Ngày 28.06: Thánh Irênê - Giám Mục, Tử Đạo (khoảng 130-202)
Cập nhật lúc 16:12 28/05/2018
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ Thánh Hiêrônimô là người đầu tiên gọi Irênê là thánh tử đạo. Lễ nhớ người được danh mục các thánh tử đạo xác nhận là ngày 28 tháng 6. Mãi đến năm 1928, khi được đưa vào lịch Giáo triều Rôma, thì việc tôn kính ngài, trước tiên trong giáo đoàn Lyon, đã có từ lâu đời bên Đông Phương. Irênê, tên gọi có nghĩa là “Hiếu hòa”, sinh tại Smyrne khoảng 130, và sống trong khu thuộc địa gồm các Kitô hữu Hy Lạp gốc Tiểu Á. Ngài là môn đệ của thánh Polycarpe, mà vị này lại là môn đệ của Tông Đồ Gioan. Ngài được nhập cư vào xứ Gaule và tham quan Rôma, nơi đây ngài gặp vị triết gia đã trở lại đạo, đó là thánh Justinô. Điều này về sau sẽ giúp ngài thu thập rất nhiều tài liệu viết về các lạc giáo quan trọng nhất, đặc biệt về Ngộ đạo (gnose = trí thức cao đẳng về Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật, dựa trên niềm tin vào các uy thần vĩnh cửu lưu xuất từ hữu thể tối cao, các thần trung gian, và qua các uy thần đó Thiên Chúa hành động trong trần thế). Khoảng năm 177, người ta gặp lại ngài tại Lyon, lúc ấy là trung tâm thương mại và địa lý của xứ Gaule đang còn là vùng đất truyền giáo. Đó là thời kỳ bách hại khủng khiếp của Marc Aurèle, đã sát hại hơn 50 vị tử đạo tại Lyon ngày 2 tháng 6 năm 177. Trong các vị này, có các thánh Pothin, Maturus, Sanctus, Attale, Ponticus, một thiếu niên 15 tuổi, và Blandine, Bà đi vào chốn cực hình lòng “đầy vui mừng và hoan lạc” (Eusèbe). Vào lúc ấy, các Kitô hữu rất lo lắng vì các lời tiên tri đến từ Phrygie. Nơi đây, các lời tiên tri ấy lưu hành giữa những người theo phong trào Montaniste, nhưng đã bị Đức Giáo Hoàng Eleuthère nghiêm khắc phê phán. Bởi lẽ chúng loan báo Đức Kitô sắp quang lâm, với các thần sứ vây quanh. Sau khi được thụ phong linh mục tại giáo đoàn Lyon, Irênê được phái đến với Đức Giáo Hoàng Eleuthère trong cương vị đặc sứ hòa bình giữa các Giáo hội. Khi trở lại Lyon, ngài được mời kế vị giám mục Pothin. Lúc ấy, ngài lo đấu tranh chống phong trào duy lý ngộ đạo và chăm lo rao giảng Tin Mừng cho xứ Gaule. Ngài phái các nhà truyền giáo đến các vùng trong xứ đồng thời cũng đóng vai trò làm trung gian. Theo truyền thuyết được thánh Jerôme và thánh Grégoire de Tours xác nhận, ngài được tử đạo dưới thời Septime Sévère. 2. Thông điệp và tính thời sự Cả ba lời nguyện Thánh lễ đều nêu bật các nét đặc trưng chính của thánh Irênê: a.Trước hết, lời nguyện trong ngày, cũng như lời nguyện trên lễ vật, đều ca tụng Chúa đã cho “thánh giám mục Irênê thành công bênh đỡ đức tin chân chính”. Giáo đoàn Lyon nhìn nhận tước hiệu tiến sĩ dành cho ngài đã biết vạch trần các thuyết sai lầm, cách riêng ngộ đạo thuyết, như thuyết của Valentin, đồng thời tố giác các hệ tư tưởng sai lầm này là những nền thần học mang tính huyền thoại đang còn sót lại. Irênê là một trong những nhà thần học lớn nhất của thế kỷ IV: Khảo luận Chống Lạc giáo của ngài bác bỏ các kiến thức sai lầm, cũng như tập Diễn giải lời rao giảng của các Tông Đồ là một tác phẩm nhỏ hơn, viết bằng tiếng Armenie, được tìm thấy vào năm 1904. Cả hai tác phẩm đều thông chuyển cho chúng ta giáo lý đức tin chân chính lấy từ các nguồn Thánh Kinh và thánh Truyền, để củng cố niềm tin và lòng mến của chúng ta (xem lời nguyện). Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của thánh Irênê, được biết “giữ gìn niềm tin tinh tuyền vào Hội thánh”. Các Ki-tô hữu ở Lyon gởi cho các anh em tại Tiểu Á và Phrygie, cũng như cho Đức Giáo Hoàng Eleuthère lá thư, qua đó, họ gửi gắm Irênê và ca ngợi đức tin của ngài: “Chúng con nhờ anh Irênê chuyển cho ngài các lá thư này và xin ngài xem anh ấy như là người nhiệt thành bênh vực Giao ước của Đức Kitô. Nếu chúng con biết rằng chính phẩm hàm biện minh cho tư cách đứng đắn của một con người, thì chúng con xin giới thiệu với ngài anh ấy, trước hết là linh mục của Hội thánh và quả thật là như thế” (Eusèbe de Césarée, Lịch Sử Hội thánh, V,4,2). Lời nguyện hiệp lễ được diễn tả như sau: “Chính đức tin được thánh Irênê bảo vệ cho đến giọt máu cuối cùng, đã làm cho thánh nhân nên vinh hiển: