phó và ngày 9 tháng 1 năm 1803 các linh mục Thừa Sai và hơn 30 linh mục Việt Nam, hàng chục ngàn giáo dân về nhà thờ Phú Nhai Bùi Chu tham dự lễ tấn phong Đức Cha Đa Minh Henares Minh một cách vô cùng long trọng. Hai Đức Cha Delgado Y và Henars Minh như hình với bóng. Các ngài tích cực mở mang nước Chúa Đức Cha Henares Minh là một vị mục tử thánh thiện, khiêm tốn, đúng như lời cha Hermosilla Vọng viết về Ngài như sau:
“Đức Cha Đa Minh Henares Minh là một thủ lãnh thanh khiết trong đời sống, là vị mục tử nhiệt tâm không hề mệt mỏi vì ơn cứu độ các linh hồn và là đấng khao khát mãnh liệt phúc tử đạo. Ngài sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào trách vụ đòi hỏi, dù đang nửa đêm khuya vắng. Ngài có lòng đạo đức trổi vượt, biểu lộ qua việc cầu nguyện không ngừng, đồng thời siêng năng nghiên cứu các giáo phụ. Ngài sống nghèo khó theo Tin Mừng thực sự, và như một người cha hiền dịu, ngài quảng đại với những người xấu số nhất. Đó là những nhân đức chính mà ngài luôn nêu gương”. Hồi đó vua Minh Mạng quyết tâm tiêu diệt đạo Công Giáo, đã ra lệnh cho các quan đầu tỉnh phải tích cực thi hành. Tại Nam Định lúc đó Trịnh Quang Khanh là quan Tổng đốc nhưng còn lơ là thi hành lệnh của vua nên ông đã bị triệu hồi về kinh đô và bị khiển trách rất nặng lời. Vì thế khi trở về tỉnh, ông đã trở thành “con hùm xám” vô cùng tàn ác trong việc thi hành lệnh cấm đạo.
Tháng 4 năm 1838, để lập công đền tội, ông đã mang theo hơn 2 ngàn quân đổ về các làng Công Giáo vây bắt tất cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và những người theo đạo Công giáo. Đầu tiên kéo về làng Kiên Lao, bắt được Đức Cha Clementê Ingsiô Delgado Y còn Đức Cha Đa Minh Henares Minh và Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu thì đã nhanh chân thoát nạn. Nhưng sau đó cũng đã bị bắt tại Xương Điền do một ngư phủ nhận diện và đi tố cáo để lấy tiền thưởng. Bắt được hai Ngài đưa về phủ Xuân Trường, quan huyện đối xử với Đức Cha khá tử tế nhưng vì sợ triều đình nên ông cho lệnh nhốt vào cũi rồi áp giải về nộp cho quan Tổng đốc tỉnh Nam Định. Tới dinh quan Tổng đốc tỉnh Nam Định là Trịnh Quang Khanh, họ đặt chiếc cũi nhốt Đức Cha Đa Minh Henares Minh nằm sát với chiếc cũi nhốt Đức Cha Ingatiô Delgado Y. Hai Đức Cha được dịp nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha chừng nửa giờ. Tới khi quan truyền Đức Cha Đa Minh Henares Minh ký vào bản tường trình là đã giảng “tà đạo” và “lừa dối ngu dân”. Đức Cha nhất định không ký vì những lời vu khống này. Sau quan nổi giận và viết án gửi về kinh xin trảm quyết. Ngày 12 tháng 6 bản án gửi về kinh thì ngày 25 tháng 6 án lệnh gửi tới. Thế là ngày hôm sau các ngài được lãnh triều thiên tử đạo bay bổng về với Chúa.
Tại pháp trường Bảy Mẫu, Đức Cha Ignatiô Henares Minh muốn chứng kiến cái chết anh dũng của ngưòi môn đệ yêu quí là Thầy Giảng Phanxicô Đỗ Văn Chiểu nên đã xin được chết sau Thầy Chiểu. Quan đồng ý và ra lệnh chém đầu thầy Chiểu trước rồi trao đầu thầy Chiểu cho Đức Cha. Đức Cha vô cùng xúc động đưa tay đón thủ cấp của người môn đệ, dâng cao lên trời trang trọng cầu nguyện như dâng của lễ lên Thiên Chúa Cha. Sau đó, Đức Cha nghiêng đầu cho lý hình vung gươm lên cao chém một nhát, đứt cổ vị Giám mục Thừa Sai, suốt đời đã dâng hiến cuộc đời để phục vụ một dân tộc xa lạ và chính người con dân của dân tộc này đã chém đầu kết liễu đời sống của mình. Thi hài Ngài đã được bổn đạo an táng ngay tại pháp trường. Sau này đã cải táng rước về đặt tại nhà thờ chính toà Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài vào bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.