Ước gì cũng chính đức tin đó mà chúng con sống cách chân thành, đem lại cho chúng con ơn công chính hóa”. Nhà thần học cao cả này đã nêu gương kiên vững trong đức tin. Lòng kiên vững này biến chúng ta nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô: Đặc biệt ngài đã triển khai các lý chứng nơi truyền thống và của các Tông Đồ mà “đã trở thành hiển nhiên trên khắp thế giới ngõ hầu bất kỳ ai đi tìm chân lý đức tin đều có thể chiêm ngắm chân lý ấy trong mọi Giáo hội.” Rồi ngài viết tiếp: “Chúng ta có thể liệt kê các giám mục đã được các Tông Đồ thiết lập, cũng như những đấng kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay. Thế nhưng, các ngài đã không giảng dạy điều gì, cũng như không quen biết người nào mà rập theo các thuyết điên rồ của họ (các thuyết ngộ đạo). Tuy nhiên, nếu các Tông Đồ đã biết các mầu nhiệm bí ẩn mà các ngài sẽ mạc khải cho những kẻ “hoàn hảo” rồi loại trừ các kẻ khác, thì các ngài sẽ thông truyền các mầu nhiệm ấy trước hết cho những ai đã được các ngài giao phó coi sóc các Giáo Hội. Bởi lẽ các ngài đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, không thể chê được nơi những kẻ kế vị là đã được giao trọng trách giảng dạy thay cho các ngài” (khảo luận Chống Lạc giáo, III, 3,1). Một yếu tố khác được nêu bật trong các lời nguyện Thánh lễ: “Xin cho chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí” (lời nguyện) “và gìn giữ Hội thánh luôn được hiệp nhất, không hề bị lay chuyển”(lời nguyện trên lễ vật). Tuy trung thành với Truyền thống Hội thánh, song Irênê vẫn là người biết đối thoại. Mười bốn năm sau khi ngài làm đặc sứ tại Rôma bên cạnh Đức Giáo Hoàng Éleuthère, sự hiệp nhất của Hội thánh suýt bị tan vỡ trở lại, do việc Giáo Hoàng Victor đe dọa ra vạ tuyệt thông cho các Giáo Hội Tiểu Á đang trung thành với truyền thống của thánh Gioan. Theo những điều Eusèbe cho chúng ta biết sau đó một thế kỷ (lịch sử Hội thánh) khi thuật lại các lời tranh cãi, thì Irênê đã biên thư cho Đức Giáo Hoàng Victor, “nhân danh các Giáo Hội xứ Gaule mà thánh nhân là kẻ lãnh đạo: người xác định trước hết rằng mầu nhiệm Phục Sinh chỉ được cử hành vào ngày chúa nhật. Rồi người cung kính xin Giáo Hoàng giữ các mối liên hệ hiếu hòa với những Giáo Hội này. Bởi lẽ cho dù việc tuân giữ các nghi thức của họ quả thật không giống như Giáo Hội Rôma, nhưng nó được thể hiện bởi các giám mục sống lâu đời hơn Victor như Soter, Anicet, Piô, Hygin, Télesphore hay Sixte.” Đối với Irênê, tiêu chuẩn hỗ trợ sự hiệp nhất trong hòa bình và tôn trọng các truyền thống khác nhau, đó là quyền kế vị các Tông Đồ, biết rằng quyền này đặc biệt luôn được thực thi trong Giáo Hội Rôma. Nên ngài đã viết: “Có lẽ bản liệt kê sẽ quá dài nếu tính nơi đây những đấng kế vị các Tông Đồ trong các Giáo Hội. Chúng tôi chỉ lưu ý đến Giáo Hội lớn nhất và lâu đời nhất, được mọi người biết đến, đó là Giáo Hội được thành lập tại Rôma bởi hai vị thánh Tông Đồ rất vinh hiển, Phêrô và Phaolô. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng truyền thống mà Giáo hội ấy nhận được từ các Tông Đồ và chân lý đức tin Giáo Hội loan báo cho chư dân, tất cả đều được chuyển giao cho chúng tôi qua quyền kế vị liên tục của các giám mục... do bởi quyền hạn đã được ban cho Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, tất cả các Giáo Hội khác đều phải qui chiếu và tuân theo Giáo Hội (Rôma) này, nghĩa là các giáo hữu ở khắp nơi. Truyền thống các Tông Đồ luôn luôn được gìn giữ trong Giáo Hội Rôma vì lợi ích của mọi người ở mọi nơi” (khảo luận chống Lạc giáo, II,3,1-2). Chính bởi các nguyên tắc này mà Irênê đã xứng đáng với tên gọi hiếu hòa và là người xây dựng hòa bình. Một đặc điểm khác của vị chứng nhân cho đức tin này là quan niệm của thánh nhân về con người. Câu danh ngôn được Bài đọc- Kinh sách trích dẫn, đã tóm tắt quan niệm ấy như sau: “Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”(khảo luận chống Lạc giáo IV). Đối với Hội thánh, điều này xác định chương trình không hề thay đổi của mình là luôn tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin như thể Hội thánh chỉ có “một con tim, một tâm hồn và một miệng lưỡi” (khảo luận chống Lạc giáo I,10,2).